SỰ THẤT THẾ CỦA ÔNG VÕ NGUYÊN GIÁPLời giới-thiệu: Ngày 22-12 năm nay, Quân-đội Nhân-dân Việt-nam vừa đúng 55 tuổi. Quân-đội này đã có những nguồn gốc thật khiêm tốn với đơn-vị đầu tiên chỉ bằng một trung-đội, 34 người, mang tên Đội võ trang tuyên truyền Giải phóng quân. Từ đó, quân-đội đó đã có những bước đi hia bảy dặm để lớn mạnh thành một trong những quân-đội hùng mạnh nhất Đông-Nam-Á và được thế-giới công-nhận một cách rộng rãi là đã chiến-thắng ba đội-quân lớn ở trên thế-giới, quân-đội Pháp, quân-đội Mỹ và Quân-đội Nhân-dân Trung-quốc. Nhưng đó là khi quân-đội đó còn giải-thích được là mình chiến-đấu cho độc-lập dân-tộc chứ cũng chính quân-đội được xem là "bách chiến bách thắng" này, khi không còn chính-nghĩa nữa thì lại phải thảm-hại rút ra khỏi xứ Chùa Tháp là một nước nhỏ hơn nhiều vào năm 1989 dưới áp-lực của Quốc-tế. Từ đó, Quân-đội Nhân-dân Việt-nam đã có những đổi thay thật căn-bản mà ta cần được biết để đánh giá nó trong khung cảnh chính-trị vào đầu thế-kỷ 21. Sau đây là phần đầu của một loạt bài phân-tích mang tên: "Quân-đội Nhân-dân Việt-nam đang đi đâu, về đâu?" do Tâm Việt nghiên-cứu và phân-tích...Trong một bài báo viết trên tờ Quân Đội Nhân Dân ngày thứ Sáu 10-12 vừa qua nhằm chuẩn-bị kỷ-niệm 55 năm ngày thành-lập đơn-vị đầu tiên của Quân Đội Nhân Dân sau này, cựu Đại-tướng Võ Nguyên Giáp đã kêu gọi các lực-lượng võ-trang của Việt-nam hãy sẵn sàng chiến đấu để chống lại "mọi âm mưu hay hành động phá hoại" của các thế-lực thù nghịch trong khi chế-độ Cộng-sản ở Việt-nam đang phải đương đầu với "hoàn cảnh thế giới mới."Hãng thông tấn Kyodo của Nhật-bản khi đưa tin về lời kêu gọi này của ông tướng hồi hưu 88 tuổi cũng đã không quên nhắc đó là một "bài báo rất hiếm" nói lên tiếng nói của ông Võ Nguyên Giáp. Vì đã từ rất lâu, ông tướng họ Võ này bị gạt ra khỏi trung-tâm quyền-lực ở Hà-nội. Có thể nói là đỉnh cao uy-tín mà ông tướng có lúc đã được xem như một Napoléon của Việt-nam đến sau chiến-thắng Điện-biên-phủ vào tháng 5-1954, nghĩa là cũng cách đây gần nửa thế-kỷ. Để một mặt cứu vãn chế-độ sau cuộc cải cách ruộng đất bất nhân và dã-man vô cùng tận và một mặt để kéo uy-tín lên quá cao của ông xuống, người ta đã bắt ông nhận tội cho những sai lầm không thể tha thứ được của cuộc cách mạng xã-hội "long trời lở đất" kia. Từ đó, ông tiếp-tục bị hại bởi những người bề ngoài là đồng-chí của ông, đặc-biệt là Lê Duẩn, người đã thay thế Trường Chinh Đặng Xuân Khu trong chức tổng-bí-thư Đảng CSVN từ 1956 đến ngày ông ta chết vào năm 1986. Điều này ta được biết một cách đích-xác do bởi 58 trang trích từ hồi-ký của Trần Quỳnh mà dư-đảng của phe Lê Duẩn đã tung ra ở ngay trong