Thế giới tuần qua (Jun 28, 2000)

Lời giới thiệu: Thế giới tuần qua có theo dõi vụ bầu cử Quốc hội tại Nhật Bản và việc Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam họp Hội nghị kỳ thứ 10 để chuẩn bị Đại hội đảng khóa Chín vào năm tới. Việc đảng Dân chủ Tự do dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Mori Yoshiro thắng cử có làm dư luận nhiều nơi thất vọng, trong khi đó, việc đảng Cộng sản Việt Nam họp Hội nghị Trung ương lần thứ 10 lại làm nhiều người hy vọng, rằng đảng này sau cùng cũng tìm ra sự đồng thuận để ký kết Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ... Nhưng, thế giới tuần qua không chỉ quan tâm tới tình hình Nhật Bản hay Việt Nam: việc Indonesia lại trôi vào khủng hoảng cũng là đề tài đáng chú ý trong tuần. Do nhiều cây bút phụ trách với phần biên tập của Thành Chung, Thế giới Tuần qua xin điểm lại các biến cố nói trên...Tình hình Indonesia là đề mục đáng chú ý của thời sự tuần qua, vì xung đột bùng nổ mạnh tại thủ phủ Ambon của quần đảo Molucca giữa hai sắc dân theo đạo Hồi và Thiên chúa giáo làm 40 người tử thương. Từ 18 tháng nay, 2.500 người bị thiệt mạng vì xung đột và bạo hành này. Không khí nội chiến đã lan rộng trên đảo, ở nhiều nơi, hai phe Hồi giáo, Thiên chúa giáo cùng các đơn vị bảo vệ trật tự đã thành ba lực lượng bắn giết nhau trong hỗn loạn. Từ thủ đô Jakarta, lãnh đạo quân đội Indonesia vừa thông báo kế hoạch thay thế các đơn vị bảo an tại đây với lý do là nhiều binh lính bị xúc động và giận dữ vì các vụ xung đột đó nên hết còn sự bình tĩnh khách quan để đối phó với tình hình. Kế hoạch được thông báo sau khi chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp trên lãnh thổ Molucca. Trong khi dư luận thế giới theo dõi điều mà ai cũng e sợ, là nội chiến, thì chính trường thủ đô Jakarta cũng gặp biến động bất lợi. Tổng thống Abdurrahman Wahid đã có phản ứng đáng ngại khi tuyên bố tuần trước, là ông sẽ cách chức một số bộ trưởng. Nội các do ông thành lập mới tám tháng thì đã trải qua rất nhiều sóng gió. Một phần là những tai tiếng liên quan đến tiền bạc; một phần nữa là tranh chấp cục bộ giữa các phe trong chính quyền liên hiệp; bên cạnh là việc một số tướng lãnh đã hết kiên nhẫn trước sự suy đồi của an ninh, lại còn bất mãn vì việc tổng thống Wahid vẫn muốn điều tra và xét xử một số sĩ quan liên hệ đến nạn bạo hành tại Đông Timor năm ngoái. Trong không khí bất ổn như vậy, việc ông Wahid tuyên bố một cách bất nhất và bất ngờ càng làm người ta lo rằng ông không đủ khả năng lèo lái con thuyền quốc gia qua cơn giông bão hiện nay. Dư luận sở dĩ nghi ngại như vậy vì sau khi đòi cách chức một số bộ trưởng, thì hôm đầu tuần ông Wahid lại khẳng định rằng ông không có ý định cải tổ nội các. Đâm ra, dư luận không hiểu là ông muốn gì và liệu có thể ổn định được tình hình chính trị ngay tại Jakarta hay không, chưa nói tới động loạn ở các địa phương. Indonesia là xứ đa văn đa chủng, trên một quần đảo gồm 17.000 đảo trải ngang Thái Bình Dương, nên nằm trên đường vận chuyển huyết mạch từ eo biển Malacca lên Đông Bắc Á hay về tới Trung