Nhạc sĩ Lam Phương


2004.09.24

Trong mục này kỳ trước, chương trình về cố nhạc sĩ Trúc Phương, nhà báo Nguyễn Đình Toàn có đề cập đến một tên tuổi khác nữa, người miền Nam, là nhạc sĩ Lam Phương. Theo ông, nếu lời ca của Trúc Phương làm nên cái quyến rũ thì âm hưởng của vọng cổ Nam phần là cái duyên thầm trong nhạc Lam Phương.

Vào năm 1952, khi chưa mang tên là Lam Phương, cậu học trò Lâm Đình Phùng mới 15 tuổi đang theo học trường Les Lauriers tại Saigon, đã bạo dạn viết nhạc tình - sáng tác đầu tay là bài “Chiều thu ấy”. Qua năm sau, sáng tác thứ hai mang tựa đề “Trăng thanh bình” phát trên làn sóng điện, được nhiều người ưa thích ngay.

Đến năm 54 thì với “Khúc ca ngày mùa”, có thể nói là Lam Phương đã trở nên “hoàng tử của tân nhạc Việt Nam”. Theo nhà văn Duyên Anh thì Lam Phương chính là người đã phát động phong trào hát và nghe tân nhạc ở miền Nam. Từ trường học, ở những liên hoan mừng Xuân, hay ngày hè tạm biệt, cây lục huyền cầm đã lấn lướt cây ngũ huyền cầm của cổ nhạc.

Nhà báo Vũ Ánh thì viết về Lam Phương là: Con số 40 năm chưa thể nói hết được con đường mà Lam Phương đã đóng góp cho nền tân nhạc Việt Nam, những đóng góp thể hiện rõ ràng tấm lòng và cái chất lãng mạn đặc thù của người miền Nam. Tới nay, Lam Phương đã có trên hai trăm nhạc bản.

Cuộc đời khởi đi từ sự nghèo khó - cha bỏ đi theo tiếng gọi của con tim, để lại hai mẹ con cơ cực - lớn lên thì trải qua thời chiến, rồi trôi nổi ra hải ngoại, cộng với niềm chua chát của riêng mình về tình yêu: cái “vốn liếng sống” ấy cùng với những cảnh đời mà Lam Phương ghi nhận chung quanh, là nguồn cảm xúc phong phú cho người nhạc sĩ này sáng tác:

Hoàn cảnh cùng cực vào một đêm mưa năm 1954, anh nói lên qua bài “Kiếp nghèo”

“Kiếp nghèo” Thanh Thúy trình bày … (Xin nghe audio clip bên trên)

Thuở miền Nam an bình, Lam Phương ca ngợi đất nước với các bài như “Trăng thanh bình”, “Khúc ca ngày mùa”, “Chiều tàn”, ... Cuộc di cư năm 1954 gây nên xúc cảm cho anh viết các bản “Chuyến đò vỹ tuyến”, “Nhạc rừng khuya”, “Đoàn người lữ thứ”, “Nắng đẹp miền Nam”

“Nắng đẹp miền Nam” lời của Hồ Đình Phương, quý vị đang nghe Thanh Tuyền ca … (Xin nghe audio clip bên trên) Lòng thương yêu mẹ, Lam Phương nói lên trong bài “Đèn khuya” viết vào năm 1958, cũng là năm mà anh nhập ngũ, phục vụ trong ngành Tâm Lý Chiến, biệt khu thủ đô. Cảm thông đời lính, Lam Phương viết “Tình anh lính chiến”, “Chiều hành quân”, “Đêm dài chiến tuyến”, “Buồn chi em ơi”, “Biết đến bao giờ”, v.v...

Hết thời hạn quân dịch năm sau đó, anh tiếp tục sinh hoạt với các ban nhạc đài Saigon, đài Quân Đội. Bản “Bức tâm thư” được dùng làm đài hiệu cho chương trình Gia Binh bắt đầu lúc 6 giờ sáng mỗi ngày trên đài Quân Đội, ở miền Nam hồi đó.

Lam Phương cũng cộng tác với ban kịch “Sống” của Tuý Hồng, rồi kết hôn với nữ kịch sĩ này vào cuối thập niên 60.

Đề tài Tình Yêu trải dài qua những nhạc bản như “Duyên kiếp”, “Trăm nhớ ngàn thương”, “Thành phố buồn”, “Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi”, “Buồn không em”, “Thu sầu”, “Trên đỉnh đau thương”, v. v...

Bằng lời ca bình dị nhưng không kém lãng mạn, Lam Phương đã chiếm được lòng mến yêu của đông đảo thính giả.

Biến cố 30 tháng Tư 1975 xảy tới, Lam Phương qua Mỹ tỵ nạn, sau đó sang Pháp, rồi lại trở qua Mỹ, ở Quận Cam.

Ra hải ngoại, Lam Phương tiếp tục viết nhạc, nhớ về đất mẹ bên kia bờ Thái Bình Dương qua các bản “Vĩnh biệt Saigon”, “Đường về quê hương”, “Kiếp phiêu bồng”, ... Dòng nhạc Lam Phương chuyển đổi, đối tượng của anh bây giờ mở rộng hơn, các nhạc phẩm ra đời vào thời gian này khá đặc sắc như “Cho em quên tuổi ngọc” được viết cả sang tiếng Pháp và do Bạch Yến trình bày.

Lam Phương bảo lãnh Túy Hồng sang đoàn tụ nhưng không lâu sau thì cuộc hôn nhân này đổ vỡ. Tâm sự đắng cay của anh hiện rõ nét qua các ca khúc “Tình đau”, “Tình vẫn chưa yên”, “Mưa lệ”, “Cỏ úa”, “Lầm” …

“Lầm” qua giọng hát Lê Minh …

Sau những năm dài đau khổ vì tình không trọn vẹn, Lam Phương đã tìm lại được niềm vui sống. Anh tỏ bày hạnh phúc qua “Bài Tango cho em” chan chứa tin yêu. Mọi người đều mừng cho người nhạc sĩ chân thành này, nhưng vào tháng Ba năm 1999 lại nghe tin là anh bị đứt mạch máu não, tê liệt nửa người. Một lần nữa trong đời, anh lại đang phấn đấu với nghịch cảnh.

Nay, với dấu hiệu bệnh thuyên giảm, Lam Phương mong rồi ra, sẽ được bác sĩ cho phép làm công việc mà anh hằng yêu thích, là viết nhạc trở lại. Trong khi giới yêu nhạc Lam Phương còn phải chờ đợi nhạc phẩm mới của anh, thì có tin là trung tuần tháng tới, họ có thể gặp mặt anh trong một chương trình âm nhạc đặc biệt, tổ chức tại vùng Hoa Thịnh Đốn. Tuy chưa khỏe nhiều nhưng Lam Phương cũng cố gắng tới để gặp gỡ những người thương mến anh.

“Như giấc chiêm bao” … (Xin nghe audio clip bên trên)

Trong âm thanh ca khúc “Như giấc chiêm bao” qua giọng hát Gia Huy, Thy Nga xin kết thúc chương trình buổi nay … chào tạm biệt quý thính giả và các bạn.

“Như giấc chiêm bao” … (Xin nghe audio clip bên trên)

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.