ARF thảo luận biện pháp ngăn ngừa xung đột trong khu vực
2000.03.15
Lời giới thiệu: tuần này, đại diện các nước ASEAN và một số quốc gia thành viên Diễn đàn Khu vực Á châu- Thái Bình Dương tề tựu về Hua Hin, Thái Lan, để thảo luận về nghị trình thiết lập chính sách ngăn ngừa xung đột trong khu vực. Tổng hợp một số nguồn tin quốc tế liên quan, đặc biệt là của tờ Bangkok Post, mời quý vị nghe Lê Dân lược thuật diễn biến như sau: Thành lập tại Bangkok hồi năm 1994, Diễn đàn Khu vực Á châu- Thái Bình Dương quy tụ 21 thành viên, gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Liên hiệp Âu châu, Australia, New Zealand, Canada, Papua New Guinea, Nhật Bản, Nam Hàn và Hoa Kỳ. Năm ngoái, tại hội nghị lần thứ 6 của Diễn đàn, đại diện Thái Lan và Hoa Kỳ đề nghị nên thiết lập chính sách chung nhằm ngăn ngừa xung đột trong khu vực. Nghị trình ở Hua Hin kỳ này sẽ thảo luận các quan niệm về chính sách ngăn ngừa xung đột đó. Dù Trung Quốc đồng ý trên nguyên tắc, nhưng các nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh phản đối sự can thiệp của phương Tây, mà họ cho là quá trớn. Đặc biệt đối với Hoa Kỳ, vốn thường bị Bắc Kinh chỉ trích là can dự vào việc nội bộ nước khác, chẳng hạn như về vấn đề vi phạm quyền con người. Cuộc gặp gỡ tuần này cũng đánh dấu lần đầu tiên các nước ASEAN cùng Trung Quốc thảo luận về bản quy định hành xử tại vùng tranh chấp ở biển Đông. Bốn tháng trước, Bắc Kinh đã từ chối thảo luận đề nghị đó do Philippines đưa ra. Kỳ này, Trung Quốc cử viên cố vấn bộ Ngoại giao đặc trách về khối ASEAN đến đàm phán vấn đề quy định hành xử. Các khu vực tranh chấp chủ quyền ở biển Đông từ lâu đã là điểm nóng trong khu vực, có thể gây xung đột bất cứ lúc nào giữa Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan, là những nước nhận chủ quyền toàn bộ hoặc từng phần trong khu vực. Đại diện các nước ASEAN cũng duyệt xét tiến trình áp dụng Hiệp ước quy định Đông Nam Á là khu vực cấm võ khí nguyên tử, mà 10 quốc gia Asean đã ký kết tại Bangkok hồi năm 1995. Cho tới nay, trong số các cường quốc nguyên tử, chỉ có Trung Quốc chính thức hỗ trợ Hiệp ước đó, còn Anh, Pháp, Nga và Hoa Kỳ vẫn giữ thái độ dè dặt. Một đề nghị khác cũng sẽ được hội nghị sơ bộ ở Hua Hin kỳ này bàn tới, đó là dự định do ngoại trưởng Surin Pitsuwan của Thái đưa ra ở Manila hồi cuối năm ngoái, nhằm thành lập Ủy ban Trọng tài gồm đại diện 3 nước thành viên Asean để giải quyết các tranh chấp trong khu vực. Dù đề nghị này được hầu hết các thành viên ASEAN đồng ý trên nguyên tắc, nhưng chưa đồng thuận về phương cách thành lập Ủy ban. Vài quốc gia chủ trương linh động, thành lập từng Ủy ban đặc biệt để giải quyết từng trường hợp tranh chấp. Trong khi đó, một số thành viên lại muốn một Ủy ban thường trực, giải quyết một vấn đề duy nhất mà thôi.