Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đóng góp ý kiến với Trung ương Đảng CSVN (phần 3)


2005.09.29

(tiếp theo)

Để khắc phục nguy cơ kể trên, vấn đề có ý nghĩa quyết định là ý chí cách mạng và lập trường kiên định của người cộng sản, đặc biệt là của đội ngũ lãnh đạo.

III. Quan hệ giữa quyền lực và dân chủ, giữa lợi ích chung và quyền uy riêng

Ở trên đã nói tới nguy cơ của xu hướng bảo thủ, “tả khuynh”, trì trệ. Hiện nay xu hướng bảo thủ trì trệ xét về số lượng thì không nhiều và tự nó khó có thể là một nguy cơ. Đối trọng với xu hướng đó, những bộ óc có xu hướng đổi mới đúng đắn, muốn bứt phá khỏi những gánh nặng cũ, là một lực lượng không nhỏ. Tôi không tin rằng Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban chấp hành Trung ương của ta hiện nay không đủ sáng suốt để nhận thức được những gì cần phải làm trong thời gian trước mắt, những gì đang là trở ngại cần phải được khắc phục trên con đường tiến tới. Nhưng vấn đề ở đây không phải chỉ là chuyện của nhận thức, mà là những quan hệ giữa quyền lực và quyền uy.

Quyền lực khác với quyền uy. Về nguyên tắc thì những đồng chí chính thức được Đảng và nhân dân giao phó trọng trách điều hành và quyết định những vấn đề lớn thuộc về vận mệnh quốc gia là những người được trao quyền lực và đang nắm quyền lực. Nhưng quyền uy thì không nhất thiết là thuộc người đang nắm giữ cương vị điều hành. Hiện nay không còn tình trạng nể nang, né tránh của quyền lực trước quyền uy, quyền uy tác động không nhỏ đến quyền lực.

Đó chính là nguy cơ. Đọc các văn bản, thấy toát lên một điều là những người viết có ý bứt phá nhưng vẫn bị ám ảnh rất mạnh bởi quyền uy, do đó phải cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người. Vì thế nhiều ý tưởng nêu ra còn mang nặng tính thoả hiệp, nửa vời. Như vậy giải pháp tháo gỡ không chỉ là chuyện nhận thức, mà là bản lĩnh và tính kiên định của những người đang được Đảng và nhân dân giao trách nhiệm quyết định những vấn đề chiến lược của đất nước.

Có một nghịch lý tai hại thường diễn ra: nếu bị quy là tả thì cùng lắm cũng chỉ bị phê bình, thậm chí không hề bị phê bình, chỉ cần lẳng lặng sữa chữa là xong. Rất nhiều đồng chí trong Đảng ta đã mắc những sai lầm “tả khuynh” nghiêm trọng, nhưng không bị kỷ luật, vẫn giữ được quyền uy bởi được đánh giá “kiên định lập trường cách mạng”. Ngược lại, những việc gì mạnh dạn đổi mới, không bằng lòng với cải cách đã đạt được, thì lại rất dễ bị chụp mũ là mất lập trường, chệch hướng, xa rời chủ nghĩa xã hội, ăn phải bả của tư bản. Ai bị quy kết như vậy thường khó chống đỡ hơn, thậm chí ảnh hưởng đến cả sinh mệnh chính trị. Do đó, xu hướng chung của đại đa số hiện nay là: một mặt thì tuy đã nhận thức được con đường phải đi, mặt khác lại lo ngại những quy kết chệch hướng. Đó là lý do làm cho khuynh hướng bảo thủ tuy không nhiều, nhưng sức hù doạ còn có ảnh hưởng. Bộ phận đổi mới, cải cách tuy chiếm một tỷ trọng lớn và ngày càng đông hơn, nhưng không đủ sức thu hút được đại đa số trước những sự hù doạ chệch hướng, mất Đảng, mất Chủ nghĩa xã hội.

