Ngày 18-3 vừa qua, dân chúng Đài Loan đã bỏ phiếu bầu ông Trần Thủy Biển, lãnh tụ đảng đối lập Dân Chủ Tiến Bộ, hay còn gọi là Dân Tiến Đảng, vào chức vụ Tổng Thống Đài Loan, thay thế cho Tỏng Thống sẽ mãn nhiệm Lý Đăng Huy. Cuộc tranh cử đã diễn ra trong một bầu không khí rất tự do và náo nhiệt, mặc dầu cho tới ngày áp chót, Thủ tướng Trung Cộng Chu Dung Cơ đã lặp lại, dưới một hình thức khác, những lời thị uy đe dọa can thiệp bằng vũ lực, nếu ứng cử viên chủ trương ly khai với lục địa đắc cử. Nhưng khi ứng cử viên Trần Thủy Biển đắc cử, Bắc Kinh chẳng những không can thiệp mà còn dịu giọng, tuy vẫn coi Đài Loan là một địa khu của lục địa, đồng thời nhấn mạnh rằng trên thế giới chỉ có một nước Trung Quốc, bất cứ môtỉ hình thức "Đài Loan độc lập" nào cũng không được phép. Về phía Trần Thủy Biển, ngay sau khi kết quả cuộc kiểm phiếu được công bố, cũng đã có mấy bước lùi liên tiếp, qua những lời tuyên bố đầu tiên, nhằm giải tỏa bầu không khí ngột ngạt trước cuộc bầu cử : Đài Loan sẽ không tuyên bố độc lập, sẵn sàng thương lượng với lục địa vể mọi vấn đề, kể cả vấn đề một nước hai thể chế, miễn là vấn đề này không bị coi là tiên quyết, mời các nhà lãnh đạo Băc Kinh sang thăm Đài Loan v.v.... Liệu sự hòa dịu cố ý ở cả hai phía như vậy có giúp giải quyết ổn thỏa ngay được vấn đề Đài Loan hay không, hay lại chỉ là những hình thức nhượng bộ thuần chiến thuật, trong khi chờ đợi một bước leo thang mới gây thêm căng thẳng? Bắc Kinh sẽ làm gì trong những ngày sắp tới? Ông Trần Thủy Biển sẽ hành động ra sao sau ngày nhậm chức Tổng Thống?Tối ngày thứ Bảy 13-3, xuất hiện trước đám biểu tình hàng trăm ngàn người ăn mừng thắng cử, ứng cử viên đắc cử Tổng Thống Đài Loan, ông Trần Thủy Biển, tuyên bố rằng lịch sử dân chủ ở Đài Loan đã giở sang một trang mới. Câu tuyên bố hiền lành này, một mặt đã phản ánh được cảm tưởng chung của dư luận khắp nơi trên thế giới, nhưng mặt khác lại che phủ nhiều biến chuyển quan trọng đang có cơ xảy ra, ở lục địa cũng như ở Đài Loan, liên quan tới quy chế của đảo này.Việc dân chúng Đài Loan, bất chấp lời đe dọa dùng vũ lực không úp mở của Bắc Kinh, đã bầu một ứng cử viên chủ trương tách rời đảo với lục địa là một thất bại chua cay cho Bắc Kinh. Người ta tự hỏi, trước một sự thách đố xấc xược như thế, Bắc Kinh sẽ có những phản ứng nào để chứng tỏ rằng Bắc Kinh, không nói suông mà nói để làm. Với sự đắc cử của Trần Thủy Biển, mộng hòa bình thu hồi chủ quyền Đài Loan theo kiểu Hongkong, Macao đã thực sự tan vỡ. Nên chỉ còn con đường vũ lực để bắt Đài Loan trở lại chịu sự thống thuộc chính quyền lục địa.Từ thập niên 90, Bắc Kinh đã gia tăng ngân sách quốc phòng, rèn cán chỉnh quân, trang bị vũ khí mới cho hải quân, không quân, chuẩn bị tái chiếm một địa khu, 50 năm nay chưa ly khai trên danh nghĩa nhưng đã ly khai trên thực tế. Cách đây 4 năm, nếu đệ thất hạm đội