Giới trẻ Việt Nam và âm nhạc cổ truyền

0:00 / 0:00

Trong cơn lốc hiện đại hóa hiện nay, nhiều người đặc biệt là giới trẻ bị cuốn hút quá nhiều bởi phong cách của lối sống mới đến nỗi ngày càng xa dần với những giá trị cổ truyền. Có ý kiến cho rằng nhiều người trẻ đang quay lưng lại với âm nhạc dân tộc. Điều đó đúng đến mức nào? Nguyên nhân vì đâu? Có nổ lực nào giúp tạo lập niềm yêu thích âm nhạc truyền thống cho những thế hệ mai sau hay không?

By line: Gia Minh

Trong Mục Nhịp Sống Trẻ kỳ này, mời quí vị và các bạn cùng nghe ý kiến của một số người trẻ và chuyên gia về những điểm vừa nêu.

Khi đến những thành phố lớn và có bề dày lịch sử mang nhiều nét cổ kính của Việt Nam như Hà Nội, Huế, những người muốn thưởng thức các giá trị nghệ thuật cổ của người Việt cần phải có sự hướng dẫn mới đến được những điểm diễn đặc biệt đó. Trong khi ấy thì nhan nhãn vô số những tụ điểm ca nhạc, những quán bar, vũ trường rập rình tiếng nhạc pop, rock phương Tây thì khá phổ biến hầu như khắp mọi tuyến đường lớn của các thành phố Việt Nam từ nam chí bắc.

Ảnh hưởng mạnh và nhanh của các thể loại nhạc trẻ được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều người trẻ hiện nay không mặn mòi với dòng nhạc truyền thống của dân tộc.

Trần Huyền Trang, một học sinh mới tốt nghiệp phổ thông cho biết về sở thích âm nhạc của bạn: "Em thích nghe nhạc pop, rock."

"...Nhạc dân tộc từ những chiếc đàn tranh đàn bầu nghe sao buồn quá, lâu lâu nghe một lần thôi chứ không thể nghe hằng ngày được..."

Riêng bạn Hà Phương, sinh viên Đại học Văn Hóa ở Hà Nội thì nói rõ về yếu tố hấp dẫn của nhạc dân tộc đối với người trẻ như cô: "Không thu hút được chúng em người trẻ, lý do thì chẳng biết giải thích thế nào."

Bạn Tân Nguyễn hiện sống tại Hoa Kỳ thì cho rằng âm điệu của nhạc dân tộc thường là buồn bã, không sống động và nhộn nhịp như nhạc trẻ, và đó cũng là một lý do khiến bạn không mấy thích nhạc dân tộc: "Nhạc dân tộc từ những chiếc đàn tranh đàn bầu nghe sao buồn quá, lâu lâu nghe một lần thôi chứ không thể nghe hằng ngày được."

Bên cạnh rất nhiều ảnh hưởng của trào lưu mới, dòng nhạc dân tộc còn gặp nhiểu trở ngại vì hoạt động phổ biến, truyền bá cho loại hình này còn hạn chế ngay cả trong và ngoài nước.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi có hằng trăm tụ điểm, sân khấu, quán bar, vũ trường, chỉ có một điểm diễn dành cho nhạc dân tộc truyền thống đó là Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân tộc Bông Sen. Ông giám đốc Đinh Linh của cơ sở này cho biết về những khó khăn mà Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân tộc Bông Sen gặp phải trong thời gian qua: (xin nghe audio clip bên trên)

Đó là chuyện ở quê nhà, còn tại Hoa Kỳ nơi có cộng đồng người Việt hải ngoại lớn nhất thế giới, thì một số người tâm huyết với dòng nhạc dân tộc cũng trăn trở khá nhiều để làm sao người trẻ tại đây có thể tiếp cận, hiểu được vốn văn hóa cổ truyền khi mà các bạn trẻ phải hằng ngày tiếp xúc với nền văn minh Tây phương, nói tiếng bản xứ và giao lưu gặp gở chủ yếu với người núơc ngoài.

