Truyền thông quốc tế (Ngày 1-10-2004)
2004.10.03
Cuộc vận động tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ, vấn đề an ninh quốc gia của Mỹ và thế giới, làm sao có thể ngăn cản ý định chế tạo võ khí hạt nhân của Iran và liệu Ðài Loan với quyết định bỏ ra hơn 18 tỷ đô la để mua võ khí do Hoa Kỳ sản xuất có mở đường cho một cuộc chạy đua võ trang với Trung Quốc hay không.
By line: Nguyễn Khanh - Đỗ Hiếu
Cuộc tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ cho nhiệm kỳ 2005-2009 đã bước vào giai đoạn cực kỳ sôi nổi, với cuộc tranh luận đầu tiên giữa vị Tổng Thống Cộng Hòa đương nhiệm là ông George W. Bush và Thượng Nghị Sĩ John Kerry, người ra tranh cử với tư cách đại diện cho Ðảng Dân Chủ.
Một trong những điểm được quan tâm đến là sự khác biệt về chính sách đối ngoại của người đang hy vọng lãnh đạo nước Mỹ thêm 4 năm nữa, và người đang nuôi mộng trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng. Sự khác biệt này đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến thế lực của nước Mỹ và bàn cờ chính trị thế giới trong 4 năm tới. Vấn đề được Tờ The Washington Post phân tích trong bài nhận định về cuộc bầu chọn Tổng Thống lần này.
Bài báo có đoạn viết như sau: "Sự khác biệt giữa ông Bush và ông Kerry về chính sách đối ngoại không nằm ở mục tiêu phải đạt đến, mà là cách thức đạt mục tiêu, không phải là họ muốn đạt được những gì mà là họ sẽ đạt được như thế nào. Ông Bush cũng như hầu hết các cố vấn thân cận nhất với ông ta, uy thế đối với thế giới chính là sức mạnh quân sự, điều mà các học giả thường hay gọi là quyền lực cứng rắn.
Với ông Kerry và hầu hết những người theo đảng Dân Chủ, uy thế của nước Mỹ tạo dựng bởi cả quyền lực cứng rắn lẫn quyền lực mềm mỏng, tức là không phải chỉ có quân sự, mà còn có ảnh hưởng kinh tế và chính trị, thường được thể hiện qua đường lối ngoại giao, mậu dịch và các tổ chức quốc tế.
Trọng tâm của vấn đề là Hoa Kỳ sẽ có lợi hơn khi được cộng đồng thế giới yêu thích hay khi họ sợ hãi."
Cũng xin được thưa thêm cùng quý thính giả là đúng ba mươi ngày nữa, dân chúng Mỹ đến phòng phiếu để chọn ông Bush hoặc ông Kerry. Tất cả các cuộc thăm dò công luận đều nói ông Bush đang dẫn đầu: số phiếu cử tri nói sẽ bỏ cho ông Bush hơn phiếu cử tri dành cho ông Kerry tới 6%.
Một biến chuyển chính trị và quân sự khác cũng xảy ra là lời thông báo của Chính Phủ Iran, cho biết đã tiếp tục kế hoạch tinh luyện uranium, bất chấp lời kêu gọi của thế giới và của Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế yêu cầu Tehran đình chỉ ngay công tác này. Khi loan báo việc này, Tổng Thống Iran ông Mohammad Khatami nói rằng chính phủ nước ông tiếp tục chương trình hạt nhân phục vụ cho hòa bình và đây là mục tiêu mà Iran đã theo đuổi từ những thập niên qua.
Bài bình luận của tờ The Straits Times xuất bản ở Singapore đặt câu hỏi liệu thế giới có thể tin vào lời của người lãnh đạo Iran hay không? Bài bình luận viết tiếp:
Hầu hết các chuyên gia tin là chỉ trong vòng 1 năm nữa, Iran sẽ có đủ những chất liệu cần thiết để chế tạo bom hạt nhân. Bắc Hàn có thể đã có một vài trái bom loại này, là hiểm họa trước mắt cho thế giới, và Iran đang đi đến chỗ trở thành hiểm họa thứ hai. Kết quả là đã có những cuộc thảo luận công khai cho rằng Hoa Kỳ và Do Thái phải có biện pháp quân sự để ngăn chận, không cho Iran thành một cường quốc nguyên tử.
