Tản mạn cuối năm về kinh tế học
2004.12.28
Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa
Nhân dịp cuối năm và trong tinh thần mạn đàm nhàn tản, Diễn đàn Kinh tế trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về một vài bài học kinh tế đáng ghi nhớ từ nhiều giác độ khác nhau.
Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, trên diễn đàn này, ông thường nói kinh tế học là một môn học u ám vì ta thường chỉ để ý tới khi kinh tế bị khủng hoảng. Nhân dịp cuối năm dương lịch, khi còn vài ngày nữa là thế kỷ 21 sẽ lên năm tuổi, chúng ta có một tiết mục đặc biệt là mình sẽ mạn đàm về kinh tế học. Nếu ông đồng ý, mình sẽ khởi đầu với một vài bài học kinh tế mà ông cho là đáng chú ý vì có ảnh hưởng nhất đến sinh hoạt của người dân ở trong nước.
Đáp: Tất nhiên là tôi đồng ý vì vào cuối năm mà mình còn luận bàn về chuyện u ám nhức đầu thì cũng làm thính giả kém vui. Vì vậy, chương trình kỳ này sẽ rất dung dị và không có con số hay thống kê rắc rối.
Nói về vài bài học kinh tế có ảnh hưởng nhất, tôi nghĩ đến truyện ngụ ngôn kinh tế “cửa kính vỡ” của kinh tế gia người Pháp Frederic Bastiat, một nhà lý luận kinh tế có giá trị vượt xa Karl Marx và rất đáng cho những ai đang muốn thương thảo về mậu dịch, thí dụ như cá da trơn hay hạn ngạch dệt may của Việt Nam, phải tham khảo, tìm hiểu và học hỏi. Không may cho nhân loại là ta biết về Bastiat ít hơn là về Marx vì một quy luật nhuốm mùi kinh tế, là “cỏ dại sống lâu, anh hùng chết yểu.”
Hỏi: Ông nói đến quy luật kinh tế về cỏ dại và anh hùng là thế nào?
Đáp: Quy luật kinh tế là bài toán của cung cầu, của sản xuất và khan hiếm, của sinh và hoại, của những phản ứng tốt xấu, là sự đấu tranh giữa hoa thơm khó trồng mà cỏ dại dễ mọc! Frederic Bastiat sinh năm 1801 và mất năm 1850, có lẽ vì gặp cái hạn 49 như các cụ ta thường nói về lý số. Karl Marx sinh năm 1818 mất năm 1883, nên thọ hơn Bastiat 15 tuổi và có thời giờ viết ra nhiều điều nhảm nhí làm khổ nhân loại.
Khi Bastiat tạ thế Marx mới bắt đầu khai triển những lý luận ngoa ngụy của ông ta và Âu châu tăm tối làm nhân loại mù lòa đã thổi Marx lên thành một nhà tư tưởng vĩ đại. Giờ đây, thế giới mới thấy Bastiat có những lý luận kinh tế xác đáng hơn Marx, trong khi kinh tế học Mác-xít trở thành môn khảo cổ học về sự rồ dại của loài người.
Đó là về kinh tế học; về xã hội học, cùng thời đại với Marx còn có một nhà tư tưởng khác, cũng người Pháp, có giá trị tôi xin trộm gọi là vượt thời gian, hơn hẳn Marx, đó là Alexis de Tocqueville. Ông là tác giả của cuốn sách đã trở thành kinh điển là “Về nền dân chủ tại Hoa Kỳ”. Nếu de Tocqueville và Bastiat được Âu châu sớm hiểu hơn Marx thì có lẽ nhân loại đã tránh được rất nhiều thảm kịch chiến tranh và khủng hoảng kinh tế. Nhưng, tôi e rằng mình đã mạn đàm ra ngoài rồi...
Hỏi: Ta có quyền nhàn tản nhân dịp cuối năm mà! Bây giờ, xin trở lại truyện ngụ ngôn kinh tế của Bastiat, về “cửa kính vỡ”. Bài học kinh tế của truyện ngụ ngôn đó là gì?
Đáp: Năm 1850, trước khi mất, Frederic Bastiat viết một tiểu luận về lẽ được thua ẩn hiện trong kinh tế học. Ông cho là vì tầm nhìn thiển cận của con người, trong sinh hoạt kinh tế, ta chỉ đếm được những gì nhìn thấy để tính ra lời lỗ được thua mà không biết tới những gì không thấy, và vì vậy không tính ra hậu quả tai hại về dài.
