Việt Long, phóng viên đài RFA
Mời quý vị nghe câu chuyện giữa Việt-Long với một bạn trẻ ở Hà Nội quanh vụ người dân Thọ Đa, Đông Anh đòi đất, tấn công công an và an ninh ở gần trung tâm thủ đô Hà Nội mới đây.

Việt-Long: Những chuyện tương tự như vậy đã từng xảy ra ở nhiều nơi, như là Thái Bình, Hà Nam phải không?
Đáp: Vâng, giữa thập niên 90 và vài năm gần đây, thì có nhiều vụ xảy ra khiến dân tình xôn xao.
Hỏi: Bạn có thấy điểm khác nhau nào giữa những vụ biểu tình, xô xát vì đất đai ở Thái Bình hay là Hà Nam... mấy năm trước so với việc vừa xảy ra ở Kim Nỗ, Đông Anh hôm thứ hai vừa rồi không?
Đáp: Có đấy. Ở Thái Bình, Hà Nam hay những nơi khác thì người đứng đơn kiện chủ yếu là những gia đình có công với cách mạng, gia đình thương binh, liệt sỹ. Vì thế mà chính quyền họ cũng dè chừng và các biện pháp đối phó cũng có phần tương đối kín đáo.
Hỏi: Nhưng tất cả đều có kết cục giống nhau thôi...
Đáp: Vâng, nhưng cuối cùng thì họ cũng đều thẳng tay dẹp hết. Nhiều người liên quan thì bị xử tù.
Hỏi: Dường như là quy mô cuộc biểu tình, xô xát ở Đông Anh hôm rồi có phần nhỏ hơn các vụ khác, đúng không?
Đáp: Cũng không hẳn, vì cũng mấy trăm người tham gia cơ mà. Hơn nữa nó lại xảy ra ở ngay thủ đo Hà Nội, trung tâm đầu não chính trị của cả nước. Vả lại tính chất của sự việc mới này nó có phần khác những vụ kia.
Hỏi: Khác ở khía cạnh nào?
Đáp: Ở Thái Bình hay Hà Nam... dân họ biểu tình chủ yếu là để đòi lại những đất phần đất mà đã bị chính quyền cắt cho các xã bên. Hồi cải cách ruộng đất và trong quá trình lập – tách hợp tác xã nông nghiệp, chính quyền họ cứ lấy ruộng ở chỗ nọ chia cho kia mà, đảo lộn linh tinh. Mãi vẫn không giải quyết thì họ biểu tình. Thế còn vụ ở Đông Anh hôm thứ Hai thì là do dân họ không đồng ý với những cái khoản đền bù mà công ty liên doanh Noble đưa ra.
Hỏi: Như vậy chỗ khác bịêt chủ yếu là...
Đáp: Là những vụ biểu tình, xô xát ở một số tỉnh phần lớn có nguyên do dắt dây từ việc trưng thu, hay là phân chia đất đai trong quá khứ từ hồi cải cách ruộng đất năm 54-56 hay là hậu quả của chế độ hợp tác xã những năm 70. Thế còn những cái chuyện như là ở Đông Anh thì là hoàn toàn mới phát sinh thôi.
Hỏi: Nghĩa là các điểm nóng cũ chưa kịp nguội đi thì đã lại liên tiếp xảy ra những rắc rối mới? Và vụ Kim Nỗ – Đông Anh mới đây là một điều chứng minh.
Đáp: Đại loại như vậy. Anh cũng biết là đối với người Việt Nam mình thì đất cát là quan trọng nhất mà, đặc biệt là với nông dân.
Hỏi: Thế còn đâu là nguyên nhân chung của các sự vụ khiến dân họ bức xúc quá mà phải sinh ra biểu tình?
Đáp: Đa phần những cái nơi đó thì các cán bộ địa phương đều bị tố cáo là ăn cắp công quỹ, chiếm đoạt đất đai. Nhưng cái điều khiến dân họ phẫn nộ nhất chính là đa số các quan lại địa phương đó chẳng những không bị cách chức hay xử tù mà còn ung dung tại vị và quay lại trù dập, bức hãm người tố giác.
Hỏi: Bạn có nghĩ là việc giá đất tăng cũng là một trong những nguyên nhân khiến nông dân xã Kim Nỗ họ biểu tình đòi tăng tiền đền bù không?
Đáp: Chắc là cũng có. Nhưng chủ yếu là do bị mất đất canh tác, lại không được giúp đỡ sắp xếp việc làm trong suốt mấy năm qua, khó khăn quá nên họ bức xúc mà sinh ra như vậy. Anh cũng biết người nông dân mà mất đất thì biết làm cái gì để mà sống.