Bởi vậy, theo tôi điều quyết định là phải có một cơ chế đảm bảo cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương có tính chất độc lập cao hơn nữa trong việc lựa chọn, phân tích và quyết định các vấn đề. Sự tham khảo các ý kiến của các đồng chí lão thành cách mạng còn đủ minh mẫn, sáng suốt, các chuyên gia có trí tuệ, trung thực là rất cần thiết. Kể cả những ý kiến mà các đồng chí đang ở cương vị lãnh đạo không đồng ý cũng đều là những gợi ý góp phần để cân nhắc cho có căn cứ hơn. Nhưng tuyệt đối không vì sự nể nang, không để cho bất cứ một quyền uy nào ngăn chặn sự lựa chọn của các đồng chí. Đó chính là nguyên tắc tổ chức của Đảng. Chúng ta sẽ lựa chọn như thế nào đây, giữa một bên là lợi ích của quốc gia, lợi ích của dân tộc, lợi ích của Đảng và một bên là nể nang và thoả mãn những ý kiến riêng của một thiểu số, mà ở đó lợi ích rất có thể chỉ là lợi ích của quyền uy, sự lo sợ chỉ là sự lo sợ mất quyền uy, ẩn náu sau những sự hù doạ mất Đảng, mất Chủ nghĩa xã hội.

Trong sự lựa chọn này, sự can đảm, sự dũng cảm, thẳng thắn và kiên định là rất cần thiết. Trong chiến tranh chống ngoại xâm, nhờ những đức tính đó mà chúng ta chiến thắng và giành được độc lập. Trong sự nghiệp phát triển của đất nước hiện nay, những đức tính đó vẫn là một trong những yếu tố quyết định nhất cho những thắng lợi mai sau.

Trên đây là một số ý kiến tôi mạnh dạn và thẳng thắn nêu lên để cùng nhau suy nghĩ, trao đổi thảo luận để làm sáng tỏ chân lý. Cùng nhau chân thành bàn bạc với ý thức trách nhiệm của người cộng sản, mở rộng dân chủ trong tranh luận để nhận thức đúng sai, đó là thái độ cần có để làm cho công tác tổng kết đạt được kết quả mong muốn.

Sau đây, tôi trình bày những ý kiến đóng góp cụ thể vào nội dung kinh tế của bảng tổng kết.

1. một số nhận xét chung

Nhìn chung bản tổng kết này đã cung cấp được khá đầy đủ các số liệu về diễn biến kinh tế trong 10 năm qua ở Việt Nam. Trong đó có nêu bật được nhiều thành tích trong việc phát triển kinh tế, thoát khỏi khủng hoảng, cải thiện cán cân thanh toán, tăng trưởng, đẩy mạnh xuất khẩu, thay đổi cơ cấu kinh tế, đạt được tiến bộ được thế giới công nhận về xoá đói giảm nghèo ...

Có một số điểm dưới đây cần lưu ý phân tích rõ thêm:

1. Trong việc phân tích những nguyên nhân của tăng trưởng 20 năm qua, bản tổng kết này chỉ nêu lên khá chung 3 yếu tố quan trọng nhất là: Đảng lãnh đạo, phong trào quần chúng và đẩy mạnh đầu tư của nước ngoài cũng như đầu tư trong nước. Nếu chỉ nói ở mức như thế thì chưa thấy hết được những nhân tố đặc thù của giai đoạn này:

(Phải đánh giá thích đáng những sự cố gắng của các cơ sở, các địa phương, sáng tạo ra những hình thức để đột phá khỏi mô hình kinh tế cũ. Ngay từ trước 1986, nhiều địa phương đã dũng cảm, năng động, sáng tạo tìm những lối thoát để khắc phục những khó khăn của mô hình kinh tế cũ. Những công cuộc phá rào của Công ty lương thực Thành phố Hồ Chí Minh, của Long An, của An Giang, cơ chế khoán của Đồ Sơn, những đột phá của các xí nghiệp như Dệt Thành Công, đánh cá Côn Đảo, Vũng Tàu, lụa Nam Định .... , là những sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Không có những sáng tạo đó, khó có thể dẫn đến đổi mới từ 1986. Bản tổng kết này cần phải ghi nhận công lao của những người tìm đường và mở đường cho công cuộc đổi mới mà Đảng đã tổng kết và nêu lên trong Nghị quyết của Đại hội VI.

