Suy trầm Mỹ và Kinh tế Á Châu


2001.01.01

Lời giới thiệu: Hầu hết các nhà nghiên cứu kinh tế Á Châu nay đều đồng ý rằng qua năm 2001, các nền kinh tế đang phát triển tại đây sẽ đạt mức tăng trưởng thấp hơn năm ngoái. Nhưng thấp hơn đến chừng nào thì chưa ai có thể đoán rõ, vì tình hình Châu Á còn tùy thuộc vào tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ, chắc chắn cũng sẽ sút giảm so với năm 2000 vừa kết thúc. Mở đầu cho một năm mới, Diễn đàn Kinh tế xin khởi đi từ dự đoán bi quan đó để nêu ra vài hậu quả cho các nước trong vùng, qua bài nhận định của Nguyễn An Phú sau đây... Trước khi khủng hoảng kinh tế xảy ra năm 1997 và hoành hành suốt năm 1998, các nước Á Châu đều phải tranh đua rất gắt để vừa thu hút vốn đầu tư nước ngoài và vừa tranh thủ thị trường xuất khẩu. Vụ khủng hoảng bùng nổ càng khiến việc tranh đua trở nên khó khăn hơn, vì đầu tư nước ngoài sút giảm và không đủ bù đắp số cầu nội địa bị hao hụt. Lý do đó khiến hầu hết các quốc gia trong khu vực đều phải nhắm vào thị trường xuất cảng để tìm động lực hồi phục thay vì phát triển thị trường nội địa. Trước khủng hoảng, phần đóng góp của xuất cảng vào số tăng trưởng tổng sản lượng nội địa GDP của Á Châu được ước lượng khoảng 50%. Trong hai năm qua, phần đóng góp đó lên tới 100%, và thị trường Mỹ là nơi tiếp nhận hàng hóa Á Châu nhiều nhất. Bây giờ, khi kinh tế Mỹ có chỉ dấu suy thoái, các nước Á Châu không thể không bị ảnh hưởng bất lợi. Nhưng, sự suy sụp của thị trường nhập cảng Mỹ không là nguyên nhân duy nhất. Trước hết, tự thân thì kinh tế Á Châu đã có dấu hiệu trì trệ từ giữa năm 2000. Trong hai quý đầu năm chẳng hạn, kinh tế các nước đang phát triển tại Á Châu, chủ yếu là Á Châu ngoài Nhật, đã đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 7,8%. Thế rồi, từ mùa Thu, tốc độ này chậm hẳn lại và có thể chỉ còn là 3% cho quý bốn mà thôi. Đa số các nhà kinh tế dự đoán là tính cho toàn năm 2001 này, tốc độ tăng trưởng của Á Châu ngoài Nhật có thể chỉ còn là hơn 5%. Nếu sánh với tốc độ tăng trưởng toàn cầu là 3,5% thì tỷ lệ này có thể là khả quan, nhưng so với đà tăng trưởng trung bình là 7-8% trước đó thì quả là kinh tế Châu Á có bị khựng. Và trong bối cảnh vẫn còn èo oặt của hệ thống ngân hàng bị ngập nợ lẫn công chi ngân sách gia tăng quá mạnh trong ba năm qua, sự trì trệ này quả là điều đáng ngại. Sự trì trệ này xuất phát trước tiên từ tốc độ suy giảm của xuất cảng. Vậy mà qua năm tới, xuất cảng sẽ còn giảm mạnh nữa, coi như tốc độ gia tăng xuất cảng sẽ sụt mất từ 40% đến hơn 60%, tùy theo từng dự báo của các ngân hàng hay công ty tài chánh quốc tế. Nếu kinh tế Mỹ lại bị suy trầm, và chỉ đạt tốc độ tăng trưởng dưới 3%, với tâm lý của giới tiêu thụ trở nên bi quan hơn và với đà tuột dốc của các công ty kỹ thuật, như nhiều người dự báo, tình hình