* Vụ Mưu sát Huỳnh Giáo chủ ở Sài Gòn tháng Chín năm 1945 Lời giới thiệu: Trong khuôn khổ điểm lại những biến cố lịch sử, Đài Á Châu Tự Do trình bày tiếp loạt bài nói về mối quan hệ giữa các lãnh tụ cộng sản cầm quyền ở Nam Bộ với vị Giáo chủ của Phật Giáo Hòa Hảo trong những năm đầu của cuộc Kháng chiến chống Pháp. Hôm nay nhà biên khảo HAI TRANG điểm lại những sự kiện xảy ra tại Sàigòn và tại Cần Thơ trong thượng tuần tháng Chín năm 1945. Những sự kiện này đưa tới vụ Ủy ban Hành chánh Nam Bộ điều động công an võ trang tới chiếm trụ sở của Việt Nam Vận Động Độc Lập Hội với mục đích bắt sống Hội chủ Huỳnh Phú Sổ. Báo chí ở Sàigòn hồi thập niên 50 khi thuật lại vụ này đã gọi là Vụ Mưu sát Huỳnh Giáo chủ...Việc ra mắt ngày 25 tháng Tám của Lâm ủy Hành chánh mà người đứng đầu là Trần Văn Giàu đã gây hoang mang lớn trong dư luận công chúng ở Sàigòn và sau đó ở khắp Nam Bộ. Giới hoạt động văn hóa-chánh trị-xã hội rất bất bình khi nhận thấy trong số chín ông Lâm ủy đã có sáu ông là cộng sản mà những người nổi tiếng quá khích là Dương Bạch mai, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Tây tức Thanh Sơn. Mặt khác, trong hàng ngũ Thanh Niên Tiền Phong cũng nổi lên một làn sóng công phẫn khi thấy ông Phạm Ngọc Thạch một mình tuyên bố đem toàn bộ Thanh Niên Tiền Phong nhập vào Việt Minh. Trong thời gian này, Trung ương Đảng Cộng sản ở Hà Nội đã cấp tốc cử hai phái viên là Hoàng Quốc Việt và Cao Hồng Lãnh vào Sàigòn để lãnh đạo phong trào ở Miền Nam. Hai phái viên cấp cao nhứt này còn có nhiệm vụ kềm sát các lãnh tụ cộng sản Nam Bộ, bởi vì có tin mật báo rằng Trần Văn Giàu có ý đồ thành lập một Trung ương riêng rẽ ở Miền Nam, và mưu tính này có thể được đa số cán bộ gốc Nam Bộ tán thành. Ngày 30 tháng Tám, Trần Văn Giàu triệu tập Khoáng đại Hội nghị, mời đại diện các đảng phái, các nhân sĩ và báo chí tới dự. Trong cuốn Hồi Ký của nhà báo Nguyễn Kỳ Nam, không khí Đại hội này được ghi lại như sau. "Tôi không bao giờ quên những câu hỏi và những câu trả lời của Trần Văn Giàu. Tôi cũng không quên khi Trần Văn Giàu mặc áo sơ-mi đứng lên, tay mặt đập mạnh vào khẩu súng lục nhỏ mang ở bên hông, để trả lời một câu hỏi của Trần Văn Thạch. Nghe và thấy vậy, làm sao không sợ? Nhứt là người đứng lên trả lời đó là một cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Đệ Tam... Tôi nhớ hai người chất vấn là Huỳnh Phú Sổ và Trần Văn Thạch, nhóm Đệ Tứ. Thạch chất vấn Giàu: -Ai cử Lâm ủy Hành Chánh Nam Bộ? Trần Văn Giàu đứng dậy trả lời: -Anh Thạch, tôi biết anh muốn nói gì rồi. Vậy tôi xin trả lời: Chúng tôi tạm thời đảm đương Chánh phủ trong giai đoạn nầy. Sau rồi, chúng tôi giao lại các anh. Còn trả lời về chánh trị, tôi sẽ gặp anh ở một nơi khác. Trần Văn Giàu vừa nói câu sau, vừa để tay mặt nơi cây súng sáu".Nhà báo Nguyễn kỳ Nam viết tiếp trong Hồi Ký của ông rằng: "Trả lời "du