Nam-Bắc Hàn trên đường hàn gắn

Lời giới thiệu: Thế giới có thể chưa được xem sáu vở nhạc tuồng do Kim Chính Nhật biên soạn, nhưng đã được thấy khả năng dàn dựng và diễn xuất của nhân vật lãnh đạo Bắc Hàn, khi ông tổ chức tiếp đón tổng thống Kim Đại Trung của Nam Hàn vào tuần qua. Người ta thấy một hình ảnh hiếu khách và niềm nở tới bất ngờ của lãnh tụ Bắc Hàn, và tự thân, điều đó cũng đủ là biến cố đáng chú ý. Nhưng, ba ngày gặp gỡ của lãnh đạo Nam-Bắc Hàn và bao kỳ vọng xuất phát từ cuộc gặp gỡ mới thực là biến cố có ý nghĩa nhất. Thời sự Trong tuần xin tổng kết về biến cố đó, qua bài phân tách của Võ Thành Văn...Từ năm 1995 tới năm ngoái, giới nghiên cứu Hoa Kỳ đã lượng định, rằng do cả thiên tai lũ lụt lẫn chế độ tập trung quản lý và hệ thống phân phối lương thực của nhà nước, hàng năm, có từ 300 đến 800 ngàn người dân Bắc Hàn bị chết đói. Về phần mình, các tổ chức Liên hiệp quốc ước đoán số nạn nhân ở khoảng hai triệu người. Một số nhà báo thì loan tin, đây đó đã xảy ra nạn người ăn thịt người... Nhưng, từ nhiều năm nay, Bắc Hàn lại nổi tiếng hoàn cầu nhờ một thành tích khác. Đó là dù kinh tế kiệt quệ và dân tình đói khổ, chế độ cộng sản Bình Nhưỡng vẫn theo đuổi kế hoạch chế tạo bom nguyên tử và hỏa tiễn. Người ta chưa rõ là họ đã chế ra bom chưa, nhưng Bắc Hàn đã thử hỏa tiễn Lao động, bắn xa 600 cây số, vào năm 1993, và tháng Tám năm 1998 thì bắn thử hỏa tiễn Đại pháo đồng, xa mấy ngàn cây số, và thực tế thì có bay ngang qua lãnh thổ Nhật.Trong khi đó, Nam Hàn đã gia nhập Tổ chức OECD, quy tụ các quốc gia kỹ nghệ hàng đầu của thế giới, đã trôi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế nguy kịch nhất từ khi lập quốc, tức là từ nửa thế kỷ nay, và đã phục hồi. Đồng thời, từ một chế độ độc tài quân phiệt xây dựng với mục tiêu bảo vệ miền Nam và công nghiệp hóa theo định hướng của nhà nước, Nam Hàn đã chuyển hóa thành một xứ dân chủ và đang cải cách toàn bộ cơ chế kinh tế cho tự do hơn. So sánh với Bắc Hàn, có dân số hơn 20 triệu và lợi tức bình quân chừng hơn 700 đô la một người một năm, Nam Hàn có dân số hơn gấp đôi, mức sống hơn gấp 10, và sức mạnh tổng hợp của kinh tế quốc dân hơn miền Bắc từ 20 tới 25 lần.Với điều kiện, đó việc Bắc Hàn có thể thôn tính miền Nam để thống nhất cả nước dưới chế độ cộng sản theo mô thức Việt Nam là điều vô vọng. Thực tế này có thể đã là động lực chính, khiến lãnh đạo Bắc Hàn cuối cùng đồng ý gặp gỡ tổng thống Kim Đại Trung của Nam Hàn, để bàn về việc hợp tác, và biết đâu chừng, việc thống nhất bằng một phương thức khác hơn là bom đạn. Thời sự tuần qua đã ghi nhận cuộc gặp gỡ lịch sử này, trong ba ngày từ 13 đến 15 tháng Sáu. Trong cuộc gặp gỡ, chủ tịch Bắc Hàn chứng tỏ mình là người hiếu hoà khác hẳn hình ảnh bí hiểm và tàn khốc thế giới vẫn nghĩ về ông. Vì vậy mà nếu chỉ nói tới cuộc gặp gỡ này, Kim Chính Nhật là người đạt nhiều kết quả nhất, cho uy tín cá nhân. Nhưng, kết quả về dài mới là điều dân tộc Đại Hàn thực sự quan tâm. Về kết quả lâu dài này, họ có quyền lạc quan vì khá nhiều lý do. Trước nhất, chiều Thứ Tư, hai lãnh tụ Nam Bắc Hàn đã ký thỏa ước, chứ không phải thông cáo chung bình thường. Thỏa ước ngắn gọn có vài ngàn chữ mà đủ vạch ra một lộ trình cho sự hợp tác ban đầu để củng cố niềm tin hai bên, hầu mở ra nhiều cơ hội trao đổi cần thiết, trước khi có thể tiến đến việc tái thống nhất. Thỏa ước gồm năm điểm, nhưng được lưu ý nhất ở điểm đầu tiên, khi hai bên khẳng định ý chí chủ động giải quyết vấn đề của mình cho quyền lợi tối thượng của dân tộc Đại Hàn. Kế tiếp, thỏa ước đặt cơ sở khai thông ngay một vấn đề nhân đạo là đoàn tụ các gia đình và tù nhân ở hai miền, sau 55 năm bị chia ly. Sau đó, thỏa ước nói tới các lãnh vực hợp tác thiết thực về văn hóa, xã hội, thể thao và môi sinh, trong khi duy trì một tiến trình phát triển cân đối cho nền kinh tế hai bên...