Phạm Ðiền Các quốc gia giàu có nhất trên trái đất nên giúp đỡ thành phần nghèo. Tuy nhiên, một số người kêu gọi cần phải giúp đỡ đúng đắn chứ không thể thiếu kế họach đúng tầm mức, gây hậu quả nghiêm trọng hơn. Bài phân tích của hai nhà phân tích Desmond Tutu và Jody Williams trên nhật báo International Herald Tribune đề cập đến nguyên tắc đó.
Bấm vào đây để nghe bản tin này
Rightclick to download this audio
Đồng tác giả Tổng Giám Mục Desmond Tutu, giải Nobel Hòa Bình năm 1984 và nhà báo Jody Williams trong một bài nhận định trên nhật báo International Herald Tribune mới đây, đã kêu gọi những nước nhà giàu trên thế giới nên giúp đỡ các xứ nghèo. Những nước giàu thực hiện sự trợ giúp này, phần lớn qua Ngân Hàng Thế Giới.
Trên thực tế thì Ngân Hàng Thế Giới đã hành động đúng như lời kêu gọi như thế trong nhiều thập niên qua khi họ tài trợ để xây dựng các nền kinh tế ở các xứ nghèo. Họ thường chọn đầu tư vào các xứ có nguồn tài nguyên phong phú như dầu hỏa và các lọai hầm mỏ khác. Lý thuyết của các nhà quản trị ngân hàng là đầu tư theo phương thức đó sẽ giúp cho những xứ nghèo mau có tiền, chóng thóat ra khỏi cảnh đói nghèo.
Nhưng theo giới quan sát thì trên thế giới có nhiều hiện tượng trái ngược đó là một số quốc gia trên thế giới bị nghèo đói, bệnh họan, bị nạn tham nhũng, hoặc có các cuộc xung đột bạo động và khó khăn về mặt nhân quyền, lại cũng chính là một số nước giàu tài nguyên thiên nhiên. Tình trạng nghịch lý diễn ra ở một số nước mà sự phồn vinh do tài nguyên thiên nhiên như dầu hỏa, khí đốt, vàng, kim cương, đồng, lại không nâng cao đời sống của người dân mà chỉ gây thêm các khó khăn cho dân của họ.
Đó là tình trạng về tài nguyên ở Sierra Leone và Angola, hay tình trạng chính phủ tham nhũng như Nigeria vơ vét, thụt két công quỹ tới 4 tỉ đô la mà 90% lợi tức đền từ dầu hỏa, dưới chế độ độc tài của Sani Abachi trong thập niên 1990.
Thực tế cũng có một số quốc gia sau này nhờ các nguồn thu nhập tương tự đã chuyển sự giàu có mới của mình để nâng mức sống người dân lên cao.
Ngòai nạn tham nhũng, những xứ giàu tài nguyên lại không có chương trình bảo vệ môi trường nên phó sản dầu hỏa, các chất độc của hóa học do khai thác còn gây nguy hại nhiều cho sức khỏe của những cộng đồng sinh sống gần các khu vực khai thác tài nguyên. Bên cạnh đấy, sự thiếu minh bạch trong việc kế tóan và kiểm sóat mức thu nhập của việc khai thác hầm mỏ đã tạo nên tình trạng tham nhũng khó lòng chữa trị.
Theo các cuộc nghiên cứu, ngay cả do Ngân Hàng Thế Giới thực hiện, người ta lại thấy thêm một số sự kiện là các nước nghèo trông cậy vào nguồn lợi tức do dầu hỏa, hầm mỏ lại phát triển chậm hơn những xứ chẳng có những tài nguyên như thế. Mà trong những xứ trông vào tài nguyên lại còn có nền giáo dục kém cỏi hơn, chế độ dinh dưỡng thiếu thốn hơn và khuynh hướng để cho bạo động vì xung đột lên cao hơn.
Vì sự công kích của các tổ chức nhân quyền và bảo vệ môi sinh, Ngân Hàng Thế Giới đã thừa nhận các vấn đề nguy hại như thế trong nhiều năm qua. Họ bắt đầu thận trọng nghiên cứu về chính sách tài trợ cho các công cuộc khai thác dầu hỏa và hầm mỏ.
Sau khi tái xét, Cựu Bộ Trưởng Môi Trường Indonesia Emil Salim đã đưa ra một lọat khuyến cáo cho công cuộc đổi mới tận gốc chính sách tham dự của Ngân Hàng Thế Giới trong các lãnh vực đó. Ông khuyên Ngân Hàng Thế Giới nên để ý nhiều hơn về nhân quyền, buộc các công ty phải được sự tán đồng của các cộng đồng địa phương trước khi họat động và tránh đồ tiền bạc vào các khu vực có những cuộc xung đột.
Các khuyến cáo trên được cho là chính đáng và cần thiết để Ngân Hàng Thế Giới cải thiện ảnh hưởng của các chương trình tài trợ, đầu tư.
Hai đồng tác giả bài nhận định cho rằng nếu được thực thi, chính sách mới có thể thay đổi rất lớn đường lối mà Ngân Hàng Thế Giới áp dụng trong các khu vực khai thác dầu hỏa và hầm mỏ, cải thiện đáng kể các cơ hội giúp những xứ có tài nguyên thiên nhiên phong phú, phục vụ phúc lợi của những quốc gia mà dân chúng thuộc lọai nghèo nhất.
Và hành động đó cần được thực hiện ngay, vì người dân nghèo nhất thế giới không còn chờ đợio thêm nữa.