Đọc báo trong nước trên mạng Internet (Ngày 23-10-2004)


2004.10.24
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Sự kiện phát hiện mỏ dầu khí ở thềm lục địa bắc Việt Nam lấn át cả thông tin tái dịch cúm gia cầm ở miền Tây. Đây là các đề tài chính mà chúng tôi tổng hợp trên các báo mạng ở Việt Nam tuần này, bên cạnh một số sự kiện khác về đời sống xã hội.

By line: Nam Nguyên

Phát hiện mỏ dầu khí mới

Trong cùng một ngày thứ tư 20/10 ở hai đầu đất nước xảy ra hai sự kiện đáng chú ý. Đó là họp báo ở Hà Nội công bố tin vui khoan thầy dầu và khí ở thềm lục địa ngòai khơi Hải Phòng, và ở Long An diễn ra hội nghị khẩn cấp về chống tái dịch cúm gia cầm.

Nhân vật bỗng nhiên trở thành trung tâm thời sự lại là một việt kiều Mỹ, ông Đinh Đức Hữu chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công Ty Công Nghệ Hoa Kỳ gọi tắt là ATI. Vietnam Net là tờ báo mạng có bài đưa lên mạng sớm nhất vào lúc 12g 43 trưa 20/10. Đến chiều tối thì tất cả các báo online của Việt Nam đều có thông tin vừa nói. Trong cuộc họp báo ông Đinh Đức Hữu loan báo tổ hợp 4 công ty quốc tế trong đó có ATI đã khoan thấy dầu và khí tại giếng khoan Yên Tử 1-X thuộc lô 106 ở vùng biển 70 km phía đông cảng Hải Phòng.

Trữ lượng riêng cho cấu tạo Yên Tử có thể lên tới hơn 600 triệu thùng dầu, cộng chung khu vực rộng hơn gồm khu Chí Linh và Đồ Sơn, con số này có thể lên tới 700 tới 800 triệu thùng dầu và 40 tỷ mét khối khí. Ông Hữu nhận định rằng giá dầu trên thế giới hiện rất cao, vì vậy với một công ty nhỏ thì chỉ cần trữ lượng 20 triệu thùng trở lên là đã có khả năng thương mại. Trả lời Nam Nguyên ông Đinh Đức Hữu tỏ ra lạc quan về tiềm năng dầu khí ở thềm lục địa Bắc Bộ: (Xin nghe audio clip bên trên)

Chi phí ban đầu cho việc khoan thăm dò đã ngốn hết 20 triệu đô la, và các nhà đầu tư sẽ phải tốn từ 100 tới 200 triệu nữa mới tiến tới khai thác thương mại thực sự vào năm 2006 hoặc 2007. Vào lúc đó, các công ty trong tổ hợp thăm dò sẽ được hòan vốn, và chia lãi với nước chủ nhà Việt Nam.

Dịch cúm gia cầm tái phát

Thời sự từ Việt Nam buồn vui lẫn lộn, cùng ngày tin tìm thấy dầu ở phía bắc phấn khởi biết bao, thì tại miền Nam hội nghị khẩn cấp về tái phát cúm gia cầm do Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn triệu tập tại Long An kết thúc trong bầu không khí đầy lo âu. Cuộc họp qui tụ 100 cán bộ thú y, lãnh đạo Bộ NN &PTNT , các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả miền Đông Nam Bộ.

Các giới chức chính phủ bác bỏ tin là có che dấu thông tin dịch cúm gà tái phát, vì sợ ảnh hưởng công tác tổ chức Hội Nghị Á Âu ASEM 5 diễn ra ở Hà Nội hồi đầu tháng 10. Nhưng trên thực tế gà vịt chim cút đã chết hàng lọat, thú y và người dân đã tiêu hủy hàng chục ngàn con trong thời gian từ 28/9 tới 19/10. Các nơi có hiện tượng tái dịch là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng.

