Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Việt Nam


2000.03.13

Lời giới thiệu: trong ba ngày, từ 13 đến 15, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ William Cohen đã cầm đầu một phái đoàn quân sự chính thức viếng thăm Việt Nam. Đây là lần đầu tiên mà một bộ trưởng quốc phòng của Mỹ tới Việt Nam từ khi cuộc chiến chấm dứt năm 1975. Đây là yếu tố đáng chú ý về chuyến đi này, nhưng kết quả chưa chắc đã sớm đưa tới sự hàn gắn hay hợp tác thắm thiết hơn giữa hai nước. Võ Thành Văn của ban Việt ngữ chúng tôi đã nhận định như vậy trong bài bình luận sau đây... Lần cuối mà một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới thăm Việt Nam là năm 1972, khi ông Melvin Laird tới miền Nam, và Hoa Kỳ còn quân đội tham chiến tại đây. Đến nay, tình hình đã đổi khác vì Hoa Kỳ không tham dự vào bất cứ một cuộc chiến nào tại Á châu và đã cải thiện quan hệ với các nước xưa kia còn thù địch, như Trung Quốc hay cả Bắc Hàn Cộng sản. Việt Nam cũng nằm trong trường hợp một quốc gia mà Hoa Kỳ đang muốn cải thiện quan hệ cho thêm phần hữu nghị và, nếu có thể, thì tiến tới trình độ hợp tác tích cực hơn trên nhiều lãnh vực khác. Khi nói tới cải thiện, người ta nghĩ tới những hố sâu cần khắc phục của quá khứ. Nhật báo South China Morning Post đã có một tin ngắn của Huw Watkin đánh đi từ Hà Nội, trong đó vụ một đơn vị binh lính Mỹ nổi điên tàn sát người dân tại Mỹ Lai ở tỉnh Quảng Ngãi đúng 32 năm trước đã được đề cập. Ký giả Watkin nhấn mạnh là báo chí quốc doanh như đã được chỉ thị để không nhắc tới vụ này. Đây là điển hình của lối bình luận gán quá nhiều thiện chí cho Hà Nội, vì người Việt thì không quên là đúng 32 năm trước, dư luận bàng hoàng phát giác vụ mấy ngàn người dân của Cố đô Huế bị cộng sản tàn sát tập thể sau Tết Mậu Thân. Cả Hoa Kỳ và Hà Nội đều muốn quên mấy điều đó để mở ra một trang mới trong quan hệ song phương, bằng cách mỗi bên nói tới một ưu tiên hàn gắn riêng. Phía Mỹ số phận của 2.029 binh sĩ bị mất tích trong chiến đấu tại chiến trường Đông Dương là một ưu tiên vì lý do chính trị nội bộ của Mỹ. Phía Hà Nội chỉ muốn nhắc tới thứ nhất tinh thần sốt sắng hợp tác của mình để tìm hài cốt binh lính Mỹ, và thứ hai, chỉ nói tới di hài trên lãnh thổ Việt Nam mà lờ trách nhiệm của mình trên hai xứ Miên, Lào lân cận. Kế tiếp, phía Mỹ muốn nói tới khía cạnh tích cực của hợp tác trong các lãnh vực khác, như giải trừ mìn bẫy, kết hợp hoạt động công binh, hay ngăn ngừa bão lụt, dịch bệnh. Hà Nội long trọng đón tiếp ông Cohen nhưng cả Thượng tướng Phạm Văn Trà bộ trưởng Quốc phòng của Hà Nội và Thủ tướng Phan Văn Khải, đều nói tới nhu cầu hàn gắn nhìn từ phía Việt Nam. Đầu tiên trong danh mục được họ nêu là hậu quả của nạn Hoa Kỳ dùng chất độc Da cam để khai quang rừng núi miền Trung và miền Nam trong thời chiến. Ông Khải nói tới cả chục vạn gia đình Việt Nam chưa tìm ra hài cốt của thân nhân và cả triệu người đang bị dị tật vì chất da cam đó. Dĩ nhiên, không ai nói tới hài cốt chiến binh và thường dân miền Nam. Nói chung, phía Việt Nam nêu vấn đề trong tinh thần yêu cầu Hoa Kỳ chi tiền để hàn gắn những di hại xã hội của cuộc chiến. Hai bên đều không nhắc lại vì sao đã có cuộc chiến, và riêng ông William Cohen còn nhấn mạnh rằng phía Hoa Kỳ sẽ không tạ lỗi về việc tham chiến. Đây là một quyết định đúng đắn nếu người ta thực tình muốn nhớ lại nguồn gốc sâu xa của cuộc chiến và những di hại khủng khiếp mà người Việt đã hứng chịu sau khi chiến tranh kết thúc... Đó là về các vấn đề tồn tại của quá khứ, với mỗi bên tập trung vào mối quan tâm ưu tiên của mình. Đây là mấy vấn đề có tạo ra ấn tượng hợp tác nhưng chỉ là ấn tượng, chứ chưa thể hứa hẹn sự hợp tác có tính chiến lược hơn trong tương lai. Nhìn về tương lai đó, sau khi trình bày về tình hình kinh tế xã hội và đường hướng đối ngoại của Hà Nội, thủ tướng Phan Văn Khải bóng gió nói là phía Mỹ nên có quyết định đúng đắn phù hợp với quan hệ hai nước và quan hệ quốc tế. Người ta không rõ là dịp này ông Khải có muốn ám chỉ quan hệ của Việt Nam ở giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ hay không. Phía Hoa Kỳ không muốn bị lôi kéo vào tranh chấp trong vùng, và cũng chẳng cần lôi kéo Việt Nam để đối đầu với Trung Quốc. Nhưng, Bắc Kinh và Hà Nội chưa chắc đã nghĩ hoặc đã biết như vậy. Lãnh đạo Trung Quốc tin chắc là vận mệnh Á châu sẽ do các nước châu Á quyết định, với vai trò chỉ đạo của mình trong tư cách là đại cường Á châu, và vì tinh thần đó, họ rất để ý tới quan hệ đối ngoại của Hà Nội như một lân bang đàn em. Ngược lại, Hà Nội cũng không thấy yên tâm thoải mái khi tỏ vẻ sốt sắng hợp tác với Hoa Kỳ, vì e ngại làm nước đàn anh Trung Quốc phật ý. Điều này không phải là một suy luận, mà là thực tế, khi năm ngoái Hà Nội phải lật đật hủy bỏ việc ký kết Hiệp định Thương mại với Mỹ theo lời khuyến nghị của Bắc Kinh. Tổng kết lại, và như dư luận đã dự đoán, chuyến viếng thăm của Bộ trưởng Wiliam Cohen sẽ không đưa đến những thay đổi lớn lao, nhưng, việc quân đội hai bên bắt đầu nói chuyện với nhau cũng đã là điều khả quan, dù phải mất 25 năm mới đi tới giai đoạn đó.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.