Truyền thông quốc tế (Ngày 22-10-2004)

0:00 / 0:00

By line: Nguyễn Khanh

Cuộc bầu chọn Tổng thống ở Hoa Kỳ, 2 ứng viên George W. Bush và John Kerry đang sử dụng tất cả mọi chiêu bài để thu hút lá phiếu của cử tri, quan hệ giữa Indonesia với Australia và với cộng đồng thế giới sau ngày Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono lên nắm quyền là những đề tài được giới truyền thông quốc tế nói đến trong 7 ngày qua, và chúng tôi xin lần lượt gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ tạp chí Truyền Thông Quốc Tế tuần này.

Cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ

Đúng 10 ngày nữa, người dân Hoa Kỳ sẽ đến phòng phiếu bầu chọn người lãnh đạo quốc gia cho nhiệm kỳ 2005-2009. Các cuộc thăm dò được thực hiện cho thấy số phiếu cử tri dành cho Tổng thống George W. Bush và số phiếu dành cho Thượng Nghị Sĩ John Kerry vẫn ngang ngửa với nhau, sát nút đến độ chưa có một nhà quan sát nào dám đưa ra dự đoán ai sẽ là người được dân chúng Mỹ tín nhiệm.

Trong khi đó, theo đúng với thông lệ, một số cơ quan truyền thông đã lên tiếng cho biết ủng hộ ai. Tờ The New York Times đầy uy thế đã quyết định ủng hộ ông Kerry, gọi ông nghị sĩ của bang Massachussetts là người thông minh và khôn ngoan. Tờ báo cho biết là đã bị ấn tượng bởi sự hiểu biết sâu rộng và tư tưởng sáng suốt của người đang hy vọng trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng. Tờ Chicago Tribune, một tờ báo nhiều ảnh hưởng với cử tri miền Trung-Tây của nước Mỹ thì chọn ông George W. Bush, dựa trên quan điểm vị Tổng thống đương nhiệm là người có bản lãnh và đủ cứng rắn để bảo vệ an ninh cho quốc gia. Trong những ngày tới, những tờ báo hàng đầu của Hoa Kỳ sẽ lần lượt công bố danh tánh ứng viên tranh cử được ủng hộ và theo một số nhà quan sát thì sự ủng hộ của giới truyền thông -phần nào- cũng giúp đoán biết xem ai sẽ là người sẽ đắc thắng vào ngày mùng 2 tháng 11 tới đây.

Sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001 xảy ra ở Hoa Kỳ, Washington bắt đầu đẩy mạnh các chương trình viện trợ cho các nước nghèo, coi đó là một trong những biện pháp nhằm bài trừ khủng bố. Tổng thống Bush cam kết tăng thêm 5 tỷ viện trợ công với 3 tỷ giúp phòng chống bệnh AIDS, tức tăng gần gấp đôi so với số tiền trợ giúp hàng năm đã giúp cho những quốc gia nghèo. Ông Kerry cũng đưa ra lời cam kết tương tự và còn nói nếu đắc cử Tổng thống, ông sẽ tăng gấp đôi khoản viện trợ phòng chống bệnh AIDS.

Nhận định về vấn đề này, nhật báo The Washington Post viết: "Điều đáng lo ngại là cả hai ứng viên đều đưa ra những lời hứa hẹn đẹp mắt trên mặt báo, nhưng trong cuộc vận động tranh cử, cả hai ông đều không nói gì đến viễn ảnh tương lai của những nước nghèo. Ðiều thực tế là hiện đang có 3 tỷ người, tức một nửa dân số toàn cầu, vẫn sống ở mức dưới 2 đô la một ngày, và cả hai ứng viên đều không nhắc gì đến tập thể nay trong các bài diễn văn tranh cử hay trong các cuộc tranh luận.

Họ cũng chẳng nói gì đến sự kiện mỗi năm có thêm 5 triệu người bị nhiễm HIV. Họ cũng không nói gì đến những cuộc thương thuyết mậu dịch nhằm cắt giảm thuế quan để giúp các nền kinh tế của những nước nghèo phat triển, và phát triển này thành công hay thất bại là tùy thuộc vào những cam kết của người sẽ làm Tổng thống Mỹ."

Tờ Post viết tiếp: "Không thể chối cãi được là quan điểm của các ứng viên Tổng thống với ngân khoản viện trợ cho nước ngoài không nằm trong danh sách những điều cử tri Mỹ quan tâm đến. Nhưng ngoại viện là một phần của chiến lược rộng lớn mà Hoa Kỳ đã đưa ra để khẳng định vị thế lãnh đạo của mình, và đó cũng chính là điều mà cử tri quan tâm đến."

