Cuộc khởi nghĩa của V.N.Q.D.Đ năm 1930 (bài 1)

Lời giới thiệu: 60 năm trước đây đúng ngày này, ngày 17 tháng Sáu năm 1930, tại pháp trường thị xã Yên Bái, thực dân Pháp đã xử tử vị Đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng là ông Nguyễn Thái Học cùng với 12 đồng chí của ông. Các nhà cai trị người Pháp thời đó đã cho dùng máy chém chặt ngang cổ từng người cách mạng Việt Nam. Tất cả người Việt Nam đều ghi nhớ việc làm tàn bạo này của thực dân Pháp. Cho đến nay ở trong nước, dầu như đất nước nằm trong tay những người cộng sản, tại thủ đô Hà Nội, tại Sàigòn và tại nhiều thị xã, thị trấn khác vẫn còn những đường phố mang tên Nguyễn Thái Học và tên các vị lãnh đạo khác của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Tuy nhiên hầu hết những người thuộc lớp tuổi 40 trở xuống đều chỉ được biết lờ mờ rằng Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông là những người yêu nước chống thực dân Pháp. Có điều đáng đau buồn hơn nữa -- một đau buồn chung cho tất cả mọi người Việt Nam -- là: ở miền Bắc kể từ năm 1954, không có một người dân thường nào dám nói đến danh hiệu Việt Nam Quốc Dân Đảng và cuộc khởi nghĩa do Đảng trưởng Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Chỉ có các cán bộ làm công tác phát động quần chúng trong thời gian Cải cách Ruộng Đất mới được phép nói đến danh hiệu đó. Nhưng mỗi lần nói đến Việt Nam Quốc Dân Đảng là cán bộ phát động phải bày tỏ căm thù tột độ với lời lẽ "Bọn Quốc Dân Đảng Phản Động".Nguyên do là theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương của Đảng Cộng sản, và theo Luật Cải Cách Ruộng Đất, Hồ Chí Minh, Trường Chinh và Phạm Văn Đồng đã ra chỉ thị cho các Đội Phát động phải coi các đảng theo chủ nghĩa quốc gia dân tộc là "kẻ thù số hai". Tại mỗi thôn, mỗi xã, Đội Phát Động phải ấn định là có 5 phần trăm hoặc 7 phần trăm dân chúng phải được phát hiện để quy vào thành phần "Quốc Dân Đảng Phản Động". Từ ngày đó, không riêng cán bộ đảng viên mà cả dân chúng đều có thói quen gọi tất cả các thành phần có tư tưởng khác với cộng sản là phản động hoặc phản cách mạng". Tệ hại hơn thế nữa là thói quen này bám sâu vào tư tưởng và hành động của cán bộ đảng viên các thế hệ sau trong chiến tranh xâm chiếm Miền Nam. Chính điều này đã tác hại hết sức sâu rộng cho tình đoàn kết dân tộc sau khi người cộng sản lập xong nền cai trị trên cả nước, và còn đang tác hại đến ngày hôm nay.Bởi vậy cho nên hàng năm, vào ngày giỗ Nguyễn Thái Học và mười hai đồng chí của ông, ôn lại cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1930 là việc cần thiết. Ban Biên tập chương trình tiếng Việt của Đài Á Châu Tự Do giới thiệu với Quý Thính giả loạt bài do một trợ bút của Đài là HAI TRANG biên khảo. Ngoài những điều đã được nhiều tác giả ghi chép trong các tập sử liệu về Việt Nam Quốc Dân Đảng, người biên khảo sẽ cống hiến Quý Thính giả thêm một số dữ kiện với những tài liệu tới nay chưa được nói đến.Có những câu hỏi mà nhiều người muốn biết nhưng chưa được giải đáp chính xác. Kế hoạch khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng vào mùa xuân năm 1930 có phải chỉ tập trung vào căn cứ quân sự của thực dân Pháp ở tỉnh lỵ Yên Bái hoặc là còn nhắm vào các căn cứ khác? Trận liệt của các nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa lập ra là như thế nào? Lá cờ cách mạng của Việt Nam Quốc Dân Đảng thời đó mang những màu sắc gì? Các nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đã có ra Tuyên Cáo gì mà được quốc dân hưởng ứng nhiệt thành đến thế? Các chiến sĩ quốc dân xung trận tấn công các đồn quân Pháp đã tuyên thệ như thế nào trước khi xuất quân? Và một câu hỏi rất quan trọng khác mà tới nay ít có nhà biên khảo nào đề cập tới. - Đảng Cộng sản đã có thái độ như thế nào khi xảy ra cuộc Khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng chống Pháp. Sau đó Đảng Cộng sản đã viết gì về cuộc Khởi Nghĩa này? Trợ bút Đài Á Châu Tư Do, Hai Trang, sẽ có lời giải đáp trong Chương trình Lịch sử của Đài Á Châu Tự Do, sẽ được bắt đầu từ ngày mai, Chúa Nhật 18 tháng Sáu...