Mối quan hệ phức tạp giữ Hoa Kỳ và Pakistan

Lời giới thiệu: Hôm nay, sau khi thăm Ấn Độ 5 ngày, trên đường trở về nước, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton sẽ ghé thăm Pakistan khoảng 5 tiếng đồng hồ. Nhân chuyến thăm ngắn ngủi, nhưng lại là chuyến thăm Pakistan đầu tiên của một tổng thống Mỹ trong hơn 40 năm qua, các hãng thông tấn đã có bài bình luận về mối quan hệ phức tạp giữa Hoa Kỳ và Pakistan, cùng là những gì được chờ đợi trong chuyến thăm này. Nguyễn An tóm lược ý chính các bài ấy sau đây...Đối với người dân Pakistan, Hoa Kỳ không phải là một người bạn chí cốt. Trong tình hình căng thẳng hiện nay giữa hai nước láng giềng Ấn Độ và Pakistan, việc Tổng thống Bill Clinton chỉ ghé Islamabad 5 tiếng đồng hồ sau khi đã lưu lại Ấn Độ đến 5 ngày, cũng khiến người dân ở đây không khỏi đôi chút suy nghĩ. Trở ngược dòng lịch sử: mối quan hệ giữa Pakistan và Hoa Kỳ đậm đà nhất là vào thời chiến tranh lạnh, khi quốc gia Nam Á này đóng một vai quan trọng trong chính sách đối ngoại của Washington. Khi đó, chính Pakistan đã mở cánh cửa cho quan hệ Hoa Kỳ và Trung Quốc. Người ta còn nhớ là Ngoại trưởng Kissinger, sau khi đến Pakistan để nghỉ dưỡng bệnh rối loạn bao tử, đã bất ngờ đến Bắc Kinh trên một chuyến bay quốc tế của hãng hàng không Pakistan. Tại đó, ông bí mật hội đàm với Thủ tuớng Chu Ân Lai để dàn xếp cho chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon ngày 21-2 năm 1972. Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ vụ phi công Hoa Kỳ Gary Powers bị bắn hạ hồi thập niên 1950, khi lái máy bay U-2 do thám Liên Xô. Máy bay ấy cất cánh từ một phi trường phía bắc Pakistan, và sau khi máy bay của Powers bị bắn hạ, Liên Xô đã cảnh cáo Pakistan là các thành phố của họ đều nằm trong tầm nhìn của pháo thủ Liên Xô, và có thể bị tấn công bất cứ lúc nào.Trong thập niên 80, người lãnh đạo Islamabad là tướng Mohammed Zia-ul Haq thực sự là bạn thân của Hoa Kỳ, và đã đem về cho Pakistan hàng tỷ, và hàng tỷ đôla viện trợ. Lý do là vì thời gian đó, Hồng quân Liên xô đang chiếm giữ Afghanistan, láng giềng của Pakistan, và Hoa Kỳ cần phải sử dụng quốc gia này để có chỗ lập bộ chỉ huy tiền phương cho lực lượng chống Liên Xô tại Afghanistan. Nhưng tình hình đã đổi khác khi Hồng quân Liên xô thua trận và phải rút khỏi Afghanistan năm 1989. Qua năm 1990, Hoa Kỳ cắt viện trợ cho Islamabad vì nghi ngờ Pakistan lúc đó có bom nguyên tử. Cho đến năm 1998, Washington lại áp dụng thêm một số biện pháp trừng phạt khác nữa, khi Pakistan và Ấn Độ kế tiếp nhau thử nghiệm vũ khí hạch nhân. Diễn tiến gần đây nhất là việc tướng Musharaf đảo chính lật đổ chính phủ dân sự tại Pakistan, và cho đến nay, Hoa Kỳ vẫn chưa công nhận sự lãnh đạo của phe quân nhân.Trong tình hình quan hệ giữa hai nước phức tạp như thế, mà Tổng thống Hoa Kỳ chỉ ghé thăm Islamabad trong 5 tiếng đồng hồ trên đường về nước, thì chuyến thăm ấy phải coi là có ý nghĩa tượng trưng, hơn là nhằm cải thiện tình hình, hay tìm hiểu về hoàn cảnh và những mối quan tâm của Pakistan.Cũng phải nói đến những tiên đề, đồng thời cũng là mục đích chuyến thăm Pakistan của Tổng thống Clinton, mà cả tòa Bạch Ốc lẫn Bộ ngoại giao Hoa kỳ đã cố gắng làm rõ. Những tiên đề ấy có thể tóm tắt lại trong sáu điểm như sau:- Thứ nhất, nhấn mạnh việc hai nước muốn tiếp tục thân thiết với nhau, nhưng không có nghĩa là Hoa Kỳ công nhận tướng Mushraf và chế độ quân nhân của ông ta.- Thứ hai, tạo điều kiện cho Tổng thống Clinton nói chuyện trực tiếp với người dân Pakistan.- Thứ ba, cổ vũ cho việc chính phủ dân sự, chứ không phải quân sự nắm quyền tại Pakistan.- Thứ tư, để bầy tỏ mối quan tâm của Hoa Kỳ trước nạn khủng bố quốc tế, nhân vụ thảm sát ở vùng Kashmir và việc Hoa Kỳ truy nã trùm khủng bố Osama bin Laden.- Thứ năm, khuyến khích Pakistan ký hiệp ước cấm thử nghiệm vũ khí nguyên tử, cho dù Ấn Độ không chịu ký.- Và thứ sáu, vận động hai nước Pakistan và Ấn Độ tôn trọng đường phân ranh do Liên Hiệp Quốc vẽ ra trước đây, để qua đó, làm giảm tình hình căng thẳng trong vùng. Riêng về điểm thứ năm, theo một chuyên gia về các nước Nam Á của Hoa Kỳ là ông Stephen Cohen, thì Pakistan có thể tạo cho Tổng thống Bill Clinton một ngạc nhiên lớn, khi họ sẵn sàng ký vào Hiệp ước cấm thử nghiệm vũ khí nguyên tử, dù Ấn Độ không ký. Lý do tại sao? Trong bài nói chuyện tại Câu lạc bộ Dân chủ toàn quốc của nữ giới tại Washington D.C hôm thứ năm, ông Cohen nói rằng theo ông, Pakistan ký vào Hiệp ước cấm thử nghiệm vũ khí nguyên tử bởi vì họ không cần thử nữa. Họ biết là chúng hoạt động tốt rồi. Ngoài ra, họ cũng đã có các đồ án thiết kế từ tay Trung Quốc trao cho. Những đồ án này đều đã được thử nghiệm, và như thế họ đâu cần thử nghiệm nữa?