Niềm tin tôn giáo của giới trẻ Việt Nam ngày nay?


2004.11.16

Cuộc sống của người trẻ thường hướng ngọai và thực tế hơn thế hệ lớn tuổi. Song song với những đặc tính đó, thì lối sống trong thời đại công nghệ hiện đại làm cho người trẻ trở nên hoài nghi, thắc mắc hơn, đặc biệt là đối với những điều chưa và không thể chứng minh được bằng khoa học.

By line: Gia Minh

Trong Mục Nhịp Sống Trẻ kỳ này, Gia Minh mời quí vị cùng nghe ý kiến của một số bạn nói về niềm tin tôn giáo của giới trẻ Việt Nam hiện nay. Số bạn tìm đến với tôn giáo là vì lý do gì? Lòng tin đạo mang lại gì cho họ trong cuộc sống? Còn những bạn không tin vào một thứ giáo lý nào là vì sao?

Thế hệ những bạn trẻ Việt Nam ra đời ngay sau chiến tranh, nay lớn nhất cũng xấp xỉ tuổi ba mươi. Khác với thế hệ đàn anh của họ sống trong thời kỳ chiến tranh khi đất nước phân ly với nhiều thanh niên miền Bắc được giáo dục theo chủ thuyết cộng sản vô thần và nhiều thanh niên miền nam bị cuộc chiến làm cho trở nên bi quan hoài nghi, không biết sống chết lúc nào thường bị cuốn theo chủ thuyết yêu cuồng sống vội, chẳng muốn tin ai.

Thế hệ trẻ ngày nay may mắn được lớn lên trong thời bình và khuynh hướng tâm linh của mỗi gia đình được thể hiện khá rõ nét. Dù rằng chương trình học của Việt Nam không truyền bá tư tuởng tôn giáo, nhưng do ảnh huởng của gia đình mà nhiều người trẻ hiện nay lớn lên với niềm tin tôn giáo từ cha mẹ truyền lại. Hoặc trong sinh họat giao lưu nhiều bạn học theo người khác. Và nếu cha mẹ không tin vào một tôn giáo nào thì con cái cũng thường không theo đạo.

"...Em là Phật Tử, em đi chùa vào ngày rằm mồng một nhưng hiểu rõ giáo lý của đạo Phật. Theo đạo là từ cha mẹ truyền lại..."

Bạn Nguyễn Tiến Sang, sinh viên tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ý thức đạo giáo của bạn như sau: "Em là Phật Tử, em đi chùa vào ngày rằm mồng một nhưng hiểu rõ giáo lý của đạo Phật. Theo đạo là từ cha mẹ truyền lại."

Khác với Sang thì bạn Nguyễn Thanh Tuấn, hiện là giám đốc tiếp thị Vùng Hạ Long của một công ty thuốc lá, cho biết những lý do đi đạo của những bạn trẻ cùng trang lứa: "Có một số lý do như đi nhà thờ, chùa để gặp gỡ nhiều người."

Một bạn trẻ sống tại miền bắc phát biểu về ý thức tôn giáo của bản thân và gia đình: "Em vô thần."

Đối với bạn Nguyễn Trung Hưng, một người theo đạo Công giáo La Mã, thì ý thức về giáo lý đạo nơi bạn có phần sâu hơn hai bạn trước do được giáo hội đào tạo, gia đình hướng dẫn và ý thức riêng của bản thân: "Em đạo công giáo dòng, các cha dạy cho em nhiều giáo lý và em cũng đọc thêm sách."

Dù đến với tôn giáo thông qua con đường và hình thức nào, thì những bạn có đạo cũng thừa nhận giá trị về mặt tinh thần mà tôn giáo đem lại cho cuộc sống hiện tại. Bạn Lê Thanh Tuấn trình bày giá trị bình an tâm hồn khi đến những chốn tôn nghiêm: "Dù đến chùa hay nhờ thờ đều thấy thoải mái an tâm."

"...Mục tiêu là giúp người nghèo và đạo của em dạy như thế. Việc hành đạo mới quan trọng..."

Nguyễn Trung Hưng thì cho biết chính tôn giáo hướng bạn vào con đường làm việc thiện để giúp đỡ tha nhân: "Mục tiêu là giúp người nghèo và đạo của em dạy như thế. Việc hành đạo mới quan trọng."

Trong thực tế luôn có hai thái cực tồn tại song song: có những bạn hoài nghi tất cả, cho rằng tôn giáo không có giá trị gì trong cuộc sống của họ, lại có những người quá sùng bái những hiện tượng siêu nhiên đến độ cuồng tín và có những người quá yếu đối đến nỗi trở nên nạn nhân của sự mê tín dị đoan.

Hiện tượng mê tín dị đoan nơi giới trẻ trong những năm gần đây có phần gia tăng. Vào những dịp thi cử, nhiều bạn chạy đến các đền, chùa được cho là linh thiêng để cúng vái xin thi đậu. Có bạn ham mê cờ bạc, đánh đề cũng tin theo những câu phán nhảm nhí của những kẻ lợi dụng máu tham nơi con người. Thế rồi nhiều bạn thiếu tự tin đến nỗi còn nghe theo lời của những thầy bói đóan mò về tình duyên, gia đạo…Một bạn nữ xác nhận về tình trạng này: "Trẻ già gì cũng xem bói, coi tình duyên tiền bạc."

Thưa quí thính giả và các bạn trẻ, cuộc sống hài hoà của một con người luôn có hai phần tâm linh và thể xác. Truyền thống đạo giáo của người Việt, rồi những họat động tích cực của các tôn giác giúp xã hội Việt Nam phát triển và duy trì được mối tình thâm giữa các thế hệ và giữa mọi người với nhau.

Dù theo hay không theo một tôn giáo nào, nhưng một niềm tin vào điều cao cả nhất trong vũ trụ là chân thiện mỹ mà mọi thời đại hướng đến hẳn sẽ giúp chúng ta, đặc biệt là những bạn trẻ vừa biết hướng thiện, vừa luôn tìm kiếm những chân giá trị tốt đẹp cho cuộc sống hiện tại và tương lai, rồi nổ lực hoàn thiện bản thân.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.