Bước sang năm mới, Từ bên ngoài nhìn vào những biến chuyển Năm Dần tại Việt Nam

Từ Tết Mậu Dần qua Kỷ Mão, một năm đã qua và chương trình Việt ngữ hướng về Việt Nam của đài Á Châu Tự Do lại thêm một tuổi. Hàng tuần, mục Việt Nam, Nhìn từ bên ngoài đã đều đặn đến với quý thính giả để trình bày trung thực những nhận định của thế giới bên ngoài về những gì xảy ra tại Việt Nam. Nhân Tết Kỷ Mão, mục Việt Nam, Nhìn từ bên ngoài đến với quý thính giả với lời cầu chúc an khang và thịnh vượng trong năm mới, và cũng để trình bày tổng quan về những biến chuyển năm qua tại Việt Nam, qua con mắt của giới quan sát quốc tế. Nhìn vào thời cuộc Việt Nam trong năm Mậu Dần, và khách quan nhận xét đại lược về những biến chuyển, thì phải nói là trong năm Hổ, do hoàn cảnh đặc biệt và một cách biểu kiến, Việt Nam quả là có may mắn trong một số lãnh vực. Nhưng đằng sau mặt nổi đó, người ta vẫn thấy tiềm tàng những khó khăn và bất trắc tích lũy từ nhiều năm nay, và nhiều vấn đề căn bản về đường hướng lại chưa được giải quyết, nên hoàn cảnh đã trở nên phức tạp hơn. Một trong những điều may của Việt Nam, là quốc gia này chưa hội nhập vào kinh tế toàn cầu hay toàn khu vực, đồng bạc chưa hoán đổi tự do, hối suất chưa thả nổi và thị trường chứng khoán chưa có, nên kinh tế chưa bị tác động trực tiếp của khủng hoảng Đông Á. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào vấn đề, dư luận bên ngoài đều cho là hậu quả của khủng hoảng sẽ còn kéo dài, và những yếu kém nội tại của Việt Nam vẫn còn nguyên, để chờ đợi những phương án giải quyết của chế độ.Về những yếu kém này, các định chế quốc tế và quốc gia cấp viện đã có nhiều nhận định khá thẳng thắn mà chính nhà cầm quyền Hà Nội cũng phải công nhận. Việt Nam cần ưu tiên cải tổ hệ thống ngân hàng non yếu và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Việt Nam phải giải quyết ung nhọt của nạn quản lý tồi và tham nhũõng cao trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước để có thể quân bằng lại ngân sách. Việt Nam phải giải tỏa sự cấm đoán và kỳ thị để tư doanh có thể phát triển và góp phần đưa xã hội ra khỏi sự nghèo túng lạc hậu. Việt Nam cần có một nền hành chánh và tư pháp hữu hiệu và minh bạch, để trấn an giới đầu tư quốc tế. Mấy điều trên thực không xa lạ hay cao siêu gì, và lãnh đạo Hà Nội từ tổng bí thư Lê Khả Phiêu tới thủ tướng Phan Văn Khải, ai cũng biết, hoặc úp mở nói ra. Nhưng, từ lời nói đến việc làm là cả một khoảng cách lớn lao, như kinh nghiệm từ nhiều năm qua đã minh chứng. Cho nên dư luận trong và ngoài nước sẽ còn phải theo dõi kỹ lưỡng tình trạng nói một đàng làm một nẻo đó của chế độ.Một cái may khác của Việt Nam lại nằm trong lãnh vực ngoại giao. Chiến tranh lạnh chấm dứt sau khi Liên xô và toàn khối Đông Âu sụp đổ, nên tranh chấp giữa các nước đã từ chiến trường chuyển qua chính trường và thị trường. Vì vậy mà cùng với nhu cầu hợp tác cấp vùng, quan hệ ngoại giao đã có vẻ hiền hòa hơn. Việt Nam hưởng nhiều sự dễ dãi nhờ không khí cởi mở đó. So với thời trước đổi mới, khi Hà Nôâỉi bị thế giới cô lập và và mất thiện cảm thì giờ đây, Việt Nam đã có mặt nhiều hơn trên trường quốc tế và đạt một vài thắng lợi ngoại giao. Được là là thành viên của Hiệp hội ASEAN, hoặc gia nhập Diễn đàn Kinh tế Á Châu Thái Bình Dương APEC, Việt Nam được tổ chức Thượng đỉnh kỳ Sáu của ASEAN vào trung tuần tháng 12. Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, nếu có mặt trên các diễn đàn quốc tế là một điều cần thiết, thì việc nhà cầm quyền Hà Nội được ra vào thế giới văn minh cũng chỉ đủ tạo ra vài ấn tượng tích cực mà thôi. Chứ về thực chất, Việt Nam còn quá nhiều vấn đề phải ưu tiên giải quyết, và cho đến nay, vì lý do này hay lý do khác, nhà cầm quyền vẫn còn trì hoãn lần khân chưa xúc tiến. Mà đây lại là những vấn đề quá căn bản của đất nước và đòi hỏi nhà cầm quyền phải có những quyết định dứt khoát, trước hết để đưa kinh tế ra khỏi sự trì trệ và suy thoái hiện nay, và sau đó, để chuẩn bị cho xã hội những tiền đề cần thiết hầu đối phó với những thử thách của thế kỷ tới. Nói cách khác, hướng đi ở đây đòi hỏi trước tiên sự nhìn nhận rằng Việt Nam cần cải tổ toàn diện về cả kinh tế lẫn xã hội và chính trị để mọi người đều có cơ hội đóng góp cho sự thịnh vượng chung. Dầu hoàn cảnh có thể là thuận lợi trong nhất thời, nhờ mối thiện cảm của thế giới đối với người dân hơn là đối với chính quyền, việc giải phóng tiềm lực của dân tộc vẫn là một đòi hỏi khách quan của tình hình. Chỉ với giải pháp đó, người dân mới có thực quyền quyết định về tương lai mình, và của các thế hệ nối tiếp.Cách đây đúng 24 năm, cũng vào một năêm Mão, cục diện Việt Nam đã hoàn toàn thay đổi, từ trắng sang đen. Lịch sử không bắt buộc phải tái diễn, để từ đen sẽ đi vào hắc ám. Tuy nhiên, cứ xét tới tình trạng dậm chân tại chỗ của giới lãnh đạo hiện nay, trong khi Việt Nam còn may mắn là chưa bị đại họa, các quan sát viên ngoại quốc đều cho là dịp may đó sẽ khó tái diễn. Và năm Kỷ Mão có thể sẽ chứng kiến nhiều thay đổi. Lý do rất đơn giản là Việt Nam không thể đứng nguyên tại chỗ trong sự bất động ngụy danh ổn định khi cả thế giới đã dồn dập tiến vào trào lưu phát triển và dân chủ.Trần Sơn Nam