Hỏi: Đấy có phải là vì công tác an sinh sau dự án làm chưa tốt phải không?
Đáp: Cái này thì không chỉ riêng ở Kim Nỗ, kể cả những dự án lớn hàng ngàn tỷ do nhà nước đầu tư đấy. Như trong dự án thuỷ điện ở Tuyên Quang mới đây này, dự án Na Hang đấy, thì suốt từ năm 2002 đến giờ, tốn bao nhiêu tiền mà chẳng hiểu sao hạ tầng cho dân tái định cư vẫn tồi tệ đến mức kinh khủng: Không có đường đi, không trạm y tế, thậm chí còn không có cả nước sạch để nấu ăn nữa. Mỗi hộ cũng chỉ được cấp khoảng 200 mét đất, bằng một nửa sào ruộng thì làm sao mà họ cấy cầy được. Không biết làm gì để mà ăn nên nhiều hộ đành phải bỏ cả khu định cư để ra đi.
Hỏi: Nhưng việc lấy đất ở đồng bằng thì chắc là thuận lợi hơn, đúng không, vì nông dân họ có thể chuyển đổi nghề hay là đi xuất khẩu lao động chẳng hạn?
Đáp: Cũng chưa hẳn, do lẽ là việc đào tạo nghề nó chưa hợp lý, còn nặng tính hình thức. Còn đi lao động xuất khẩu thì cũng chỉ là xoá đói giảm nghèo thôi, chứ không làm giàu được. Hơn nữa thì cũng chỉ mang tính chất tạm thời, không lâu dài được, tức là đi 2-3 năm rồi lại phải về quê cũ, sau đó thì cũng không biết phải làm gì để mà sống. Ấy là trong trương hợp suông sẻ đấy chứ không thì... Vừa rồi thì ngay như ở dưới nhà quê em đấy, cũng nhiều người đi Malayxia, rồi thì Đài Loan này... nhưng lương thấp lại khổ quá nên phải bỏ về. Tự dưng lại mang món nợ vào người. Có nhà còn phải bán cả đất đai đi để trả nợ.
Hỏi: Hiện nay chúng tôi biết rằng ở bên nhà có một nghịch lý là trong khi nhiều người vẫn tiếp tục khiếu kiện, khiếu nại để đòi đất thì một bộ phận lớn nông dân lại đang ồ ạt trả lại ruộng cho chính quyền địa phương hay là bán ruộng để lên thành phố làm thuê. Thế bạn là một người có vẻ như từng gắn bó rất lâu với nọng thọn, và tận đến giờ vẫn luôn có những mối quan hệ mật thiết với đồng ruộng, bạn có thể đưa ra một lý giải cho hiện tượng này được không?
Đáp: Cái này thì cũng đã diễn ra từ mấy năm này rồi. Chi phí sản xuất thì ngày càng tăng, từ giống má, phân bón, thuốc trừ sâu, thuỷ lợi phí... chỉ có giá lúa là vẫn thế, 02 ngàn một cân, 03 cân thóc thì mới bằng một bánh xà phòng. Khó khăn lắm. Nhiều lúc thu không đủ bù chi đâu. Trong khi ấy thì nhiều nơi, nông dân phải đóng nhiều khoản quá, từ làm đường, ủng hộ người nghèo, bão lụt... vv. Mà chính quyền địa phương lại rất giỏi trong việc đẻ ra những cái khoản để tìm mọi cách bắt người dân đóng góp.
Hỏi: Bạn đưa ra một con số vế giá lúa khá thấp ở đồng bằng Bắc Bộ, không hiểu ở miền Nam có khá hơn không... Thế như vậy thì sao vẫn có nhiều người khiếu kiện để đòi ruộng lại làm gì?
Đáp: Vì đấy là quyền lợi của họ mà. Hơn nữa thì không phải ai cũng đi làm thuê được. Phải có sức khỏe thật tốt, thật nhanh nhẹn. Nói chung, thực tâm thì mấy ai muốn. Nhục lắm, nhiều khi chủ nó chửi kinh lắm ấy chứ. Ăn ở thì tồi tệ, ngày cũng chỉ kiếm được 10-15 nghìn thôi, nên phải cực kỳ tiết kiệm thì mới có tiền gửi về quê. Chưa cần nói đến những thứ tệ nạn mại dâm, con gái quê em mà bị trai làng biết là đi làm ô sin giúp việc thì khó lấy được chồng lắm. Cái quan niệm ở dưới quê nhiều nơi nó vậy ấy mà.
