Việt Nam, nhìn từ bên ngoài: Hiệp Định Thương Mại Sẽ Giúp Được Việt Nam Tới Mức Nào ?

Lời Giới Thiệu: 5 năm trước đây, tháng 2-1994, Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Sau đó hơn một năn, tháng 7-1995, quan hệ ngoại giao giữa hai nước được bình thường hóa. Và bây giờ, cuối tuần vừa qua, lại có tin là sau 3 năm điều đình, hai bên đã đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc về một hiệp định thương mại. Nếu không có gì trở ngại vào phút chót thì hiệp định này sẽ được ký kết vào cuối năm nay. Như vậy có nghĩa là trong một tương lai không xa, tiến trình nối lại mối bang giao giữa hai nước sẽ được hoàn tất. Về mặt lý thuyết thì không ai phủ nhận đây là những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên các quan sát viên quốc tế cũng có nhận xét là cứ mỗi lần qua được một chặng đường, bãi bỏ cấm vận hay bình thường hóa ngoại giao, người ta lại thấy có một vài dư luận lạc quan cho rằng mọi việc sẽ tốt đẹp. Nhưng rồi, do chính sách đổi mới nửa vời của nhà cầm quyền Việt Nam, những tiến bộ, nếu có, cũng chỉ là những tiến bộ rất giới hạn. Với thỏa thuận vừa đạt được giữa hai bên về hiệp định thương mại tương lai sẽ ra sao ? Mục ỘViệt Nam, nhìn từ bên ngoàiỢ hôm nay có bài nhận định sau đây của Trần Sơn Nam về toàn diện vấn đề.Hầu hết các hãng thông tấn và báo chí ngoại quốc trong mấy ngày vừa qua đều đưa tin là Hoa Kỳ và Việt Nam, sau hơn 3 năm điều đình, đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về các điều khoản của một hiệp thương mại. Tuy đây mới chỉ là một thỏa hiệp nguyên tắc và một số điều khoản còn phải được duyệt xét lại trong chi tiết trước khi toàn bộ bản hiệp định được đưa ra quốc hội hai nước, các giới chính thức, cả Mỹ lẫn Việt, cũng coi đây là một bước tiến đáng kể, đánh dấu một chặng cuối trên con đường nối lại quan hệ giữa hai bên, từ ngoại giao đến kinh tế, thương mại.Để có được một nhận định khách quan và đúng mức về những lợi ích mà bản hiệp định thương mại rồi đây sẽ mang lại cho hai nước, chúng ta hãy nhìn vào vấn đề từ cả hai phía Mỹ và Việt.Về phía Mỹ thì trước những thời điểm bãi bỏ cấm vận và bình thường hóa ngoại giao, người ta đã thấy một số dư luận trong các giới doanh thương Hoa Kỳ than phiền rằng Mỹ phải chịu thiệt thòi vì đi sau các nước khác. Vậy bây giờ, mọi quan hệ gần như đã được hoàn toàn bình thường hóa, các giới đó sẽ có thể trông đợi những gì ? Dựa vào những tin bán chính thức thì người ta được biết là rồi đây về mặt đầu tư, thương mại và dịch vụ, các công ty Mỹ có thể trông đợi là sẽ được hưởng cùng một quy chế như các công ty nội địa, quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền sẽ được bảo vệ, hàng rào quan thuế sẽ được bãi bỏ hay hạ thấp. Nhưng trông chờ là một chuyện, có được đúng như vậy hay không lại là một chuyện khác. Trước hết, hiện nay nhà cầm quyền Việt Nam còn đang muốn làm chậm lại việc áp dụng những điều khoản đã được thỏa thuận, viện cớ rằng Việt Nam cần có thời gian để theo kịp các nước đã mở mang. Sau nữa, ở Việt Nam, chính quyền trung ương và địa phương trong nhiều trường hợp áp dụng luật lệ một cách tùy tiện, không dễ gì mà mỗi lúc có thể khiếu nại về điều khoản này hay điều khoản khác. Trong quá khứ, nhiều công ty Mỹ đã