Nếu theo dõi báo mạng đều đặn sẽ thấy hôm thứ Bảy 16/10 trên báo Tuổi trẻ Cục Trưởng Thú Y Bùi Quang Anh nói rằng không biết gì, không có báo cáo về tình trạng gia cầm chết hàng lọat ở miền Tây. Qua thứ Hai 18/10 thì các báo lại loan tin hội nghị khẩn cấp về tái dịch cúm gà sẽ do quyền bộ trưởng NN &PTNT chủ trì vào ngày 20/10 tại Long An. Các giới chức ở miền Tây thì chơi chữ, nói rằng chưa có kết quả xét nghiệm nên chậm loan báo. Người đọc báo tải xuống các trang thông tin trên mạng ngược thời gian, thấy rằng các giới chức Việt Nam thêm một lần vội vã loan báo kiểm sóat và khống chế tái dịch trước khi hội nghị ASEM 5 diễn ra.

Đợt tái dịch lần này được đổ lên đầu lòai vịt vô tội, vốn là nguồn chế biến trăm món ngon của người Việt Nam như tiết canh vịt, gỏi vịt, cháo vịt, tới vịt quay hoặc hột vịt lộn 11 ngày. Báo cáo trong hội nghị 20/10 ở Long An nói rằng lòai vịt mang vi rút H5N1 trong cơ thể nhưng lại không chết vì bệnh mà thải vi rút ra ngòai theo phân. Vịt lại được nuôi chăn thả ở phạm vi rộng tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, nên có thể là nguồn lây nhiễm cho gia cầm. Gần một năm sau đợt bộc phát đại dịch cúm gia cầm, nhưng các vấn đề nêu ra lần này ở hội nghị Long An vẫn chưa được các nhà khoa học trong nước giải đáp.

Theo Vietnam Net có thể tóm lại 5 điều trăn trở của các tỉnh như sau, thứ nhất virút H5N1 đợt này với đợt trước có gì khác. Thứ hai, cơ chế lây lan của vi rút cúm gia cầm và cơ chế nhiễm bệnh ở thủy cầm. Thứ ba, có nên sử dụng vắc xin hay không, nếu sử dụng trong điều kiện như thế nào để có hiệu quả. Thứ Tư, kỹ thuật , hóa chất tiêu độc sát trùng đang sử dụng có đảm bảo hay không. và sau hết điều trăn trở thứ năm , là cần điều kiện như thế nào về trang thiết bị, kỹ thuật, phương pháp chẩn đóan xét nghiệm vi rút cúm gia cầm để cho ra kết quả chính xác.

Theo các báo mạng, nói chung hội nghị cũng chỉ đưa được những khuyến cáo như trước đây là kiểm dịch khép kín từ con giống chăn nuôi và sản phẩm lưu hành trên thị trường và kiểm dịch các tuyến biên giới. Tuy vậy Việt Nam dù được các tổ chức tài chánh quốc tế viện trợ ngân khỏan dồi dào để phòng chống dịch cúm gia cầm, nhưng vẫn bị động và không thực hiện cách nghiêm túc các biện pháp vừa nói. Trong hội nghị, ông Nguyễn Văn Khang giám đốc sở NN &PTNT Tiền Giang lo ngại hiện nay đang là mùa lũ, nếu bùng phát dịch thì nguy hiểm khôn lường, do không có chỗ chôn hủy, người dân sẽ phải xử lý bằng cách quăng xác gia cầm nhiễm bệnh xúông sông rạch. Theo ông Khang trong tình húông đó, địa bàn phát tán dịch càng lớn hơn trong mùa lũ.

Trên các báo mạng, thông tin về hội nghị khẩn cấp chống cúm gia cầm tại Long An kết thúc với lời tuyên bố của quyền bộ trưởng Cao Đức Phát, rằng băn khoăn của các địa phương cũng là những điều mà Bộ NNPTNT và ngành chức năng đang bàn để tìm giải pháp. Và ông Phát chỉ đạo là trước mắt các tỉnh đồng bằng sông Củu long tiếp tục thực hiện thêm một ‘Tháng hành động phòng, chống d ịch cúm gia cầm’ nữa.

