Mỹ kim tuột giá


2004.11.23

Cuối tuần qua, giá vàng tại Việt Nam đã tăng vọt, một phần vì Mỹ kim tuột giá nặng nề, trong khi đó, tại hội nghị của nhóm G-20 ở Berlin, giới lãnh đạo tài chính các nước lại không có quyết định can thiệp để vực giá Mỹ kim. Diễn đàn Kinh tế vì vậy trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về nạn sụt giá của đồng đô la Mỹ và hậu quả đối với kinh tế các nước, trong đó có Việt Nam.

Hỏi: Thưa ông, cuối tuần qua, đô la Mỹ sụt giá nặng so với tiền Euro làm giá vàng đã tăng vọt tới mức cao nhất từ 16 năm nay khiến thị trường vàng tại Việt Nam cũng lên cơn sốt. Xin ông trước hết trình bày bối cảnh của vấn đề Mỹ kim sụt giá này.

Đáp: Thưa khi ta nói là tiền Mỹ sụt giá thì như vừa trình bày, phải nói là sụt giá so với cái gì. Thí dụ sụt giá so với đồng Euro Âu châu, khiến một Euro trước đây ăn một đô la 17 xu, hay ăn tới một đô la ba chục xu, cao nhất kể từ khi đồng Euro xuất hiện. Hoặc ta nói là đô la sụt giá so với vàng, khiến giá vàng đã tăng đến 447 đô la một troy ounce, giá cao nhất kể từ 16 năm nay. Trong khi đó, nói chung, đô la vẫn vững giá so với nhiều ngoại tệ Á châu khác và đấy mới là vấn đề.

"...tiền Mỹ sụt giá thì như vừa trình bày, phải nói là sụt giá so với cái gì. Thí dụ sụt giá so với đồng Euro Âu châu, khiến một Euro trước đây ăn một đô la 17 xu, hay ăn tới một đô la ba chục xu, cao nhất kể từ khi đồng Euro xuất hiện. Hoặc ta nói là đô la sụt giá so với vàng, khiến giá vàng đã tăng đến 447 đô la một troy ounce, giá cao nhất kể từ 16 năm nay. Trong khi đó, nói chung, đô la vẫn vững giá so với nhiều ngoại tệ Á châu khác và đấy mới là vấn đề..."

Hỏi: Nhưng vì sao lại có nghịch lý là Mỹ kim sụt giá bên Âu và đứng giá bên Á như vậy?

Đáp: Ta đang đề cập tới vấn đề phức tạp và có lẽ nghiêm trọng nhất của kinh tế toàn cầu. Hoa Kỳ là nước giàu mạnh nhất thế giới nên tiền Mỹ được lưu hành rộng rãi, trở thành ngoại tệ quan trọng nhất trong khối dự trữ quý kim và ngoại tệ của các nước. Tức là tài sản của nhiều quốc gia được lưu trữ dưới hình thức Mỹ kim và tiền Mỹ sụt giá làm các nước đó nghèo đi và phải tính toán cách khác để khỏi bị thiệt. Một trong những cách đó là lưu trữ tài sản bằng vàng chẳng hạn. Bây giờ, nói đến nạn Mỹ kim sụt giá, chúng ta phải nói đến một thất quân bình rất lớn của Hoa Kỳ và của thế giới.

Nước Mỹ tiết kiệm ít đi và tiêu xài nhiều hơn nên mắc nợ rất lớn, được diễn tả bằng số khiếm hụt của cán cân thương mại và cán cân chi phó, hay vãng lai. Nói cho dễ hiểu, mỗi ngày nền kinh tế Mỹ có thể sản xuất ra gần 30 tỷ Mỹ kim, nhưng phải vay từ bên ngoài thêm khoảng hai tỷ mới đủ tiêu dùng và đầu tư, đâu đó bị hụt chừng 6% lợi tức.

Khi bị khiếm hụt như vậy thì tiền Mỹ tất nhiên mất giá. Mặt bên kia là các nước khác, nhất là Đông Á, lại tiết kiệm nhiều và bán hàng cho Mỹ để kiếm lời. Vì nhu cầu xuất khẩu vào Mỹ, các nước Á châu muốn tiền mình rẻ để có lợi thế cạnh tranh, cho nên hoặc họ giữ chế độ ngoại hối cố định, như Trung Quốc, hoặc can thiệp vào thị trường ngoại tệ bằng cách mua thêm đô la để tiền của mình không lên giá so với tiền Mỹ, như Nhật Bản hay Nam Hàn. Hậu quả là tiền Mỹ chỉ sụt giá mạnh so với đồng Euro vì Âu châu có chế độ hối đoái linh động và tự do hơn, nên bị thiệt hơn khi tiền lên giá.

Hỏi: Tình trạng này có thể kéo dài bao lâu và các nước có thể làm gì để đối phó?

Đáp: Thưa tình trạng mất quân bình này không thể kéo dài và tất nhiên dẫn đến việc phải điều chỉnh, nôm na là Mỹ kim phải xuống giá. Nhiều giới nghiên cứu dự đoán là bình quân, tiền Mỹ còn phải sụt khoảng 10% nữa so với các ngoại tệ chính.

