Lời giới thiệu: Thời sự tuần qua chưa hết choáng váng vì trận động đất Trần Thủy Biển tại Đài Loan thì đã nhìn qua cuộc bầu cử không có nhiều bất ngờ mà vẫn đầy gian truân tại Liên Bang Nga. Trong khung cảnh đó, ít ai nhớ là trong tuần qua, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolồ Đệ nhị đã có hai chuyến viếng thăm những vùng đất nhiễu nhương nhất địa cầu là tiểu lục địa Nam Á và Trung Đông. Do nhiều cây bút phụ trách với phần biên tập của Thành Chung, Thế giới Tuần qua xin điểm lại mấy biến cố trên...Đài Loan có dân số gần 23 triệu người, và hình như 12 triệu trong số đó đã gây ra một trận động đất bằng lá phiếu cử tri và cơn địa chấn sẽ còn vang dội tới Hoa lục trong thời gian tới. Sau khi ông Trần Thủy Biển thắng cử hôm Thứ Bảy 18, dư luận Á Châu nhìn ra sự lúng túng của chính quyền Bắc Kinh trước một đột biến hòa bình mà dữ dội ở bên kia eo biển Đài Loan. Trong khi đó, thời sự tuần qua cũng chứng kiến một cơn khủng hoảng còn dữ dội hơn của Trung Hoa Quốc Dân Đảng, sau 55 cầm quyền đột nhiên đã bị dân chúng Đài Loan mời về trong sự giận dữ. Trước áp lực của lòng căm phẫn nổi lên từ chính các đảng viên và cảm tình viên của Quốc Dân Đảng, Tổng thống Lý Đăng Huy đã phải nhận lãnh trách nhiệm về sự thất bại, và từ chức Chủ tịch đảng, hôm Thứ Sáu vừa qua.Nếu việc ông nhận trách nhiệm là một điều cao đẹp về đạo đức, thì về mặt chính trị, chưa chắc điều đó đã có lợi cho chính trường Đài Loan. Trên trường đấu tranh, khó nhất là khi triệt thoái mà vẫn bảo toàn lực lượng. Ông Lý Đăng Huy từ chức Chủ tịch đảng là Quốc Dân Đảng bị mất đầu và càng dễ bị động loạn vào đúng lúc phải cải cách toàn bộ cơ chế lẫn đường lối. Thứ nữa, Đài Loan sẽ còn trải qua một đợt cải tổ cơ chế chính trị sau khi Quốc Dân Đảng mất quyền và toàn bộ hệ thống chính trị thừa hưởng từ thời 1947-1949 sẽ phải thay đổi. Việc cải tổ trước mắt chính là Quốc Hội, cơ chế trước đây vẫn do Quốc Dân Đảng chi phối và trước năm 1996 còn bầu chọn người lên làm Tổng thống. Trong tuần này, việc giải tán Quốc Hội sẽ được nêu ra và dân chúng sẽ phải bầu lên cơ chế khác. Chính là vì vậy mà Đài Loan vẫn cần một Quốc Dân Đảng không tan rã, để có thể góp phần xây dựng lại một hệ thống chính trị hữu hiệu hơn với đảng Dân Chủ Cấp Tiến của ông Trần Thủy Biển, và có thể cả Tân Đảng của ông Tống Sở Lẫm.Nhìn trong trường kỳ, trận động đất Trần Thủy Biển có thể là bước tiến rất xa cho nền dân chủ, thịnh vượng và phát triển của xã hội Đài Loan. Nhưng, một điều cần ghi nhận tuần qua, như lời ai điếu công bằng cho quá trình bảo vệ và phát triển Đài Loan của Quốc Dân Đảng. Đó là dù có khiếm khuyết, đảng này đã góp phần biến đổi Đài Loan, từ một vùng đất dung thân của kẻ bại vong ra một thành lũy của phát triển và dân chủ. Không có Tưởng Kinh Quốc và Lý Đăng Huy thì không thể có Trần Thủy Biển ngày nay. Và nhìn xa hơn nữa, trận động đất Trần Thủy Biển có khi lại gây khó khăn cho... Bắc Kinh vì tiêu diệt mất một giải pháp Trung Hoa Cộng Sản Đảng đang muốn tiến tới. Đó là làm như Quốc Dân Đảng, để vẫn lãnh đạo, vẫn cầm quyền mà vẫn góp phần tạo ra sự thay đổi cần thiết cho xứ sở. Việc Quốc Dân Đảng bị đào thải như vậy sẽ làm xu hướng cải tổ ở Hoa Lục mất sức thuyết phục và phe thủ cựu thêm lý cớ trì hoãn cải tổ. Và cuộc bầu cử tuần qua tại Nga lại càng củng cố xu hướng đó. Quyền tổng thống Vladimir Putin thắng ngay vòng đầu, và đảng Cộng Sản đã được nhiều phiếu hơn dự đoán là hai điều đáng chú ý nhất của cuộc bầu cử. Ông Putin đã thắng nhờ tâm lý uất ức của dân Nga trước sự tan loãng của quyền lực trung ương và suy sụp uy tín trước quốc tế. Người ta bầu ông vì bất mãn với thực tại hơn là vì những gì ông hứa hẹn tiến hành. Tân tổng thống Putin thực sự không hứa hẹn gì cụ thể, và cũng chẳng cần chương trình tranh cử hay hành động mà cũng thắng lớn vì nắm vững bộ máy tuyên truyền và đang có vẻ thắng thế trên chiến trường Chechnya. Khi phải bắt tay vào việc lãnh đạo và điều khiển quốc gia, có lẽ ông sẽ có khuynh hướng tập quyền hơn, để có một chính quyền mạnh hơn thời Yeltsin. Và tinh thần lãnh đạo của ông sẽ là sự khôi phục danh dự, tự hào của dân tộc, nghĩa là Putin sẽ ngả theo xu hướng quốc gia dân tộc trong những quyết định đối nội lẫn đối ngoại. Dân Nga sẽ chấp nhận một hình thức độc tài hơn, một tinh thần chống Tây phương hơn, nhưng điều đó có đưa Nga ra khỏi khủng hoảng hay không thì chưa ai có thể biết, kể cả chính ông Putin.Sau cùng, thời sự tuần qua có để ý tới chuyến thăm viếng Nam Á của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, một chuyến thăm viếng có giá trị biểu kiến đáng kể dù chưa có thực chất cụ thể ngoài triển vọng giao thương mở rộng giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ. Việc ông Clinton ghé thăm Pakistan cũng sẽ tác động đến tiến trình dân sự hóa nếu chưa là dân chủ hóa chính trị thay thế chính quyền của quân đội do tướng Pervez Musharraf lãnh đạo từ sau vụ đảo chính tháng 10 năm ngoái. Song song với chuyến công du Ấn Độ và Pakistan của ông Clinton, thế giới tuần qua cũng ghi nhận chuyến thăm viếng Jordan, đất Palestin và Do Thái của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolồ Đệ nhị. Dù đã già yếu, vị chủ chăn của Giáo Hội Vatican đã đi suốt một tuần trong một vùng đất phức tạp nhất thế giới để hòa giải cả ngàn năm mâu thuẫn giữa các tôn giáo và chủng tộc. Chuyến đi có lẽ sẽ đưa đến nhiều thay đổi hơn cho cả vùng Trung Đông, và là một bước ngoặt đáng kể cho hòa bình nhân loại mà Đức thánh cha đã hứa hẹn cho Thiên niên kỷ tới./.