Từ biệt Francoise Sagan, nữ văn sĩ Pháp với cuốn “Buồn ơi, chào mi”

0:00 / 0:00

Lãng đãng nghe ca khúc “Buồn ơi, chào mi” Thy Nga đi lạc cả sang khu vườn văn học của anh Phạm Điền. Bài hát này, tên giống như tựa đề cuốn “Bonjour tristesse” của Francoise Sagan, nữ văn sĩ Pháp vừa lìa trần hôm 24 tháng rồi.

By line: Thy Nga

Tuy nhiên, nỗi buồn của nhân vật Cécile trong truyện lại không vì “tình yêu chắp cánh bay đi” như Anh Tú vừa hát, mà phức tạp hơn. “Bonjour tristesse” là tự truyện của cô thiếu nữ 17 tuổi mang tên Cécile. Cô phá vỡ hạnh phúc của ông bố góa bụa, khiến người đàn bà mà ông định lấy làm vợ, đau khổ phóng xe đi và bị tai nạn. Nghe tin bà thiệt mạng, bố con Cecile bỏ dở chuyến nghỉ hè, trở về Paris.

"Ngày vui năm ấy" … (Xin nghe audio clip bên trên)

Cécile cũng chia tay với người bạn trai, cô chỉ rong chơi thôi chứ nào phải tình yêu.

Một chuyến nghỉ hè dẫn tới bi thảm! Sáng hôm sau, trên giường ngủ, không rõ có ân hận không, nhưng Cécile cảm thấy dấy lên một cảm xúc mới: Buồn ơi, chào mi !

Câu này kết thúc cuốn “Bonjour tristesse”. Qua nhân vật Cécile, tác giả Francoise Sagan nói lên những ý tưởng của chính mình, khi ấy 18 tuổi. Với tâm trạng của lứa tuổi chưa định hướng được cuộc sống, không chấp nhận những kỷ cương trong gia đình, những qui ước xã hội, lại hoài nghi về sự hiện hữu của con người và của chính mình, các cô các cậu đâm ra nổi loạn. Nhất là khi mà Cécile, hay Francoise cũng thế, thuộc gia đình khá giả, vật chất đầy đủ thì đâm ra chán ngán, tâm hồn rơi vào trống vắng, hụt hẫng.

Cuốn “Bonjour tristesse” tung ra năm 1954, đã gây chấn động làng văn học Pháp, và ảnh hưởng cả một thế hệ mới lớn vào thời đó, không những ở Pháp mà lan ra toàn thế giới, vào cả Việt Nam. Quý vị trong lứa tuổi này, chắc còn nhớ.

"Bài ca năm cũ" … (Xin nghe audio clip bên trên)

“Bài ca năm cũ” do nhạc sĩ Phạm Ngọc Lân soạn, quý vị đang nghe tác giả đàn guitar và hát … Bài này gồm cả một số ca khúc ngoại quốc thịnh hành tại Saigòn vào thời ấy, tức là đầu thập niên 1960, khung cảnh khi anh ở ngưỡng cửa đại học. Thy Nga vừa trích, gởi đến quý thính giả phần đầu bản nhạc, gồm có bài “Tous les garcons et les filles” của Francoise Hardy.

Từ ngoại vi Paris, nơi anh đang cư ngụ, nhạc sĩ Phạm Ngọc Lân cho biết anh soạn "Bài ca năm cũ" như sau: (Xin nghe audio clip bên trên)

Về ảnh hưởng của Francoise Sagan với giới trẻ Việt Nam thời đầu thập niên 60, anh nói: (Xin nghe audio clip bên trên)

Tác phẩm “Bonjour tristesse” đã đưa Francoise Sagan vút lên bầu trời văn học Pháp khi mới 18 tuổi, và đem lại cho cô “Giải thưởng của các nhà phê bình” ngay năm đó. Ba năm sau, là vào năm 1957, cốt truyện này được đóng thành phim với các tài tử thượng thặng quốc tế.

Không khí u uẩn nơi giới trẻ thời đó, người ta có thể thấy vang vọng trong nhạc bản “The sound of silence” do Paul Simon viết vào năm 64 và trình bày cùng với Art Garfunkel

"The sound of silence" …(Xin nghe audio clip bên trên) Vào năm 1956, tức là hai năm sau tác phẩm đầu tay, Francoise Sagan cho ra mắt cuốn "Un certain sourire" (Một nụ cười). Đến năm 58 thì cốt truyện này được đóng thành phim với Christine Carrère thủ vai chính, và là nguồn cảm hứng cho nhạc bản "A certain smile" do Johnny Mathis hát

"A certain smile" … (Xin nghe audio clip bên trên)

“Một nụ cười mang mang u sầu, xa vắng và bí ẩn tuy nhiên vẫn đượm niềm vui” là phát biểu của thủ tướng Pháp, Jean-Pierre Raffarin, về Francoise Sagan khi nghe tin nữ văn sĩ qua đời.

"A certain smile" … (Xin nghe audio clip bên trên)

Các tựa đề sách kế tiếp của Francoise Sagan, như “Aimez-vous Brahms?” cũng trở nên tên bài hát được ưa chuộng.

Francoise yêu cuồng và sống buông thả cho tới khi bị bệnh vào các năm cuối đời. Thuyết hiện sinh, Jean-Paul Sartre chỉ viết, chứ Francoise Sagan mới thực sự là người sống hiện sinh.

Anh Nguyễn Xuân Nghĩa, mà quý vị từng nghe và đọc những bài cộng tác với đài chúng tôi, đã nhận định như thế. Bài này, anh đề là “Adieu tristesse” để từ biệt Francoise Sagan.

Đoạn cuối, Nguyễn Xuân Nghĩa viết: "Năm 1988, được yêu cầu viết "cáo phó" cho chính mình trong cuốn từ điển các nhà văn, Françoise Sagan hạ bút: "Xuất hiện năm 1954 với một cuốn tiểu thuyết mỏng, Bonjour tristesse, và gây xì-căng-đan cho thế giới. Sự ra đi của nàng - sau một đời và một sự nghiệp văn chương dễ thương và cẩu thả như nhau - là một xì-căng-đan cho chính nàng." Thông minh chừng nào! Francoise Sagan là đứa con nuông của một Paris phù phiếm, nhưng đáng yêu vì ý thức được sự phù phiếm của bản thân."

Sự nghiệp đó trải dài 42 năm. Hơn ba chục tiểu thuyết và tập truyện ngắn, cùng 9 vở kịch, rồi tùy bút và hồi ký, là những gì nữ văn sĩ “hiện tượng” này để lại cho đời.

"Buồn ơi, chào mi" …(Xin nghe audio clip bên trên)

Chương trình buổi nay, quý vị đã nghe trích các bản “Buồn ơi, chào mi” của Nguyễn Ánh Chín, do Anh Tú hát; “Ngày vui năm ấy” nhạc ngoại quốc, Ngọc Lan hát lời Việt; “Bài ca năm cũ” với Phạm Ngọc Lân; “The sound of silence” do Simon và Garfunkel trình bày; và giọng hát Johnny Mathis trong “A certain smile” …