Tuy nhiên, tôi xin được nói đến hai ý niệm tổng quát để giải thích việc điều chỉnh này. Trước hết, về quy luật cơ bản, là nguyên nhân, việc Hoa Kỳ bị bội chi ngân sách và nhập siêu về ngoại thương là lý do khiến tiền Mỹ sẽ mất giá. Nhưng, mất giá như thế nào thì ta phải nói đến ý niệm thứ hai là "duyên cớ", tức là thời điểm và cơ hội. Cái nhân đã có, cái duyên sẽ là yếu tố châm ngòi cho sự sụt giá mà ai ai cũng có thể đoán ra nhưng lại có thể là một sự điều chỉnh tiệm tiến hoặc một nạn đột biến bất ngờ và bất lợi.

Hỏi: Ông cho rằng các nước đều đồng ý là để Mỹ kim tuột giá chậm, kể cả Hoa Kỳ?

Đáp: Thưa không nhất thiết như vậy. Quy luật nhân quả khiến tiền Mỹ phải giảm giá, nên càng cố chống lại sự thể này là càng dễ gây đột biến về duyên cớ và khi đó lại giải thích bằng lý cớ sai, là nguyên nhân của nhiều vụ khủng hoảng trong lịch sử. Tiền Mỹ sụt giá là điều có lợi vì sẽ khiến lãi suất Mỹ gia tăng và giảm được xu hướng vung tay quá trán, tiêu xài quá mức tại Hoa Kỳ. Mỹ kim sụt giá là tiền của các nước xuất siêu với Mỹ phải tăng và điều đó mặc nhiên điều chỉnh thất quân bình cơ bản về mua bán với Mỹ, lại còn nâng cao số tiêu thụ nội địa và khiến các nước này bớt lệ thuộc vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, nhiều xứ Á châu lại không muốn vậy nên can thiệp vào thị truờng hối đoái để tiền của mình cũng sụt theo tiền Mỹ. Rốt cuộc thì Âu châu bị thiệt vì Euro lên giá và điều ấy sẽ gây nhiều mâu thuẫn về mậu dịch giữa Âu với Á. Do đó, dù việc tiền Mỹ sụt giá là điều thực tế có lợi chung về trường kỳ nhưng nhiều nước vẫn muốn cưỡng chống. Chính các nước này cuối cùng sẽ bị đột biến, là điều có lẽ ta không muốn xảy ra cho Việt Nam.

Hỏi: Quan điểm của Hoa Kỳ trong vấn đề này là như thế nào?

Đáp: Về trường kỳ, Mỹ kim sụt giá vì khiếm hụt tại Mỹ nên chính quyền Bush đề xướng việc nâng cao khả năng tiết kiệm nội địa và giảm thiểu dần nạn bội chi ngân sách, nhưng đấy là những việc chỉ có kết quả trong dài hạn. Trước mắt thì chính quyền Bush vẫn khẳng định chủ trương duy trì một đồng đô la mạnh, nhưng thực tế để thị trường linh động quyết định về trị giá. Nói cho dễ hiểu thì chấp nhận cho Mỹ kim tuột giá, nhưng trong chừng mực kiểm soát được để khỏi gây biến động. Đó là lý do vì sao trong hội nghị của nhóm G-20 gồm 20 nước công nghiệp và tân hưng tại Berlin, Hoa Kỳ và các nước chủ trương không can thiệp để vực Mỹ kim lên, dù là tiền Mỹ sụt giá so với Euro có thể làm các nước Âu châu bị thiệt khi kinh tế lại không có triển vọng sáng sủa.

Hỏi: Nhưng còn trường hợp Trung Quốc với chính sách ngoại hối cố định của họ?

Đáp: Vâng, trong khi đó, Hoa Kỳ cũng biết là Trung Quốc cố ghìm giá đồng nhân dân tệ theo giá Mỹ kim để tìm lợi thế xuất khẩu nên từ hơn một năm nay, từ tháng Chín năm ngoái, đã yêu cầu Bắc Kinh giải tỏa chế độ hối đoái để đồng nguyên của Hoa Lục tăng giá. Tuy nhiên, có lẽ hai bên cùng hiểu là nếu Trung Quốc thả nổi đồng bạc bây giờ thì hệ thống ngân hàng non yếu của họ sẽ lập tức sụp đổ, nên lần này vấn đề không còn được nêu ra. Vì tự ái quốc gia, Bắc Kinh không thể chính thức công nhận như vậy, nhưng cũng biết là về dài thì sẽ họ phải điều chỉnh, hoặc phải mở rộng biên độ giao dịch đồng nhân dân tệ, tức là nâng giá đồng bạc của họ một cách tiệm tiến, y như phương pháp của Việt Nam.

Hỏi: Và ta trở lại trường hợp Việt Nam. Việt Nam nên làm gì trong hoàn cảnh này?

