Đảng CSVN đối với Phật Giáo Hòa Hảo (bài 2)

* Tình Hình Nam Bộ tháng Tám 1945 - So sánh thế lực VMCS/PGHHLời giới thiệu: Thưa Quý Thính giả, để tiếp tục Chương trình tìm hiểu lịch sử, hôm nay Đài Á Châu Tự Do trình bày Bài thứ nhất trong một loạt năm bài biên khảo về Chánh sách và Hành động của Đảng Cộng sản đối với Phật Giáo Hòa Hảo trong những năm đầu Kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ. Trong bài này Quý Thính giả sẽ nghe nhà biên khảo HAI TRANG nói về Thế lực của các tổ chức cộng sản ở Nam Bộ so sánh với Thế lực của Phật Giáo Hòa Hảo dưới sự lãnh đạo của Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ. Về phía các tổ chức cộng sản ở Nam Bộ, các dữ kiện được ghi lại trong bài này, hết thảy đều được trích dẫn từ các văn kiện lịch sử của Đảng, các tài liệu và lời trần thuật của các nhân vật quan trọng thời đó như Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Trấn, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiểng và rất nhiều người khác. Bộ sử nhan đề Cách Mạng Tháng Tám, do Viện Sử Học xuất bản ở Hà Nội năm 1960 đã ghi lại từ trang 221 và các trang tiếp theo, tình hình hoạt động của Đảng và của phong trào Việt Minh ở Nam Bộ được mô tả tóm tắt như sau đây....Sau khi Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, một số đảng viên bị bắt đi đày, số còn lại chạy tản mát khắp nơi ở Nam Bộ. Mãi tới năm 1943, cuộc khủng bố của đế quốc bớt đi, các đồng chí đảng viên cộng sản từ các nhà tù ra cùng các đồng chí lánh nạn tập hợp nhau lại và công cuộc phục hồi cơ sở đảng bắt đầu. Các nhóm cộng sản riêng rẽ đều tự động công tác. Các cơ quan lãnh đạo như Huyện ủy, Tỉnh ủy, Xứ ủy vẫn chưa lập được. Phải đến tháng Sáu năm 1945, Xứ ủy Nam kỳ mới được thành lập. Tháng Bảy năm 1945, Thành ủy Sàigòn-Chợ lớn được tổ chức. Đầu tháng Tám 1945, Tỉnh ủy Lâm thời Biên Hòa được thành lập. Tại nhiều tỉnh có những nhóm cộng sản tự phát từ tháng Sáu năm 1945. Những nhóm cộng sản này hoạt động riêng rẽ và đôi khi có chủ trương và hành động mâu thuẫn với nhau. Tình trạng khá phổ biến này xảy ra tại Nam Bộ mà trầm trọng nhất là tại Bặc liêu, Cà Mau, Giá Rai, Sađec, Cần Thơ, Long Xuyên. Như vậy, căn cứ vào các tài liệu lịch sử của đảng thì kể từ tháng Sáu năm 1945, hệ thống tổ chức của cộng sản ở Nam Bộ mới được nhen nhúm trở lại. Nhưng về phía các đoàn thể yêu nước không cộng sản thì có điều kiện hoạt động công khai ngay từ tháng Ba, sau khi Nhật xóa bỏ nền cai trị của người Pháp. Về phong trào quần chúng thì phát triển mau nhứt là tổ chức Thanh Niên Tiền Phong do ông Hồ Văn Ngà sáng lập và ông Ngà ủy nhiệm cho ông Phạm Ngọc Thạch làm Tổng Thơ ký. Nhờ sự ủng hộ của Nhựt bổn, các đoàn Thanh Niên Tiền Phong lớn mạnh mau chóng tại Sàigòn và các thành phố, các thị xã. Về phía tôn giáo dân tộc thì Hội Thánh Cao Đài cũng