Báo San Jose Mercury: Việt Nam Sẽ Ngày Càng Bị Cô Lập Hơn


1999.11.30

Lời giới thiệu: Khuynh hướng tự do hóa thị trường và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu ngày càng trở thành phổ cập và chủ đạo tại phần lớn các quốc gia trên thế giới. Thế nhưng quê hương Việt Nam của chúng ta sẽ ra sao trong hoàn cảnh đổi thay mau chóng đó ? Phái viên Mark McDonald của tờ San Jose Mercury cho rằng Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia ngày càng cô lập hơn. Lê Dân lược thuật vấn đề qua bài viết sau: Trên phần đất nóng và ẩm ở miền nam Việt Nam như tại cù lao Bình Khánh này, đời sống hàng trăm năm qua có vẻ như không hề thay đổi. Người dân vẫn phải lao động cực nhọc, trú ngụ trong những túp nhà lá và thắp sáng bằng những ngọn đèn dầu. Nhưng đến mùa hè vừa qua, thế giới đã đến với cù lao Bình Khánh. Công nhân tất bật dựng cột, kéo dây điện. Điện thoại, quạt máy, đèn nê ông và cả một trạm y tế sẽ làm đời sống người dân bước vào giai đoạn mới. Bình Khánh đang chứng kiến hiện tượng toàn cầu hóa với những ích lợi do nó mang lại. Nhà máy phát điện do một công ty của Pháp xây dựng và điều hành, cột điện của Việt Nam sản xuất, dây điện do Nam Hàn chế tạo và những xe tải nhỏ được mang từ bên Nhật sang. Tuy nhiên, cụm từ Ộtoàn cầu hóaỢ vẫn có một ý nghĩa đáng ngại đối với nhiều người ở Đông Nam Á, là khu vực bị cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh tác hại nhiều nhất. Thí dụ như đối với Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia, toàn cầu hóa hay tự do hóa thị trường có nghĩa để mặc cho bọn đầu cơ tài chánh ồ ạt chuyển tiền ra vào, lũng đoạn nền kinh tế nước ông và một số nước khác trong khu vực. Ông Robert Glofcheski, kinh tế trưởng thuộc Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, cho rằng từ ngữ Ộtoàn cầu hóaỢ thường bị cố ý hiểu sai lạc, chỉ đề cập tới việc tự do di chuyển vốn tư bản, mà không nói tới những tác động tích cực khác. Chẳng hạn như đầu tư chứng khoán trường kỳ, tài trợ về thương mại, chuyển nhượng kỹ thuật, thông tin và kỹ năng trên toàn thế giới. Ông Glofcheski và những kinh tế gia khác cho rằng chính toàn cầu hóa đã cải thiện xã hội và kinh tế tại châu Á. Từ năm 1960 tới nay, nhờ toàn cầu hóa mà mức nghèo đói ở Á châu đã giảm hơn hai phần ba, tuổi thọ trung bình của người dân Đông Nam Á tăng hơn 10 năm. Tuy nhiên, đối với kinh tế gia Robert Glofcheski của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, thì Việt Nam lại rơi vào trường hợp khác hẳn. Đất nước này do tình trạng khá cô lập và nghèo, nên ít bị tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế Á châu vừa qua. Bây giờ Thái Lan, Nam Hàn, Indonesia đang hồi phục và tiến hành cải tổ kinh tế, tài chánh, thì Việt Nam vẫn không rút được kinh nghiệm, mà vẫn cứ cho rằng nên tự cô lập, khép kín như cũ thì an toàn hơn là mở cửa, đổi mới. Việc ký kết Hiệp ước Thương mại với Hoa Kỳ bị đình hoãn cho thấy các nhà lãnh đạo Việt Nam chưa thấu hiểu hình thức toàn cầu hóa, cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực. Họ cho rằng Hiệp ước Thương mại buộc phải mở cửa thị trường nội địa cho đầu tư nước ngoài vào làm ăn, và dĩ nhiên là cạnh tranh. Đây chính là điểm gây nhức đầu cho cả Bắc Kinh và Hà Nội. Ai cũng rõ là guồng máy doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh, kém hiệu năng làm sao sống còn khi phải cạnh tranh với doanh nghiệp tư doanh nước ngoài. Toàn cầu hóa sẽ có tác dụng như quân bài Domino. Hiệp ước Thương mại sẽ dẫn đến tự do hóa thị trường, khiến doanh nghiệp nhà nước đóng cửa, tình trạng thất nghiệp gia tăng và dẫn đến bất ổn xã hội. Đây chính là điểm Hà Nội lo sợ nhất. Kinh tế gia Glofcheski kết luận rằng từ mấy chục năm nay, bảo vệ sự ổn định chính trị là mục tiêu tối ưu của các nhà lãnh đạo Việt Nam, để bảo vệ địa vị độc tôn của đảng cộng sản. Vì thế họ sẽ càng trở nên cô lập hơn trong thời gian tới, khi cố tránh hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Điều dự đoán đó được nhiều nhà quan sát đồng ý. Hà Nội vẫn đặt địa vị độc tôn của đảng lên trên sự thịnh vượng, tiến bộ và giàu mạnh của đất nước.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.