phải bỏ cuộc, rồi đây bầu không khí lạc quan mới có dụ họ trở lại được không ?Về phía Việt Nam thì trước đây, người ta cũng hồ hởi cho rằng bãi bỏ cấm vận và bình thường hóa ngoại giao sẽ giải quyết mọi chuyện. Bây giờ thì chắc cũng sẽ có một lập luận tương tự, mặc dầu theo một vài lời đồn đại và phỏng đoán thì các thành phần bảo thủ trong hàng ngũ lãnh đạo vẫn còn nhiều dè dặt đối với bản hiệp định. Trong khi đó, các thành phần cấp tiến hơn thì cho rằng, hiệp định thương mại sẽ mở cửa để Hoa Kỳ có thể áp dụng cho Việt Nam một quy chế mậu dịch bình thương (trước đây được gọi là quy chế tối huệ quốc), nhờ đó số hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ tăng. Đồng thời, bản hiệp định cũng giúp cho Việt Nam được thâu nhận vào Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới. Và quan trọng hơn cả, bản hiệp định sẽ tạo một bầu không khí mới, khuyến khích các giới đầu tư trở lại Việt Nam. Những lợi ích này cho Việt Nam, ít nhiều chắc thế nào cũng có. Tuy nhiên, nếu nhìn sát vào thực tế thì khả năng gia tăng số hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ còn tùy thuộc vào nhiều vấn đề như giá cả, phẩm chất, sự cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác, đặc biệt là với nước đàn anh Trung Quốc là nước đang cần đẩy mạnh việc xuất khẩu những hàng hóa sản xuất quá nhiều nhưng chưa được tiêu thụ do cuộc khủng hoảng kinh tế tại các nước Đông Á. Ngoài ra, lại còn vai trò của các doanh nghiệp nhà nước. Nếu để hàng ngoại quốc tràn vào thì những xí nghiệp đó làm sao sống nổi ? Những nạn nhân của tình trạng mới này, những người thất nghiệp, sẽ đi về đâu ?Riêng về trường hợp này, tờ South China Morning Post xuất bản ở Hồng Kông trong số ra ngày thứ Tư vừa qua có đề cập đến tình trạng xã hội bi đát của Việt Nam. Theo ước lượng chính thức của Bộ Lao Động Việt Nam thì số người thất nghiệp cho đến nay đã tăng từ 1,000,000 lên tới 1,700,000 người so với năm 1997, và có thể lên tới 8,000,000 người vào cuối năm tới. Tờ báo này viết: ỘNhiều người không có công ăn việc làm và ảnh hưởng về mặt xã hội sẽ hết sức tai hạiỢ. Đất thì không có đủ, hàng năm nhà nước phải tạo thêm 1,900,000 công việc làm mới cho số người đến tuổi gia nhập thị trường nhân công, cả hàng triệu người từ vùng quê phải tràn lên các thành phố để kiếm việc làm, đàn ông thì sống bên lề xã hội, đàn bà thì nhiều người phải hành nghề mãi dâm, tạo thêm sự cách biệt giàu nghèo trong xã hội.Thực ra thì với tình trạng này, dầu không muốn mở cửa, những thành phần bảo thủ ở Việt Nam cũng không còn đường nào khác hơn là phải chấp nhận bản hiệp định thương mại. Một số người cho rằng đây là một thắng lợi của các thành phần cấp tiến. Nhưng các quan sát viên quốc tế cho rằng nhà cầm quyền Việt Nam chỉ có hai đường, một là ngoan cố cưỡng lại đà đổi mới, hai là thức thời đẩy mạnh đổi mới. Trong cả hai trường hợp, khả năng kiểm soát mọi việc cũng sẽ bị thu hẹp lại, vì cưỡng lại tức là tạo điều kiện cho những xáo trộn trong xã hội, còn tiến tới thì quyền lợi cũng sẽ dần dần tuột khỏi tầm tay. Phải nhìn nhận dưới khía cạnh này ta mới có được một nhận định khách quan và đúng mức về nội dung toàn diện của vấn đề liên quan đến bản hiệp định thương mại vừa được phê tự.Trần Sơn Nam.