Bất kể ngoại viện sẽ được sử dụng vào mục tiêu chính trị như thế nào, điều quan trọng là cả ông Bush và ông Kerry nên nói đến. Chuyện hai ông không công khai nói gì về vấn đề này khiến người ta không rõ các chương trình phát triển mới mà ông Bush đưa ra hay lời hứa của ông Kerry giúp bài trừ bệnh AIDS liệu có trở thhàn sự thật hay không.

Ông Susilo Bambang Yudhoyono tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Indonesia

Tại Jakarta sáng thứ Tư vừa qua, ông Susilo Bambang Yudhoyono đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Indonesia. Tối hôm trước, ông đã có buổi làm việc riêng với Thủ Tướng John Howard của Australia và sau đó, đưa ra lời tuyên bố với đại ý nói rằng quan hệ giữa hai nước sẽ bền chặt hơn bao giờ hết.

Sự kiện vừa nói đã khiến cho các nhà quan sát tin rằng sau những khó khăn xảy đến từ khi Australia ủng hộ Ðông Timor tách rời khỏi Indonesia, đã đến lúc hai nước láng giềng này xiết chặt tay nhau để xây dựng một mối quan hệ mới và quan trọng hơn nữa là cùng nhau bài trừ khủng bố.

Dưới nhan đề “Một Người Bạn Mới Ở Indonesia”, bài bình luận của tờ Sydney Morning Herald đưa ra những nhận xét khá dè dặt, không vội vã cho rằng quan hệ song phương Indonesia-Australia sẽ bước vào một kỷ nguyên mới.

Bài bình luận viết: "Ông Susilo lên nắm quyền sau khi đưa ra những lời hứa hẹn sẽ đổi mới chính trị lẫn kinh tế, là ngôn ngữ thường thấy ở Tây Phương. Ðối với Chính Quyền Australia, Chính Phủ do ông Susilo lãnh đạo là một chính phủ dễ nói chuyện hơn, và quan hệ hợp tác nhằm đối phó với khủng bố đang đe dọa an ninh cũng như quyền lợi của Australia sẽ cái tiến. Nhưng quan hệ song phương sẽ cải tiến tốt đẹp đến đâu thì còn tùy thuộc vào chuyện liệu ông Susilo có thành công trong việc thay đổi bộ mặt của Indonesia hay không."

Tờ Sydney Morning Herald giải thích: "Gia sản mà ông Susilo thừa hưởng là một quốc gia tụt hậu về kinh tế, thất nghiệp thì tăng cao. Trên giấy tờ, mức độ tăng trưởng kinh tế của Indonesia là 4,8%, tức khả dĩ có thễ chấp nhận đcợc sau cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Á xảy ra hồi cuối thập kỷ 90. Vì thị trường nội địa của Indonesia rất lớn, nên mức độ tăng trưởng đạt được không phản ánh được mức tiêu thụ của người dân. Ðiều Indonesia cần phải đạt được là phát triển kinh tế ở mức 6% hoặc 7%, để có thể giải quyết công ăn việc làm cho cả triệu người hoàn tất học trình mỗi năm. Nếu phát triển được ở mức 8% thì còn tốt hơn nữa."

Thu hút đầu tư nước ngoài là điều mà Chính Phủ của ông Susilo sẽ phải làm. Ðể có thể thực hiện được điều này, phải bảo vệ được an ninh, phải có một chính sách cứng rắn đối với khủng bố. Phải có luật lệ minh bạch, Chính Quyền trong sạch, giảm bớt điều khoản của luật lao động.

Trong khi các phần tử khủng bố Jemaah Islamiah đang ẩn náu ở Indonesia là quan tâm hàng đầu của Chính Quyền Australia, Jakarta còn phải đương đầu với những thử thách ở các nơi khác, đáng chú ý nhất là ở các tỉnh Aceh và Papua. Vị Tân Tổng thống phải nối lại các cuộc đàm phán hòa bình. Ông Susilo cũng phải trực diện với thành phần Hồi Giáo quá khích, nhưng phải thật khéo léo, đừng để cho thành phần Hồi Giáo ôn hòa nghĩ ông là người thân Tây Phương.

Lợi thế của Tổng thống Susilo là ông lên nắm quyền sau khi cựu Tổng thống Megawati Sukarnoputry gặp thất bại. Người dân Indonesia hiểu cái giá mà họ phải trả nếu tiếp tục trì trệ và vì thế, ai cũng mong chờ thay đổi. Dân chủ đã hình thành, và Tổng thống Susilo có thể tin tưởng vào sự yễm trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó, có cả sự yểm trợ của Australia.