"Tiếng thu" cũng là tựa đề một bài viết mà Thy Nga muốn chia xẻ cùng quý thính giả thân mến trong chương trình kỳ này. Bài do luật sư và là nhà báo Nguyễn Văn Chức viết vào mùa thu 1998. Xin trích lược: "Mới vài ngày thôi, lá úa đã rụng đầy sân. Và trong khu vườn nhỏ, những chiếc lá khô nằm cô đơn, đợi đêm về thao thức với gió heo may. Mùa Thu đã về! con tim nào mà không rạo rực."
By line: Thy Nga
Thu quyến rũ vì mang nét buồn mong manh, vương vất tiếc nuối.
"Thu quyến rũ" ... (Xin nghe audio clip)

Thì ra, cái buồn làm nên chất thơ cho cái đẹp, và làm cho cái đẹp trở nên quyến rũ. Thì ra, cảnh vật chỉ đẹp, chỉ thơ mộng khi phảng phất một chút buồn. Và những bài thơ, những áng văn, những nhạc phẩm được người đời ưa thích nhất, vẫn là những bản buồn, mang mang niềm nhớ.
Con người sinh ra để nhập cuộc chơi nơi trần thế. Nhưng sự nhập cuộc không trọn vẹn, con người đôi khi bắt gặp mình thiếu vắng một cái gì không tìm thấy ở cõi trần. Rồi băn khoăn, rồi mơ mộng, nhớ nhung ...
Văn hào Pháp, Albert Camus gọi đó là “mối sầu của con người vì bất lực đối với định mệnh, hoặc trước cái phi lý của kiếp người.” Thi hào Lamartine thì gọi đó là “nỗi buồn của kẻ đánh mất thiên đường”.
Và con người không phải chỉ đánh mất một thiên đường của miền trời xa, lúc sinh ra đời, mà đánh mất nhiều thiên đường trong cuộc sống. Những năm tháng trôi mau, những nụ hôn đầu đời, những cuộc tình qua đi, những hạnh phúc xa xưa, ... tất cả là những thiên đường mà ta để mất.
"Lạc lối địa đàng" ... (Xin nghe audio clip) Vì vậy, không lạ gì nếu con người dễ lưu luyến cái buồn trong thiên nhiên, trong nghệ thuật, trong thơ văn. Cũng không lạ gì khi tiếng thu dễ giao hưởng với những rạo rực của con tim.

"Tiếng thu" … (Xin nghe audio clip)
“Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư tiền chiến là một áng thơ bất tử. Và Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn Khuyến, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, T.T.Kh., … cũng để lại cho đời những bài thơ tuyệt vời về thu.
Lùi xa hơn về dĩ vãng, là “Giọt lệ thu” của Tương Phố khóc chồng, một áng văn xuôi đầy nước mắt và chất thơ của một mùa thu vĩnh biệt, của ngàn mùa thu khóc cái vĩnh biệt.
"Giọt mưa thu" (Đặng Thế Phong) … (Xin nghe audio clip)
Bài “Khúc thu hận” của Tương Phố mở đầu với câu
“Chàng đi buổi thu sơ năm ấy Thu năm nay, nào thấy chàng về ...
và kết thúc bằng câu: "Bi ca một khúc thu sầu Trăng thu giãi bóng canh thâu lạnh lùng."
Trong “Chinh phụ ngâm”, người thiếu phụ tiễn chồng ra chốn quan san vào những ngày đầu thu.
Quay sang văn chương Trung Hoa, ông Nguyễn Văn Chức viết tiếp.
Nhà thơ Đỗ Phủ có 8 bài “Thu hứng”. Học giả Kim Thánh Thán bình các bài ấy, rằng Thu là buổi chiều của năm, và từ đó suy ra, cũng là buổi chiều của đời người. Nên trong thơ Đường, chữ “thu” hay đi với chữ “mộ”.
Chữ “sầu” trong hán tự thì gồm chữ “thu” đè lên chữ “tâm” : mùa Thu nặng chĩu trên tâm hồn, và làm nên cái buồn.

"Mùa thu lá bay" ... (Xin nghe audio clip)
Từ thuở hồng hoang, tiếng thu vẫn là tiếng thơ đẹp nhất, mời gọi nhất, như âm vang niềm cảm thông huyền nhiệm với định mệnh của con người. Chúng ta, những kẻ đánh mất thiên đường, những kẻ mang cái sầu vạn cổ của kiếp nhân sinh. Vì thế mà chúng ta yêu mùa Thu.
"Màu nắng có bao giờ phai đâu" … (Xin nghe audio clip)
Chương trình buổi nay, quý vị đã nghe trích các nhạc bản “Tiếng thu” do Mỹ Linh trình bày, “Thu quyến rũ” của Đoàn Chuẩn-Từ Linh qua giọng hát Ánh Tuyết, “Lạc lối địa đàng” với Phi Nhung, “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong, “Mùa thu lá bay” nhạc Hoa, lời Việt do Song Hằng ca, và trong âm thanh ca khúc “Màu nắng có bao giờ phai đâu” của Đoàn Chuẩn với tiếng hát Lê Dung, Thy Nga xin chào tạm biệt quý thính giả và các bạn …
"Màu nắng có bao giờ phai đâu" … (Xin nghe audio clip)