Kinh tế Nga trước bầu cử


2000.03.13

Lời giới thiệu: tuần này, Quốc hội Khóa chín của Trung Quốc kết thúc phiên họp kỳ ba, và người ta sẽ biết rõ hơn về kế hoạch kinh tế của xứ láng giềng này của nước ta. Nhưng, một xứ khác có khá nhiều ảnh hưởng tới Việt Nam, là Liên bang Nga, cũng vừa công bố ngân sách cho tài khóa tới, theo đó, người ta dự đoán được một số chủ trương của chính quyền Putin trong nay mai. Vì đảng Cộng sản Việt Nam đang sửa soạn hội nghị đặc biệt của Ban chấp hành Trung ương để chuẩn bị cho Đại hội đảng năm tới, việc duyệt xét tình hình kinh tế Nga và Trung Quốc cũng là điều có lợi cho người dân Việt Nam, và cho cả các tay lý luận của đảng ở Hà Nội. Do đó sau khi nói về kinh tế Trung Quốc kỳ trước, kỳ này Diễn đàn Kinh tế mới xét tới hồ sơ kinh tế của Nga, qua bài nhận định của Nguyễn An Phú sau đâyỉ... Đảng Cộng sản Việt Nam hiện được coi như đang ở giữa ngã ba đường, chưa biết tiến thoái ra sao về đường hướng phát triển kinh tế gần 10 năm sau thực sự tiến hành đổi mới. Trong nỗi phân vân đó, dĩ nhiên là giới lãnh đạo tại Hà Nội đã nghĩ tới các đàn anh lâu đời, là Trung Quốc hay Liên bang Nga, để tìm thấy ở các quốc gia này một vài bài học về đường hướng cho mình. Việc tìm hiểu về tình hình kinh tế Nga vì vậy mới là một điều cần thiết và có ích cho người Việt Nam. Sau khi đã lược duyệt tình hình kinh tế Trung Quốc vào tuần trước, tuần này chúng ta sẽ nói về kinh tế nước Nga. Từ khi được tổng thống Boris Yeltsin chọn làm thủ tướng, và sau đó chỉ định là quyền tổng thống, ông Vladimir Putin đã thành ứng cử viên sáng giá nhất trong cuộc tranh cử tổng thống sẽ tiến hành vào ngày 27 tới đây. Ông là ứng viên sáng giá vì có vẻ nắm vững kỹ thuật vận dụng truyền thông và báo chí để khôi phục niềm tin và nhất là niềm tự hào của người dân Nga khi đạt một số thành tích biểu kiến trong vụ tấn công Chechnya. Rộng hơn thế, nếu tìm hiểu kỹ về con người và chủ trương đường lối, một khi ông Putin lên tổng thống, người ta có thể tiên đoán là ông sẽ thi hành chánh sách kinh tế có sự chỉ đạo rõ hơn của nhà nước thay vì thả cho cơ chế thị trường tự do. Những dự đoán nói trên là nguồn cổ võ lớn lao cho đảng Cộng sản Việt Nam, vì họ cũng đang muốn tìm ra phương thức quản lý kinh tế thị trường sao đó, để đảng và nhà nước vẫn không bị mất ảnh hưởng. Nhưng, nếu xét vào chi tiết và trên cơ sở của dự luật ngân sách với những dự báo cho năm 2000, người ta e là Hà Nội sẽ lại bắt chước sai chỗ. Lý do là Liên bang Nga đã xây dựng một chương trình kinh tế trên một số giả thuyết khó có thể trở thành hiện thực. Đâm ra ông Putin đã trở lui về lề lối hoạch định kinh tế kiểu cộng sản, tức là một cách duy ý chí và bất chấp thực tế của xứ sở; và ông trở lui về lề lối đó nhanh hơn là người ta tiên đoán. Theo ngân sách mới, chính quyền Nga dự thu khoảng 28 tỷ đô la, so với số thu năm ngoái khoảng 25 tỷ, thì coi như tăng 12%. Nhưng, ngân sách mới đó lại dự chi quân phí cao gấp rưỡi, tức là ngân sách quốc phòng tăng 50%; đâm ra người ta không rõ là các mục chi khác sẽ bị cắt như thế nào. Và điều nguy nhất là Liên bang Nga đã vẽ ra giấc mơ đó dựa vào ba giả thuyết khó vững. Thứ nhất là Nga tiếp tục được các định chế tài chánh của Tây phương viện trợ; thứ hai, giá dầu thô sẽ tiếp tục ở mức cao như hiện nay; và thứ ba, cuộc chiến tại Chechnya sẽ tàn lụi, khiến nhu cầu quân phí giảm. Cả ba giả thuyết này đều khó trở nên hiện thực, như người ta có thể thấy sau đây: Hãy nói về viện trợ trước đã. Từ khi tiến hành cải cách kinh tế để chuyển qua cơ chế thị trường, Liên bang Nga đã được vay mượn nhiều, và chủ yếu còn được Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF viện trợ hầu tránh khỏi khủng hoảng. Nhưng, Liên bang Nga chẳng những chậm trễ trong việc trả nợ, từ nợ cũ thời Liên xô tới nợ mới, mà còn chậm trễ trong việc tiến hành cải tổ, trong khi nhiều khoản viện trợ tới bạc tỷ lại bị tẩu tán ra ngoài. Vì lý do kể trên, từ tháng Chín năm ngoái, Quỹ IMF đã ngưng viện trợ cho Nga, để chờ đợi kết quả khảo sát việc cải tổ và nhất là vụ chuyển ngân phi pháp tiền viện trợ. Vậy