Hỏi: Thế các giải pháp mà chính quyền đưa ra có giảm thiểu được những mặt tiêu cực đó không?
Đáp: Cái này thì nhà nước với lại báo, đài cũng nói nhiều rồi và cũng cố gắng đấy, nhưng mà cũng chưa thấy có gì là khả quan cả. Những cái chuyện ở nông thôn thì nhiều lắm, trong khuôn khổ một cuộc nói chuyện như thế này thì khó mà đề cập được hết.
Hỏi: Vâng, cảm ơn bạn. Quay trở lại với vụ xô xát, biểu tình hôm vừa rồi ở Kim Nỗ, Đông Anh, tôi được biết là bên công an họ đang xem xét tiến hành khởi tố một số người. Bạn nghĩ sao?
Đáp: Vâng, thì cũng giống như một số vụ khác, công an họ không bắt ngay mà để cho êm êm đi đã rồi thì mới xé lẻ cái khối đoàn kết đó của người dân ra để mà bắt giam, xử tù. Bẻ đũa từng chiếc mà lại.
Hỏi: Gọi là bắt nguội đấy...Đó là cái cách trấn áp thường thấy.
Đáp: Cũng tuỳ. Ngay tuần trước đây này, hôm 7 tháng 12, vì những thắc mắc, khiếu kiện rồi thì xô xát quanh chuyện giải toả, đền bù đất đai để cho các doanh nghiệp thuê đấy, công an họ bắt luôn hơn chục người.
Hỏi: Thế à? Xẩy ra ở đâu vậy?
Đáp: Ngay Chương Mỹ, Hà Tây đây này. Ở xã Ngọc Hoà.
Hỏi: À, ở Hà Tây cũng đã xẩy ra rất nhiều chuyện phức tạp quanh vấn đề đất đai rồi, phải không?
Đáp: Vâng. Một loạt quan chức của Hà Tây cũng đã đang bị sờ gáy rồi. Như là nguyên chủ tịch tỉnh Đỗ Văn Toan này, rồi thì hai phó chủ tịch, giám đốc Sở tài nguyên – môi trường, trưởng ban dự án Khu Công Nghệ cao Hoà Lạc.
Hỏi: Đất dự án Khu Công Nghệ cao mà cũng dám đem bán để rồi mà chia chác à?
Đáp: Vâng, đất là tiền mà. Ở đâu hễ có tiền là có sai phạm, tham nhũng. Dân mình bây giờ nhiều khi còn nói diễu là: Các quan thời nay nhiều vị ăn bẩn lắm, ăn cả đất. Thế mà vẫn sống khoẻ, càng ăn bẩn càng béo tốt hơn!?
Hỏi: Phía chính quyền luôn đưa ra lý do giải thích cho các quyết định của mình là phải tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là tư bản nước ngoài. Bạn nghĩ sao?
Đáp: Vâng, nhưng mục đích lớn nhất của mọi chính quyền là phải nâng cao mức sống nhân dân. Vì thế nói gì thì nói thì cũng cần phải lo thật tốt cho đời sống của những người dân đã bị giải toả trước đã. Muốn vậy thì phải đạt được thoả thuận thấu tình đạt lý trong đền bù, rồi thì tái định cư, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho họ đã. "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân" mà anh. Không làm được điều đó thì chẳng hoá ra nói suông sao?
Hỏi: Liệu một loạt những chính sách mới, rồi thì việc 2 nghị định 181, 182 về đất đai mới ban hành hôm 01 tháng 11 vừa rồi sẽ giải quyết được những tồn tại hiện nay không?
Đáp: Vâng, cũng có không ít nét mới rất đáng phấn khởi anh ạ. Tuy nhiên thì đa số người dân vẫn còn e dè, bởi vì giữa văn bản trên giấy tờ và thực tế cuộc sống ở xã hội Việt Nam mình hiện nay nó luôn có những điểm khác biệt mà. Nghị định, chính sách gì thì cũng vẫn phải do con người tiến hành...
Hỏi: Mà lại vẫn là những con người cũ, bộ máy hành chính, cơ cấu cũ phải không?
Đáp: Tất nhiên là vậy rồi.
Vâng, cảm ơn bạn. Vừa rồi là phần ghi nhận một số ý kiến của người bạn trẻ hiện đang sinh sống tại Hà Nội xoay quanh vấn đề đất đai hiện nay. Việt-Long kính chào quý thính giả.