Những nhà lãnh đạo mới


2000.03.18

Lời giới thiệu: tuần này, cả lục địa Á châu hồi hộp theo dõi kết quả bầu cử tại Đài Loan, nơi mà 22 triệu người dân đang chọn lấy cho mình vị tổng thống mới, dưới sự hăm dọa của Trung Quốc một tỷ hai trăm triệu dân. Quá quan tâm tới vấn đề độc lập hay xung đột ở giữa hai bờ eo biển Đài Loan, có khi ta không nhìn ra một thay đổi chậm rãi, ngấm ngầm mà mãnh liệt tại Á châu. Đó là sự xuất hiện của một thành phần lãnh đạo mới, từ cơ chế cao nhất tới các cấp chính quyền và các tổ chức xã hội. Sự đổi thay đó cũng đáng được chúng ta lưu ý và được Võ Thành Văn phân tách trong mục Thời sự Trong tuần... Người ta nói quá nhiều tới vụ tranh cử tổng thống tại Nga vào cuối tháng này, hoặc tại Hoa Kỳ vào đầu tháng 11 tới; thậm chí người ta còn tin là hành động leo thang gây hấn của Bắc Kinh đối với Đài Loan cũng phần nào là hậu quả của tranh đoạt quyền lực trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc, với chủ tịch Giang Trạch Dân phải biểu tỏ sự quyết liệt hầu tranh thủ hậu thuẫn của phe bảo thủ trong đảng và quân đội. Nói chung, do quan tâm tới xu hướng thay đổi lãnh đạo tại các nước lớn, có khi ta không nhìn thấy một đợt sóng ngầm đang đưa một thế hệ lãnh đạo mới tại Á châu. Ngay cả trường hợp Đài Loan nóng bỏng tuần này, vì bị đinh tai nhức óc về bao lời hăm dọa liên tiếp được phóng ra từ Bắc Kinh, dư luận có khi lại ít nhìn ra một khía cạnh có thể tầm thường mà thực ra lại ý nghĩa hơn của cuộc bầu cử tại Đài Loan. Đề mục tranh cử chính của cả ba ứng viên hàng đầu ở đây không là lập trường quan điểm đối với Bắc Kinh, cụ thể là có đòi độc lập nhiều hay ít, lâu hay mau. Yếu tố tranh đua ở đây là ai sẽ đem lại phẩm chất cao hơn của cuộc sống, với xã hội phát triển hài hòa, môi sinh được bảo vệ tinh khiết hơn, cơ chế chính trị liêm minh hơn, giáo dục được đảm bảo là tiến bộ hơn cho giới trẻ, trong một thế giới đang có đầy thay đổi vì cuộc cách mạnh tín học. Những ưu tư thiết thực đó của người dân Đài Loan mới giải thích vì sao mà Quốc dân đảng Trung Hoa đã điêu đứng sau 51 năm cầm quyền, với thành tích dân chủ hóa chính trị và thành quả phát triển kinh tế khó ai chối cãi được. Đối với người dân, kết quả đó vẫn chưa đủ, họ muốn một cái gì khác hơn. Họ muốn một tầng lớp lãnh đạo trẻ trung tiến bộ hơn, có kiến thức cập nhật hơn, để giải quyết các vấn đề dân sinh cho tốt đẹp hơn. Hiện tượng đó ở Đài Loan thực ra chỉ là nối tiếp của một trào lưu rộng lớn hơn. Chúng ta đã thấy người dân Phi Luật Tân, rồi Thái Lan, rồi Đại Hàn lần lượt dứng dậy đòi hỏi thay đổi trong cơ chế chính trị, và từ mươi năm nay, họ đã lần lượt chọn lựa một tầng lớp lãnh đạo mới. Đặc tính chung của tầng lớp lãnh đạo mới này là họ đã tự giải phóng khỏi lăng kính ý thức hệ mà quan tâm nhiều hơn tới giải pháp thiết thực cho đời sống người dân. Trung Hoa Quốc dân đảng có bị điêu đứng trong vụ bầu cử vừa qua cũng chỉ vì họ vẫn còn gây ra ấn tượng quá mạnh về ý thức hệ, thay vì đề ra giải pháp cụ thể để cải thiện cuộc sống người dân. Hai nhân vật Trần Thủy Biển và Tống Sở Lẫm đã gây sóng gió cho hệ thống lãnh đạo cổ điển của Quốc dân đảng không vì lý luận đấu tranh hoặc khẩu hiệu chính trị thời Chiến tranh lạnh. Họ nói tới việc cải thiện cuộc sống dân cư cho hài hòa và tiến bộ hơn. Chiến tranh lạnh kết thúc và cuộc khủng hoảng kinh tế Đông Á bùng nổ suốt hai năm 97-98 có lẽ đã quét sạch ảnh hưởng của ý thức hệ, của chủ nghĩa, mà vạch ra những phương pháp hay đường hướng cai trị có tính xã hội nhiều hơn là chính trị. Trường hợp tiêu biểu nhất của sự thay đổi lãnh đạo tại Á châu chính là vụ chế độ Suharto bị sụp tại Indonesia, đưa đến cơ chế chính trị mới, với cuộc bầu cử Quốc hội năm ngoái và sự xuất hiện của một nhân vật