Á Châu sẽ còn nguy ngập hơn nữa. Ngoài nạn xuất cảng suy giảm sau khi đã là động cơ chính của tăng trưởng và hồi phục, kinh tế Á Châu còn bị nạn dầu thô tăng giá gấp ba khiến các nước không có dầu đều bị thiệt hại. Như trường hợp Việt Nam, dù có dầu xuất cảng và góp phần gia tăng trị giá xuất cảng tới 24% thì cũng lại bị phí tổn nhập cảng cao hơn, tăng đến hơn 30%. Sau cùng, căn bản nhất, hầu hết các nước Á Châu bị khủng hoảng, kể cả Nhật Bản, đều chưa dứt khoát tiến hành việc cải tổ cơ chế kinh tế, vì lầm tưởng rằng họ đã sớm vượt qua cơn hoạn nạn. Dù sao, với tình trạng kinh tế Á Châu được giàng vào bộ máy xuất cảng, khi kinh tế Mỹ suy trầm, hoặc có khi còn suy thoái, thì quốc gia nào càng lệ thuộc nhiều vào ngoại thương với Mỹ càng bị ảnh hưởng nặng. Có hai trường hợp đáng chú ý là hai xứ đông dân nhất Á Châu, là Trung Quốc và Ấn Độ lại bị ảnh hưởng nhẹ nhất. Trung Quốc thì đã sớm phát triển thị trường nội địa làm lực đẩy bộ máy sản xuất mà lại còn đạt thành tích xuất sắc là thị trường chứng khoán tăng giá mạnh nhất hoàn cầu trong năm qua. Về phần Ấn Độ, xuất cảng chỉ chiếm có 13% của tổng sản lượng GDP. Các quốc gia khác thì không được như vậy. Bị ảnh hưởng nặng hơn cả sẽ là Đại Hàn, Đài Loan và Thái Lan, vì vừa lệ thuộc mạnh vào xuất cảng cho Mỹ vừa bị ngân hàng ngập nợ hoặc ngân sách bội chi quá nặng. Có hai quốc gia khác thì mặc nhiên bị giới đầu tư xa lánh và không kể tới trong dự báo, là Philippines và Indonesia. Việt Nam thì còn một chút hy vọng được đoái hoài nếu bản Hiệp định Thương mại ký kết hồi tháng Bảy được kịp thời phê chuẩn để gây khích động tâm lý của giới đầu tư quốc tế. Bây giờ, ta mới kể thêm một yếu tố tác động khác. Đó là nếu kinh tế Mỹ suy giảm tốc độ tăng trưởng và vai trò tổng thống bị suy yếu vì kết quả bầu cử ngang ngửa, tỷ giá đô la Mỹ có thể sụt so với các ngoại tệ khác, đặc biệt là đồng Euro của Âu Châu và đồng Yen Nhật Bản. Suốt năm qua, đồng đô la Mỹ đã tăng giá mạnh, và mọi loại ngoại tệ của Á Châu ngoài Nhật đều sụt, vì động loạn chính trị hoặc trì trệ kinh tế của các xứ này. Qua năm 2001 này, nếu đồng đô la sụt giá thì Á Châu sẽ bị hiệu ứng ra sao? Đa số các nhà kinh tế theo dõi tình hình Châu Á đều dự đoán là vì bất ổn chính trị trong khu vực, tiền Á Châu sẽ tiếp tục mất giá và dù đô la Mỹ có sụt giá so với các ngoại tệ của Âu và Nhật, tiền Á Châu tính bằng đô la cũng vẫn sụt. Điều đó đưa tới hai hậu quả xấu tốt trái ngược. Tiền đi vay mà phải thanh toán bằng đô la Mỹ sẽ thành đắt hơn nhưng bù lại, việc xuất cảng sẽ có lợi hơn. Trường hợp đáng ngại nhất là nếu các cổ phiếu trên thị trường tài chánh Mỹ bị sụt giá nặng, thì tất cả các thị trường chứng khoán Á Châu sẽ tuột dốc, và khủng hoảng sẽ xảy ra. Sau khi nhận định khái quát về tình hình kinh tế Á Châu trong năm tới do suy yếu của