Giảm phát kinh tế


1999.02.22

Từ hơn nửa thế kỷ vừa qua, nhân loại đều đã biết thế nào là mối nguy của lạm phát. Gần 15 năm trước chẳng hạn, đã có lúc vật giá gia tăng tới 700% trong một năm, khiến giá trị đồng tiền tại Việt Nam bị hao hụt đi gần như hàng ngày. Giờ đây sau khi khủng hoảng Đông Á lan qua Nga, rồi Nam Mỹ Châu, người ta bắt đầu thấy một nguy cơ trái ngược, đó là nạn giảm phát. Diễn đàn Kinh tế tuần này xin nói về hiện tượng trên, trong bài nhận định kinh tế đầu năm do Nguyễn An Phú biên soạn. Một cách hết sức giản lược, lạm phát xảy ra khi kinh tế có quá nhiều tiền để mua quá ít hàng, làm giá cả gia tăng và sức mua của dân cư bị hao mòn. Từ sau cuộc tổng khủng hoảng kinh tế đầu thập niên 30, tới cơn sốt lạm phát đầu thập niên 70, các nhà lý luận kinh tế đều tập trung tìm hiểu và giải quyết vấn đề lạm phát. Tại Việt Nam sự rối loạn của hệ thống quản lý kinh tế vĩ mô năm 1985 đã thổi bùng lạm phát phi mã và là một động cơ đưa tới việc đổi mới kinh tế. Tại Nga, cũng sự rối loạn trong việc quản lý tiền tệ đã đẩy lạm phát lên tới số kinh hoàng là hơn 2000% vào các năm 92-93 và đến giờ này vẫn còn để lại nhiều ấn tượng hãi hùng cho người dân. Nhưng ngày nay, các nhà kinh tế bắt đầu nói tới nguy cơ giảm phát, và e rằng nếu điều này xảy ra, kinh tế thế giới sẽ còn bị tai hoạ nặng hơn là lạm phát. Thế giảm phát là gì, vì sao lại đáng sợ như vậy, và liệu hiện tượng đó có xảy ra không? Quen nghĩ trong bối cảnh lạm phát, ta cần thấy là khi đà gia tăng vật giá giảm dần thì kinh tế bị hiện tượng ta tạm gọi là giảm lạm phát. Tình hình bắt đầu trở thành nguy hiểm khi giá cả không tăng nữa mà giảm, và nếu giảm liên tục thì ta bắt đầu bị nạn giảm phát. Định nghĩa về kinh tế học của giảm phát là khi giá tiêu thụ giảm và lý do chính của hiện tượng này là hàng có đó mà người ta vẫn thiếu tiền mua. Giới bán hàng có thể hạ giá liên tục mà vẫn chẳng ai dám mua, vì thiếu tiền hoặc sợ sẽ thiếu tiền, rốt cuộc sinh hoạt kinh tế co cụm lại, dân sẽ thất nghiệp và nghèo đi. Trường hợp đáng ngại đó đang xảy ra tại Nhật, dù lãi suất đã giảm tới gần số 0 và lãi suất thực tế đã tụt xuống số âm mà các ngân hàng vẫn thiếu khách vay. Hiện tượng đó cũng bắt đầu hoành hành tại Trung Quốc và nhiều nơi khác ở Đông Á. Trong khi đó, lạm phát thực tế tại Châu Âu cũng đã giảm tới số không, tức là hiện tượng giảm lạm phát đã bắt đầu xuất hiện, cho nên nguy cơ giảm phát mới là đáng lo. Thực ra, ngay từ đầu thập niên 90, một số nhà nghiên cứu đã báo động về nguy cơ giảm phát và liên tưởng tới tình hình kinh tế trước cuộc tổng khủng hoảng 29-33 trên toàn cầu. Nhưng, một số biến cố như cuộc chiến vùng Vịnh, sự sụp đổ rồi cải tổ của các nền kinh tế trong khối Xô viết và sự lớn mạnh của khu vực sản xuất công nghệ cao tại các xứ kỹ nghệ hoá, nhất là Mỹ, đã tạm đẩy lui nguy cơ trên, khiến người ta mong rằng lịch sử sẽ không lập lại cơn ác mộng của