Ngày càng xảy ra nhiều vụ tấn công tại Iraq

Bấm vào đây để nghe bản tin này

Rightclick to download this audio

Thy NgaNhư để thách thưc Tổng trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, hôm thứ Hai, quân nổi dậy đã nổ bom cảm tử tại một trạm cảnh sát ở thành phố Kirkuk khiến 7 cảnh sát viên thiệt mạng và 35 người khác bị thương, đều là người bản xứ.

Vụ này diễn ra ngay trước lúc Tổng trưởng Donald Rumsfeld đến thành phố này để bàn thảo với viên chức quản trị là ông Paul Bremer và các vị chỉ huy quân sự Mỹ tại đó về kế hoạch chuyển giao trách nhiệm gìn giữ an ninh cho người bản xứ giữa lúc tình hình ngày càng nhiều những vụ tấn công.

Đây là lần thứ tư, Tổng trưởng Rumsfeld đến Iraq kể từ khi lực lượng liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu lật đổ chế độ Saddam Hussein.

Chuyến này, sau khi tới thăm một căn cứ quân sự ở ngoại vi thủ đô Baghdad, nơi mà lực lương Hoa Kỳ đang huấn luyện các đoàn phòng vệ dân sự Iraq, Tổng trưởng Rumsfeld đã họp với ông Bremer, cùng tướng Ricardo Sanchez và tướng Thomas Metz.

Ông Paul Bremer tường trình với Tổng trưởng Rumsfeld về kế hoạch giảm quân số Mỹ tại Baghdad từ 36 ngàn xuống 24 ngàn trước thời hạn ngày 15 tháng Năm. Cũng trong thời hạn ấy, sẽ giải tỏa số căn cứ Hoa Kỳ đóng tại thủ đô Iraq, từ 48 như hiện nay xuống chỉ còn 8 căn cứ. Thay vào đó, sẽ tăng số nhân viên cảnh sát bản xứ lên thành 12 ngàn người, và thành lập 7 tiểu đoàn phòng vệ dân sự người Iraq.

Theo kế hoạch này thì lực lượng an ninh do người bản xứ đảm trách sẽ lớn hơn quân số của mọi lực lượng đa quốc tại đây.

Tuy vậy, giới chức quân sự Hoa Kỳ thừa nhận là người Iraq vẫn chưa được huấn luyện và trang bị đầy đủ cho công tác đó.

Ông Bremer nhận định là sau ngày 30 tháng 6, người bản xứ vẫn chưa đủ khả năng để đối đầu với những đe dọa an ninh.

Theo ông thì sau ngày chuyển giao đó, lực lượng đồng minh nên duy trì sự hậu thuẫn với mức độ nào đó, như chuyển từ hình thức lực lượng trú đóng, thành hình thức cộng tác, giúp dân Iraq trong việc giữ gìn an ninh xứ sở.

Sau đó, trong cuộc phỏng vấn của đài truyền hình Al-Iraqiya, khi được hỏi về vụ nổ bom, Tổng trưởng Rumsfeld phát biểu là theo như ông nhận thấy mỗi lần đến đây thì vấn đề an ninh cho ông có khả quan hơn lần trước đó, tinh thần quân đội Hoa Kỳ và lực lượng người Iraq rất cao. Tuy nhiên, ông thừa nhận là công tác kiểm soát các biên giới của Iraq vẫn rất khó khăn.

Tổng trưởng quốc phòng Hoa Kỳ nói tiếp là chắc chắn Iran và Syria biết rằng các nhóm dân quân từ biên giới của họ, xâm nhập Iraq để tiến hành những vụ tấn công nhưng hai nước này không làm gì để ngăn chặn. Theo ông thì sự kiện này một phần là do Hoa Kỳ không có được sự cộng tác tốt từ phía Syria và Iran; phần nữa là lực lượng Hoa Kỳ vẫn cần phải tăng cường tuần tiễu các vùng biên giới tại Iraq.

Về vụ nổ bom vừa nói, ông Paul Bremer tuyên bố với báo giới là những vụ tấn công như vậy nhắm gây trở ngại cho kế hoạch mà Hoa Kỳ đang tiến hành để chuyển công tác an ninh cho người bản xứ đảm trách nhiều hơn. Và đề cập tới lá thư mà giới chức Mỹ cho là của Abu Musab al-Zarqawi, một người Jordan liên kết với tổ chức khủng bố Al-Qaeda - thư này vạch ra chiến lược nhằm khích động giao tranh giữa phe Hồi giáo Sunni và những người Hồi giáo Shia, trước thời gian dẫn đến ngày 30 tháng 6, ông Bremer nói rằng thư này cho thấy rõ là quân khủng bố đặt ưu tiên sát hại lực lượng an ninh do người bản xứ Iraq phụ trách.

Trong khi ấy tại Tokyo, trong cuộc họp báo với thủ tướng Nhật, Koizumi Junichiro, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Kofi Annan, phát biểu là Liên Hiệp Quốc sẵn sàng giúp Iraq tổ chức tuyển cử, sau khi xứ này nhận lãnh quyền hành do Hoa Kỳ chuyển giao vào ngày 30 tháng 6. Ông nói: “ Liên Hiệp Quốc cần phải giúp người Iraq lập ra một cơ chế để thành lập một chính phủ lâm thời hoặc chuyển tiếp, sao cho việc giao quyền hành được tiến hành như dự định vào ngày 30 tháng Sáu. Liên Hiệp Quốc sẽ cộng tác với dân bản xứ để tổ chức bầu cử trong một tương lai không xa.”

Quan điểm của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc được chính phủ Hoa Kỳ hoan nghênh. Phát ngôn nhân Mac Clellan của tòa Bạch Ốc nói: (audio clip)

Ông Mac Clellan nói thêm rằng Hoa Kỳ tin chắc là Liên Hiệp Quốc giữ một vai trò vô cùng thiết yếu trong các tiến trình chính trị tại Iraq.