côn" như thế, làm sao mà không ngán? Phòng nhóm im lặng như tờ. Mọi người đều nhìn Thạch như biết rõ số mạng của Thạch đã định ... nơi khẩu súng lục kia rồi. Tôi hồi hộp, tim đập mạnh. Từ đó tôi mất hết tinh thần. Nhiều bạn ký giả ngồi chung quanh tôi xầm xì: -Thạch đã tự mình ký tên bản án tử hình rồi. -Suỵt, đừng nói! Nguy lắm! Nguy thiệt. Lúc bấy giờ ai tỏ thái độ chống Cộng thời biết! Trần Văn Thạch đã bị Cộng sản giết, không ai còn lấy làm lạ nữa. Đến Huỳnh Phú Sổ? Trường hợp của nhà lãnh đạo Phật Giáo Hòa Hảo và Việt Nam Vận Động Độc Lập Hội còn nhiều gay cấn lắm... Trong Hội nghị đêm 7 tháng Chín tại trụ sở Tổng Công Đoàn ở đường Lagrandière --sau này là đường Gia Long-- có mặt Hoàng Quốc Việt và Cao Hồng Lãnh, đã xảy ra cuộc đấu khẩu kịch liệt về vấn đề Trần Văn Giàu cộng tác với Pháp".Người tố cáo Trần Văn Giàu là Bác sĩ Hồ Vĩnh Ký, nguyên là Phó Giám đốc Công An Nam Bộ sau khi Nhật đảo chánh Pháp. Theo hồ sơ mà Bác sĩ Ký có trong tay thì suốt hai năm 1943 và 1944, ông Giàu đã làm việc cho Sở Mật thám Pháp. Các tờ báo của Pháp đăng tin rùm beng ông Giàu vượt ngục Bà Rá chỉ là dàn cảnh nguỵ trang theo kế hoạch của Tổng Giám đốc Công An Pháp là Arnoux. Sự thiệt là ông Giàu đi từ trại giam Bà Rá về Sàigòn bằng xe hơi của Sở Mật thám Pháp. Về Sàigòn, ông Giàu được Pháp đưa đi gặp ông Dương Bạch Mai, lúc đó cũng vừa được Pháp thả ra để thực hiện một kế hoạch chống lại Nhật theo đề nghị của Trung ương đảng cộng sản Việt Nam. Trong hồ sơ của Công An Nam Bộ còn có những tấm ảnh chụp ông Giàu đang nhận tiền từ tay của Arnoux. Các tấm hình nầy do chính Arnoux bố trí cho nhân viên chụp để sau nầy dùng làm bằng chứng khi cần đến. Luật sư Huỳnh Văn Phương -- chú ruột của ông Huỳnh Tấn Phát-- khi đó làm Giám đốc Công an Nam Bộ đã cho rọi lại thành bốn bản tấm hình ông Giàu đang nhận tiền từ tay Arnoux. Ba tấm in lại được trao cho ba người là: Luật sư Dương Văn Giáo, Bác sĩ Hồ Vĩnh Ký và Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ. Hồi Ký Nguyễn Kỳ Nam viết nguyên văn rằng: Huỳnh Văn Phương trao ba bức ảnh cho ba người để rồi cả ba đều bị ám sát trong những trường hợp khác nhau.Trong cuộc họp đêm 7 tháng Chín, Lâm ủy Hành chánh đổi tên thành Ủy ban Hành chánh Nam Bộ. Phạm Văn Bạch làm Chủ tịch, Trần Văn Giàu xuống làm Phó nhưng kiêm nhiệm Ủy trưởng Quân sự. Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ làm Ủy viên Xã hội. Nguyễn Văn Trấn làm Giám đốc Quốc Gia Tự Vệ Cuộc --tức là lực lượng Công An--, Lý Huệ Vinh làm Chỉ huy Quốc gia Tự vệ Cuộc Saigon, lực lượng này đặt trực tiếp dưới quyền Trần Văn Giàu. Sang ngày 8 tháng Chín, tại thành phố Cần Thơ xảy ra vụ Uỷ ban Cần Thơ dùng lực lượng quân sự đàn áp cuộc biểu tình của 20,000 tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo khiến hàng trăm người chết. Trước đó, ngày 27 tháng Tám tại Châu Đốc, Ủy ban tỉnh