mà trong ngân sách của họ, chính quyền Putin vẫn ghi chắc, rằng sẽ được tài trợ thêm bốn tỷ rưỡi như đã được dự tính năm ngoái. Thực tế này, có lẽ người dân chưa biết, nhưng giới đầu tư và chủ nợ ở ngoài đều biết, vì các chủ nợ vừa cho Nga được triển hạn trả nợ tới gần 32 tỷ, bằng với một phần ba tổng số nợ lưu cữu thời Liên xô. Họ biết rõ về tình hình tài chánh hơn dân. Bây giờ ta mới nói tới giả thuyết thứ hai, là giá dầu thô trên thế giới sẽ được duy trì ở mức cao như hiện nay. Trong khoảng một năm qua, giá dầu thô đã tăng gấp ba, tức là khoảng 200%, từ 10 đôla lên tới 30 đôla một thùng. Với sản lượng và số xuất cảng của Nga, mỗi khi giá dầu tăng một đôla một thùng thì Nga thu thêm được chừng một tỷ hai. Nhưng, ban tham mưu kinh tế Nga có khi lại quá lạc quan mà tưởng là giá dầu sẽ mãi ở mức cao như vậy. Giá dầu thô tăng mạnh trong năm qua vì hai lý do, nhẹ là vì số cầu gia tăng sau khi các nền kinh tế Á châu hồi phục và lý do nặng là vì từ tháng Hai năm ngoái, các nước xuất cảng dầu thô trên thế giới trong tổ chức OPEC, đã đồng ý tiết giảm sản xuất để hạn chế số cung, hầu nâng giá bán. Nhưng, khi giá tăng gấp ba thì nhiều nước sẽ phải suy tính lại về số cầu và vài nước xuất cảng thì có khi manh nha bơm lậu, tức là nhiều hơn lời cam kết để trục lợi phụ trội. Trong khi đó, viễn ảnh giá dầu gia tăng cũng đẩy mạnh nguy cơ lạm phát và suy thoái kinh tế. Nếu kinh tế bị suy sụp, các nước tiêu thụ dầu sẽ mua ít đi và điều đó rốt cuộc lại không có lợi cho nhà xuất cảng. Do vậy, người ta mới dự đoán rằng sau một thời gian thăng giáng bất thường thì vài tháng tới giá dầu trên thế giới sẽ giảm vì OPEC phải mở thêm vòi bơm. Mà giá dầu mà sụt một đồng Nga sẽ mất một tỷ hai, như vừa nói ở trên. Giả thuyết thứ ba, tức là cuộc chiến Chechnya sẽ tàn lụi, mới là trường hợp bất trắc nhất. Chiến tranh tại Chechnya làm công quỹ Nga mất từ 100 đến 200 triệu đôla một tháng, và trong quy luật đã thành cổ điển, khi nó có thể tồn tại trong hình thái du kích thì nó có khả năng kéo dài rất lâu. Vốn dĩ đã chẳng giàu mạnh gì, kinh tế Nga thực sự đang bị băng huyết vì vụ Chechnya, mà ngân sách mới của Nga lại không có khoản dự chi nào cho chiến cuộc đó. Vì vậy, dự báo kinh tế của Nga, dưới triều đại đầu tiên của Vladimir Putin, là một dự báo không đáng tin, không khả tín. Và trong nền kinh tế thị trường ngày nay, nếu niềm tin không có thì giá sẽ sụt.... Liên bang Nga sẽ chẳng thể thực chi ngân sách như dự tính mà sẽ phải xoay trở bằng nhiều cách. Thí dụ đầu tiên là lại ngả mũ đi vay hay đi xin như mọi năm. Lần này, Nga khó có hy vọng đó vì các định chế cấp viện và các chủ nợ đều thất vọng vì thành tích kinh tế của Nga. Giải pháp thứ hai là điều Nga cố làm từ năm ngoái, đó là bán võ khí lấy ngoại tệ. Nhưng đây là việc lâu lắc mới thu được tiền, và con số xuất cảng bốn tỷ rưỡi đô la chiến cụ do Phó thủ tướng Ilya Klebanov hứa hẹn thực ra chỉ là ngạch số hợp đồng, chưa là tiền thu hiện kim bạc mặt. Loanh qoanh mãi thì chính quyền Putin sẽ chỉ còn ba giải pháp, là thứ nhất khất nợ hoặc quịt nợ một số khách hàng; thứ hai, phát hành công khố phiếu để vay tiền tiết kiệm của dân mà sống qua ngày; và thứ ba, in thêm tiền rúp ngụy trang dưới một dạng phát hành khác. Giải pháp nào cũng sẽ chỉ dẫn tới việc đồng rúp mất giá,và lạm phát bùng nổ dẫn tới phản ứng là lãi suất gia tăng, và rốt cuộc kinh tế sẽ suy thoái. Liên bang Nga đã bị một trận khủng hoảng như vậy vào tháng Tám năm kia, giờ đây, họ có thể sẽ lại bị như vậy nội trong mùa Xuân này, tức là ngay sau vụ bầu cử... Nếu các nhà lý luận kinh tế của Hà Nội muốn tựa theo Tầu hay học của Nga, có lẽ họ nên theo dõi kỹ hơn những biến động tài chánh có thể xảy ra ngay trong vài tháng tới, khi Vladimir Putin thực sự làm tổng thống, để hồi sinh trở lại hình thái kinh tế kế hoạch kiểu xa xưa. Kinh tế Nga đã chuyển hướng theo kinh tế thị trường, và như một ông thần đã ra khỏi lọ, người ta sẽ khó bẻ cong quy luật thị trường hầu kinh tế phải thần phục kế hoạch duy ý chí của nhà nước.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.