Hậu quả Kinh tế của Sóng thần
2005.01.04
Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa
Cơn địa chấn tại Indonesia dẫn đến nạn sóng thần trên Ấn Độ Dương là trận thiên tai tàn phá nhất trong lịch sử thế giới cận đại. Thế còn ảnh hưởng kinh tế của thảm kịch này sẽ ra sao? Mục chuyên đề hàng tuần Diễn đàn Kinh tế trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về câu hỏi này.
Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, ngay sau ngày Giáng Sinh vừa qua, thiên tai đã đổ xuống Á Châu với trận động đất ngoài khơi Indonesia, dẫn tới sóng biển tràn qua Ấn Độ Dương tới tận vùng Đông Phi. Chương trình chuyên đề hàng tuần của mục Diễn đàn Kinh tế đề nghị là ta cùng trao đổi về ảnh hưởng kinh tế của trận thiên tai này.
Thưa vâng, dù là vào buổi đầu năm dương lịch, chúng ta vẫn phải đề cập tới một hồ sơ buồn thảm như vậy. Việc lượng định hậu quả kinh tế của thiên tai động đất và sóng tràn có thể phải qua từng đợt và nói chung thì vì tai họa mới chỉ xảy ra cách đây 10 ngày, ta chưa thể biết hết được hậu quả một cách đích xác.
Bàn về ảnh hưởng thì ta sẽ phải đề cập tới từng đợt, đầu tiên là tổn thất nhân mạng, kế đó là những thiệt hại trực tiếp rồi gián tiếp trước khi nói về hậu quả kinh tế, rồi chính trị, thậm chí chiến lược cho toàn khu vực. Về đại thể của những ảnh hưởng gần xa, ta có thể sẽ có những thông tin cập nhật nhất sau Thượng đỉnh về cứu trợ sẽ được tổ chức vào Thứ Năm này, là ngày kia, tại Indonesia.
Hỏi: Về tổn thất nhân mạng, các đợt kiểm tra vào cuối tuần qua của Liên hiệp quốc tính ra số thương vong là 155 ngàn, với dự báo là sẽ còn cao hơn gấp bội, có thể tới 20-25 vạn. Riêng Đại sứ Indonesia tại Malaysia hôm Thứ Năm tuần trước còn cho biết là tại vùng thiệt hại nặng nhất là tỉnh Aceh, số nạn nhân đã có thể lên tới 400.000.
Thưa vì vậy mà mọi ước tính của chúng ta đều chỉ có thể là sơ khởi mà thôi. Khi nói về hậu quả kinh tế, ta phải khởi sự từ số tử vong vì nạn nhân không chỉ là những cái miệng phải nuôi mà còn là những cánh tay sản xuất; và ngoài nỗi thương tâm của lòng nhân, ta cần ghi nhận cả những thất thâu, mất mát về kinh tế trong lâu dài.
Thứ nữa, ngoài những chết chóc và đổ vỡ vì bị sóng đánh, ta còn phải dự đoán hàng loạt thiệt hại trực tiếp là khối người ở vào cảnh màn trời chiếu đất, nạn nhân của đủ loại dịch bệnh, và trước đó là nạn đói. Có những vùng bị nạn cho đến nay vẫn chưa liên lạc hay cấp cứu được, cho nên số tổn thất còn đang tích lũy hàng ngày. Điều đó mới cho thấy nhu cầu cấp bách của việc tổ chức cứu trợ của quốc tế và các nước. Trong bảy xứ Châu Á bị nặng nhất, có lẽ Thái Lan là quốc gia đã bố trí việc cấp cứu tương đối hữu hiệu hơn cả.
Hỏi: Ông nói về các thiệt hại trực tiếp rồi gián tiếp, ta liệt kê ra thiệt hại đó như thế nào?
Chúng ta có ít ra năm triệu người trắng tay và đang bị đói. Chúng ta có từng làng ngư phủ, từng đảo, từng vùng bị hủy diệt, hệ thống giao thông bị gián đoạn. Cho nên việc cứu trợ và sinh hoạt kinh tế bình thường bị cản trở, thí dụ như Indonesia hay Sri Lanka khó giữ được nhịp độ xuất khẩu cao su, cà phê hay trà chẳng hạn.
Không chết vì thiên tai, người ta có thể chết vì đói khát hoặc dịch bệnh. Sau đó, vì nạn nhân thiếu ăn, không có màn, thiếu thuốc và nước sạch, vùng Á Châu gió mùa còn bị đe dọa bởi hàng loạt dịch bệnh, như thổ tả, thương hàn, viêm gan, viêm phổi, sốt rét, sốt xuất huyết. Đấy là những thiệt hại gián tiếp và chưa thấy được mà mình còn phải kiểm điểm khi nói đến tổn thất kinh tế.