vừa thành lập đã bắt giam 300 tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và sau đó xử tử một số trị sự viên của Đạo. Đến ngày 9 tháng Chín, tại Sàigòn, vào lúc 8 giờ 30 tối, Lý Huệ Vinh điều động lực lượng Công an võ trang tới tấn công nơi Huỳnh Giáo chủ đang trú ngụ là trụ sở của Việt Nam Vận Động Độc Lập Hội, số 8 đường Sohier, ở Quận 1, góc đường Phùng Khắc Khoan bây giờ. Hồi thập niên 60, một vị cao đồ làm việc sát cạnh với Huỳnh Giáo chủ từ khi mở Đạo là ông Lương Trọng Tường đã kể lại với báo chí về cuộc tấn công này. Xin mở ngoặc: ông Lương Trọng Tường là Hội trưởng Ban Trị sự Trung ương Phật Giáo Hòa Hảo trong thời gian từ 1965 tới 1975. Sau đây là báo chí hồi đó ghi lại lời kể của ông Lương Trọng Tường:"Lúc 20 giờ 45, Huỳnh Giáo chủ còn ngồi đàm đạo với chúng tôi. Mấy phút sau, Giáo chủ nói: - Có lẽ sắp có chuyện gì sắp xảy ra, Thày qua bên ông Đại úy OKAMATA một lát. Nói rồi, Thày đi thẳng ra cửa sau. Đức Thày vừa đi được một phút thì có anh em đồng đạo vào cho biết bên ngoài có chiếc xe hơi vừa đỗ, nhiều người đang tiến về phía trụ sở. Xe hơi của Lý Huệ Vinh chiếu đèn pha, báo hiệu cho bọn Công an bao vây trụ sở xông vào bắt Đức Thày. Bên trong trụ sở, các vệ sĩ tắt hết đèn. Bên Công An nổ súng tấn công, bên vệ sĩ bắn trả. Sau chừng 10 phút Công an tràn được vô trụ sở. Công an lục soát và bắt giữ tất cả những người có trong trụ sở".Ngay trong đêm đó, tin báo trụ sở bị tấn công được phi báo cho các trạm liên lạc. Một tín đồ thân cận với Giáo chủ là ông Lâm Ngọc Thạch, lúc đó đang ở Trường Mỹ Thuật Gia Định được tin, liền tìm về quan sát trụ sở ngay sáng ngày 10. Trụ sở bị Công an canh gác trong ngoài rất nghiêm mật. Ông Thạch trở về trụ sở nhánh ở đương Lơ-pheo --bây giờ là đường Nguyễn Công Trứ-- để tìm cách liên lạc và giải cứu Giáo chủ. Chỉ trong thời gian ngắn, ông Thạch được biết Giáo chủ còn đang tạm trú tại nhà một tín đồ là Bà Năm, chủ căn nhà số 38 đường Miche --nay là đường Phùng Khắc Khoan--, và căn nhà nầy đâu lưng với trụ sở. Ông Thạch đi mượn được một xe hơi của công ty Mitsuibishi, và ông hóa trang làm một quân nhân Nhật, ngồi xe cắm cờ Nhật chạy thẳng vô cấm địa. Công an và lính Tự vệ Cuộc không dám cấm cản. Xe chạy thẳng vô nhà Bà Năm rước Giáo chủ lên xe. Ông Thạch đưa Giáo chủ lên Biên Hòa ẩn cư tại nhà ông Ngô Văn Ký. Ông Lâm Ngọc Thạch năm nay đã ngoài tám mươi tuổi và hiện đang cư ngụ tại Tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ. Quý Thính giả vừa nghe bài biên khảo của trợ bút HAI TRANG nói về những sự kiện xảy ra tại Sàigòn trong những ngày cuối tháng Tám và đầu tháng Chín năm 1945. Trong chương trình ngày mai, cũng vào giờ này, Đài Á Châu Tự Do sẽ trình bày tiếp về cuộc Hòa giải giữa Việt Minh với Phật Giáo Hòa Hảo. Quý Thính giả nhớ đón nghe để biết thêm về cuộc họa thơ giữa giáo sư Phạm Thiều và Huỳnh Giáo chủ.