Điều thứ hai làm họ lạc quan về kết quả gặp gỡ là yếu tố quốc tế. Xứ Cao Ly bị chia đôi từ năm 1945 do hoàn cảnh phát sinh ra chiến tranh lạnh, khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc. Năm đó, Phát xít Nhật bại trận và rút khỏi bán đảo Triều Tiên mà họ chiếm đóng từ năm 1910. Họ rút tới đâu, Hồng quân của Liên bang Xô viết tiến tới đó, đến vĩ tuyến 38 mới chịu ngừng vì gặp phải quân đội Hoa Kỳ tiến vào giải giới quân Nhật. Đến năm 1948, Liên xô chính thức hóa việc chia đôi, với sự ra đời của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Cao Ly, dưới sự lãnh đạo của đảng Lao động. Lãnh đạo đảng Lao động là Kim Nhật Thành được đào luyện từ Liên xô và mơ thống nhất cả nước dưới chế độ cộng sản theo mẫu mực Stalin. Đối diện, Nam Hàn được lập thành Đại Hàn Dân quốc, theo chế độ Cộng hòa, được Mỹ và Nhật yểm trợ. Năm 1948, lãnh tụ hai bên đã một lần gặp gỡ mà việc không thành vì Liên xô chống đối. Năm 1950, Liên xô và còn đốc Bắc Hàn tràn xuống miền Nam. Chiến tranh Cao Ly bùng nổ, khiến năm triệu người thiệt mạng hoặc thương vong, cả triệu người mất tích, bảy triệu gia đình bị chia ly kẻ Nam người Bắc. Cuộc chiến kết thúc bằng hòa bình giả tạo với hiệp định ngưng bắn ký kết năm 1953 tại Bàn Môn Điếm. Hai miền phân ranh ở vùng Phi Quân Sự, nơi chứng kiến hàng loạt hành vi xâm nhập và phá hoại của đặc công miền Bắc. Và theo Nghị quyết của Liên hiệp quốc, Mỹ phải duy trì 37.000 quân bảo vệ miền Nam.Kể từ đó, hai miền phát triển theo hai hướng, nhưng, Bắc Hàn lụn bại dần kể từ khi Hoa lục tiến hành cải tổ cuối thập niên 70 và nhất là từ khi Liên xô tan rã, đầu thập niên 90 nên không thể nuôi mãi cái chế độ dị hình này. Suốt 10 năm đó, Nam Hàn cũng trải qua nhiều thay đổi, để thành một xứ kỹ nghệ, được dân chủ hóa dần dần. Tại miền Bắc, dân chúng thiếu ăn nhưng nhà nước thừa đạn và đã mở nhiều chiến dịch phá hoại, khủng bố, ám sát, mà không đạt được mục tiêu gây động loạn trong Nam. Với sự tan rã của khối Xô viết, Bắc Hàn càng suy sụp và tự cô lập trong đường lối gọi là tự chủ của Kim Nhật Thành, mà vẫn đòi thống nhất bằng võ khí chiến lược. Chính là kế hoạch hạch tâm và hỏa tiễn của họ mới làm láng giềng e ngại. Mỹ, Nhật và Nam Hàn phải viện trợ bạc tỷ để đổi lấy lời hứa là Bắc Hàn ngưng kế hoạch hạch tâm. Nhưng, hứa rồi, Bình Nhưỡng lại chế tạo hỏa tiễn và trở thành mối nguy cho các lân bang. Sự rủi ro của một chế độ chết đói mà lại có thể bấm hỏa tiễn có đầu đạn hạch tâm khiến Mỹ và Nhật nghĩ tới kế hoạch phòng thủ chống phi đạn. Kế hoạch này vô hình chung lại bảo vệ luôn lãnh thổ Đài Loan trên vùng Đông Bắc, và thành một chướng ngại cho Trung Quốc. Bắc Kinh gây áp lực để Bắc Hàn chấm dứt việc gây hấn, hầu chấm dứt luôn lý cớ bảo vệ của Hoa Kỳ và giảm dần ảnh hưởng của Mỹ trên lục địa Á châu. Bắc Kinh đã can thiệp thì hậu thân của Liên xô là Liên bang Nga cũng không thể đứng ngoài mà không có tiếng nói can gián với Bình Nhưỡng.Kết cuộc thì Cao Ly bị chia hai vì chiến tranh lạnh, và sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt thì cũng mất 10 năm, chế độ cộng sản Bắc Hàn mới ý thức được sự đổi thay của tình hình. Khi những động lực khiến Đại Hàn bị chia đôi tiêu vong dần thì phản ứng đoàn kết của dân tộc Đại Hàn đã nổi lên, đưa tới cuộc gặp gỡ tuần qua và bản Thỏa ước lịch sử giữa hai ông Kim Đại Trung và Kim Chính Nhật. Điều đáng chú ý là bản Thỏa ước đã thực tiễn bỏ qua hai đề tài gai góc dễ gây đổ vỡ cho cuộc hội ngộ tiên khởi. Đó là sự hiện diện của binh đội Mỹ trong Nam và các kế hoạch hạch tâm hay hỏa tiễn ở miền Bắc. Dù bốn nước Nga, Tầu, Mỹ, Nhật đều quan tâm, lãnh đạo hai bên đã gác lại các đề tài đó, để đạt sự đồng thuận ở những việc khả thi và đắc nhân tâm nhất, đó là đoàn tụ và hợp tác giữa hai miền. Tinh thần tiệm tiến và khá thực tiễn này mới khiến người ta tin tưởng, rằng, về dài dân tộc Đại Hàn vẫn có hy vọng nhìn lại nhau, và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn 55 năm tương tàn vừa qua...