Mới đây, Thiếu Tướng Elyezer Shkedy, Tư Lệnh Không Quân Do Thái có nói rằng nếu quốc gia thấy giải pháp quân sự là cần thiết, thì quân đội sẽ đáp ứng. Nhưng các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng có lẽ Do Thái không thể thực hiện lại cuộc dội bom nhắm vào một lò nguyên tử của Iran mà họ đã làm hồi 1981. Lý do là vì các cơ sở hạt nhân của Iran nằm ngoài tầm hoạt động của phi cơ chiến đấu Do Thái, một lý do nữa là nhưng cơ sở hạt nhân Iran phân tán ở nhiều nơi và nằm sâu dưới mặt đất."
Bài bình luận của tờ The Strait Times viết rằng Hoa Kỳ là nước có khả năng đánh bom Iran, theo kế hoạch đánh phủ đầu mà Chính Quyền Bush thường hay nói đến, hoặc ngay cả chuyện một số viên chức hành pháp Mỹ nghĩ đến chuyện mở cuộc chiến “để thay đổi lãnh đạo ở Iran” như đã làm đối với Iraq. Nhưng chính Washington hiện cũng phải đắn đo vì nếu làm điều đó, căng thẳng Trung Ðông sẽ tăng cao hơn, và đó là điều Hoa Kỳ không muốn thấy ngay trong lúc này.
Tờ báo viết tiếp: "Như vậy vấn đề sẽ được giải quyết bằng đường lối ngoại giao. Ðiều này đòi hỏi Hoa Kỳ và nước bạn ở Âu Châu cùng với những nước đồng minh hợp tác chung với nhau, tạo áp lực với Iran. Qua khuôn khổ của Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế, Hoa Kỳ, Pháp, Ðức và Anh đã cùng nhau đòi hỏi Iran phải ngưng tinh luyện uranium, và bước kế tiếp là có thể đưa vấn đề này ra trước Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Nhưng các hoạt động đó chưa chắc đã giải quyết được vấn đề. Ðường lối ngoại giao nếu muốn hữu hiệu, thì phải đi kèm với sức mạnh. Nếu Iran từ chối cho quốc tế thanh sát các hoạt động hạt nhân của họ, liệu Âu Châu có tính đến chuyện trừng phạt không? Ðã đến lúc phải nhìn thấy tầm quan trọng của sự hợp tác chung giữa Hoa Kỳ và Âu Châu, vì tất cả dấu hiệu nào cho thấy có sự chia rẽ thì điều này chỉ tạo cơ hội cho Iran lấn bước thêm mà thôi.
Trường hợp Iraq cho thấy một mình Hoa Kỳ vẫn có thể thắng trong thời chiến nhưng không thể thắng trong hòa bình. Trường hợp Iran cho thấy nếu Hoa Kỳ và Âu Châu làm việc chặt chẽ với nhau về ngoại giao thì có thể tránh được chiến tranh."
Theo nhật báo USA Today, Iran và ngay cả Bắc Hàn, là những thử thách mà người lãnh đạo nước Mỹ phải giải quyết, bất kể đó là Tổng Thống Bush hay Thượng Nghị Sĩ Kerry. Tờ USA Today nhận định:
Từ năm 2002, cả Iran lẫn Bắc Hàn đều gia tăng nỗ lực chế tạo võ khí hạt nhân, khiến Tổng Thống George W. Bush phải liệt hai quốc gia này cùng với Iraq trong danh sách “trục ma quỷ”. Iran và Bắc Hàn nếu có võ khí hạt nhân sẽ đe dọa những nước láng giềng và có thể mở một cuộc chạy đua hạt nhân trong khu vực. Ðồng thời có bằng chứng xác nhận Iran yểm trợ võ khí cho bọn khủng bố, Bắc Hàn thì cung cấp kỹ thuật kỹ thuật ché tạo phi đạn cho Lybia và Pakistan.