nước vào cuối năm 1997. Theo Trần Quỳnh thì Võ Nguyên Giáp không đáng tin cậy vì khi còn là sinh-viên, Võ Nguyên Giáp đã cùng với bố vợ là Đặng Thai Mai từng là con nuôi của trùm mật-thám Pháp Louis Marty. Vẫn theo Trần Quỳnh, đã có lần Trường Chinh bắt gặp Đặng Thai Mai đọc một lá thư của Marty viết cho hai người mà bắt đầu bằng: "Mes chers enfants Mai et Giáp" ("Các con thân ái Mai và Giáp"). Nếu Võ Nguyên Giáp có được ông Hồ Chí Minh "cưng" thì chỉ tại Giáp rất khéo nịnh. Khi ông còn là Bộ-trưởng Quốc-phòng, ông ta đã đưa một người tên Dương thuộc Quốc-dân-đảng lên làm thứ-trưởng Nội-vụ (sau này là bộ Công-an) nên Lê Duẩn nghi ngờ động-lực và lập-trường chính-trị của Võ Nguyên Giáp.Dù là tướng song ông Giáp rất sợ chiến-tranh, nhất là sau cuộc trường-kỳ kháng-chiến chống Pháp và cuộc cải cách ruộng đất rất dã-man được phát động ngay trong khi còn chiến-tranh với Pháp và trong ba năm trời giết hại nhiều người hơn cả một cuộc chiến chống Pháp kéo dài 9 năm trời. Với những mất mát quá lớn về người như thế và một tình-trạng kiệt quệ về kinh tế và tài-nguyên nên không lạ là ông Giáp đã không quá hứng thú với ý-đồ khơi động trở lại chiến-tranh ở miền Nam sau khi đất nước đã bị chia cắt qua Hiệp-định Genève vào tháng 7-1954. Nói cách khác, chuyện nghị-quyết phát động chiến-tranh trở lại ở miền Nam vào cuối năm 1959 và đầu năm 1960 thì hoàn-toàn là do sự vận-động và quyết-định độc-đoán của Lê Duẩn ngày càng chuyên quyền.Khi cuộc tranh chấp Nga-Hoa bắt đầu bùng nổ cũng vào năm 1959 nhưng còn ở mức độ âm ỉ với những cuộc đụng độ lẻ tẻ ở trên sông Ussuri thì việc quyết-định đánh miền Nam xem ra ngày càng có vẻ phiêu lưu và mạo hiểm. Trong lý-thuyết và ngôn ngữ Mác-Lê, thái-độ này thường được mô-tả là một thái-độ và lập-trường "tả-phái ấu-trĩ." Vì sao? Vì căn-bản là CSVN không thể đương đầu một mình với một miền Nam phục-hồi, có lãnh-đạo và có Mỹ yểm-trợ ở đằng sau nên bắt buộc nó phải dựa vào CS quốc-tế để tiến hành chiến-tranh. Song nếu CS quốc-tế lại vỡ làm đôi thì sự yểm-trợ đó trở nên rất bấp bênh và nguy-hiểm.Đến khi cuộc tranh chấp Nga-Hoa trở thành công-khai ở Hội-nghị quốc-tế 80 đảng CS trên khắp thế-giới nhóm họp ở Mạc-tư-khoa vào năm 1960 thì miền Bắc bị đẩy vào một thế kẹt ở ngay chính giữa hai đàn anh khổng-lồ. "Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết": đó là tình-cảnh của Hà-nội vào lúc bấy giờ. Một quyết-định then chốt đứng trước mặt các lãnh-đạo trong Đảng CSVN là: Tiến tới hay thối lui trong quyết-định khai chiến với miền Nam?Tất cả những yếu-tố đó đã dẫn đến một quyết-định "câu giờ" để xem cuộc chiến giữa hai đàn anh trên đầu mình ngã ngũ ra sao, lúc bấy