Bài học then chốt ở đây là trong mọi quyết định kinh tế, dù là thi hành với thiện ý, mình phải thấy ra hậu quả lâu dài và toàn bộ cho mọi thành phần dân chúng, nếu không thì sẽ gặp quy luật gọi là hậu quả bất ngờ, trái ngược với mục tiêu ban đầu. Chẳng hạn, khi nói về đồng bạc Việt Nam hiện nay, ít ai nhớ lại những loạt đổi tiền năm xưa, 500 đồng cũ đổi được một đồng mới, rồi 100 đồng mới đổi được một đồng còn mới hơn.
Nếu tính ra mấy chuyện đó ta sẽ thấy biết bao mất mát không đo đếm được và phải kết luận rằng đấy là những sai lầm tai hại. Nhưng vì không nhìn ra hay đã quên rồi nên nạn nhân hài lòng với kết quả hiện tại. Để minh hoạ cho lý luận ấy, Bastiat nêu ra một thí dụ nay đã thành kinh điển về cửa kính vỡ. Bài học lý thú ở đây là các nhà xã hội học về sau cũng có một ngụ ngôn về cửa kính vỡ. Tôi xin được bắt đầu với tấm kính vỡ của giới kinh tế, theo lý luận của Frederic Bastiat...
Hỏi: Nhưng nếu như vậy thì kinh tế học cũng có sự lý thú của nó, chứ có gì là u ám?
Đáp: U ám lắm chứ, nếu ta nhìn ra những gì không hiển lộ trước mắt! Ẩn dụ của Bastiat là một đứa nhỏ ném đá làm vỡ một cửa kính khiến chủ nhà phải thuê thợ lắp tấm kính khác thay thế. Người ta rầy la đứa trẻ ngỗ nghịch nhưng mừng là người thợ làm kính kiếm được sáu Phật lăng nhờ thay tấm kính vỡ và quên là sáu quan đó của chủ nhà đáng lẽ được tiêu vào việc khác, thí dụ như mua giày chẳng hạn.
Cái mất của tấm kính vỡ là cái được của người làm kính, nhưng cái mất vô hình và không tính ra là của thợ giày. Nếu thợ làm kính lại thuê trẻ nhỏ ném đá vào cửa kính mọi nhà để có thêm khách hàng thì ta có hiện tượng khá phổ biến ngày nay ở Việt Nam.
Ngoài đường là nạn trải đinh làm thủng bánh xe để thợ sửa xe có khách hàng, trong chính quyền là hàng loạt quyết định kinh tế đem lợi lộc cho thành phần này nhưng gây thiệt hại cho thành phần khác mà không ai thấy.
Khi lấy một quyết định bảo hộ mậu dịch, thí dụ như đặt hàng rào hải quan thật cao, hoặc bảo vệ doanh nghiệp nhà nước, người ta chỉ nhìn thấy phần lợi lộc của thành phần được bảo vệ mà quên mất, hoặc cố tình lờ đi, những mất mát thiệt thòi của nhiều thành phần khác. Nỗi u ám là sự mất mát không kiểm điểm được và ít khi được báo chí nhà nước nói đến.
Hỏi: Từ bài học kinh tế ấy, hình như là ta có thể suy ra nhiều áp dụng khác phải không?
Đáp: Thưa vâng, trong trận động đất và sóng thần vừa qua tại Đông Nam Á, không nói đến bao mất mát về sinh mạng, ta có hàng trăm tỷ bị tiêu hủy vì thiên tai. Nhưng, sau này, vẫn có chính quyền và truyền thông nói đến tiền bạc và lợi ích của việc trùng tu tái thiết. Cũng với lý luận ấy người ta nói đến nghịch lý là lợi ích của chiến tranh.
Nhờ bom đạn tàn phá mà việc tái thiết sẽ tạo ra công ăn việc làm và tiền tài cho nhiều người. Sự ngoa ngụy kinh tế ấy là nguồn gốc của lý luận Mác-Lenin, và cánh tả, rằng tư bản cần chiến tranh để phát triển kinh tế. Lý luận này quên lửng những mất mát không kiểm kể được. Nếu không có chiến tranh thì tiền tài ấy có thể dùng vào những việc có lợi hơn. Kinh tế học gọi đó là “phí tổn thời cơ”, vì thời giờ và phương tiện trút vào việc này thì không dành cho việc khác.
Khi chính quyền dùng công sản để bảo vệ doanh nghiệp nhà nước thì có khi mất cơ hội dùng tài sản ấy vào mục tiêu giáo dục hay xã hội, cho nhiều thành phần dân chúng hơn. Bài học kinh tế của cửa kính bể vì vậy là bài học của sự chọn lựa, và người dân càng hiểu biết nhiều về kinh tế thì chính quyền càng ít có cơ hội làm bậy.