tổng khủng hoảng. Thế rồi chấn động Đông Á bùng nổ, và Nhật vẫn bị suy trầm để trôi vào nạn giảm phát, nên các nhà nghiên cứu mới bắt đầu tự nêu câu hỏi. Những ai theo dõi tình hình sản xuất của các khu vực công nghệ cao đều biết là nhờ cải tiến năng suất, nhiều quốc gia đã đạt sản lượng dồi dào hơn nên giá cả bắt đầu giảm. Kết quả tổng hợp của hiện tượng tích cực đó là giá thương phẩm trên thế giới đã sụt đều từ hai năm nay, vì nhờ năng suất, người ta sử dụng ít nguyên vật liệu hơn để sản xuất ra cùng khối lượng hàng hóa. Tiêu biểu nhất là giá dầu thô đã sụt một nửa từ đầu năm 97 đến nay. Khi hàng có nhiều hơn tiền như vậy, ta bắt đầu có hiện tượng sụt giá. Nhưng, giảm phát cũng có thể xảy ra vì lý do tiêu cực chứ chả vì năng suất. Đó là khi người ta không có tiền, hoặc có tiền mà ngại tiêu vì sợ tương lai bất trắc: đây là điều đã xảy ra cho Nhật, đang xảy ra cho Hoa lục. Cho nên, giá cả có sụt hàng vẫn không bán được, các xí nghiệp bị đọng hàng, mắc nợ và phải sa thải nhân viên, khiến giới tiêu thụ càng lo sợ và hạn chế chi tiêu hơn. Nạn phá sản dây chuyền có thể xảy ra và thổi bùng thất nghiệp, làm kinh tế suy trầm thêm trong vòng xoáy ngày một xuống sâu hơn. Vì hiện nay, kinh tế thế giới đang gặp cả hai loại nguyên nhân tích cực và tiêu cực như vậy cho nên việc đối phó với nạn giảm phát mới thành nan giải khó khăn hơn. Nhưng, liệu nguy cơ giảm phát có thể xảy ra hay không? Trả lời cho câu hỏi đó, ta thấy có bốn rủi ro đáng nói sau đây. Thứ nhất, kinh tế toàn cầu đã bắt đầu bị hiện tượng sản xuất thừa, lần đầu tiên mấp mé tỷ lệ đáng sợ của năm 1930. Thứ hai, các xứ kỹ nghệ hoá Tây phương hiện cứ nhìn vào quá khứ mà duy trì một chánh sách tiền tệ quá bảo thủ do e sợ lạm phát, nên có thể góp phần đẩy mạnh nguy cơ giảm phát hơn nữa. Rủi ro thứ ba là nạn sụt giá thương phẩm, trong đó có nguyên vật liệu do các nước đang phát triển sản xuất ra, có thể đem lại nguồn lợi cho các xứ tiêu thụ thuộc thế giới kỹ nghệ hoá, nhưng đang đánh sụt lợi tức của các nước đang phát triển. Vì lợi tức suy sụp, như dầu thô hay gạo, cao su và cà phê của ta, các nước đang phát triển dễ có xu hướng thu vén chi tiêu và biện pháp đó càng dễ gây ra giảm phát. Rủi ro sau cùng và có lẽ lớn nhất, chính là phản ứng tâm lý của con người, từ giới lãnh đạo kinh tế đến doanh gia và công nhân, vốn chỉ quen đối phó với lạm phát nên sẽ dễ đi tới những quyết định điều chỉnh sai lầm, và nhiều nước kỹ nghệ còn tưởng giảm phát chỉ là hậu quả tích cực của hiện tượng cải tiến năng suất mà thôi. Khi lạm phát xảy ra, con nợ có lời hơn chủ nợ. Ngược lại, khi giảm phát xảy ra, con nợ sẽ bị thiệt hơn. Và trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, các nước đang phát triển cũng là những con nợ lớn nhất, nên sẽ bị tác động giảm phát nặng nề nhất. Họa vô đơn chí có lẽ là như vậy... Nguyễn An Phú

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.