Đông và Âu châu. Vì vậy, nền an ninh của xứ này trực tiếp ảnh hưởng tới sự chuyển vận nguyên liệu và hàng hóa của các lân bang, từ Đông Bắc xuống Đông Nam Á, từ Tây sang Đông. Vì lý do này mà một quốc gia dù ở thật xa cũng rất quan tâm theo dõi tình hình Indonesia, đó là Nhật Bản. Nhưng, trong tuần rồi, họ ưu lo tới đề mục cấp bách hơn, đó là cuộc bầu cử Quốc hội. Về cuộc bầu cử này, ta cần nhớ lại một số chi tiết trong bối cảnh kinh tế chính trị Nhật. Trước đây, đảng Dân chủ Tự do đang nắm đa số tương đối và cầm quyền qua một liên minh với ba đảng nhỏ khác kể từ cuối năm 1998. Tới tháng Ba, liên minh đó gặp khủng hoảng khi một trong ba đảng nhỏ này rút lui. Giữa cơn rối loạn thì Thủ tướng Obuchi Keizo lại bị tai biến mạch máu não, vào tháng Tư, rồi hôn mê và tạ thế. Nội bộ đảng Dân chủ Tự do đã bàn tính riêng, để cuối cùng đưa ông Mori Yoshiro lên thủ tướng. Y như mọi dự đoán, ông Mori đã giải tán Quốc hội và cho tổ chức bầu cử lại. Ngày bầu cử 25 tháng Sáu vừa rồi, lại trùng với sinh nhật của cố thủ tướng Obuchi. Và, với tỷ lệ bỏ phiếu khá thấp theo tiêu chuẩn Nhật, là có 62% cử tri thôi, người Nhật cũng làm đúng như dự đoán của giới quan sát quốc tế, đó là lại tín nhiệm đảng Dân chủ Tự do, với 233 ghế. Đảng Dân chủ Tự do được thành lập từ năm 1955 và liên tục nắm quyền từ đó đến nay, ngoại trừ 10 tháng ngắn ngủi bị mất quyền vào năm 1993. Đảng này theo xu hướng bảo thủ và không có khả năng đưa Nhật ra khỏi 10 năm khủng hoảng, kể cả hai năm bị suy thoái vừa qua. Thủ tướng Mori Yoshiro lại có biệt tài tuyên bố ẩu tả, làm mất lòng nhiều người, kể cả đồng chí trong đảng, và trước cuộc bầu cử chí có 10% dân chúng là tín nhiệm ông mà thôi. Nhưng, rốt cuộc đảng của ông Mori vẫn thắng, vì nhân vật đối lập sáng giá nhất lại chỉ được có 9% dân chúng ủng hộ. Với 233 ghế trong Hạ viện tổng cộng 480 ghế, đảng Dân chủ Tự do của ông Mori vẫn có khả năng cầm quyền, qua liên minh với đảng Tân Công minh và đảng Tân Bảo thủ, để có tất cả là 271 ghế. Kết luận ở đây là dù Nhật Bản đang suy sụp về kinh tế sau tám biện pháp tăng chi để kích cầu trải qua tám năm đằng đẵng, đảng cầm quyền vẫn được dân tín nhiệm. Đảng này chẳng có thành tích nào khá hơn mà vẫn được dân bầu lại là vì đối phương, là các đảng đối lập, cũng chẳng khá hơn và không đề nghị ra giải pháp nào khả quan hơn. Nói chung, dư luận Á châu đều thất vọng với kết quả bầu cử, và cho rằng với tình trạng trì trệ chính trị như vậy, Nhật sẽ không ra khỏi suy thoái. Đảng Dân chủ Tự do có thể khéo vận động trong hậu trường chính trị để tìm ra liên minh cầm quyền chứ không thể có viễn kiến cần thiết cho nước Nhật, lẫn cho toàn cõi Á châu.Vào tháng tới, Nhật sẽ đăng cai tổ chức tại Okinawa hội nghị cấp cao của bảy nước kỹ nghệ hóa nhất thế giới tức là nhóm G-7, nhưng với Thủ tướng chủ trì, người ta không tin rằng Thượng đỉnh này sẽ phát minh ra điều mới lạ. Sau cùng, nếu có xét vào chi tiết, người ta có thấy đảng Dân chủ Tự do bị bại ở các đô thị và thắng phiếu nhờ quần chúng ở nông thôn, xưa nay vẫn ủng hộ chế độ bao cấp do đảng này chủ trương. Điều đó cho thấy rằng đảng này đang mất dần tư thế tiền phong và trở thành lực lượng thủ cựu. Nhưng, dù sao, Nhật Bản vẫn là một xứ dân chủ, nên báo chí Nhật đã thẳng tay đả kích chính phủ Mori trong nhiều tháng liền vì những yếu kém khi phải khai thông vấn đề kinh tế. Trường hợp đó không xảy ra cho đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng là một lực lượng thủ cựu và hết khả năng ứng phó với những đổi thay của thế giới, tuần qua đảng này đã triệu tập Hội nghị Ban chấp hành Trung ương, lần thứ 10, tại thủ đô Hà Nội. Nghị trình được thông báo là để sửa soạn văn kiện cho Đại hội Chín, dự trù tổ chức vào tháng Ba năm tới. Thực ra, Hội nghị Trung ương đảng lần thứ 9 được tổ chức trước đây cũng vì mục tiêu đó mà không hoàn thành được dự thảo các văn kiện, nên mới có Hội nghị thứ 10, và còn có khả năng trải qua một Hội nghị thứ 11 vào tháng 10 này, trước khi đảng biết là sẽ nói và sẽ làm gì trong Đại hội khóa tới. Từ nay đến đó, người ta không thể trù tính hay quyết định được việc gì khác cả.Theo thông báo chính thức, Hội nghị kỳ 10 này sẽ thảo luận về bốn đề tài lớn là: thứ nhất, đánh giá bối cảnh quốc tế và trong nước về thời cơ, thách thức và nguy cơ; thứ hai, chế độ sở hữu và các thành phần kinh tế; thứ ba, kinh tế độc lập và hội nhập quốc tế; và sau cùng, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đảng trong tình hình mới. Chính thức thì vậy, thực tế thì có lẽ lại khác. Thực tế là đảng và nhà nước Việt Nam đang phải xử lý một vấn đề cấp bách hơn. Đó là nên hay không nên ký kết bản Hiệp định Thương mại đã đồng ý về nguyên tắc với Hoa Kỳ từ tháng Bảy năm ngoái mà cuối cùng vẫn chưa ký. Câu hỏi này là một vấn đề lớn, vì, sau ba năm đàm phán với Mỹ qua 10 lần hội họp và sau nhiều lần bàn thảo mật trong nội bộ, cả bộ Chính trị lẫn Trung ương đảng vẫn chưa nhất trí là nên ký không, nên chính phủ mới bị thành trò cười cho quốc tế.Tháng Tư năm rồi, phía Việt Nam đã gửi văn thư cho Hoa Kỳ đề nghị thảo luận lại về bản Hiệp định này, và phía Hoa Kỳ bèn mời Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan qua Mỹ vào tuần tới. Ông Vũ Khoan sẽ chỉ có thể nói những điều đã được đảng thông qua, và cho tới nay, đảng chưa tìm ra sự đồng thuận tại Hội nghị Trung ương đang nhóm họp, nên chưa ai biết Hà Nội sẽ ký hay không. Trong khi đó, phía Mỹ tỏ ý dễ dãi thông cảm với một số điều nhưng không chịu thương thuyết lại những điều đã đồng ý, và căn bản nhất, việc Trung Quốc đã ký thỏa ước mậu dịch song phương với Mỹ và sửa soạn gia nhập tổ chức WTO, cũng khiến lãnh đạo Hà Nội phải suy tính. Nguồn tin quốc tế được đài Á châu Tự do thu thập cho biết rằng đảng rất quan tâm tới hệ thống quốc doanh và kinh tài của mình, cho nên, tháp tùng Bộ trưởng Vũ Khoan kỳ này sẽ có nhiều đảng viên cao cấp trong Ban Kinh tế Trung ương. Điều này xảy ra ngoài sự dự liệu của giới quan sát quốc tế, và cho thấy rằng kỳ này, Hội nghị Trung ương sẽ chưa thể bàn về các văn kiện đảng vì còn phải tìm ra giải đáp cho câu hỏi, là có nên hội nhập nền kinh tế quốc dân vào thế giới văn minh hay không...