Hòa thượng Quảng Độ gửi thư cho nhà cầm quyền CSVN


2000.01.18

Nhân dịp Tết Canh Thìn - 2000, bằng đường bưu điện bảo đảm, Hoà thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hoá Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), vừa gửi đến Nhà cầm quyền Hà Nội một bức thư yêu cầu thực thi 4 điểm. Thư mang số tham chiếu 16-VHĐ/VT viết từ Saigon ngày 15.1.2000 gửi các ông Lê Khả Phiêu, Tổng bí thư Đảng, Trần Đức Lương, Chủ tịch CHXHCNVN, Phan Văn Khải, Thủ tướng Chính phủ, và Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội. Mở đầu bức thư, Hoà thượng viết: "Tôi còn nhớ rõ đầu năm 1946, lần đầu tiên đồng bào Phật giáo tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Nhân dịp này đồng thanh gửi bức điện tín cho đồng bào đang kháng chiến ở Nam Bộ : "Kính chúc và úy lạo hết thảy các anh chị em nhất tâm dũng mãnh tinh tiến, kháng chiến đến cùng giành độc lập cho nước Việt Nam ta và thực hiện chủ nghĩa từ bi cứu thế cho các nước Văn minh cùng biết". "Tôi còn nhớ rõ tháng 4 năm 1946, "Việt Nam Phật giáo Hội" được thành lập, với mục đích liên kết Phật giáo đồ cùng với đồng bào cả nước "chống ba thứ giặc là : giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm". "Tôi cũng còn nhớ hôm 30.8.1947, nhân ngày Rằm tháng Bảy âm lịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Hội Phật tử Việt Nam, trong có câu rằng : "Nước có độc lập, thì đạo Phật mới dễ mở mang. Bọn thực dân Pháp muốn cướp nước ta. Chúng đốt chùa chiền, phá tượng Phật, hành hạ Tăng Ni, tàn sát đạo hữu. Chúng hòng phá tan đạo Phật. Đức Phật là Đại Từ Đại Bi, Cứu khổ Cứu nạn. Muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn, Người phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma". "(...) Nhắc lại mấy sự kiện này, ý tôi muốn nhấn mạnh đến ba điều. Thứ nhất là ý chí và tâm thành của quần chúng Phật tử đối với nền độc lập dân tộc và an lạc cho mỗi con người. Thứ hai là nhấn mạnh đến ngôn ngữ cùng hành động đặc thù của người Phật tử, thuật ngữ gọi là Chính ngữ và Chính tri kiến, thể hiện qua hành động xã hội và bảo vệ quốc gia trong việc dẹp ba thứ giặc : giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Thứ ba là hoàn cảnh của các tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, thời nạn ngoại xâm còn hoành phá quê hương". "Trong ba thứ giặc mà Phật giáo đồ cùng toàn dân đứng lên đạp đổ từ những năm 45, giặc ngoại xâm được thanh toán. Còn giặc đói, giặc dốt vẫn hoành hành như cũ. Đừng trách nhân dân và Phật giáo đồ lùi bước trước hai nạn giặc này, mà phải quy trách nhiệm cho các nhà lãnh đạo đất nước ngăn cản các thành phần dân tộc hoàn tất việc thanh toán giặc đói và giặc dốt". "Nghiêm trọng hơn, lời tiên liệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ngày Rằm tháng Bảy năm 1947 không xẩy ra. Tuy nước có độc lập, nhưng đạo Phật không được mở mang. Từ trước tại miền Bắc, và sau năm 75 tại miền Nam, chùa chiền bị Đảng và Nhà nước chiếm dụng, tượng Phật bị phá huỷ, Tăng Ni và Phật tử bị hành hạ, tù đày, tàn sát. Cả một chính sách từ hành xử đến luật pháp hòng phá tan đạo Phật. Bởi thế từ 25 năm qua, các phong trào vận động cho nhân quyền và tự do tôn giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, do Đại lão Hoà thượng Thích Huyền Quang lãnh đạo, chỉ thực thi điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh 53 năm trước : "Muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn, phải hy sinh tranh đấu". Tháng 5 năm ngoái, Viện Hoá Đạo chỉ thị cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ tổ chức Đại hội VIII tại Nam California, để chuẩn bị đường hướng bước vào thiên kỷ mới, mà vì lý do Giáo hội bị đàn áp nên không thể tổ chức tại Việt Nam. Đại hội thành công rực rỡ, mang lại tiếng vang lớn và niềm hy vọng cho quần chúng Phật tử trong nước. Vì thế Ban Tôn giáo Chính phủ không ngừng thúc đẩy Giáo hội Phật giáo Nhà nước công kích Đại hội VIII suốt 8 tháng qua trong các đại hội hay tại các cuộc học tập phường xóm, chùa viện. Tuy hết phủ nhận trắng trợn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất như trước kia ; nhưng gần đây nhiều giới chức và nhà sư thuộc Giáo hội Nhà nước lên tiếng giải thích rằng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã đóng xong vai trò lịch sử của nó trước năm 1975. Hoà thượng Thích Quảng Độ gạt bỏ lối nguỵ biện ấy trong bức thư dẫn thượng : "Tôn giáo là thực tại thiêng liêng của con người, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là nền tảng đạo lý, chứ không là hội đoàn thường tình được lập lên hay xoá bỏ như một công cụ nhất thời của chính trị". "Chữ "thống nhất" không hàm riêng nghĩa đen là cộng lại các tổ chức, hệ phái, cộng lại các cơ sở vùng miền mà vì lý do thời cuộc tạm phân chia. Nghĩa đen này, Phật giáo Việt Nam đã hoàn tất và nhất thống từ 2000 năm qua. Chữ "thống nhất" trong danh xưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (...) bao hàm tính phát triển đặc thù, có một không hai, của đạo Phật Việt Nam (...). Trên mặt giáo lý, thống nhất là thống nhất hai phương hướng hành đạo Bắc tông và Nam tông, còn gọi là Đại thừa và Nguyên thuỷ. Sự thống nhất như thế, mới xẩy ra lần đầu tại nước Việt Nam vào thập niên 60, do chính hùng lực trí tuệ của người Phật tử Việt Nam. Trên mặt dân tộc và xã hội, thống nhất là loại trừ lối phân biệt kỳ thị sai lầm, phi Phật giáo, thoát thai từ những khái niệm nhị biên quốc tế, để thống nhất giữa Đạo và Đời, giữa chư Tăng Ni với đại khối nam nữ Cư sĩ Phật tử. Thống nhất như thế là bước tiến mới trong tư tưởng và hành động đặc thù của đạo Phật Việt Nam". "Vì vậy, từ ngộ nhận trên mặt ngữ nghĩa đến lợi dụng quyền hành huỷ bỏ chữ Thống nhất và ngăn cấm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất sinh hoạt tín ngưỡng, là đi ngược lại sự tiến hoá về tư tưởng và hành thế của một tôn giáo có mặt từ 20 thế kỷ qua trên đất nước này, đồng lúc đi ngược lại sự tự do tín ngưỡng của quần chúng Phật tử Việt Nam". Tiếp đấy, Hoà thượng Thích Quảng Độ đưa ra 3 yêu cầu, gồm bốn điểm, nhân dịp Tết Canh Thìn sắp đến. Đó là việc giảm thuế cho nông dân ; trả tự do cho Đại lão Hoà thượng Thích Huyền Quang, và tất cả tù nhân chính trị; phục hồi quyền sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; và bãi bỏ án tử hình. Hoà thượng viết: "Tết là mùa đại hoan hỉ, đại đoàn tụ của dân tộc. Theo truyền thống nhân hậu của nền văn hiến Việt, mà nhiều triều đại hoàụng kim thường thực hiện trong quá khứ lịch sử. Đó là việc tha tù và giảm thuế. Vậy tôi kêu gọi Đảng và Nhà nước trả tự do cho tất cả tù nhân vì lương thức và tù nhân chính trị, bị tù đày vì bất đồng chính kiến hoặc biểu tỏ ôn hoà tín ngưỡng hay tôn giáo của họ. Đặc biệt trả tự do cho Đại lão Hoà thượng Thích Huyền Quang, Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống, năm nay 