"..Âm nhạc truyền thống giúp người Việt tạo ra ấn tượng bản sắc riêng đối với người bản xứ; mong được làm ngọn đuốc để trao lại vốn đó cho thế hệ mai sau..."

Chị Phan Ngọc Yến hiện sống tại bang Mississippi, Hoa Kỳ, dù không phải là chuyên gia về âm nhạc dân tộc Việt Nam thế nhưng do hiểu được và thấy được nét độc đáo của vốn văn hóa này nên đã cố gắng cùng nhiều nguười khác giúp phổ biến âm nhạc dân tộc cho những bạn trẻ Việt tại xứ người.

Chị Yến bày tỏ mong muốn của chị và những người cùng chí hướng: "Âm nhạc truyền thống giúp người Việt tạo ra ấn tượng bản sắc riêng đối với người bản xứ; mong được làm ngọn đuốc để trao lại vốn đó cho thế hệ mai sau."

Sau bao trăn trở thì tất cả những người có tâm huyết với nhạc dân tộc Việt nghiệm ra rằng do người trẻ không được tiếp cận và không hiểu thấu đáo dòng nhạc truyền thống dân tộc nên các bạn chưa cảm và thích nghe những giai điệu độc đáo đó. Giám đốc Đinh Linh của Nhà hát Ca Múa nhạc Dân tộc Bông Sen tại Sài Gòn cho biết về kết quả mà nhà hát thu lượm được sau chương trình tổ chức vào ngày 16 tháng 10 qua dành cho sinh viên tại đó: "Trước khi biểu diễn chúng tôi giải thích cặn kẽ về giai điệu và ý nghĩa. Kết quả là các thính giả trẻ tỏ ra thích thú; chương trình kết thúc mà vẫn cứ thấy chưa đủ."

Điều này cũng hoàn toàn đúng với một bạn trẻ sinh sống ở Hoa Kỳ, sau khi được giải thích cho hiểu rõ về làn điệu dân ca mà bạn được nghe: "Em rất thích nhạc dân tộc, đặc biệt là sau khi hiểu thế nào là con xít, rồi nướng 'khô khoai' chứ không phải 'ngô khoai'…"

Cô sinh viên Đại học Văn Hóa Hà Phương bày tỏ mong muốn là môn học về nhạc dân tộc cần được đưa vào dạy trong nhà trường. Có thế thì các bạn trẻ sẽ hiểu và ưa thích được: "Dạy từ cấp hai, ba và cho các bạn tìm hiểu thì sẽ thích thôi."

Bạn nghĩ gì về âm nhạc cổ truyền? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Câu nói ‘Giữ gìn bản sắc dân tộc’ được tuyên truyền khá lâu nay; thế nhưng hầu như những hoạt động thực hiện điều đó vẫn còn quá khiêm tốn. Sự hô hào cổ vũ nếu không đi đôi với việc làm hẳn nhiên không giúp đem lại hiệu quả mong muốn.

Hẳn tất cả quí thính giả và các bạn trẻ đều mong muốn có nhiều đêm diễn như chương trình hôm ngày 16 tháng 10 vừa qua của Nhà hát Ca múa Nhạc Bông Sen dành cho giới sinh viên Sài Gòn. Vào dịp này có thêm một số tin vui là Công ty Tổ Chức và Biểu diễn của Thành phố Hồ chí Minh sẽ có kế hoạch biễu diễn định kỳ vào ngày 21 mỗi tháng các chương trình nhạc cổ truyền dân tộc.

Cũng vào trung tuần tháng 10 vừa qua, Trung tâm Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh ra mắt Câu Lạc Bộ ca Huế với kế hoạch xây dựng đội nhã nhạc và múa cung đình Huế tại Sài Gòn. Có một lớp học đáng hoan nghênh là lớp học hát dân ca ba miền tổ chức cho các học viên cai nghiệm ma túy tại Trung tâm giáo dục dạy nghề ở xã Hoà Bắc, huyện Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam do nhạc sĩ Trần Hồng, chi hội trưởng Chi hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam ở Đà Nẵng khởi xướng.