ASEAN thảo luận về bản đề nghị hành xử vùng Trường Sa

Nguyễn KhanhHôm qua, các viên chức cao cấp của 10 quốc gia thuộc ASEAN đã gặp nhau ở thành phố Hua Hin, nằm cách thủ đô Bangkok của Thái Lan chừng 280 cây số về hướng Nam, để thảo luận về các điều khoản được ghi trong bản đề nghị hành xử mà Trung Quốc mới trao cho tổ chức.Phiên họp thành hình vì vào ngày mai, ASEAN sẽ thảo luận với đại diện của Bắc Kinh, và đề tài không gì khác hơn, chính là văn bản đề nghị hành xử mà Trung Quốc đã soạn vào trao cho ASEAN hồi đầu năm nay, trong đó, theo tin tức được loan tải thì có rất nhiều điểm khác biệt với bản đề nghị mà ASEAN đưa ra hồi cuối năm ngoái, nhưng có cùng mục tiêu là nhằm giải quyết cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa đã gây nhiều căng thẳng về mặt ngoại giao cho một số nước trong tổ chức với Bắc Kinh. Vùng Trường Sa còn là nơi được nhiều nhà quan sát quân sự Châu Á gọi là kho thuốc súng, có thể sẽ phát nổ bất kỳ lúc nào nếu những nước liên hệ không tìm cách giải quyết vấn đề một cách ổn thoả.Tin tức mà Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do thu thập được cho biết Bắc Kinh đồng ý với đề nghị nhưng xây cất thêm nhà cửa công sự trên các đảo mà những nước liên hệ đang chiếm đóng, nhưng vẫn giữ nguyên ý định thao luận với từng nước để giải quyết vấn đề, chứ không muốn đưa ra bàn thảo chung như đề nghị của ASEAN. Một điều khoản khác sẽ gây rất nhiều thiệt thòi cho Việt Nam là chuyện Trung Quốc không đồng ý đưa vấn đề Hoàng Sa ra bàn cãi, viện dẫn lý do đây là chuyện tay đôi giữa họ và Việt Nam, không liên quan gì đến ASEAN cả.Cũng trong phiên họp lần này, đại diện của ASEAN sẽ cứu xét đề nghị nên thành lập một Uỷ Ban Đặc Trách Giải Quyết Vấn Đề Trường Sa do chính phủ Thái đề nghị. Cũng cần phải nói thêm là theo đề nghị của Bangkok, uỷ ban này sẽ gồm 3 nước, được trao rất rộng quyền trong công tác giúp đàm phán với Bắc Kinh. Ngoài ra, các đại biểu cũng sẽ thông qua nghị trình phiên họp cấp bộ trưởng của ASEAN sẽ được tổ chức vào tháng 7 tới đây.Trong khi phiên họp của ASEAN đang diễn ra, một tin liên hệ đến vùng Trường Sa cũng được báo chí nước ngoài nói đến là tin cho biet chính phủ Philippines đã lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh rút 16 chiếc tầu đánh cá của người Hoa hiện đang hoạt động ở vùng đảo Scarborough, là hòn đảo mà cả Bắc Kinh lần Manila đều lên tiếng nhận chủ quyền.Lời yêu cầu này đã được ông thứ trưởng ngoại giao Lauro Baja của Phi đưa ra sáng hôm qua. Ông cho biết thêm là máy bay thám thính của Phi đã phát hiện thấy những chiếc tầu đánh cá này từ hồi giữa tuần trước, và hy vọng sẽ được Bắc Kinh đáp ứng, để tránh những xáo trộn bất lợi có thể xảy ra cho mối quan hệ giữa hai nước.Cùng lúc đó, chính phủ Phi cho biết là cho 9 chiếc tầu đánh cá khác cũng của người Hoa được quyền vào đảo Scarbourough trú bão.