hết bị Pháp kềm kẹp, cũng như Phật Giáo Hòa Hảo được tự do hành đạo trên khắp các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.Từ năm 1943, mặc dầu phải ẩn cư ở Sàigòn, vị Giáo chủ của Phật Giáo Hòa Hảo đã chỉ thị cho các tín đồ ở các địa phương phải tổ chức phong trào Bảo An. Huỳnh Giáo chủ nói rõ rằng Bảo An đây theo nghĩa hẹp là Bảo vệ Trật tự Trị an, và theo nghĩa rộng là Bảo quốc An dân, vì vậy mà nhà cầm quyền dù là Pháp hay là Nhật cũng không thể bắt bẻ để làm khó hoặc ngăn cấm được. Theo chuyển biến của tình thế, phong trào Bảo An của Phật Giáo Hòa Hảo được đoàn ngũ hóa, tổ chức thành đoàn đội nam và nữ. Ban đầu các đội Bảo An tập luyện võ thuật, quyền cước, đao kiếm và khi có điều kiện thì học tập quân sự. Theo các tài liệu kiểm chứng được thì tính đến tháng Tám năm 1945, trong tổng số hơn một triệu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, có trên một trăm ngàn đội viên trong tổ chức Bảo An đã được huấn luyện và sử dụng thành thạo đao và kiếm sẵn sàng chống lại giặc cướp. Mùa xuân năm Ất Dậu, thể theo lời thỉnh cầu của đông đảo tín đồ xin thực hành châm ngôn Hành Đạo để Cứu Đời, hòa nhập vào nguyện vọng chung của dân tộc, Huỳnh Giáo chủ tuyên bố thành lập VIỆT NAM VẬN ĐỘNG ĐỘC LẬP HỘI. Nhiều nhà trí thức hoạt động văn hóa -xã hội không phải là tín đồ đã hưởng ứng và tham gia hoạt động của Hội. Trụ sở của Việt Nam Vận động Độc lập Hội đăt tại số 8 đường Sohier, thuộc Quận Nhứt Sàigòn, ỏ gần góc đường Phùng Khắc Khoan ngày nay. Sau khi tuyên bố lập Hội, Giáo chủ về Hậu Giang để thuyết pháp và chấn chỉnh hệ thống các Ban trị sự của Phật Giáo Hòa Hảo tại các địa phương. Đến tháng Sáu và tháng Bảy, sau khi được tin xảy ra nạn đói khủng khiếp ở Bắc Bộ và ba tỉnh miền Bắc Trung Bộ với số người chết lên tới hàng triệu, Huỳnh Giáo chủ lại đi thuyết giảng lần nữa ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong chuyến đi kéo dài hai tháng này, Huỳnh Giáo chủ đã thuyết giảng tại Một Trăm Lẻ Bảy (107) địa điểm. Chuyến đi này về sau được gọi là cuộc đi KHUYẾN NÔNG của Huỳnh Giáo chủ. Buổi thuyết giảng vào ngày mùng 4 tháng Sáu năm Ất Dậu của Huỳnh Giáo chủ tại sân vận động xã Mỹ Luông, quận Chợ Mới tỉnh Long Xuyên có tới trên dưới mười ngàn người dự nghe. Buổi thuyết giảng suốt hai tiếng đồng hồ này được một tín đồ là ông THIỆN TÂM năm đó mười chín tuổi, tường thuật như sau đây.Từ thuyền máy Đức Thày bước lên vừa đi vừa chào đáp mọi người cho đến khi bước lên diễn đàn. Ngài xây mặt bốn phía chào đồng bào bằng cách hai bàn tay nắm chặt vào nhau, đầu hơi cúi, đoạn Ngài cất tiếng nói. Giọng Ngài nghe thanh ấm như chuông đồng, tôi ngồi cách rất xa vẫn nghe được rõ ràng. Đức Thày thuật lại cảnh đói miền Bắc với nhiều thảm trạng bi đát. Nghe Đức Thày thuật lại, tự dưng nước mắt tôi trào ra, dù là trong lứa tuổi 