Cũng trong cách tính ấy, ta nghĩ đến từng đàn gia súc nhiễm bệnh sẽ bị giết hầu dịch tễ khỏi lây lan. Đấy sẽ là những mất mát về thực phẩm cho nạn nhân, và dù có cung cấp lương thực cho họ thì lương thực ấy cũng phải lấy từ nơi nào đó, điều đó tất ảnh hưởng đến cung cầu và vật giá ở nơi này nơi kia.
Chúng ta sở dĩ đề cập tới một chuỗi thiệt hại gần xa như vậy vì diễn đàn này đã nhiều lần nhấn mạnh rằng mọi quyết định hay biến cố kinh tế cần được đánh giá trên toàn cảnh và trong trường kỳ thay vì một cách cục bộ và trong ngắn hạn.
Chúng ta cần nhìn ra điều ấy vì các chính quyền tại chỗ sẽ gia tăng công chi và quốc tế sẽ viện trợ tái thiết nên nhiều người lạc quan lại nói là nhờ thế mà kinh tế Đông Nam Á sẽ tăng trưởng mạnh. Tôi e ngại lập luận kinh tế ấy vì cái điều mà diễn đàn này vừa mới nói tới tuần trước, là hiệu ứng của “cửa kính vỡ”. Khi kính vỡ thì thợ làm kính có thêm việc làm nhưng tiền bạc dồn cho việc sửa lại cửa kính lại gây thất thâu cho ai khác mà mình không biết vì không thấy.
Hỏi: Bây giờ, chúng ta mới đề cập tới những hậu quả kinh tế, ông cho là sẽ nặng hay nhẹ?
Tôi vốn cứ hay nói ngược, cho nên sau khi nêu ra nguyên tắc lượng định gần xa, trực tiếp và gián tiếp, tôi thiển nghĩ là trận thiên tai này gây thiệt hại nặng về nhân mạng nhưng lại không gây nhiều tổn thất kinh tế như tâm lý ta có thể nghĩ tới khi thấy có quá nhiều người tử vong. Lý do chính ở đây cũng là một nghịch lý: những vùng bị tàn phá nhiều nhất vốn dĩ là những vùng nghèo đói bần cùng, nên hậu quả tại chỗ là sự bi thảm cho nạn nhân, chứ hậu quả kinh tế ở cấp quốc gia, cấp vùng hay cấp thế giới lại không là bao nhiêu.
Một ví dụ có thể giúp ta nhìn ra việc ấy là cơn địa chấn năm 1995 tại cảng Kobe khiến 5.000 người thiệt mạng mà gây tổn thất đến hơn 130 tỷ đô la, trong khi thiên tai vừa qua ở Ấn Độ Dương có thể làm các nước nạn nhân bị thiệt mạng gấp 50 lần mà bị mất chừng 13 tỷ đô la về kinh tế, tức là có một phần 10 mà thôi. Nếu thiên tai giáng thẳng vào các trung tâm công nghiệp, hải cảng hay thành phố lớn thì tổn thất kinh tế chắc chắn sẽ cao hơn gấp bội, và hậu quả tai hại sẽ kéo dài lâu hơn, lan rộng hơn.
Hỏi: Nhưng dù sơ khởi thì ta cũng có thể biết được ảnh hưởng trên đại thể chứ? Thưa vâng, về đại thể thì đường tuyến biểu hiện đà tăng trưởng có thể có cái dạng của chữ V, tức là sụt mạnh nhưng lại hồi phục nhanh. Có ba ngành trong vùng sẽ bị hại là du lịch, ngư nghiệp và canh nông. Các ước tính sơ khởi cho thấy là gần 20 triệu người trong vùng sống nhờ kỹ nghệ du lịch và bây giờ hạ tầng cơ sở du lịch phải được tái thiết. Giới nghiên cứu về du lịch tin rằng việc đó sẽ chóng giải quyết vì hạ tầng này có thể trùng tu với phương tiện nội địa.
Thái Lan loan báo là trong ba tháng, kỹ nghệ du lịch của họ tại Phuket sẽ phục hồi được 70% và rút kinh nghiệm quá khứ thì thời gian đình đọng không kéo dài. Vả lại hai nước bị nặng là Thái Lan và Sri Lanka vẫn còn nhiều vùng du lịch không bị hại. Du lịch đem lại chừng 6% cho kinh tế Thái, nếu kỹ nghệ này bị sụt chừng 20% trong ba tháng nửa năm thì trong năm nay tốc độ tăng trưởng của Thái chỉ giảm từ 0,5 đến 0,7% mà thôi. Về nông ngư nghiệp thì Sri Lanka bị hại nhất, và lại là nước nghèo nhất nên tỷ lệ tổn thất có thể cao.
Nhưng Sri Lanka là xứ nhỏ nên có thể sớm phục hồi nhờ cứu trợ quốc tế. Indonesia bị tổn thất nặng về nhân mạng nhưng đà tăng trưởng khả quan từ ba năm qua khiến xứ này còn tiềm lực đối phó và các ước tính sơ khởi dự đoán là đà tăng trưởng năm nay của Indonesia có thể giảm chừng nửa phần trăm thôi. Có lẽ vì vậy mà sau khi tin thiên tai được loan ra, các thị trường chứng khoán Á Châu đều không sụt nặng.