(Phải tính đến một yếu tố rất quan trọng là có nhiều giá trị bị ngưng đọng trong mô hình kinh tế cũ, khi bước sang thời kỳ đổi mới đã lấy lại giá trị, do đó góp một phần đáng kể vào việc tăng trưởng và nâng cao đời sống của dân cư. Thí dụ rõ rệt là vấn đề nhà đất. Nhà đất trong mô hình kinh tế cũ bị hạ thấp giá trị một cách giả tạo. Bước vào cơ chế thị trường, giá trị của nhà đất tăng lên hàng chục, hàng trăm lần. Đó là một trong những nhân tố tạo ra tăng trưởng, tạo ra thu nhập của một số rất đông dân cư. Từ đó người ta có thể xây nhà, mua sắm, nâng cao mức tiêu dùng .... 2. Một số bài học kinh nghiệm lớn của những năm qua chưa được trình bày và phân tích đầy đủ, nhất là giai đoạn trước đổi mới, giai đoạn 10 năm 1975 – 1986. Do đó chỉ thấy toàn thành tích và thắng lợi, mà không chú ý đến những nguy cơ vẫn còn đe dọa sự phát triển. Kinh nghiệm của giai đoạn trước đổi mới cho chúng ta một bài học lớn là: có rất nhiều những cái mới, cách làm khác với nếp cũ, sáng tạo, đột phá..., thường đã từng bị ngộ nhận là chệch hướng, là nguy hiểm .... Cách sử xự như thế với những cái mới đã từng có tác dụng kiềm chế sự phát triển, kéo dài thêm khủng hoảng.

Từ kinh nghiệm đó cần rút ra bài học trong chính sách kinh tế hiện nay và mai sau là cần phải trân trọng những cái mới, phải khuyến khích những tìm tòi, những hướng đi mới, không nên khư khư giữ nếp cũ hoặc thoả mãn với những gì làm được. Nếu chỉ sợ chệch hướng theo một đánh giá nào đó thì thực tế cầm chắc sẽ là tụt hậu. Vào thời kỳ trước 1986, tất cả những mũi đột phá sáng tạo đều đã từng bị những quan điểm bảo thủ quy kết là chệch hướng, mất Chủ nghĩa xã hội, mất Đảng ... Hay thử tưởng tượng xem, nếu trong những năm gian nan ấy, mà những quy kết đó không kiên trì khắc phục, thì mọi mũi đột phá đều bị ngăn cản. Như vậy, Việt Nam có vượt qua được khủng hoảng và bước vào thời đổi mới toàn diện không?

Từ kinh nghiệm đó, chúng ta phải thẩm tra xem ngày nay đang có những gì cần phải tiếp tục tìm tòi, phải biết tìm mọi cách phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, tạo động lực mới để bứt phá, tìm ra những hướng sáng tạo mới trong các bước đi để bắt kịp được nhịp phát triển của thời đại. Cần phải rạch ròi và sòng phẳng chỉ ra những hướng đi đang còn bị ngộ nhận và quy kết đơn giản là chệch hướng, liệu có đúng là chệch hướng không .... Điều này trong bản báo cáo còn quá mờ nhạt. Chẳng lẽ, phải đuổi kịp với thiên hạ là chệch hướng, để đất nước tụt hậu ngày càng xa là đúng hướng. 3. Tổng kết 20 năm qua và dự kiến cho 5 năm sắp tới mà chưa đề cập đến nơi đến chốn về một sự thách đố rất lớn là: làm sao kinh tế Việt Nam vươn ra thị trường khu vực và thị trường thế giới, là xác định vị trí của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Chúng ta sẽ bị thua thiệt hoặc sẽ tụt hậu nếu trong sự hội nhập sắp tới, Việt Nam chỉ để cho người ta vươn vào mà không tính đến chuyện vươn ra một cách tích cực. Đó là vấn đề cần phải xem xét kỹ hơn.

