Thế giới ngày nay với Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8-3


2002.03.07

Lời giới thiệu: thứ Sáu, mồng 8 tháng 3 là Ngày Quốc Tế Phụ Nữ. Năm nay, cơ quan LHQ có tổ chức nhiều chương trình đánh dấu ngày kỷ niệm này, và tại nhiều quốc gia Ngày Quốc Tế Phụ Nữ còn được chọn là ngày lễ chính thức trong năm. Phụ nữ ở khắp nơi trên thế giới cho dù bị cách biệt về địa dư, văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, lập trường chính trị, cùng nhau góp tiếng nói vận động cho nữ quyền, bình đẳng trong xả hội, hòa bình và phát triển... Trong phần đầu bài viết hôm nay nhân ngày quốc tế phụ nữ, Ánh Chân xin được dành cho phụ nữ Afghanistan vì đây là lần đầu tiên sau thời gian nhiều năm bị áp bức dưới chế độ cai trị khắc nghiệt của nhà cầm quyền Taliban, đây là lần đầu tiên phụ nữ xứ này có được tự do để đánh dấu ngày quốc tế phụ nữ, qua câu chuyện của một phụ nữ Afghanistan bà Nasrine Gross sinh sống ở nước ngoài từ nhiều năm tha thiết mong đến ngày lên đường trở về nước để vinh danh ngày quốc tế phụ nữ. Bà Nasrine Gross là sáng lập viên của tổ chức NEGAR vận động cho nữ quyền tại Afghanistan có chi nhánh ở nhiều nơi trên thế giới đã không dấu được sự vui mừng nao nức chờ đợi ngày trở về Afghanistan. Ngoài ra bà cho biết trong tuần này, bà đã được Ngoại trưởng Hoa Kỳ Colin Powell mời đến bộ ngoại giao để nói về nữ quyền tại Afghanistan. Bà cũng được một số đại học và tổ chức nhân quyền mời đến tham dự các buổi thaỏ luận về tinh hình Afghanistan nói chung và vấn đề phụ nữ nói riêng. Trước khi lên đường bà Nasrine Gross cho Ánh Chân biết rằng bà đã phát học một số dự án để giúp đỡ cho người phụ nữ Afghanistan ở trong nước vì theo bà mặc dù họ đã có được tự do so với dưới thời cai trị của Taliabn nhưng hiện vẫn còn nhiều khó khăn và thử thách trước mắt. Bây giờ phụ nữ Afghanistan có thể tự do đi làm, đi học nhưng họ hy vọng rằng cộng đồng quốc tế tiếp tục quan tâm đến Afghanistan vì trên thực tế người phụ nữ xứ này là thành phần nghèo khó nhất, không có công ăn việc làm, đa số mù chữ do hậu quả của nhiều năm chiến tranh và cai trị khắc nghiệt. Bà Nasrine Gross còn nhấn mạnh đến một điểm khác nữa là dù rằng hiện nay hiến pháp Afghanistan của năm 1964 được hội dồng hành chính lâm thời do lãnh tụ Hamid Karzai cầm đầu áp dụng vì bản hiến pháp này bảo đảm cho quyền bình đẳng của tất cả mọi người trong xã hội, nhưng bà cảm thấy cần phải vận động thêm nữa cho nữ quyền được đưa vào tân hiến pháp của Afghanistan được soạn thảo trong thời gian tới và sẽ là hiến pháp được ban hành trong tương lai ở xứ này. Trên đây là câu chuyện của một phụ nữ Afghanistan vui mừng mong mỏi trở về nước để cùng những phụ nữ địa phương vinh danh ngày quốc tế phụ nữ. Thưa quý vị, trong công việc làm hằng ngày liên quan đến tin tức và thời sự, Ánh Chân thường nghe nói đến chiến tranh và những tàn phá của chiến tranh. Chiến tranh xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới gây tổn thất nhân mạng đáng kể trong số đó phụ nữ và trẻ em là nạn nhân trực tiếp mắc dù họ không là thành phần có quyết định đưa tới chiến tranh. Nhân ngày quốc tế phụ nữ năm nay, Ánh Chân xin được đề cập đến chiến dịch gọi là Phụ Nữ Vận Động cho Hòa Bình với danh xưng bằng Anh Ngữ là Women Waging Peace Initiative do cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Áo Quốc trước đây bà Swanee Hunt đứng ra thành lập vào năm 99. Hiện nay bà Swanee Hunt là giám đốc chương trình phụ nữ và chính sách thuộc đại học Harvard danh tiếng của Hoa Kỳ và bà đã dành cho Trang Phụ Nữ cuộc phỏng vấn xoay quanh các nỗ lực mang lại hòa bình trên thế giới mà bà theo đuổi từ nhiều năm qua. Trước tiên cựu đại sứ Swanee Hunt cho biết tại sao cần phải có sự tham gia của nữ giới trong các cuộc thương thuyết