của Mỹ không xuất hiện để thị uy trong eo biển Đài Loan thì không chừng ngày nay hòn đảo này đã ở trong vòng trật tự, như Hongkong và Macao. Xem ra Bắc Kinh muốn chứng tỏ cho mọi người hiểu rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng về mọi mặt để đàn áp tỉnh ly khai Đài Loan. Chỉ còn vấn đề thời điểm hành động là chưa được dứt khoát quyết định. Nhưng theo sự ước lượng của giới quân sự có thẩm quyền Mỹ thì quân đội nhân dân Bắc Kinh chưa đủ khả năng đánh chiếm và kiểm soát đảo Đài Loan. Dù sao, trong mọi trường hợp, tân Tổng Thống Trần Thủy Biển cũng không thể coi nhẹ mối đe dọa trước mắt, như Bắc Kinh đã từng nói bắn tiếng rằng, nếu Đài Loan nhất định đi theo thuyết "lưỡng quốc" thì phải mất từ ba tới năm năm, nhưng không chừng chỉ 24 tiếng đồng hồ là có thay đổi! Hai ngày sau khi Trần Thủy Biển đắc cử, Giang Trạch Dân tuyên bố ngoài tiền đề về nguyên tắc một nước duy nhất, mọi vấn đề khác đều có thể thương lượng. Điều làm bế tắc là chính tân tổng thống họ Trần lại bác bỏ tiền đề này!Hai đòi hỏi của tình thế đang được đặt ra cho họ Trần. Một là phải làm sao ngăn chăn hữu hiệu cuộc tấn công của quân lực lục địa, đánh bại mọi âm mưu chính trị nhằm thôn tính đảo. Hai là phải củng cố mau lẹ địa vị cho một tổng thống đắc cử với phiếu của hơn 1/3 số cử tri mà thôi. Củng cố để có đủ quyền uy đại diện cho toàn thể nhân dân Đài Loan, đồng thời bài trừ nạn tham nhũng của đảng thất cử, hiện vẫn còn nắm được đa số trong Viện lập pháp cũng như trong nhiều khu vực của xã hội dân sự.Để đối phó với tình thế, may cho Trần Thủy Biển là ông có một số lợi thế. Trước hết, là sự yểm trợ của Mỹ về mặt phòng thủ đảo. Binh lực lục địa tuy mạnh gấp gần 10 lần binh lực đảo, nhưng khó có thể xâm nhập chiến tuyến phòng thủ Mỹ-Đài Loan. Mặt khác, đối nội, ông Trần được sự ủng hộ chẳng những của người bản địa mà cả của các giới tu sĩ, chuyên gia, thương gia. Tuy tuổi tương đối còn trẻ, nhưng ông đủ bản lĩnh để thỏa hiệp với bộ phận tiến bộ của Quốc Dân Đảng, như đảng của ông đã từng chủ trương trước đây để đương đầu với Bắc Kinh.Tất nhiên, điều gì cũng có thể xảy ra, trong tình trạng cheo leo hiện nay của một hòn đảo, tuy nhỏ về diện tích nhưng lớn về kinh tế, tài chính, và hiện đang có những liên hệ kinh tế quan trọng với lục địa về mặt đầu tư. Tuy vậy, sự đột xuất của một lực lượng chính trị bản địa, có ý chí tự chủ là một sự kiện lịch sử mới, đã tạo cho không gian dân chủ Đài Loan một đà tiến mà chuyên chế Bắc Kinh không thể cản trở. Sớm hay muộn thì danh xưng Trung Hoa Dân Quốc cũng bị đẩy lùi vào dĩ vãng, để nhường chỗ cho một danh xưng mới, thích hợp hơn với nguyện vọng tự quyết của nhân dân Đài Loan, một nhân quần trong đó con cháu những người ào ạt đến từ lục địa năm 1949 đã hòa nhập với dân bản địa trong một quyết tâm chung là chối bỏ bằng mọi giá nền chuyên chế Bắc Kinh./. THIÊN TRUNG