83 tuổi, bị giam cầm quản chế không lý do từ 18 năm qua". "Nước ta có luật lệ và tôn trọng luật pháp rất sớm. Khi Mã Viện đến xâm chiếm nước ta, đầu thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch, đã điều tấu về vua Tàu rằng "luật của người Việt, so sánh với luật Hán hơn 10 điều". Bộ "Quốc triều Hình luật" dưới đời Lê, vào thế kỷ 15, được các nhà luật học Âu Mỹ khen là một "hệ thống luật pháp tiến bộ so với những quan niệm pháp luật phương Tây cận đại". Tinh thần nhân đạo, và trọng người tài, rất cao trong bộ Quốc triều Hình luật. Điều 3, đề ra 8 điều được nghị xét giảm tội, đáng kể là Nghị hiền, là những người có đức hạnh lớn, và Nghị năng, là những người có tài năng lớn. Điều 16 quy định những người từ 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống cùng những người bị phế tật, phạm từ tội lưu trở xuống đều được miễn giảm và cho chuộc bằng tiền". "Thế mà ở thời đại văn minh tân tiến đầu thế kỷ 21 này, tại nước ta người bị tù tội trên tuổi 70 hay trẻ em dưới 15 tuổi bị giam nhốt quá đông trong các nhà tù và trại cải tạo. Nhiều trường hợp không được xét xử hoặc xét xử bất minh, phi luật pháp". "Ngoài ra, không thể quên rằng tám mươi phần trăm dân số nước ta là nông dân, hiện đang lâm cảnh đói khổ cùng cực, vì kinh tế suy sụp, vì sưu cao thuế nặng chồng chất. Tôi xin quý Ngài nhân dịp Tết ban bố việc giảm thuế cho nhân dân được nhờ". Yêu cầu thứ hai là: "Để cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phục hồi quyền sinh hoạt tự do. Ngoài lý do tôn giáo của một Giáo hội dân lập nhằm hướng dẫn tu học cho quần chúng Phật tử, còn là lý do cứu nguy cấp thiết để chận đứng các chủ trương mê tín, tệ nạn xã hội, và suy thoái đạo đức đang hoành hành nước ta, đặc biệt trong thế hệ trẻ. Tiềm lực và hiệu lực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là một thực tế lịch sử, trên mặt quốc gia cũng như quốc tế, có thể đóng góp hữu hiệu cho việc tái thiết đất nước trên các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, xã hội, kinh tế". Và yêu cầu thứ ba : "Yêu cầu Đảng và Nhà nước noi gương các nước văn minh trên thế giới bãi bỏ án tử hình". Hoà thượng Thích Quảng Độ lý luận : "Án tử hình không là thượng sách để chữa trị các tệ đoan xã hội. Thượng sách chính là sự ngăn ngừa bằng giáo dục và đức trị. Từ mấy năm qua, trung bình mỗi năm có chừng 60 đến 100 án tử hình. Điều thấy rõ, là không nhờ các án tử hình răn đe này, mà nạn tham nhũng, nạn buôn xì ke ma tuy, cướp của, giết người... được giảm thiểu. Thế thì phải tìm căn do từ gốc mà chữa trị. Việc gốc phải nhờ đến đạo lý và giáo dục. Đạo lý không phô bày qua hình thức, như hiện nay dàn dựng qua các lễ hội gọi là truyền thống nghi ngút khói hương và áo quần sặc sỡ, cốt thu hút khách du lịch đồng thời phát triển dị đoan mê tín như một chính sách ngu dân. Đạo lý phải là sự phát triển tự do của những nền tín ngưỡng lâu đời dung hoá với nếp sống văn minh hiện đại. Giáo dục không thể chìm đắm như hiện nay trong mục tiêu duy ngã vụ lợi và chủ nghĩa kim tiền, biểu thị cho ý thức hệ chà đạp nhân phẩm". "Hai ngàn năm trăm năm trước, Đức Phật từng dạy qua nhiều bộ kinh, rằng "sự nghèo khốn là mẹ đẻ của vô luân và tội ác, như trộm cướp giết người". Nên đức Phật chỉ bày cho Phật tử cách làm ăn kinh tế, cách chi tiêu và tiết kiệm, tạo lập sự thành công, thịnh vượng trong xã hội làm phương tiện hoằng pháp, cứu cấp nhân dân". "Từ các thập kỷ 50 đến 80, Đảng và Nhà nước dựa vào viện trợ của phe Xã hội Chủ nghĩa mà sống. Nay khối Xã hội Chủ nghĩa ấy tan vỡ, Đảng và Nhà nước phải dựa vào khối tư bản Âu Mỹ. Việc thế sự như thế là chuyện bình thường. Nhưng điều quan tâm là đại đa số quần chúng cứ phải kéo dài sự hy sinh trên năm thập kỷ qua mà không thấy sinh lộ cho một đời sống no ấm và tự do. Hy sinh thân mạng và tài sản để giữ nước dưới các triều đại dân tộc Lý, Trần, Lê, nhân dân không oán thán mà còn tích cực tham gia. Nhưng hy sinh dưới chế độ công an trị, dưới chế độ không tôn trọng nhân quyền và qua chính sách khủng bố nhân danh "đấu tranh giai cấp", thì chẳng còn ai thông cảm được". "Hoàn cảnh hiện nay là miếng đất mầu mỡ cho nạn tham nhũng, ma tuý, trộm cắp, giết người phát triển. Có tuyên hàng trăm, hàng nghìn án tử hình cũng không thể giải quyết hoặc làm thối chí kẻ gây tội". Hoà thượng Thích Quảng Độ nhắc nhở: "Điều 6 trong bản Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị của Liên Hiệp Quốc, mà Việt Nam ký kết tham gia, có ghi rõ: "Mỗi người đều có quyền được sống với sự sống vốn có. Quyền này được pháp luật bảo vệ. Không ai được phép độc đoán tước đoạt mạng sống của bất cứ người nào". Tiếc thay Việt Nam chưa chịu ký kết tham gia Nghị định thư số 2 liên hệ Công ước nói trên và có hiệu lực từ ngày 11.7.1991, qua đó điều 7 quy định : "Không còn ai (thuộc các quốc gia ký Nghị định thư) bị tử hình. Quốc gia sẽ dùng mọi biện pháp để bãi bỏ án tử hình trên lãnh thổ mình". Rồi Hoà thượng kết luận: "Vì vậy, tôi mong mỏi quý Ngài sớm lấy quyết định bãi bỏ án tử hình. Đối với hiện trạng ở nước ta, án tử hình mang trong nó hai mầm mống nguy hại, phi nhân bản. Bất sát, không giết người, là tinh tuý của nền đạo lý Đông phương. Cho nên, lưu án tử hình là thất nhân tâm và đi ngược đạo lý truyền thống. Lại nữa, trong một quốc gia chưa tôn trọng pháp quyền, chưa chấp nhận tam quyền phân lập như nước ta, việc xử án bất minh dẫn đến hành động giết người vô tội hay không đúng tội. Cho nên, lưu án tử hình là gây nhân không tốt làm gia tăng hậu quả của tội ác". Ngày 16.1.2000, một Phái đoàn Hạ viện Hoa Kỳ đã đến thăm Hoà thượng Thích Quảng Độ tại Thanh Minh Thiền viện ở Saigon vào lúc 7 giờ sáng. Cầm đầu Phái đoàn là Dân biểu Edward Royce, Phó chủ tịch Phân ban Á châu - Thái Bình dương thuộc Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ. Trong cuộc trao đổi trên một tiếng đồng hồ, Hoà thượng đã trình bày hoàn cảnh tôn giáo bị đàn áp tại Việt Nam nói chung và GHPGVNTN nói riêng. Nhân dịp, Hoà thượng cám ơn Dân biểu E. Royce đã ký tên đề cử Hoà thượng làm ứng viên Giải Nobel Hoà bình năm 2000, và nhờ chuyển lời cảm ơn đến 30 vị Dân biểu cùng ký cũng như toàn thể nhân dân Hoa Kỳ. Đáp câu hỏi Hoa Kỳ có thể làm gì hữu hiệu để giúp GHPGVNTN, Hoà thượng Thích Quảng Độ nói : "Bằng mọi cách phải làm áp lực trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế cũng như xã hội. Trước tiên, Việt Nam phải có tự do và dân chủ thực sự, thì mới có thể có tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do nghiệp đoàn, nghĩa là những quyền tự do căn bản ghi trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Riêng đối với trường hợp Phật giáo chúng tôi, xin quý vị can thiệp trả tự do cho Đại lão Hoà thượng Thích Huyền Quang và phục hồi quyền sinh hoạt của GHPGVNTN.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.