giờ có ngả về bên này hay bên kia cũng không muộn. Do vậy mà mặc dầu Nghị-quyết của Đại-hội III của Đảng Lao Động vào tháng 9-1960 có nói đến việc đem lại một sự chênh lệch căn-bản trong cán cân lực-lượng giữa hai miền song Hà-nội đã tỏ ra rất thận trọng trong việc đưa quân vào Nam. Quyết-định của Hà-nội lúc bấy giờ là lấy một quyết-định chính-trị, lập ra Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam (tháng 12-1960), đưa người vào một cách rất kín đáo phần lớn ở cấp chỉ-huy và nhấn mạnh vào sự cần thiết tự-lực tự-cường của các lực-lượng CS ở trong Nam để có thể vẽ ra đối với thế-giới hình ảnh của một cuộc nổi dạy tự-phát chứ không do một bàn tay luồn lẻn nào từ ngoài Bắc vào.Việc Khrushchev lơ là với cuộc chiến ở miền Nam đã làm cho Hà-nội, nhất là phe Lê Duẩn, rất bực tức và làm cho phe Võ Nguyên Giáp có lý để khuyên từ từ, không nên vội vã hay nóng nảy. Nhưng khi cuộc khủng-hoảng Phật-giáo ở trong Nam xảy ra dẫn đến sự sụp đổ của nền Đệ nhất Cộng-hòa và hai anh em ông Diệm bị chết với sự ngoảnh mặt làm ngơ của Hoa-kỳ thì Hà-nội trông ra một cơ-hội rất hiếm, một cơ-hội nghìn vàng để đẩy mạnh cuộc chiến ở miền Nam. Điều này đã giúp cho Lê Duẩn lên chân và ngay từ những ngày đó, nghĩa là từ khoảng cuối 1963 sang năm 1964 người ta đã nghe thấy những lời đồn đại không tốt về tướng Võ Nguyên Giáp mà ở phía Bắc vĩ-tuyến thứ 17 người ta xì xầm với nhau, cho ông là tướng "không quân" ngụ ý là ông bị gạt ra khỏi trung-tâm quyền-lực. Không biết làm gì với thời-gian đầy dẫy trên tay, ông tướng "không quân" này đã quay ra học chơi đàn piano.Khi Khrushchev bị lật đổ vào tháng 10 năm 1964 và Brezhnev dần dần củng cố được quyền-lực ở điện Kremlin, Liên-Xô trở lại thân thiện với Hà-nội thì Lê Duẩn đã dùng Lê Đức Thọ để ghép một số người bị nghi ngờ là thân Nga vào trong một vụ án mà về sau được gọi là "xét lại chống Đảng." Do uy-tín của Võ Nguyên Giáp quá cao, nhất là đối với quốc-tế, nên ông Giáp đã không bị đụng dù như ông bị xem là "đầu đảng" của nhóm "xét lại chống Đảng." Theo hồi-ký Trần Quỳnh thì thời Khrushchev còn ăn trùm ở Liên-Xô chính Võ Nguyên Giáp đã liên-lạc với Đại-sứ Liên-Xô ở Hà-nội lúc bấy giờ là Tcherbakov, một cựu-sĩ-quan tình-báo của Nga nói tiếng Việt rất thạo và được coi là người đã hướng-dẫn nhóm Võ Nguyên Giáp chống lại Đảng CSVN.Nếu ông Giáp không bị đụng vì còn có cả sự che chở của ông Hồ Chí Minh thì ban tổ-chức Trung-ương Đảng, dưới quyền điều-khiển của Lê Đức Thọ, đã không ngần ngại hỏi thăm sức khỏe của những người mà họ cho là thân Nga thời bấy giờ. Trong số này không chỉ có những người như Bùi Công Trừng, một kinh-tế-gia thượng-thặng do Nga huấn luyện, hay