Lập trường của ứng viên TT. Đài Loan đối với Hoa Lục
2000.03.17
Lời giới thiệu: trong vòng một vài giờ đồng hồ nữa, dân chúng Đài Loan sẽ đi bầu chọn người lãnh đạo đất nước, thay thế cho Tổng Thống Lý Đăng Huy. Một trong những vấn đề được quan tâm đến nhất là chính sách mà các ứng viên có triển vọng đắc cử đối với Hoa Lục, vì điều nay không những chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh vùng Châu Á, cũng như đến nền an ninh toàn cầu. Biên tập viên Nguyễn Khanh lược qua chính sách mà các ứng viên có nhiều hy vọng đắc cử nhất sẽ cho thực hiện nếu được dân chúng chọn làm Tổng Thống... Tính cho đến sáng hôm nay, 3 ứng viên có nhiều triển vọng sẽ đắc cử chức vụ Tổng thống Đài Loan nhiều nhất vẫn là đương kim Phó tổng thống Liên Chiến, ra tranh cử với tư cách đại diện cho Quốc Dân Đảng, ông Trần Thuỷ Biển, ứng viên đại diện cho đảng Dân Chủ Tiến Bộ, và ông Tống Sở Lẫm, ra tranh chức tổng thống với tư cách độc lập. Lập trưởng của 3 ông đối với Hoa Lục có nhiều điểm khác nhau. Trước hết là lập trường của ông Trần Thuỷ Biển. Ông coi quan hệ giữa Đài Loan và Hoa Lục là một mối quan hệ rất đặc biệt, vì Đài Loan là một quốc gia, có lãnh thổ, có chủ quyền, tên là Trung Hoa Dân Quốc, và Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc tức Hoa Lục không hề kiểm soát Đài Loan dưới bất kỳ hình thức nào từ năm 1949 cho đến nay, và cũng không có quyền quyết định vận mạng chính trị cho Đài Loan trong tương lai. Ông Trần Thuỷ Biển cho rằng chỉ có nhân dân Đài Loan mới có quyền quyết định vận mạng chính trị cho họ, và tất cả những cuộc thảo luận đi đến thống nhất đất nước nếu xảy ra, đều phải thực hiện trên căn bản bình đẳng. Lúc mới bắt đầu vận động tranh cử, ông Trần Thuỷ Biển đã đưa ra những lời lẽ khá cứng rắn khi nói về Hoa Lục, nhưng bây giờ, ông dịu giọng hơn, cho biết nếu được dân chúng tín nhiệm, ông sẽ không tuyên bố độc lập, không đổi quốc hiệu, cho thương gia được quyền đầu tư trực tiếp vào Hoa Lục, cho tầu buôn Hoa Lục cặp bến ở Đài Loan và dân chúng được quyền trực tiếp liên lạc, thăm hỏi thân nhân, thay vì phải qua một nước thứ ba như hiện nay. Ông cũng nói sẵn sàng ngồi xuống nói chuyện thống nhất với giới lãnh đạo Bắc Kinh, nhưng trong tình thần bình đẳng, chứ không chịu lép vế. Cho dù đã đưa ra những luận điệu mềm mỏng hơn, nhưng các nhà phân tích chính trị đều nghĩ ông Trần Thuỷ Biển là người mà Bắc Kinh không muốn được dân chúng Đài Loan chọn làm tổng thống. Nhân vật thứ nhì có nhiều triển vọng sẽ được dân chúng chọn làm người lãnh đạo Đài Bắc là đường kim Phó tổng thống Liên Chiến. Cũng giống như Tổng thống Lý Đăng Huy, ông Liên Chiến đòi hỏi Bắc Kinh phải tôn trọng Đài Loan như một quốc gia, nếu muốn nói chuyện thống nhất. Ông cũng từng tuyên bố là các quan hệ giữa hai bên phải được xây dựng trên tinh thần bình đẳng, kể cả quan hệ về mặt chính trị. Về vấn đề thống nhất đất nước, ông Liên Chiến nói là cuộc thảo luận chỉ bắt đầu với điều kiện Hoa Lục phải đổi mới chính trị, theo mô hình dân chủ Tây Phương, và không được đặt ra thời hạn bắt buộc phải hoàn tất các cuộc thương thuyết. Ông cũng cam kết sẽ cho thương gia đầu tư trực tiếp vào Hoa Lục, tầu buôn Hoa Lục được cặp bến ở Đài Loan và dân chúng có thể trực tiếp liên lạc với thân nhân. Các nhà quan sát cho rằng ông Liên Chiến là người mà Bắc Kinh muốn thấy được dân chúng chọn làm Tổng thống vì Quốc Dân Đảng là đảng xưa nay vẫn là đảng có chính sách hoà hoãn nhất với Hoa Lục. Ông Tống Sở Lẫm là người thứ ba nằm trong danh sách những người có triển vọng sẽ trở thành tổng thống của Đài Loan nhiều nhất. Ra tranh cử với tư cách một ứng viên độc lập, ông gọi mối quan hệ giữa Đài Loan và Hoa Lục là một quan hệ bình đẳng trên mặt quốc tế, nhưng lại thân tình về mặt đối nội vì đây là nước anh em. Ông Tống Sở Lẫm đưa ra một mô thức để thống nhất, bắt đầu bằng việc hai quốc gia ký bản hiệp ước hoà bình có giá trị trong 30 năm, và mời Hoa Kỳ, Nhật Bản và ASEAN đứng ra đảm bảo cho bản hiệp ước này. Sau thời hạn 30 năm, hai bên sẽ đứng chung trong một mô thức tương tự như mô thức của Liên Hiệp Âu Châu, và trong vòng 20 năm phải đi đến quyết định có thống nhất đất nước hay không, hay vẫn tiếp tục là hai nước riêng biệt nhưng nằm chung trong liên hiệp. Ông cũng cho biết là nếu đắc cử tổng thống, ông sẽ giảm bớt một số luật lệ hiện đang được áp dụng, chẳng hạn như ông sẽ cho thương gia Đài Loan bỏ vốn đầu tư trực tiếp vào Hoa Lục, cho dân chúng liên lạc trực tiếp với thân nhân ở Hoa Lục, nhưng hai bên phải thảo luận thêm với nhau, trước khi chính phủ do ông lãnh đạo có thể cho tầu buôn của Hoa Lục cặp bến ở Đài Loan.