Cuộc Khởi nghĩa của VNQDĐ năm 1930 (bài 2)

ĐỊA BÀN TỔNG KHỞI NGHĨALời giới thiệu: nhân Ngày Lễ Giỗ lần thứ 70 nhà yêu nước Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông, Hai Trang, trợ bút của Đài Á Châu Tự Do có loạt bài nói về cuộc Khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1930. Trong loạt bài này người biên khảo sẽ trình bày thêm về những dữ kiện cùng với một số tài liệu lịch sử quý hiếm mà cho tới nay các sách, báo ít có nói đến hoặc là chưa đề cập tới. Nhưng trước hết Hai Trang sẽ phác họa một cách có hệ thống Kế hoạch Khởi nghĩa mà Đảng trưởng Nguyễn Thái Học cùng Ban lãnh đạo của Đảng đã phát động cách đây đúng 70 năm... Khi gợi nhớ đến cuộc nổi dậy của Việt Nam Quốc Dân Đảng vào mùa xuân năm 1930, một số người thường nói ngắn gọn là cuộc Khởi Nghĩa Yên Bái. Nhưng nói một cách chính xác thì đây là cuộc Tổng Khởi Nghĩa có kế hoạch và đã được sửa soạn chu đáo. Nhiều công trình nghiên cứu rất giá trị của nhiều tác giả đã trình bày đầy đủ các sự kiện diễn ra từng ngày, kể từ đêm 9 rạng ngày 10 tháng Hai năm 1930, khi Quốc Dân Quân nổ phát súng đầu tiên tại Đồn binh Yên Bái, cho đến sáng ngày 17 tháng Sáu cùng năm đó, khi Đảng trưởng Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí của ông bị thực dân xử tử bằng máy chém. Việt Nam Quốc Dân Đảng chính thức thành lập cuối năm 1927, Về tính chất, đây là một đảng cán bộ được tổ chức và sinh hoạt theo nguyên tắc bí mật. Đảng kết hợp các phần tử ưu tú trong giới tân học và cựu học có trình độ trung bình và ở độ tuổi từ 20 đến 50 tuổi vào thời kỳ đó. Về cựu học thì có thể coi ông Nguyễn Khắc Nhu là đại biểu. Ông theo Nho học, thi đỗ Đầu Xứ, cho nên thường gọi là Ông Xứ Nhu. Về tân học thì như ông Nguyễn Thái Học là cựu học sinh trường Sư Phạm và trường Thương mại. Về ngành nghề, đảng nhắm kết nạp các giáo viên, tiểu công chức, nhân viên các hãng xưởng nhất là nhân viên ngành đường sắt, các nhân sĩ có danh tiếng tốt trong các vùng nông nghiệp, và quan trọng nhất là giới hạ sĩ quan trong các đơn vị chính quy của quân đội Pháp. Mặc dầu đảng được tổ chức bí mật và kỷ luật đặt ra rất nghiêm khắc, nhưng một phần hoạt động của Ban lãnh đạo cũng bi lộ vì bị hai thế lực thù địch cài trinh sát vào làm nội tuyến. Thế lực thù địch thứ nhất là nhà cầm quyền thực dân Pháp, trực tiếp là Tổng Nha Công An, thời đó gọi là Nha Liêm Phóng. Tổng Nha Công An có hệ thống trinh sát cơ sở, thời đó gọi là chỉ điểm. Thế lực thù địch thứ hai là những anh em cộng sản luồn vào vào các chi bộ để lấy tin tức cho Cục Phương Đông đặt tại Hồng Kông của Quốc tế Cộng sản. Theo các tài liệu của Việt Nam Quốc Dân Đảng đã công bố thì chính những người anh em cộng sản đã cung cấp tin tức quan trọng nhất về kế hoạch Tổng Khởi Nghĩa cho Tổng Nha Công An Pháp. Căn cứ trên các dữ kiện ghi nhận trong mùa Xuân năm 1930 đối chiếu với các tài liệu đã được