Hỏi: Ông thường nói là trong kinh tế ta thường có cảnh ngộ kẻ khóc người cười, như thế, vụ sóng thần vừa qua có mặt nào tích cực không, cụ thể là có xứ nào có lợi không?
Tôi nghĩ rằng lợi nhất trong vùng sẽ là Việt Nam vì xứ này vốn không bị khủng bố như Thái Lan hay Indonesia, lại không bị trận thiên tai vừa qua nên có thể hưởng lợi nhờ là một trung tâm du lịch hấp dẫn hơn Phuket của Thái hay Bali của Indonesia. Ngoài ra, Việt Nam lại có thể mở rộng thị phần về trà, cà phê hay nhiều thương phẩm nông nghiệp khác khi các nước kia lâm thời bị gián đoạn cung cấp.
Tuy nhiên, có lợi thế là một chuyện, khai thác nổi hay không lại là chuyện khác. Vả lại, vì chúng ta không quên dịch bệnh viêm phổi cấp tính là dịch SARS hồi đầu năm 2003 đã gây thiệt hại kinh tế còn lớn hơn trận sóng tràn vừa qua nên mình cũng phải nghĩ tới mối họa lớn do dịch cúm gà đang có nguy cơ tái phát trong vùng, nhất là tại Việt Nam.
Hỏi: Ông vừa nói đến hậu quả kinh tế, còn về chính trị thì vì sao lại bị ảnh hưởng bởi thiên tai này?
Chúng ta không quên là Sri Lanka có nguy cơ nội chiến và tại Indonesia, sắc tộc Aceh đã đòi quyền tự trị từ nhiều năm nay. Giờ đây, vùng sinh hoạt của các lực lượng ly khai lại bị tàn phá nặng nhất, họ có thể mất hết thế lực trong một giai đoạn khá lâu nên sẽ dễ dàng chấp nhận giải pháp thương thảo ôn hoà thay vì bạo động. Đấy là một hậu quả chính trị ta không nên bỏ qua. Nhưng ngược lại, nếu việc cứu trợ của chính quyền trung ương không tiến hành tốt đẹp, sự bất mãn của các phần tử ly khai có thể gia tăng.
Vì lý do ấy, ta thấy là Australia sốt sắng hàn gắn những tỵ hiềm với Indonesia để yểm trợ việc cấp cứu vì nếu Indonesia bị phân hoá và có loạn thì làn sóng thuyền nhân sẽ lập tức dội vào các tỉnh miền Bắc của Australia. Hậu quả chính trị vì vậy cũng là sự tăng cường hợp tác nhiều mặt giữa các nước liên hệ trong vùng, chủ yếu là Australia, Indonesia, Nhật và Hoa Kỳ.
Hỏi: Và như vậy, ông đang đề cập tới những hậu quả về chiến lược nữa phải không?
Thưa không hẳn như vậy. Vấn đề nó rộng lớn hơn. Á Châu xưa nay vẫn tự hào là đang bắt kịp thậm chí vượt qua Tây phương, vụ thiên tai vừa qua cho thấy nhược điểm nghiêm trọng của niềm tự hào ấy. Á Châu mới chỉ bắt chước Tây phương ở ngoài da, ở cái ngọn, và đặt ưu tiên sai chỗ. Dù ba nước Châu Á đã có võ khí hạch tâm - là Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan - và ba nước có khả năng ấy trong ngắn hạn - là Nhật Bản, Bắc Hàn và Nam Hàn - khu vực này vẫn lạc hậu vì chưa có khả năng bảo vệ sự an toàn cho người dân trước các nguy cơ thiên tai như lũ lụt hay sóng thần, chưa nói tới nạn ô nhiễm môi sinh trầm trọng.
Lãnh đạo Á Châu phải xét lại ưu tiên của mình để cùng nhau hợp tác mà lập ra hệ thống kiểm báo về động đất hay sóng thần thay vì trông cậy vào Mỹ hay Nhật. Việc Ấn Độ Dương thiếu hệ thống báo động như Thái Bình Dương đã khiến cả vạn người chết oan. Đây là lúc lãnh đạo Á Châu phải nhìn ra trách nhiệm của mình để không tái diễn thảm cảnh oan uổng vừa qua.
Điều đó có thể dẫn tới thay đổi về ưu tiên và về nhu cầu hợp tác thiết thực, sau khi Á Châu đã bị khủng hoảng kinh tế năm 97, bị dịch SARS năm 2003 và dịch cúm gà năm ngoái rồi năm nay. Do đó, trận hồng thủy này là sự cảnh giác hữu ích và báo hiệu nhiều thay đổi sâu xa hơn trong tương quan của Châu Á với thế giới. Mong là như vậy!