Tình trạng chiếm đất xây nhà và ô nhiễm môi sinh ở HN

Lời giới thiệu: Một nhà môi sinh học Việt Nam vừa lên tiếng báo động rằng những căn nhà xây cất bừa bãi ngoài qui hoạch đã lấn chiếm phần lớn diện tích sông hồ tại thủ đô Hà Nội. Dựa trên bản tin mới nhất của hãng thông tấn AFP gởi đi từ Hà Nội, Thanh Trúc lược dịch như sau...Ông Đặng Dương Bình, thuộc một phân vụ của Bộ Khoa Học, Công Nghệ và Môi Trường tại Hà Nội vừa cảnh báo rằng những căn nhà xây cất tùy tiện và bất hợp pháp tại các bến bãi đã lấn chiếm gần hết diện tích sông hồ nên thơ của Hà Nội. Vẫn theo lời ông Bình, cách đây một thập kỷ, người ta có thể đếm được 40 cái hồ lớn nhỏ quanh Hà Nội, nhưng nay chỉ còn lại 20 với nhà cửa xây san sát vô tổ chức hai bên bờ, khiến Hà Nội với 36 phố phường mất đi vẻ mỹ miều thơ mộng cố hữu. Người chuyên gia cầm đầu Phòng Khoa Học, Công Nghệ và Môi Trường ở Hà Nội giải thích là từ khi kinh tế được nới lỏng trong thập niên 1990 đến nay, cộng với đà gia tăng dân số, người người ở Hà Nội đua nhau chiếm đất cất nhà, và địa điểm lý tưởng là những khu đất quanh các hồ lớn trong thành phố. Hậu quả là những căn nhà xây dựng ngoài qui hoạch này đã làm cho thiên nhiên bị thu hẹp dần dần. Được biết trong 5 năm qua, rất nhiều công sở và nhà cửa xây cất mất trật tự đã lấn ra mặt hồ Tây, tức hồ Bảy Mẫu, một thắng cảnh nổi tiếng của thủ đô. Đó là chưa kể đến hàng núi rác rưởi từ các nhà trọ dọc theo hồ hay vật liệu phế thải mà người Hà Nội đổ xuống gây ô nhiễm nguồn nước tại hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm và hồ Trúc Bạch. Ông Đặng Dương Bình cho biết chỉ tính riêng chuyện làm sạch hồ Tây không thôi đã là một vấn đề, vì phí tổn có thể lên tới 35 triệu đôla hoặc hơn. Đây là sự xa xỉ quá đáng trong lúc lợi tức đầu người của Việt Nam chỉ có 300 mỹ kim một năm. Các chuyên gia về môi trường của Việt Nam cho biết nồng độ Ammonia và Phosphate trong nước hồ Hà Nội đã lên tới mức báo động, không những làm cá bị tuyệt chủng mà còn dẫn đến những vấn đề môi sinh nghiêm trọng khác. Ông Phùng Vinh Quang, người cầm đầu một công ty về môi sinh tại Hà Nội cho biết kế hoạch dọn rác và vét hồ Tây được chính phủ đề ra từ lâu mà vẫn chưa ngã ngũ, trong lúc làm sạch môi trường là công tác cấp thiết. Theo ông Quang, đã đến lúc phải có biện pháp trừng phạt hành động trút rác bừa bãi xuống hồ, và phải xử lý hóa chất do 300 công ty ở Hà Nội thải ra ngoài.