Hỏi: Ông có nói đến ngụ ngôn về tấm kính vỡ của các nhà xã hội học, bài học ấy là gì?
Đáp: Lần này, ta không nói đến một kinh tế gia hay một nhà xã hội học của Pháp vào thế kỷ 19 mà nói đến ẩn dụ của một học giả Hoa Kỳ vào thời nay. Đó là Giáo sư James Q. Wilson, nhà kinh tế xã hội học đã được Huân chương Tự do của Tổng thống Hoa Kỳ và là giáo sư lừng danh về môn Chính sách Công quyền.
Năm 1982, ông viết một tiểu luận gây chấn động về chánh sách gìn giữ trật tự xã hội cũng với ẩn dụ về cửa kính vỡ: nếu cửa kính một cao ốc bị vỡ mà không được sửa thì các cửa kính khác cũng sẽ vỡ, cao ốc sẽ dần dần suy sụp. Lập luận của Wilson là khi thấy kính vỡ mà không thay thì người ta suy đoán ngay rằng chẳng ai quan tâm đến chuyện ấy, có đập vỡ thêm vài khung cửa kính khác cũng chả sao. Trẻ em ngỗ nghịch coi đó là vùng oanh kích tự do, tha hồ phá phách, và khi tài sản không được bảo vệ, trật tử kỷ cương bị coi thường, tội ác xã hội sẽ gia tăng.
Hỏi: Ông nói ngụ ngôn về cửa kính vỡ của Giáo sư Wilson đã gây chấn động cho dư luận Hoa Kỳ, xin ông giải thích thêm cho thính giả về chuyện này.
Đáp: Trong các thành phố lớn, nhiều cao ốc, công thự và xe lửa xe điện thường bị phá phách, viết bậy. Nếu chính quyền không lập tức có biện pháp đối phó thì sự thờ ơ đó sẽ khuyến khích những hành vi phá hoại nghiêm trọng hơn.
Tại New York, năm 1994, Thị trưởng Rudolph Giuliani đã triệt để ban hành biện pháp nghiêm trị, từ những vi phạm nhỏ nhặt nhất, kết quả là tỷ lệ tội ác đã sút giảm đáng kể và Giuliani trở thành một chính khách có uy tín toàn quốc. Ông áp dụng lý luận cửa kính vỡ của Wilson.
Không phải ngẫu nhiên mà Giáo sư Wilson cũng là một kinh tế gia và, y như Bastiat, là người rất quan tâm đến phản ứng của chính quyền đối với các vấn đề kinh tế và xã hội.
Hỏi: Như vậy, ta có hai tấm kính, một kinh tế một xã hội, mà ông cho rằng có thể là những tấm gương? Ta áp dụng chuyện đó vào trường hợp Việt Nam như thế nào?
Đáp: Chúng ta đều quen với một thành ngữ Trung Hoa, “ấu bất học, lão hà vi”, nôm na là nhỏ không học, đến lớn sẽ làm gì để khuyên trẻ nhỏ cố gắng học hành... Thành ngữ này đã được “đổi mới” và có nghĩa là “trẻ nhỏ không học hành, người lớn làm được gì?” Tệ hơn thế, nó còn có thể là lời vặn hỏi đầy thách thức của trẻ nhỏ, rằng “người lớn đã làm được gì nào?”
Tôi nghĩ đến bài học xã hội của cửa kính vỡ khi thấy trẻ em coi thường lời răn dạy của người lớn vì nhìn ra mặt trái giả trá của lời răn. Từ chuyện đái bậy ngoài đường tới tham nhũng trong cơ quan, tật nhỏ không sửa thì sinh ra tội lớn và sự khôn ngoan tai hại của người lớn là tấm gương xấu cho trẻ nhỏ. Tấm kính xã hội ấy cũng giải thích tấm kính kinh tế, là tinh thần chụp giựt và trục lợi nhất thời mà không nhìn thấy hậu quả lâu dài cho cả xã hội.
Khi đảng lãnh đạo và cầm quyền lại nêu gương xấu về tham nhũng và tệ đoan xã hội thì di hại văn hoá tồn tại còn lâu hơn hậu quả của những thăng trầm kinh tế. Khi 30% những người bán dâm là trẻ em nam nữ dưới 15 tuổi mà 70% khách hàng của họ lại là đảng viên cán bộ thì ta nhìn ra nhiều vấn đề còn trầm trọng hơn một chu kỳ kinh tế.
Tản mạn mãi, tôi lại trở về những hình ảnh u ám nên xin dừng tại đây với lời chúc mừng năm mới yên bình và thịnh vượng được gửi tới thính giả gần xa.