Dưới đây xin nêu một số điều cần lưu ý trong tổng kết về đổi mới kinh tế:

2. Những vấn đề và những thách đố

Những thành tựu to lớn kể trong bản tổng kết kể trên là một cái vốn rất cơ bản cho các bước đi sắp tới. Tuy nhiên hoàn toàn không thể thoả mãn với những thành tựu đó. Rất nhiều ưu thế và thành tựu của nền kinh tế từ thời kỳ sau đổi mới chưa có được những cơ sở vững vàng. Chúng ta chưa thể thoả mãn với mức tăng trưởng 7 - 8 %/năm, với những chỉ tiêu xuất khẩu khá cao, số lượng đầu tư khá lớn ....

Từ những thành tựu kể trên, rất cần phải phân tích sâu hơn vào thực chất, nhìn thẳng vào sự thật, xác lập một tầm nhìn xa hơn, rộng hơn về những vận hội cũng như những thách thức, những nguy cơ, cạm bẫy đang và sẽ đặt ra cho những năm sắp tới.

Có thể kể đến mấy vấn đề sau đây:

1. Sự phát triển kinh tế của chúng ta vẫn tiếp tục lệ thuộc một chiều và quá mức vào thế giới bên ngoài. Trước cách mạng, kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào chính sách của thực dân Pháp. Sau cách mạng, trong kháng chiến và cả sau khi giải phóng miền Nam, nền kinh tế của chúng ta lại lệ thuộc vào viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa. Bây giờ ta đã chuyển từng bước sang xây dựng một nền kinh tế tự chủ. Người Việt Nam đã thực hiện được nguyên lý “sống bằng cái mình làm ra”. Tuy nhiên, hiện nay, để chúng ta sống được (sống hiểu theo nghĩa rộng), chúng ta vẫn lệ thuộc một chiều và quá mức về nhiều mặt vào thế giới bên ngoài: lệ thuộc về vốn đầu tư, làm gia công và lệ thuộc vào thương hiệu của các công ty nước ngoài. Nếu vì một tình hình chính trị xã hội nào đó mà các nhà đầu tư rút vốn, thì nền kinh tế Việt Nam sẽ rất dễ lâm vào tình trạng bị động không ít nguy hiểm. Điều quan trọng là chúng ta chưa biết phát huy hết năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân, của doanh nghiệp và sản phẩm dịch vụ còn thấp, làm cho Việt Nam chịu thua thiệt trong quá trình hội nhập.

Trong quá trình toàn cầu hoá hiện nay, không có nước nào là không có sự lệ thuộc vào thế giới bên ngoài, các quốc gia lệ thuộc lẫn nhau. Vấn đề là ở chỗ làm sao chuyển từ lệ thuộc một chiều và thụ động sang sự lệ thuộc hai chiều và chủ động. Trên hướng đó, chúng ta chưa làm được bao nhiêu.

2. Những thách đố trong cuộc đua trên thị trường thế giới hiện nay đang đặt ra cho Việt Nam nhiều vấn đề. Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam hiện nay rất kém. Nhiều mặt hàng Trung Quốc rẻ hơn và tốt hơn hàng Việt Nam. Trong những lĩnh vực dệt may, chế biến nông sản, thủ công mỹ nghệ, điện máy .... Việt Nam chưa ganh đua nổi với thế giới, thậm chí cũng chưa ganh đua nổi với các nước khác ngay trên thị trường Việt Nam. Không chỉ trong lĩnh vực như xuất khẩu hàng hoá, mà cả trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, nhiều nước trong khu vực vẫn có ưu thế hơn Việt Nam.

