Góp ý về việc phát triển đồng bằng sông Cửu Long


2004.10.19

Vùng đồng bằng sông Cửu Long được bắt đầu khai phá sau khi nhà Nguyễn tiến về phía Nam từ cuối thế kỹ thứ 17, 300 năm trước. Đây là một vùng đất gần như hoang dã, đầy đầm lầy và dã thú, đầy cạm bẩy đối với người Việt đi khẩn hoang từ thuỡ ban đầu; một vùng đất mà con người phải chùng bước khi chạm trán với mọi bất trắc có thể xảy ra bất kể không gian và thời gian. Mọi di chuyễn bằng đường bộ hầu như hoàn toàn chưa mở mang lúc đầu và người dân tập trung di chuyễn bằng thủy bộ...

By line: Mai Thanh Truyết - Nguyễn An

Giờ đây, sau 300 năm khai phá, đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển và thành hình theo điều kiện địa lý sau đây: diện tích khoảng 40 triệu mẫu tây so với dân số 22 triệu, trung bình dân số tăng 500 ngàn mỗi năm, với mật đọ trung bình gần gấp đôi so với mật độ cả nước.

Về phương diện địa dư và phát triển nông nghiệp có thể nói vùng đồng bằng sông Cửu Long từ ngày xưa luôn là nơi cung cấp lúa gạo và lương thực cho cả nước.. Theo thời gian diện tích đất khai thác có phần tăng lên nhưng không đồng bộ với đà gia tăng dân số (2,9 triệu năm 1954) mặc dù nơi đây vẫn là vùng cung cấp gạo cho nhu cầu xuất cảng.

Nếu chỉ tính từ năm 1975 trở lại đây, thì mốc thời gian có ý nghĩa quyết định trong sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long là năm 1986, khi chính phủ Việt Nam áp dụng chính sách đổi mới. Sự thay đổi của vùng đất này từ thời điểm đó đến nay là câu hỏi đầu tiên chúng tôi đặt ra với tiến sĩ Mai Thanh Truyết:

Đáp: Từ khi có chính sách cởi mở và đổi mới, dân miền đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu tự làm chủ mãnh đất khai thác và mang nguồn thu hoạch về cho chính mình. Do đó mức sản xuất lương thực tăng một cách đáng kể và xã hội tương đối ổn định về mặt kinh tế.

Tuy nhiên, nông dân lại phải đối mặt với nhiều loại thuế nông nghiệp khác nhau và giá cả phân bón cùng hóa chất bảo vệ thực vật tiếp tục tăng giá thường xuyên theo thời gian; cho nên dù có gia tăng sản lượng nhưng đời sống kinh tế gia đình ngược lại có phần khó khăn hơn trước. Do đó, nếu không có kế hoạch cho tương lai gần thì một số vấn nạn trước mắt sẽ là những cản ngại lớn cho công cuộc phát triển trong tương lai.

Hỏi: Một số vấn nạn làm cản ngại phát triển mà Tiến sĩ vừa nói là gì?

Đáp: Có nhiều nhu cầu cần phải quan tâm và khai triển cấp bách. Trước tiên là việc giáo dục nông dân trong cách xử dụng đất một cách khoa học và thực tế hơn như việc xử dụng phân bón và các loại thuốc bảo vệ thực vật. Tiếp theo là việc giải quyết và điều hòa nguồn nước, phát triển giao thông. Và sau cùng, cần phải giúp nông dân thực hiện những kế hoạch có tính cách quy mô để gia tăng sản xuất cũng như việc trồng tỉa và phân phối nông phẩm hợp lý hơn.

Hỏi: Trong những buổi thảo luận trước đây trên Tạp chí KH &MT , Tiến sĩ đã đề cập đến việc huấn luyện chuyên môn cho nông dân để từ đó các kiến thức khoa học về nông nghiệp sẽ được phổ biến rộng rãi từ làng xã đến thôn ấp. Hôm nay đề nghị Tiến sĩ nói về việc giải quyết và điều hòa nguồn nước.

Đáp: Trước tiên việc kiểm soát và điều hòa nguồn nước phải được xem là một yếu tố quan trọng bậc nhất . Chính quyền cần phải có một chính sách thật rõ ràng về kế hoạch chống phèn, đuổi mặn mà trong những năm gần đây, mỗi lần vào mùa kiệt nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền có nơi sâu hơn 100 km.

Cùng lúc với vấn nạn vừa kễ, việc phân phối và chuyển vận nước, nghiên cứu đào thêm kinh để cung cấp đủ nguồn nước cho nông nghiệp ở những vùng khắc nghiệt cũng không kém quan trọng. Xin lấy một thí dụ điển hình là việc đào kinh khu Tứ giác Long Xuyên để đuổi phèn trong khu vực nầy chỉ là một chính sách có tính cách ngắn hạn và chửa cháy hơn là một quy hoạch đúng đắn để rửa phèn. Một thí dụ điển hình là trong mùa lũ lụt năm 2000 tại miền Nam, sau khi nước đã rút đi sau hơn một tháng, mà tại nhiều nơi ở khu Tứ giác Long Xuyên vẫn còn bị úng thủy vì "đê bao".

Hỏi: Còn việc phát triển giao thông, đầu tư nguồn vốn cũng như việc phân phối nông phẩm như thế nào thưa Tiến sĩ?