không có vẻ chính khách mà lại đầy khả năng hàn gắn, là Abdurrahman Wahid. Ông cầm quyền khi xứ sở có thể nổ tung thành trăm mảnh, vậy mà với phong thái nửa triết gia, nửa thầy giáo, ông lần lượt vượt qua ngần ấy sóng gió, kể cả nguy cơ đảo chánh của quân đội, để cho Indonesia một tương lai hết hào nhoáng như thời Suharto nhưng êm đềm và công bằng hơn. Nếu xét kỹ, ta còn thấy Suharto có thể đã bị lật đổ bởi sinh viên, chứ sự thay đổi kế tiếp về chính trị lại là kết quả vận động và đấu tranh của tầng lớp trung niên có học và tương đối ôn hòa hơn, ở trong và ngoài Quốc hội. Tại Đại Hàn hay Thái Lan, lãnh đạo mới đã mở cửa cho một lớp chuyên gia trẻ bước vào chính trường hay guồng máy công quyền, để kịp thời tìm ra những giải pháp chuyên môn mà cải tổ cơ chế chính trị và kinh tế. Cả hai quốc gia này đều song song đẩy mạnh hai nỗ lực, là cải cách kinh tế và thanh lọc chính trị để giải trừ tham nhũng. Cả hai đều đang phục hồi khả quan hơn các nước, còn lại chính là vì người dân tin rằng chính quyền mới nay đã liêm khiết hơn và có khả năng chuyên môn cao hơn. Điều đáng lưu ý là trong nhóm năm quốc gia bị khủng hoảng kinh tế thời 97-98 thì ngoài Indonesia vừa nói, và ngoài hai nước Hàn-Thái kể trên, có hai nước cho tới nay vẫn chưa được như vậy là Malaysia và Philippines. Thủ tướng Malaysia, bác sĩ Mohamad Mahathir đã thiếu tin tưởng vào người dân và tìm cách củng cố quyền lực để gọi là giữ gìn sự ổn định xã hội thì nay đang là yếu tố gây bất ổn nhất. Ông đàn áp đối lập, triệt hạ báo chí và vô hình chung lại đang châm ngòi cho phản ứng kỳ thị sắc tộc mà xưa nay ông đã cố tránh. Việc các lực lượng Hồi giáo đang trở thành cực đoan hơn và dân Malaysia gốc Hoa đang thấy ngột ngạt hơn có thể báo hiệu nhiều xoay chuyển khác, y như việc đổi thay lãnh đạo đã xảy ra ở cấp địa phương với đảng Hồi giáo PAS sau cuộc bầu cử năm ngoái. Tình hình Philippines có khi cũng đang dẫn tới một đổi thay lãnh đạo khác, sau cuộc bầu cử năm kia. Tổng thống Joseph Estrada được bầu lên từ đó có lẽ đang là lãnh tụ thấy vị trí bất ổn nhất và có khi sẽ được thay thế trước nhiệm kỳ. Khác với ông Mahathir là người nắm chặt lấy quyền lực với khẩu hiệu bài ngoại, ông Estrada là người xuề xòa không sắt máu, và nhược điểm của ông là xuề xòa dễ dãi với cả tham nhũng và chủ nghĩa thân tộc cấu kết. Ông mất lòng dân là vì vậy, và khả năng ứng xử yếu kém của ông hiện còn nhóm lại ngọn lửa nội chiến, với các tổ chức Hồi giáo ly khai hay Cộng sản phiến loạn có võ trang. Ngoài Malaysia và Philippines, chúng ta còn thấy hai ngoại lệ đáng buồn, là Miến Điện và Việt Nam. Miến Điện hiện là con chiên ghẻ của Đông Nam Á. Nơi đây, dân chủ chưa có, mà chỉ có ma túy, cần sa, dân tỵ nạn và bệnh liệt kháng đang tràn lan sang các nước láng giềng. Bên trong thì xã hội lụn bại dần vì sự kiệt quệ kinh tế và độc tài chính trị. Trường hợp Việt Nam còn đáng tiếc hơn. Sau Đại hội đảng kỳ Tám, Việt Nam đã có những tổng bí thư, chủ tịch nước và thủ tướng mới mà thực ra vẫn chỉ có tầng lớp lãnh đạo cũ. Toàn bộ hệ thống chính trị hiện nay không có khả năng ứng phó với tình hình mới, mà cũng chẳng có khả năng tự thay đổi. Người ta chưa dám nói tới ước mơ dân chủ còn xa vời, mà chỉ cần thấy sự bất lực trước mắt của lãnh đạo. Họ vẫn bị tù trong tư duy thiên về ý thức hệ, và vì không tìm ra lối thoát, họ đành dựng lại một xác khô là Hồ Chí Minh và một hệ thống lý luận chắp vá vụn vặt là tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhìn thấy sự hình thành của một thế hệ lãnh đạo mới ở khắp nơi, kể cả trong cuộc bầu cử đầy gian nan sóng gió tại Đài Loan, người ta thấy dân tộc Việt Nam quả là không may, với hệ thống lãnh đạo hiện tại./.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.