Cũng phải tính rằng hiện nay tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là khả quan. Nhưng trong cuộc đua này không chỉ có vấn đề tăng trưởng. Nhiều nước trong khu vực đang có những bước tiến mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực như cải cách thể chế, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, cải tiến công nghệ, tăng khả năng hội nhập và ứng phó với thị trường thế giới .... Về những mặt đó, chúng ta vẫn đang thua kém nhiều nước trong khu vực.

3. Cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có được những mũi nhọn về kinh tế trên thị trường thế giới. Hàng chục năm qua, chúng ta đã từng rất cố gắng tìm kiếm những mũi nhọn. Nhưng có lẽ chính vì chúng ta xác định những mũi nhọn không đúng nên đến nay chúng ta bị méo mó về mặt kinh tế, không có nổi những cái gọi là mũi nhọn thực sự. Đi vào thị trường thế giới mà không có những mũi nhọn kinh tế thì khó có thể nói đến một sức mạnh lâu bền. Tính chất lệ thuộc, tính chất bị động trong một chừng mực rất lớn cũng chính là vì chúng ta không có điểm mạnh, không có mũi nhọn.

4. Về công nghiệp, chúng ta đã có những bước phát triển khá. Trong thời kỳ công nghiệp hoá theo mô hình cũ, chúng ta không thành công bao nhiêu, mặc dầu đầu tư lớn. Từ thời kỳ đổi mới, công nghiệp đã có những khởi sắc theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nhưng cho đến nay tất cả nền công nghiệp của Việt Nam vẫn chỉ là công đoạn 2 của nền công nghiệp thế giới. Việt Nam chưa có nổi một hệ thống công nghệ đầu nguồn. Nói đến công nghiệp như cơ sở để phát triển kinh tế, như xương sống của một quốc gia, thì phải nói đến công nghệ đầu nguồn. Không nắm được công nghệ đầu nguồn thì vĩnh viễn lệ thuộc vào những nước có công nghệ đó. Chính đây là vấn đề của công nghiệp hoá hiện nay.

5. Nông nghiệp chúng ta có mức tăng trưởng rất khá và đạt được những thành tựu đáng kể. Nhưng hiện nay đang vấp phải những vấn đề về quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ đất đai. Những vấn đề về sở hữu đất đai còn rất nhập nhằng, do đó trong nông nghiệp vẫn chứa đựng tiềm tàng những khả năng bùng nổ rối loạn trong quan hệ xã hội và chính trị.

Nông nghiệp còn có một vấn đề nữa là hiện nay vẫn chỉ phát triển theo chiều rộng. Chưa có được những liên kết theo ngành dọc, như kiểu mô hình mía đường Lam Sơn, nông trường sông Hậu. Chừng nào chưa cơ cấu lại nông nghiệp theo mối liên kết ngành dọc như ở các nước Tây Âu, chẳng hạn như có người giới thiệu với tôi về “hệ thống filiere” ở Pháp, và sau đó tôi có dịp tham quan một hợp tác xã ở một tỉnh của Pháp nhân chuyến đi thăm Pháp năm 1994 và thấy rõ đây như là một tổ hợp lớn rất tự chủ. Sự tự chủ trong sản xuất kinh doanh của nông nghiệp vẫn còn là một vấn đề. Anh em nghiên cứu cho biết Mác từng nói về cách làm kinh tế nông nghiệp có hiệu quả trong chủ nghĩa tư bản; Lê nin phân tích thêm: một trại chủ có đất đai của mình, có công nghệ của mình, có lao động của mình (thuê nhân công) và có thị trường của mình - đó là mô hình mà chúng ta vẫn đang hình thành một cách rất nham nhở về nhiều phương diện. Có thể nói, hiện nay nông nghiệp, nông thôn và nông dân đều có vấn đề cần phải giải quyết một cách cơ bản.

6. Đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam trong những năm qua là khả quan. Nhưng hầu hết đó là những nhà đầu tư cỡ nhỏ và trung bình. Việt Nam có quá ít những nhà đầu tư cỡ lớn có tầm ảnh hưởng quốc gia và quốc tế. Chính những công ty đầu tư vốn lớn đó là những lực lượng ảnh hưởng mạnh tới thái độ của chính phủ nước họ. Chỉ khi nào đã có những nhà đầu tư cỡ lớn đó, thì thái độ của các chính phủ đối với Việt Nam mới khác đi. Đó cũng chính là một trong những giải pháp để tìm cách “khoá nhau”, “cài nhau” trong các quan hệ quốc tế.

7. Nơi chứa đựng những bệnh tật nặng nề nhất của Việt Nam chính là hệ thống ngân hàng tài chính và tiền tệ. Có thể nói quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước ngân hàng – các xí nghiệp quốc doanh đang chứa đựng nhiều tiêu cực, nhiều sai phạm, làm méo mó nền kinh tế. Nếu hội nhập, nếu vào WTO, thì những tiêu cực này càng bộc lộ rõ ra. Nếu chúng ta không tự xử lý trước, để quốc tế xử lý, thì hậu quả sẽ rất nặng nề, không chỉ về mặt kinh tế mà về cả mặt chính trị.

8. Trong công cuộc đổi mới đã nảy sinh nhiều vấn đề xã hội và văn hoá nhức nhối và bức xúc: Những tệ nạn xã hội và tình trạng tham nhũng đã làm méo mó các quan hệ kinh tế. Rất nhiều những lợi ích kinh tế này sinh trong quá trình đổi mới đã bị “ăn hót” bởi những bàn tay tham nhũng, nhân danh quyền lực nhà nước.

Cùng với những tệ nạn này, là bước chuyển hoá của những nhà kinh doanh từ đậm đà lý tưởng sang quá ham lợi ích. Hiện nay, Việt Nam không còn những nhà kinh doanh đầy lý tưởng như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Đỗ Đình Thiện, Trịnh Văn Bô, Kha Vạn Cân .... Cuộc cải tạo công thương nghiệp đã bóp chết những lý tưởng đó. Phục hồi lại nó không phải là điều dễ dàng. Kinh doanh mà không tính đến lợi ích thì không còn là kinh doanh. Nhưng kinh doanh mà chỉ vì lợi ích thì sẽ chứa sẵn trong nó không ít nguy cơ.

9. Sự bất cập của hệ thống các thiết chế kinh tế, của bộ máy quản lý nhà nước và đội ngũ các chuyên gia.

Chúng ta đã có những cố gắng rất nhiều trong việc sửa đổi và hoàn thiện hệ thống các thiết chế. Nhưng tốc độ đó không theo kịp tốc độ phát triển của kinh tế và những thay đổi tình hình của thế giới mà chúng ta đang hội nhập.

Bộ máy nhà nước hiện nay vẫn rất bất cập trong việc xử lý các vấn đề kinh tế. Đội ngũ chuyên gia đầu đàn của chúng ta tuy đã được đào tạo nhiều năm rất công phu, vừa qua cũng đã được đổi mới rất nhiều, nhưng cho đến nay đó vẫn là một đội ngũ còn ít khả năng tư duy kinh tế, nhìn xa trông rộng, lượng định những vấn đề và lựa chọn những giải pháp khôn ngoan. Các cơ quan nghiên cứu của chúng ta cũng lâm vào tình trạng những “mỹ viện”. Việc mổ xẻ những vấn đề kinh tế chưa đến chốn hoặc chưa được khuyến khích nêu lên những suy nghĩ trung thực. Trong khi đó thì các tổ chức quốc tế thường chỉ đưa ra các “kịch bản” hơn là những chương trình thiết thực với Việt Nam.