một Ung Văn Khiêm, thứ-trưởng ngoại-giao, mà còn có cả những người như Thiếu-tướng Đặng Kim Giang, thứ-trưởng Bộ Nội-vụ Lê Liêm v.v. Để hiểu phe Lê Duẩn ghét Võ Nguyên Giáp tới độ nào, ta hãy đọc nguyên-văn hồi-ký Trần Quỳnh như sau:"Thế là từ ấy, trong Bộ Chính trị ta, có hai người một người là tay sai của Trung Quốc (Hoàng Văn Hoan), một người là của Liên Xô (Võ Nguyên Giáp). Phải có cách làm việc khéo léo để những vấn đề cơ mật nhất không lọt đến tai Trung Quốc và Liên Xô. Đối với Hoan thì không khó, Hoan là một người lười đọc báo cáo, nhất là những báo cáo dài, và báo cáo về kinh tế. Những lần họp Bộ Chính trị để bàn về quân sự, Hoan không được mời dự. Có khi qua thư ký riêng Hoan biết Bộ Chính trị có họp, Hoan hỏi Văn Phòng bảo là họp bàn về kinh tế thấy anh thường không thích dự nên không mời. Rồi đưa cho Hoan một bản báo cáo về kinh tế do Ủy Ban Kế Hoạch soạn thảo chi chít những con số Hoan mở ra xem được vài trang thấy chán, nói thôi, đọc nhức đầu quá, mình cũng ít hiểu, mình không dự."Đối với Giáp vấn đề khó hơn. Nhưng Lê Duẩn đã dặn dò Giáp rồi cho nên cũng đỡ lo. Lẽ ra Lê Duẩn phải là bí thư Quân ủy Trung ương theo điều lệ Đảng, nhưng Lê Duẩn không phải là người tham chức quyền cho nên Lê Duẩn đề nghị Giáp làm bí thư, Lê Duẩn làm phó bí thư." Chỉ cần đọc đoạn này là đủ thấy Lê Duẩn đã chuyên-quyền từ đó, nghĩa là từ khoảng năm 1964. Lê Duẩn gạt cả "Bác Hồ" ra bằng cách nói khéo là Bác đã lớn tuổi, cần nghỉ ngơi, chỉ những chuyện thật quan-trọng mới cần đem trình lên "Bác." Nhưng cũng từ đó, số-phận của phe Võ Nguyên Giáp đã bị quyết-định. Phe Lê Duẩn không đụng được đến ông Hồ Chí Minh, mặc dù Lê Đức Thọ và Trần Quốc Hoàn đã gài cho "Bác" có con với cô Xuân và họ cũng không tiện đụng Võ Nguyên Giáp và những người như Bùi Công Trừng và Ung Văn Khiêm vì những liên-hệ sâu sắc của họ với Liên-Xô hoặc nữa, Thiếu-tướng Nguyễn Văn Vịnh, lúc bấy giờ làm chủ-tịch Ủy-ban Thống nhất tại Quốc-hội. Do vậy nên những người này không bị bắt mà chỉ trở thành những người vô danh, không ai được quyền nhắc tới. Nhưng đến cuối năm 67 Lê Đức Thọ đã cho bắt một loạt từ ông Hoàng Minh Chính và Thiếu-tướng Đặng Kim Giang trở xuống, gây nên vụ án "xét lại chống Đảng" mà dư-âm còn vang lại cho đến ngày nay với những tiết-lộ đã được ghi trong các sách Mặt Thật của Bùi Tín, Viết cho Mẹ và Quốc-hội của Nguyễn Văn Trấn, Tử tù tự xử lý của Trần Thư, Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên và Công Lý Đòi Hỏi của Nguyễn Minh Cần.Trong kỳ tới, chúng ta sẽ tìm hiểu tiếp về Quân-đội Nhân-dân Việt-nam khi bị kẹt trong những đợt sóng gió chính-trị của Đảng và những kế-hoạch tấn-công miền Nam.