Dường như Tổng Thống Bush thấy chuyện mở cuộc chiến đánh Iran và Bắc Hàn như đã làm ở Iraq là điều quá nguy hiểm, nhưng những lời tuyên bố cứng rắn và quyết định không thảo luận trực tiếp với Tehran và Bình Nhưỡng đã có hiệu quả. Oanh tạc các cơ sở hạt nhân của Iran vẫn là một giải pháp. Ông Kerry thì kêu gọi nên có những tiếp xúc tích cực hơn, nhưng không đi sâu vào chi tiết. Ðương nhiên vấn đề này không dễ dàng giải quyết được, và cũng là vấn đề mà hai ứng viên Tổng Thống phải trình bày rõ hơn cho cử tri được biết."
Cuối tuần trước, hàng ngàn người dân Ðài Loan đã biểu tình ngay trước dinh Tổng Thống, phản đối quyết định bỏ ra 18 tỷ đô la để mua võ khí do Hoa Kỳ chế tạo, cho rằng nên thay vì dùng số tiền này cho các chương trình phát triển xã hội. Giữa thái độ chống đối của người dân và việc làm của Chính Phủ, tờ Tin Tức Ðài Loan cho rằng tiếng nói của người dân phải được tôn trọng, nhưng:
Điều đáng tiếc là những lập luận của đoàn biểu tình phản đối ý định của Chính Phủ đã không đưa ra được một giải pháp thực tiễn đối với mối đe dọa về an ninh của 23 triệu người dân Ðài Loan, trước hiểm họa không chối cãi được là 600 phi đạn chiến thuật mà Hoa lục phối trí bên kia eo biển, trước việc Bắc Kinh kiến tạo nhanh chóng lực lượng tấn công và không chịu bỏ lời hứa sẽ sử dụng võ lực đối với Ðài Loan.
Tệ hại hơn nữa, cuộc biểu tình này mang danh nghĩa cho hòa bình nhưng lại không bày tỏ chống đối với việc đảng Cộng Sản Trung Hoa trong 14 năm qua tiếp tục chính sách bành trướng quân sự hay chuyện quân đội Hoa Lục đặt những dàn hỏa tiễn nhắm vào Ðài Loan.
Những người biểu tình e ngại Ðài Loan mua võ khí có thể sẽ khơi mào cho một cuộc chạy đua võ trang, mà quên rằng trong 1 thập kỷ qua, Bắc Kinh luôn luôn dẫn đầu cuộc chạy đua về khả năng quân sự. Từ năm 1994 cho đến năm 2002, ngân sách Hoa Lục dánh cho quốc phòng tăng gấp 3, hay gấp 9 lần số tiền Ðài Bắc sử dụng cho quân đội, và bây giờ Hoa Lục đứng hạng 3 trong danh sách những nước mua võ khí nhiều nhất.
Hầu hết ngân khoản Bắc Kinh bỏ ra được sử dụng vào mục tiêu tấn công, như mua chiến đấu cơ Su-27 và Su-30 đời thứ tư; họ cũng mua tầu ngầm Kilo, và các khu trục hạm Sovremenny có trang bị phi đạn cao tốc, cũng như các loại phi đạn chiến thuật và phi đạn bay thấp tự tìm mục tiêu. Từ Washington đến Tokyo, ai cũng rõ quân đội Hoa Lục đang là hiểm họa về an ninh cho vùng Châu Á-Thái Bình Dương.
Ngược lại, từ năm 1994, ngân khoản dành cho quốc phòng của Ðài Loan đã giảm bớt. Hồi 1994, ngân sách quốc phòng của Ðài Loan chiếm 24,28% tổng số ngân sách, năm nay chỉ chiếm 16,59%, trong khi số tiền Chính Phủ dành cho các chương trình xã hội và giáo dục tăng rõ.