Đáp: Ta khó có một câu trả lời tổng quát nhưng có thể thấy ra một vài quy tắc xử lý. Thứ nhất là nên đẩy mạnh khả năng tiêu thụ và sản xuất của thị trường nội địa, thay vì dồn sức vào xuất khẩu vì khiến kinh tế phát triển theo hai tốc độ trong và ngoài, và bị ảnh hưởng nặng từ thị trường bên ngoài. Điều này nói thì dễ nhưng làm lại khó vì chính quyền và một phần dân chúng vẫn thấy là thị trường quốc tế có vẻ văn minh và giàu có hơn.

Thứ hai là nên đa dạng hoá khối dự trữ quý kim và ngoại tệ để khỏi bị thiệt khi Mỹ kim mất giá. Điều này thì dễ hiểu dễ làm hơn, nhưng, chọn ngoại tệ nào mới là vấn đề vì kinh tế Âu châu lẫn Nhật Bản chưa có tương lai sáng sủa lắm so với kinh tế Hoa Kỳ.

Thứ nữa, hãy thực tế nhìn ra sự thể là xuất khẩu vào thị trường Mỹ không còn dễ dàng và có lợi như xưa. Một phần vì yếu tố kinh tế xuất phát từ thị trường Mỹ, phần kia là do Hà Nội tự chuốc thêm khó khăn vì lập trường trong cuộc tranh cử vừa qua tại Mỹ nên sẽ gặp trở ngại về mậu dịch và khó kịp gia nhập WTO.

"...Việt Nam có ba năm được hưởng nhiều lợi thế trong quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ, tôi nghĩ rằng các lợi thế này sẽ tiêu hao dần vì những sai lầm đã qua, khi lại phải cạnh tranh với các lân bang..."

Nói vắn tắt, Việt Nam có ba năm được hưởng nhiều lợi thế trong quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ, tôi nghĩ rằng các lợi thế này sẽ tiêu hao dần vì những sai lầm đã qua, khi lại phải cạnh tranh với các lân bang.

Hỏi: Câu hỏi cuối thưa ông, vì Mỹ kim sụt giá, vàng sẽ còn tăng giá phải không?

Đáp: Tôi xin đi từ chuyện xa đến chuyện gần. Vào đầu thế kỷ 20, Đế quốc Anh là siêu cường nhưng bị kiệt quệ vì Thế chiến thứ nhất. Đồng bảng Anh hay là đồng Anh kim vẫn là ngoại tệ dự trữ nhưng mất dần giá trị nên 10 năm sau phải từ bỏ kim bản vị, tức là thả nổi đồng bạc thay vì đảm bảo trị giá bằng dự trữ vàng.

Hơn 30 năm sau, Hoa Kỳ cũng gặp cảnh tương tự vì phí tổn của chiến tranh Việt Nam lẫn chế độ an sinh có tính bao cấp, kết quả là tháng Tám năm 1971, Mỹ cũng thả nổi đồng bạc chứ không giàng giá vào vàng. Hai quyết định ấy của Anh và Mỹ có dẫn tới biến động và khủng hoảng kinh tế cho các nước khác, và vàng từ 35 đồng đã lên tới 400.

"...Nguyên Chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang, tức là hệ thống ngân hàng trung ương Mỹ, là ông Paul Volcker mới dự đoán xác suất xảy ra một vụ khủng hoảng Mỹ kim trong vòng năm năm tới là 75%, tức là rất cao..."

Chúng ta đang gặp hoàn cảnh tương tự. Vì vậy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang, tức là hệ thống ngân hàng trung ương Mỹ, là ông Paul Volcker mới dự đoán xác suất xảy ra một vụ khủng hoảng Mỹ kim trong vòng năm năm tới là 75%, tức là rất cao. Tuy nhiên, chính là nhờ kinh nghiệm chua xót của quá khứ mà người ta biết và biết sợ. Vì vậy, rủi ro khủng hoảng dù vẫn có nhưng cũng được nhiều nước quan tâm hơn để có điều chỉnh tiệm tiến, do đó việc giá vàng còn tăng là điều được dự đoán khá rộng rãi.

Phần mình, Việt Nam đã bớt sử dụng vàng làm phương tiện giao hoán mà chỉ còn làm phương tiện tồn trữ, nhưng thói quen dùng vàng còn mạnh trong lãnh vực tín dụng và địa ốc nên vẫn sẽ gây xáo trộn trong sinh hoạt thường nhật. Sau cùng, vì nghĩ là vàng không nằm trong giỏ hàng hoá để tính ra chỉ số giá cả, nhiều giới chức trong nước cho là cơn sốt vàng sẽ ít tác hại đến vật giá.

Tôi trộm nghĩ rằng điều đó không mấy thực tế. Lý do là thống kê về vật giá, trong đó có giá vàng hay không chẳng hạn, chỉ phản ảnh với ít nhiều trung thực tình hình sinh hoạt ở ngoài đời thôi. Nếu dân chúng còn dùng vàng làm phương tiện trao đổi hoặc định giá mua bán theo giá vàng và đô la thì giá vàng tăng hay đô la giảm tất nhiên cũng chi phối những tính toán về giá cả và sẽ ảnh hưởng đến vật giá hay lạm phát. Người ta không nên hốt hoảng nhưng vẫn phải quan tâm đến vấn đề các nước đang cho là nghiêm trọng nhất.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.