Nga giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân (Bài 3)

Bấm vào đây để nghe cuộc phỏng vấn này

Rightclick to download this audio

Lê DânThưa quý thính giả, kết thúc loạt bài về dự định của Việt Nam nhờ Nga giúp xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn giáo sư Lê Mạnh Hùng, tiến sĩ trường đại học MIT ở Hoa Kỳ và nguyên Giám đốc Trường Kỹ sư Công nghệ thuộc Trung tâm Kỹ thuật Phú thọ thời trước năm 1975, hiện ông làm công việc nghiên cứu tại Anh. Mời quý vị theo dõi phần trao đổi của Lê Dân với giáo sư Lê Mạnh Hùng như sau.

Lê Dân: Thưa giáo sư, vì sao Việt Nam giờ đây lại cho là cần phát triển điện hạt nhân, trong khi nhiều nước khác đã ngưng phát triển nguồn năng lượng này ?

GS Lê Mạnh Hùng: Về phương diện kinh tế, điện nguyên tử là thành phần nằm trong kế hoạch kinh tế của hầu hết các nước. Trong những thập niên 60 và 70 thì hầu như nước nào cũng quan tâm đến việc phát triển điện nguyên tử vì người ta cho là các loại năng lượng như từ dầu hỏa và khí đốt càng ngày càng mất đi, càng ngày càng bị thiệt dần. Vì vậy người ta cần phát triển nguồn năng lượng khác để thay thế.

Related Stories- Nga giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân (Bài 2)- Nga giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân (Bài 1)- Tiến sĩ Vương Hữu Tấn nói về dự án xây nhà máy điện nguyên tử tại VN

Trong thời gian đó, những nước như Pháp chẳng hạn, đã lập ra những kế hoạch phát triển đến độ điện nguyên tử chiếm đến 70% sản lượng điện toàn quốc. Nhưng về sau thì người ta thấy rằng điện nguyên tử cũng có những vấn đề khó khăn của nó. Nguy hiểm nhất là vấn đề các phế phẩm của phản ứng hạt nhân, làm sao có thể giải quyết được, cộng thêm nguy cơ của những tai nạn có thể xảy ra. Điển hình nhất là tai nạn ở Chernobyl, trước đó có một tai nạn khác đã làm cả kế hoạch điện nguyên tử của Mỹ bị khựng lại, tức là tai nạn rò rỉ ở nhà máy điện tên là Three-Mile Island trong bang Pennsylvania.

Đó là lý do mà nhiều nước như Đức hoặc Thụy Điển đã xét lại. Không những không xây thêm nhà máy điện nguyên tử mới nữa, mà họ còn tìm cách để cho những nhà máy hiện hữu ngưng hoạt động. Tuy nhiên đó chỉ là quan điểm của những nước châu Âu, quan tâm đến vấn đề sinh thái hoặc phát triển lâu dài. Còn những nước quan tâm đến phát triển kinh tế và cung cấp đủ năng lượng cho dân chúng thì sự đánh giá về nguy cơ của năng lượng nguyên tử được xem là ít hơn. Do đó mà Nhật, Trung Quốc hoặc Đài Loan vẫn có những kế hoạch phát triển năng lượng nguyên tử.

Lê Dân: Ba nước mà giáo sư vừa viện dẫn đều đang có nhu cầu tiêu thụ năng lượng rất lớn, còn Việt Nam chưa đến mức như vậy thì sao lại cần đến điện hạt nhân ?

GS Lê Mạnh Hùng: Đối với Việt Nam thì rất khó đánh giá. Mấy năm trước thì vấn đề năng lượng nguyên tử không cần phải đặt ra vì nguồn năng lượng của mình tương đối là dồi dào, cả về dầu hỏa, than đá lẫn khí đốt. Thế nhưng vào những lúcgần đây, theo các cuộc nghiên cứu về trữ lượng của tài nguyên Việt Nam như mỏ dầu Bạch Hổ chẳng hạn thì chỉ còn có thể khai thác được tối đa là đến năm 2010, và ngay từ năm 2007 thì sản lượng dầu của mình có thể sẽ bắt đầu giảm bớt. Vì thế vấn đề đa dạng hóa nguồn năng lượng cần phải đặt ra. Cách đây ba bốn năm người ta đã nói đến chuyện làm sao phát triển một nguồn năng lượng khác.

Lê Dân: Do đó mà Việt Nam nghĩ đến sản xuất điện bằng phản ứng hạt nhân phải không ạ ?

GS Lê Mạnh Hùng: Vấn đề là Việt Nam không có một cơ sở nào để có thể vận dụng được điện nguyên tử cả. Ngay như Trung tâm Nghiên cứu về nguyên tử ở Đà Lạt hầu như không hoạt động được vì thiếu rất nhiều thiết bị, cũng như là thiếu người.

Vì vậy thành lập một nhà máy điện nguyên tử ở Việt Nam đòi hỏi rất nhiều thời gian để nghiên cứu, huấn luyện và tạo ra những cơ sở có thể sử dụng được. Nhưng do nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng trong tương lai với mức phát triển kinh tế hiện nay, thì rất khó có thể kết luận được là Việt Nam cần hay không cần điện nguyên tử. Tuy nhiên nếu có được thì cũng là điều tốt.

Lê Dân: Thưa giáo sư, theo tin tức của các hãng thông tấn Itar-Tass của Nga và AFP của Pháp thì phó Thủ tướng Vũ Khoan đã ký bản ghi nhớ với đối tác Viktor Christenko về việc Nga giúp xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên cho Việt Nam. Câu hỏi nhiều người đặt ra là tại sao lại trao cho Nga việc đó dù rằng tính an toàn tại các nhà máy Nga không được đánh giá cao ?

GS Lê Mạnh Hùng: Tại sao lại giao cho Nga, thì theo tôi hiện nay trên thế giới không có mấy nước có đủ khả năng cung cấp thiết kế, thiết bị và xây dựng cả. Mỹ thì không còn làm nữa rồi. Anh, Đức, Thụy Điển đều không còn làm nữa rồi. Pháp chưa biết có còn tiếp tục làm hay không, nên chỉ có Nga là vẫn tiếp tục tìm cách phát triển năng lượng nguyên tử của họ.

Các nước tiên tiến vẫn nghi ngờ về tính an toàn trong các thiết kế của Nga. Nhưng đối với Việt Nam thì việc đó có lẽ không quan trọng bằng giá cả. Nên trong điều kiện hiện nay thì tôi nghĩ là Nga sẽ đưa ra một giá rẻ hơn là của Pháp. Cho đến bây giờ thì Nga vẫn đóng góp rất nhiều vào việc phát triển hệ thống năng lượng của nhiều nước. Thêm vào đó là các nhà khoa học Việt Nam cũng quen thuộc với các nhà khoa học Nga hơn. Đó là những lý do khiến Việt Nam muốn dùng Nga hơn là dùng Pháp.

Lê Dân: Xin cám ơn tiến sĩ Lê Mạnh Hùng về buổi trao đổi hôm nay. Nhân đây chúng tôi xin nhắc lại là Bộ trưởng Năng lượng hạt nhân Nga, ông Alexander Rumyantsev hôm 29 tháng Giêng vừa qua cho biết xuất khẩu hạt nhân của Nga trong năm 2003 đạt mức 3 tỷ đôla, tăng 400 triệu đôla so với năm trước và phần lớn nhờ bán nhiên liệu nguyên tử, chất đồng vị và Uranium giàu. Tuy nhiên cho tới nay Nga vẫn chưa ký kết với nước nào về việc lưu trữ hoặc tái xử lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng của họ.