Hầu hết các nhà nghiên cứu Việt Nam đều lệ thuộc vào kinh phí của các “kịch bản” đó. Nhiều nhà khoa học trong các viện nghiên cứu của Việt Nam, trong số đó có những cán bộ được đào tạo rất có bài bản từ nhiều trường Đại học và Viện nghiên cứu nổi tiếng của nước ngoài, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt, song vẫn chủ yếu đi làm thuê cho các tổ chức nước ngoài. Các tổ chức này khôn khéo khai thác và sử dụng những chuyên gia của Việt Nam vì họ vừa có trình độ cao vừa am hiểu tình hình Việt Nam mà tiền thù lao lại thấp so với lương của người nước ngoài đến đảm trách công việc này. Đây là một sự lãng phí rất lớn, nhiều cán bộ khoa học đã xót xa trình bày nhiều lần trong tổ chức song tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Có thể nói cả bộ máy quản lý, bộ máy hoạch định chiến lược và bộ máy tham mưu của chúng ta vẫn không thay đổi bao nhiêu, vẫn rất già cỗi về mặt cơ chế và về phương pháp tư duy. Đã có nhiều cán bộ tâm huyết lo âu đặt tên cho tình trạng đó là tình trạng “nhũn não”. Đó là một nguy cơ lớn của đất nước.

Trong nguy cơ “nhũn não” này, có vấn đề quan hệ giữa chính trị với khoa học. Các nhà nghiên cứu của ta hiện nay vẫn bị ám ảnh bởi thân phận không mấy tốt đẹp trước đây của những người có tư duy độc lập. Cách đối xử của lãnh đạo đối với khoa học vẫn chưa khắc phục hết tình trạng đặt hàng, viết theo những ý kiến chỉ đạo trước. Mối quan hệ đó hạn chế khả năng tìm tòi, khai phá, mà rút cuộc là có hại cho Đảng.

10. Nguyên nhân của các nguyên nhân kể trên chính là bản lĩnh của đội ngũ lãnh đạo từ cấp trung ương đến địa phương. Có lẽ phải kiểm điểm, soát xét sâu và kỹ cách tuyển dụng nhân tài và chính sách cán bộ. Trước đây, trong cuộc đọ sức với thực dân Pháp, giữa nhiều lực lượng khác nhau, nào Trốt-kít, nào Quốc Dân đảng, nào Bảo Hoàng ..., những người lãnh đạo đàn anh của chúng ta đã tỏ ra xuất chúng về tinh thần đấu tranh cách mạng, vững vàng bất khuất trong các nhà tù, sáng suốt trong việc xác định đường lối đấu tranh, trong lãnh đạo quần chúng ...., và do đó được lịch sử lựa chọn như đội quân tiên phong của sự nghiệp cách mạng. Nhưng sau khi Đảng ta được lịch sử lựa chọn, chúng ta đã tự lựa chọn mình theo phương pháp khép kín. Điều đó tưởng như là một cách tốt nhất để bảo vệ Đảng, bảo vệ đội ngũ cán bộ, thì thực ra có thể nó đã dẫn tới sự còi cọc. Nếu không nhìn thẳng vào sự thật đó để sửa chữa thì sự còi cọc này còn kéo dài. Nguy cơ cũng là ở chỗ đó.

Do thiếu tự tin nên thời gian qua, Đảng ta mất khả năng quyết đoán với một tư duy đổi mới trước những vấn đề cấp bách, vì thế đã bỏ lỡ không ít cơ hội. Vụ không ký hiệp ước thương mại với Mỹ ở New Zeeland, không vào WTO trước Trung Quốc một bước thể hiện sự ngập ngừng đó. Cứ như thế này thì rồi ra những nước khác sẽ lợi dụng sự chậm chân của ta để nhích lên một nước cờ cho họ.

(còn tiếp)

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.