phân tích và hiện nay còn được bảo quản tại các văn khố, chúng ta có thể phác họa tóm tắt Kế hoạch Tổng Khởi Nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng như sau đây. Địa bàn Tổng Khởi Nghĩa bao gồm toàn địa hạt Bắc Kỳ, được chia thành ba Vùng và một Trọng điểm. Vùng thứ nhất bao gồm miền đồng bằng, từ Hà Nội, Hải Dương và Hải Phòng xuống phía nam. Vùng này do Đảng trưởng Nguyễn Thái Học trách nhiệm. Vùng thứ hai lấy ranh giới từ phía nam là Đường số 5 Hà Nội đi Hải Phòng, phía đông là biển, phía bắc là biên giới Trung Quốc và phía tây bao hết địa giới hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Cạn. Vùng này do ông Phó Đức Chính trách nhiệm. Vùng thứ ba lấy ranh giới từ Hưng Hóa-Lâm Thao thuộc tỉnh Phú Thọ trở ngược lên, mở rộng ra phía đông tới Sông Gầm và Sông Lô qua địa giới tỉnh Tuyên Quang, phía tây tới Sông Đà, và phía Bắc tới Lào Cai. Vùng này do ông Xứ Nhu trách nhiệm. Trọng điểm là tỉnh Lào Cai thông với địa giới tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Trọng điểm này do ông Nguyễn Thế Nghiệp trách nhiệm.Kế hoạch Tổng Khởi Nghĩa toàn xứ trù liệu vận dụng các lực lượng chủ yếu để một mặt đánh vào một số căn cứ quân sự của Pháp, và mặt khác huy động quần chúng xông lên chiếm lĩnh một số thị xã và thị trấn làm căn cứ. Các cuộc tấn công quân sự nhằm tác dụng làm cho Pháp phải chia lực lượng ra để đối pho. Khẩu hiệu chiến thuật được nêu lên ngắn gọn trong bốn chữ : CHIẾM TỈNH PHÁ THÀNH. Theo các phân tích tổng kết của Pháp lập cuối năm 1933 thì Ban lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng có những hiểu biết khá đầy đủ về các vị trí đóng quân của Pháp ở Đông Dương và lực lượng của mỗi đơn vị đồn trú, kể cả quân số và hỏa lực. Theo kế hoạch đã dự trù, thì cuộc Tổng Khởi Nghĩa sẽ phải khởi động trước hết tại tỉnh Kiến An và vùng kỹ nghệ chung quanh Hải Phòng. Đây là nơi mà Quốc Dân Đảng có tổ chức cơ sở đủ mạnh trong giới thợ thuyền, công nhân lao động cũng như nông dân.Vẫn theo kế hoạch thì ngay sau khi cách mạng khởi động tại Kiến An và Haiũ Phòng thì lực lượng quân sự cách mạng ở Trọng điểm Lào Cai sẽ đánh chiếm trại quân Pháp tại tỉnh. Một khi cửa biên giới được Quân Cách mạng kiểm soát, thì Quốc Dân Quân đã được tổ chức trong các nhóm người Việt từ Vân Nam kéo về tiếp ứng. Ban Chỉ huy quân sự của cách mạng ở trọng điểm Lào Cai gồm 18 người, đều là những hạ sĩ quan trong quân đội Pháp đồn trú tại căn cứ quan trọng này. Theo đề nghị của Chỉ huy trưởng trọng điểm này là Nguyễn Thế Nghiệp thì Trung ương cần đánh chiếm căn cứ của Pháp ở tỉnh Yên Bái để chặn đường quân Pháp lên giải cứu cho Lào Cai. Chính do đề nghị này mà Trung ương đã phát động cuộc binh biến ở Yên Bái vào đúng ngày giờ đã định. Trong chương trình ngày mai, Hai Trang sẽ tường trình về Bản Tuyên Cáo Khởi Nghĩa cũng như về Lá Cờ Cách Mạng được giương cao thời đó./.