Đáp: Song song với điều trên, việc phát triển giao thông, cùng đầu tư nguồn vốn vào các công trình đại trà sẽ giúp cho người dân và chính quyền địa phương kiểm soát được mức sản xuất và tiêu thụ cũng như việc xuất cảng các nông phẩm thặng dư. Phát triển mạng lưới giao thông vào tận những vùng xa không có nghĩa là phải đấp đường cao để tránh ngập lụt, vì làm như thế sẽ tạo ra những vùng sẽ dễ dàng bị ngập nước khi đến mùa nước nổi.

Bạn nghĩ gì về tình hình phát triển đồng bằng sông Cửu Long hiện nay? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Việc tăng gia sản xuất đồng biến với việc ô nhiễm môi trường do đó nếu không có một chính sách rõ ràng và quy chế xử lý thích đáng vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ chịu một khủng hoãng đáng kễ trong tương lai. Tăng gia sản xuất để phát triển kinh tế đòi hỏi có kế hoạch tiêu thụ và phân phối nông phẩm để tránh tình trạng ối động nông phẩm và làm rớt giá bán trên thị trường thế giới.

Hỏi: Còn nhu cầu nào khác nữa không thưa Tiến sĩ?

Đáp: Dạ còn thưa anh. Trước hết, các công trình đại trà trên sẽ đưa đến việc biến cải vùng đồng bằng sông Cửu Long thành từng khu kinh tế tự túc do đó giao thông và tiếp thị sẽ được giải quyết dễ dàng và nhịp đô di chuyển hàng hóa và nông phẩm được giảm bớt đến mức tối thiểu. Từ đó, các vùng kinh tế tự túc sẽ lần lần được đô thị hóa và mỗi vùng nhỏ sẽ biến thành những tụ điểm tương đối độc lập trong mọi sinh hoạt thường xuyên (khu sản xuất hay chế xuất), hoặc trở thành một thành phố có một cơ cấu chính quyền địa phương riêng. Dân trí sẽ được tăng dần nhờ việc phát triển và giao thương với các thành phố lớn khác ở miền Nam.

Qua việc phát triển đô thị ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi đây sẽ là một bến cảng trung tâm ở miền Tây để giao thương với ngoại quốc. Từ đó sẽ gỡ bớt gánh nặng cho thành phố HCM trong việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập cảng. Việc phân bổ, trao đổi, do đó sẽ dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn, chi phí vận chuyển sẽ giảm thiểu và sau cùng lợi nhuận của người dân trong vùng sẽ tăng thêm.

Riêng về sự phân bố lao động, một khi địa phương cung ứng đầy đủ nhu cầu cho lao động tại chỗ, ở các thành phố lớn như TP HCM sẽ đở bị áp lực do việc nông dân dồn về thành phố để tìm việc làm. Đây là một phương cách đúng đắn nhất để giải tỏa nạn dư thừa lao động và hạn chế được những tệ trạng xã hội xảy ra do nạn dư thừa nầy mang đến mà thành phố không có khả năng giải quyết được.

Rốt ráo hơn nữa là chính quyền địa phương sẽ có thêm thu nhập qua thuế khóa để có thể xử dụng cho những nhu cầu phúc lợi xã hội như giáo dục và y tế cho người dân trong vùng.

Hỏi: Bức tranh Tiến sĩ vừa vẽ ra cho đồng bào vùng đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai rất có nhiều triển vọng, trong đó yếu tố người dân là quyết định hàng đầu. Tiến sĩ thấy có còn đề nghị nào khác nữa không?

Đáp: Thưa anh, một khi người dân đã có đời sống kinh tế ổn định, nhu cầu tinh thần là việc tiếp theo cần được giải quyết: đó là việc nâng cao đời sống trí tuệ và văn hóa của người dân trong vùng. Hợp chủng văn hóa đa dạng từ ban đầu (Việt, Cao Miên, Trung Hoa, Chàm và thiểu số cư dân đến từ Mã lai..) phải được bảo trì và nâng cao để tránh những va chạm trong tương lai.

Hiện tại, mặc dù nền kinh tế trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển tương đối phong phú, nhưng người dân vẫn có một đời sống tinh thần và xã hội thấp so với các nơi khác: trường ốc vẫn thiếu thốn, nhu cầu trường trung học cấp ba chưa thỏa mãn , học sinh còn phải di chuyển xa nhà để tiếp tục việc học, các trạm y tế còn nghèo nàn và quá xa tầm tay của người dân, sinh hoạt văn hóa rất hạn chế kéo theo trình đô văn hóa thấp kém và đang trên đà giảm sút (trình độ trung bình của người dân ở mức lớp 5 (1997) tính từ 15 tuổi trở lên so với mức lớp 7 trước năm 1975).

Triển vọng mở mang vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ có nhiều cơ may đạt được so với các vùng khác ở Việt Nam nếu chính quyền trung ương và địa phương lưu tâm thực sự và đúng mức. Nếu được như thế thì chắc chắn trong một tương lai gần, mức công nông phẩm xuất cảng ở vùng nầy sẽ góp phần không nhỏ cho nền kinh tế quốc gia và đồng bằng sông Cửu Long sẽ là một ảnh hưởng không nhỏ để giao tiếp với thế giới bên ngoài.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.