19 của hàng nam tử, từ trước chưa lần nào bị xúc động như thế. Tôi đưa mắt nhìn chung quanh thấy ai nấy cũng đều gục mặt, lấy khăn chậm nước mắt. Có nhiều bà nhiều cô khóc ra tiếng, bỗng nghe Đức Thày kêu lớn lên ba tiếng: - ĐÓI, ĐÓI, ĐÓI ! - Mọi người đều giựt mình im lặng và hướng về diễn đàn. Đức Thày liền cất giọng: - Hỡi đồng bào! Hỡi đồng bào! / Thần chết đã tràn vào Trung Bắc .../ Muốn cứu khỏi tai nàn của nước / No dạ dày là chước đầu tiên / Nam Kỳ đâu phải sống riêng / Mà còn cung cấp cho miền Bắc, Trung.../ Kẻ phu tá cũng là trọng trách / Cứu giống nòi quét sạch non sông ... Đến đây, cần ghi thêm rằng trong bộ sử tựa đề Cách Mang Tháng Tám do Viện Sử Học Hà Nội biên soạn, ở Quyển 2, trang 268, có đoạn nói hoàn toàn ngược với sự thật về cuộc đi Khuyến Nông của Huỳnh Giáo chủ. Đoạn này viết như sau: Huỳnh Phú Sổ đến Vĩnh Long tuyên truyền tư tưởng bi quan yếm thế, khuyên mọi người không nên cày ruộng, không nên ganh đua với vật chất vì thế giới sắp đến ngày tận thế.Vào mùa thu năm 1945, trong nông thôn miền Nam, nhứt là miệt Hậu giang, uy tín của Huỳnh Giáo là cao hơn hết và điều nầy đã được các nhà viết sử người Việt cũng như người nước ngoài công nhận. Chính vì vậy mà trong cuộc họp khẩn cấp của Xứ ủy cộng sản Nam Kỳ kéo dài ba ngày đêm, từ 17 đến hết ngày 19 tháng Tám, một kế hoạch vừa đánh phá vừa thương thuyết (mà sau này gọi là vừa đánh vừa đàm) được thông qua nhằm đối phó với các đoàn thể yêu nước không cộng sản. Kế hoạch của Xứ ủy Nam Kỳ nhằm ba mục tiêu chính: một là noi gương Việt Minh ở Hà Nội phải ra tay cướp thời cơ, giành chính quyền với bất cứ giá nào; hai là thẳng tay hạ thủ bất cứ lãnh tụ chính trị nào không chịu đầu hàng và hợp tác; ba là chia rẽ hàng ngũ các lực lượng yêu nước không cộng sản. Bước thắng lợi đầu tiên của kế hoạch này là Xứ ủy Nam Kỳ cưỡng ép và dụ dỗ được Tổng Thơ ký của Thanh Niên Tiền Phong là ông Phạm Ngọc Thạch hợp tác với Việt Minh. Ông Phạm Ngọc Thạch vì sợ bị cộng sản thủ tiêu cho nên đến chiều 22 tháng Tám phải tuyên bố ly khai Mặt trận Quốc gia Thống nhứt và chịu đem Thanh Niên Tiền Phong nhập vào Việt Minh. Một nhân chứng lịch sử là nhà báo lão thành NGUYỄN KỲ NAM đã viết trong cuốn Hồi Ký của ông như sau: Sáng tinh sương ngày 25 tháng Tám, từ nhà xuống tòa báo, đi ngang qua Bồn Kèn trước Hãng Sạt-ne, tôi trông thấy một trụ lớn và vuông bốn mặt sơn đỏ lòm, kẻ chữ vàng, danh sách những người được chọn vào Lâm ủy Hành chánh, đứng đầu là Trần Văn Giàu. Danh sách có tên tám người nữa, trong số đó ông Phạm Ngọc Thạch được trao cho chức vụ Ủy trưởng Ngoại giao. Thưa Quý Thính giả, ngày mai cũng vào giờ này, Đài Á Châu Tự Do sẽ trình bày tiếp bài biên khảo thứ hai của trợ bút HAI TRANG. Quý Thính giả sẽ nghe tường thuật vụ bao vây và mưu sát hụt tại trụ sở Việt Nam Vận Động Độc Lập Hội.