Bấm vào đây để nghe bản tin này
Rightclick to download this audio
Lê DânThời gian gần đây sau khi có tin Việt Nam không kịp gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào đầu năm tới như dự liệu. Nhiều người đã lo lắng cho khu vực dệt may của nước nhà sẽ gặp nhiều khó khăn vì việc này. Vậy Tổ chức Thương mại Thế giới WTO là gì và có trách vụ gì trên thế giới ? Mời quý vị nghe Lê Dân trình bày qua cuộc trao đổi với Phương Anh như sau.
Hỏi: Tổ chức Thương mại Thế giới thành hình lúc nào và do đâu, anh Lê Dân ?
Đáp: Tổ chức Thương mại Thế giới WTO được thiết lập như là một phần của Vòng đàm phán Tự do hóa Mậu dịch tại Uruguay. Định chế quốc tế này chính thức ra đời hồi đầu năm 1995 nhằm thay thế cơ cấu Thỏa hiệp Chung về Thuế quan và Thương mại, thường viết tắt là GATT. Tổ chức Thương mại Thế giới với 550 nhân viên đặt trụ sở bên hồ Genève của Thụy Sĩ.
Khác với định chế tiền thân của nó, Tổ chức Thương mại Thế giới có tư cách pháp lý và những quy định và thỏa hiệp của tổ chức này có tính cưỡng chế đối với tất cả các nước thành viên.
Hỏi: Nhiệm vụ của tổ chức quốc tế WTO là những gì ?
Đáp: Họ thiết lập những quy tắc pháp lý về thương mại, thông qua hàng loạt những hiệp định và thỏa ước mà các quốc gia thành viên ký kết vơi nhau. Tất cả phải đặt trên nguyên tắc bình đẳng, không được phân biệt đối xử với doanh nghiệp, hàng hóa và dịch vụ trong nước hay nước ngoài.
Để bảo đảm điều đó, Tổ chức Thương mại Thế giới có một hệ thống pháp lý riêng để xét xử các khiếu tố, đồng thời nó cũng có một cơ chế nhằm theo dõi các chính sách kinh tế của từng nước trong tổ chức. Tổ chức Thương mại Thế giới còn có nhiệm vụ tổ chức những vòng đàm phán để tiến tới tự do hóa mậu dịch toàn cầu. Vòng đàm phán hiện nay diễn ra tại Doha hồi tháng Mười Một năm 2001 và dự trù sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Tuy nhiên triển vọng này giờ đây xem chừng khó đạt được.
Hỏi: Nhóm từ "tự do mậu dịch" thường nghe và cũng thường bị chỉ trích, thật ra thì nó có ý nghĩa như thế nào ?
Đáp: Theo kinh tế học, có nguyên tắc chủ đạo là nền kinh tế toàn cầu chỉ có thể phát triển nếu thương mại được các thế lực của thị trường thúc đẩy. Mỗi quốc gia chỉ chuyên sản xuất những mặt hàng mà họ có thể làm ra với chi phí thấp nhất, còn lại họ sẽ nhập về những mặt hàng do nước khác làm ra rẻ tiền hơn là chính họ làm.
Với nguyên tắc đó thì các rào cản cho tự do mậu dịch, chẳng hạn như thuế quan, hạn ngạch, nhà nước bao cấp và thủ tục xuất nhập khẩu rắc rối sẽ khiến mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm sút đi. Một cuộc nghiên cứu mới đây của viện đại học Michigan cho thấy nếu cắt được chỉ 1/3 các rào cản đó, thì nền kinh tế toàn cầu sẽ gia tăng thêm 613 tỷ đôla. Tức bằng nền kinh tế của nước Canada.
Hỏi: Điều đó nghe rất hấp dẫn, sao mọi người không làm ?
Đáp: Lý do đơn giản là vì chế độ tự do mậu dịch sẽ tạo ra kẻ thắng, người bại và có thể làm mức chênh lệch giàu nghèo tăng thêm.
Có nhiều ngành kỹ nghệ chỉ có thể sống còn tại một vài nước, nhờ vào bao cấp, hay do sản phẩm nước ngoài bị cấm đoán. Các chính phủ không thể liều lĩnh làm thui chột đi một ngành kỹ nghệ của họ, chẳng hạn như thép của Hoa Kỳ và đường của Liên hiệp Châu Âu. Thêm vào đó, tự do mậu dịch có thể còn mâu thuẫn với các chính sách của chính phủ về xã hội hoặc môi trường.
Vì thế nên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO nhận thức rằng các nước cần thêm thời gian để tái cấu trúc và tập làm quen một khi các rào cản không còn. Do đó sự cắt giảm các rào cản phải tiến hành tư giai đoạn, với sự thỏa thuận của tất cả các nước. Bất cứ một quyết định nào của Tổ chức Thương mại Thế giới đưa ra cũng có tác động sâu rộng tới tất cả các nước thành viên. do đó quyết định nào cũng phải được nhất trí tuyệt đối mới được thông qua.
Hỏi: Tại sao lại có nhiều tổ chức và cá nhân phản đối Tổ chức Thương mại Thế giới WTO mạnh mẽ như thế ?
Đáp: Những chủ trương phản đối Tổ chức Thương mại Thế giới WTO đều cho định chế quốc tế này đặt quyền lợi của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đa quốc lớn, lên trên quyền lợi của công nhân, các quốc gia nghèo và môi trường. Một số nhóm còn cho rằng tuân hành theo những quy luật quốc tế của WTO sẽ xâm phạm đến chủ quyền quốc gia của họ.
Ngay đối với nững người chấp nhận nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới cũng quan ngại rằng sức mạnh sẽ lọt vào tay những thế lực kinh tế lớn, như Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu. Họ có thể tạo áp lực để các nước nhỏ chịu nhận những điều có thể chẳng có lợi nhiều. Đã vậy, còn có những lời chỉ trích Tổ chức Thương mại Thế giới thiếu minh bạch, do thường hội họp, thảo luận kín với nhau.
Nhiều nước nhỏ và nghèo còn than phiền là họ không theo kịp mọi hoạt động dù rất quan trọng của WTO. Nhiều hội nghị, hội thào được tổ chức liên tục trong thời gian qua. Có trên 30 quốc gia thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới cho biết không thể đài thọ để có một đại diện thường trực tại Genève, còn nhiều nước khác chỉ có một, hoặc hai viên chức đại diện, bao gồm tất cả mọi chuyện.