về hoa bình. Bà Swanee Hunt nói rằng điều quan trọng là thành phần được chọn để đưa vào tiến trình hòa bình, vì những người tham gia cuộc thương thảo có khả năng tác động vào nền hòa bình. Và chúng tôi nhận thấy rằng từ trước đến nay những người ngồi vào bàn hội nghị để nói chuyện hòa bình hầu như hoàn toàn là nam giới. Và trong nhiều trường hợp chính những người đã gây ra chiến tranh lại là những người ngồi lại để bàn chuyện hòa bình, mà họ không phải là thành phần có khả năng xây dựng hòa bình. Vì thế chiến dịch của chúng tôi là làm việc và hợp tác với những nhà hoạch định chính sách nhằm thuyết phục họ hãy đưa phụ nữ tham gia vào tiến trình hòa bình vì phụ nữ là thành phần có quyết tâm kiến tạo hòa bình, đồng thời có khả năng đóng góp một cách tích cực và cụ thể cho xã hội bên ngoài cơ cấu quyền lực. Riêng trong ngày quốc tế phụ nữ năm nay, một số thành viên trong chiến dịch phụ nữ vận động cho hòa bình sẽ tham dự các buổi thảo luận tại trụ sở LHQ, tại tổ chức UNIFEM thuộc LHQ, tại LHAC, tại Tòa Bạch Ốc, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và nhiều nơi khác trên thế giới, vì chiến dịch này có đại diện trong nhiều quốc gia. Cựu đại sứ Hunt giải thích rằng phụ nữ thường gần gũi với cộng đồng và các sinh hoạt mà chính họ dấn thân cho nên khi ngồi vào bàn thương thuyết cho hòa bình họ đã biết sẽ phải làm gì để xây dựng xứ sở sau thời kỳ chiến tranh. Hơn thế, vì phụ nữ hiếm khi trực tiếp dự phần vào các cuộc xung đột và chiến tranh cho nên họ sẽ có cái nhìn khách quan hơn và sẵn sàng dung nhượng vì lợi ích chung của cộng đồng và xã hội. Bà Hunt cho biết bà vừa từ Moscow trở về lại Hoa Kỳ và tại Moscow trong một buổi tiếp tân do đại sứ Mỹ khoản đãi với sự hiện diện của hơn 100 phụ nữ Nga, bà đuọc nghe một nữ ký giả từng làm việc ở Cheynya kể lại những điều kinh hoàng về chiến tranh và vi phạm nhân quyền tại đó. Và bà Hunh nói đó chính là những gì mà các nhà hoạch định chính sách hoặc thương thuyết hòa bình cần phải lắng nghe. Giám đốc chương trình phụ nữ và chính sách của đại học Harvard nhìn nhận rằng chiến dịch phụ nữ vận động cho hòa bình gặp nhiều thử thách nhưng bên cạnh đó nỗ lực này đã gây được sự quan tâm từ mọi phía. Bà nói thêm rằng kể từ khi chiến dịch này được tung ra đến nay, ở bất cứ nơi nào mà chúng tôi đến thì có những phụ nữ sẵn sàng muốn tham gia vào nỗ lực này. Hiện nay trên thế giới vẫn còn hàng trăm triệu phụ nữ trên thế giới sống trong hoàn cảnh nghèo khó, không được học hành, không có công ăn việc làm bên ngoài xã hội, không được đi bầu và là nạn nhân của bạo lực. Hiện nay mỗi năm trên thế giới có đến hơn nửa triệu phụ nữ chết khi sinh mở hoặc vì những khó khăn trong thời ký thai nghén. Trong khi đó, trên toàn cầu tỷ lệ phụ nữ bị nhiễm HIV/AIDS hiện đã cao hơn nam giới, chỉ riêng tại khu vực chung quanh sa mạc Sahara phụ nữ chiếm đến 55 phần trăm các trường hợp mới bị nhiễm HIV. Đáng ngại hơn nữa, trong cuộc sống hằng ngày có từ 20 đến 50 phần trăm phụ nữ là nạn nhân của bạo hành dưới đủ mọi hình thức . Hiện nay trên thế giới trong số gần 900 triệu người bị mù chữ thì 2 phần ba là phụ nữ. Có 22 quốc gia Châu Phi và 9 quốc gia Châu Á, tại đó tỷ lệ các em học sinh phái nữ ghi danh đi học thấp hơn đến 80 phần trăm so với các em bé trai. Trên thị trường lao động mức lương của phụ nữ chỉ tương tương 2 phần ba cho đến 3 phần tư so với mức lương của nam giới cho cùng một công việc., có nghĩa là nếu một người đàn ông kiếm được 1 đô la Mỹ thì người phụ nữ chỉ kiếm được từ 66 xu đến 75 xu mà thôi. Nói tóm lại, cho dù đã có nhiều cải thiện cho địa vị của người phụ nữ trên toàn cầu nhưng con đường tiến tới bình đẳng với nam giới trong xã hội còn rất xa vời, thưa quý vị và các bạn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.