xuất cảng, ta mới đề cập tới bài toán tài trợ sản xuất và phát triển, là nguồn đầu tư nước ngoài. Trong năm 2001 tới đây, tất cả các nước Á Châu sẽ phải kịch liệt cạnh tranh với nhau để vận động nguồn vốn đó, và Trung Quốc có thể thắng lớn. Trong năm qua, xứ này đã thu hút 20 tỷ đô la từ các nhà đầu tư quốc tế, gấp bốn tổng số của toàn cõi Á Châu Thái Bình Dương. Lý do chính là Bắc Kinh quyết tâm gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO và cải cách kinh tế theo hướng đẩy mạnh tiến trình toàn cầu hóa. Qua năm nay, sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc sẽ thu hút đa số đầu tư của các nước Tây phương lẫn các lân bang Á Châu. Có cùng một hệ thống chính trị là Việt Nam thì lại chẳng được khôn ngoan hoặc can đảm như vậy. Nếu các lân bang Á Châu không sớm cải cách cơ chế kinh tế, thì coi như Trung Quốc sẽ đại thắng trong cuộc đua tìm vốn và trở thành nền kinh tế có trọng lượng nhất trong khu vực vì hiện đã đóng góp tới 45% tổng sản lượng kinh tế cho vùng này. Ngoài Nhật Bản vốn đã có ưu thế lâu đời trong việc huy động đầu tư vào các ngành điện tử gia dụng, các xứ kia vẫn còn lệ thuộc vào ưu thế tương đối là nhân công rẻ để vận động vốn vào kỹ nghệ chế biến, mà chẳng thể rẻ bằng nhân công Trung Quốc. Các xứ đó còn bị những nhược điểm cơ cấu là hệ thống ngân hàng bị chìm dưới các khoản nợ khó đòi và doanh nghiệp của họ chưa thoát khỏi chế độ bao cấp. Vì trì hoãn cải tổ cơ chế khi lầm tưởng rằng kinh tế đã phục hồi, hai quốc gia Đông Bắc Á là Đại Hàn và Đài Loan, cùng tất cả các nước Đông Nam Á còn lại đều gặp vấn đề đó, chưa kể tới bất ổn chính trị như tại Philippines hoặc cả Thái Lan và động loạn xã hội như Indonesia. Khi tình hình suy đồi thêm như người ta dự đoán, trị giá tiền tệ Á Châu sẽ bị ảnh hưởng. Nếu đồng won của Đại Hàn và đồng đô la của Đài Loan mà mất giá quá nặng, có thể là Bắc Kinh cũng sẽ chấm dứt việc giữ giá đồng nhân dân tệ của họ. Nếu như vậy, cả khu vực Á Châu sẽ lại bị rúng động, với mức độ nguy ngập hơn. Trong toàn cảnh đó, Việt Nam có thể lầm tưởng rằng tình hình chính trị ổn định là yếu tố thu hút đầu tư khả quan, và sức sản xuất cần cù của người dân là động lực xuất cảng đáng kể. Thực ra, đối với giới kinh tế và các nhà đầu tư quốc tế, thị trường Việt Nam chưa đủ hấp dẫn nếu so sánh với các lân bang. Và Việt Nam thực ra vẫn chưa cải tổ hệ thống quốc doanh và cũng còn tiến hành quá chậm việc cải cách ngân hàng và môi trường đầu tư. Ngoài ra, quốc tế còn cho rằng xu hướng thủ cựu đang thắng thế trong việc chuẩn bị Đại hội đảng khóa Chín, vào tháng Ba này, nên sẽ lại tiếp tục kìm hãm việc cải cách. Vì vậy, quốc gia này có rất nhiều nhược điểm kinh tế, và nếu sóng gió xảy ra, thì sự ổn định chính trị hiện tại sẽ chỉ là ảo tưởng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.