Trần Sơn Nam

Ngày Thế Giới Nhân Quyền năm nay được giới quan sát qưốc tế đặc biệt chú ý vì nhân ngày này Uỷ Ban Bênh Vực Nhà Văn bị cầm tù đã chọn một số nhà văn bị những chế độ độc tài đàn áp và giam cầm để vinh danh, trong số đó có Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn của Việt Nam. Đài Á Châu Tự Do trao đồi ý kiến với ông Trần Sơn Nam về quyết định của Uỷ Ban Bênh Vực Nhà Văn bị cầm tù năm nay.
Hỏi: Thưa ông Trần Sơn Nam, hàng năm, nhân ngày Nhân Quyền Thế Giới, những tổ chức nhân quyền thường lên tiếng để lưu ý dư luận quốc tế về tình trạng vi phạm nhân quyền tại những nước độc tài. Riêng năm thì người ta thấy nhắc đến tên Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn. Xin ông vui lòng cho biết trường hợp này ra sao ?
Đáp: Thưa, quả thực năm nay tên của Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn được nhắc tới, trước hết là do sự kiện Uỷ Ban Bênh Vực Nhà Văn, một tổ chức nhân quyền có tiếng, muốn lấy năm nay làm khởi điểm cho một cuộc vận động toàn cầu nhằm mục đích đòi huỷ bỏ chế độ độc đoán kiểm duyệt Internet cùa những nước độc tài và lấy trường hợc của B.S. Phạm Hồng Sơn và một vài người khác làm biểu tượng có thể làm nổi bật sự vi phạm nhân quyền tại một số nước trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, nếu chúng ta, hay bất kỳ một người quan sát vô tư nào, nhìn vào trường hợp của B.S. Phạm Hồng Sơn, thì ai cũng phải nhìn nhận đây là một trường hợp hi hữu, vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn. Chỉ vì phổ biến trên Internet một số bài tiểu luận có tính cách chung chung về dân chủ và nhân quyền (tỉ dụ như thế nào là dân chủ?) mà bị lên án 13 năm tù thì khó lòng dư luận tiến bộ trên thế giới chấp nhận hay bỏ qua được.
nhìn vào trường hợp của B.S. Phạm Hồng Sơn, thì ai cũng phải nhìn nhận đây là một trường hợp hi hữu, vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn.
Hỏi: Thưa, từ trước đến nay cũng đã có nhiều áp lực từ bên ngoài để yêu cầu nhá cầm quyền Việt Nam trả lại tự do cho ông Phạm Hồng Sơn, những áp lực này có đem lại kết qủa nào không?
Đáp: Ở vào thời đại toàn cầu hoá ngày nay, dĩ nhiên nhà cầm quyền Việt Nam không thể nào không để ý đến dư luận của thế giới bên ngoài được; vì vậy mà người ta thấy là sau một thời gian, bản án giam cầm ông Sơn đã được giảm xuống 5 năm tù và 3 năm quản chế. Nhưng nói cho cùng thì sự kiện ông bị lên án một cách phi lý vẫn còn đó, và vì vậy mà trường hợp của ông có thể được coi như một trường hợp điển hình, đáng và cần được nhắc lại.
Hỏi: Năm nay, Hội Văn Bút Quốc Tế đã đề xướng một ngày Đoàn Kết với Hội Nhà Văn bị cầm tù để làm việc chung, như vậy phài chăng đây là năm nay thêm những cố gắng mới từ phía nhiều tổ chức nhân quyền khác để làm áp lực đối với nhà cầm quyền Việt Nam ?
Đáp: Thưa, thực ra năm nay không phải chỉ có trường hợp Việt Nam bị đưa ra. Ngoài Việt Nam, Hội Bênh Vực Nhà Văn bị cầm tù năm nay còn đưa thêm ra trường hợp của Trung Quốc và Maldives. Được vinh danh cùng với Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn, người ta còn thấy nhà văn kiêm ký giả Hoàng Cầm Thiều của Trung Quốc và ba nhà báo của Maldives.
Với trào lưu tiến hoá của nhân loại và sự kiện những phong trào dân chủ lan rộng, sự quan tâm của những tổ chức nhân quyền cũng như của dư luận quốc tế nói chung phải được coi là điều tất nhiên và những nhà cầm quyền ở những nước độc tài, dầu có ngoan cố đến đâu chăng nữa, cũng khó lòng nhắm mắt làm ngơ được. Vấn đề còn lại chỉ là thái độ kéo dài thời gian của họ để giữ thể diện, trong khi đó thì cố ngụy biện đổ lỗi cho thế giới bên ngoài là đã can thiệp vào những vấn đề nội bộ của họ.
Với trào lưu tiến hoá của nhân loại và sự kiện những phong trào dân chủ lan rộng, sự quan tâm của những tổ chức nhân quyền cũng như của dư luận quốc tế nói chung phải được coi là điều tất nhiên và những nhà cầm quyền ở những nước độc tài, dầu có ngoan cố đến đâu chăng nữa, cũng khó lòng nhắm mắt làm ngơ được.
Hỏi: Trường hợp của Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn không phải là trường hợp độc nhất ở Việt Nam bị lên án vì sử dụng Internet, liệu sự kiện ông được một tổ chức quốc tế vinh danh có ảnh hưởng đến những trường hợp khác không ?
Đáp: Thưa, như trên đây tôi đã trình bầy, những tổ chức quốc tế chọn những trường hợp điển hình để dễ thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, nhưng trong thực chất đây không phải là chỉ có nhà văn được bênh vực mà là tất cà những người đối kháng trong những chế độ độc tài.
Một trường hợp khác điển hình không kém là trường hợp của bà Aung San Suu Kye của Miến Điện bị nhà cầm quyền quân phiệt tại đây quản chế tại gia. Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn, bề mặt bị lên án vì những chuyện không đâu, nhưng ông chính là người tranh đấu cho một lý tưởng cao đẹp, và sự kiện ông được các tổ chức quốc tế vinh danh có thể được coi như là một khích lệ đối với tất cả những phong trào tranh đấu cho nhân quyền và tự do, dân chủ ở khắp mọi nơi cũng như ở Việt Nam..