Một cư dân TP.HCM cho biết trước các thông tin dồn dập về một đợt tái dịch nguy hiểm, dân Saigon tỏ ra thận trọng hơn không còn thờ ơ như hồi trước đây. Đặc biệt là các quán ăn sử dụng thịt gia cầm cũng có biện pháp trấn an khách hàng: (Xin nghe audio clip bên trên)

Tình trạng ngập lụt ở Sài Gòn

Triều cường, triều cường, sự ngập lụt trong TP.HCM đổ hết cho thiên nhiên tại nước sông dâng cao hơn miệng cống xả nên gây ngập trong thành phố. Rõ ràng là có sự qui họach sai lầm phát triển xây dựng bừa bãi, nên hệ thống thóat nước ở Saigon bây giờ không còn tác dụng. Thành phố nhiều nơi bị ngập trong cả hai mùa mưa nắng. Đề tựa một bài phóng sự trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật đủ nói lên thực trạng bi đát của vấn đề, tác giả Nguyễn Bình Đăng gọi là ‘Rốn Lũ Trong Lòng Đô Thị’ nhà báo viết bài này để mô tả cảnh khổ của người dân trong phạm vi 350 hécta bao gồm các quận 5,6 và 11 TP.HCM.

Nhà báo viết, cứ sau một cơn mưa hàng ngàn hộ dân nằm trên các trục đường Hòang Lê Kha, Tân Hóa, Hùng Vương, Minh Phụng, Phú Thọ, ba Tháng Hai, Lạc Long Quân, Hàn Hải Nguyên lại hì hục thức trắng đêm tát nước, khiêng giường, tủ bàn ghế và sử dụng tôn ván giẻ lau để chắn nước tràn vào nhà, như lời một người dân mô tả: (Xin nghe audio clip bên trên)

Nhà báo đặt vấn đề là chống ngập phải chăng chính quyền đang làm ngược. Khi Saigon được xây dựng vào cúôi thế kỷ 19, những nhà thiết kế đã tính đến mực nước triều cường nên mới xây dựng đường phố ở cao trình hiện nay. Theo tác giả, cho đến nửa đầu thế kỷ 20 Saigon không hề bị ngập, nhưng càng về cuối thế kỷ càng ngập nhiều hơn. Tác giả cho rằng lòng sông lòng rạch bị ô nhiễm đã cao hơn trước đẩy mực nước lên theo, khi thủy triều xúông đứng trên cầu Khánh Hội, cầu Chữ Y, Cầu Nhị Thiên Đường có thể thấy Kênh Đôi, Bến Nghé, Tàu Hủ còn trơ ra lớp bùn chỉ cách mặt đường không đầy 1m. Tác giả cho rằng, như thế mưa xúông nước triều lên, nước phải tràn lên bờ lên phố là tự nhiên.

Tác giả Nguyễn Bình Đăng phê phán lối giải quyết chữa cháy của ngành công chánh là nâng cao mặt đường ở những khu bị ngập, đặt thêm đường ống thóat nước, thông cống rãnh cũ. Nhưng những biện pháp tình thế đó chỉ mang lại kết quả giả tạo, một con đường được nâng cao nước sẽ dồn về các khu vực thấp hơn ở lân cận, ngập vẫn ngập mà còn gây tốn kém cho ngân sách nhà nước.

Tác giả kết luận, làm như ngành giao thông công chánh đang làm là kiểu chắp vá tạm bợ, đẩy gánh nặng cho các thế hệ sau, tạo nên sức ép nặng nề cho cuộc sống của người dân TP. Và tệ nhất là đang sử dụng đồng tiền đóng thuế của dân một cách thiếu cẩn trọng. Sau cùng báo Tuổi trẻ đặt câu hỏi là, tại sao Ủy Ban Nhân Dân TP.HCM không giao cho một hội đồng khoa học gồm các giáo sư, chuyên gia của Đại Học Bách Khoa, Nông Lâm, Khoa Học Tự Nhiên, Thủy Lợi cùng tham gia nghiên cứu đề xuất một giải pháp khả thi.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.