Lời giới thiệu: Thủ tướng Singapore kêu gọi Pakistan cần phải ổn định chính trị và san bằng những dị biệt với Ấn Độ; Tổ Chức Lao Động Quốc Tế lên án chính sách cưỡng bách lao động của giới lãnh đạo Miến Điện; Tổng thống tân cử Đài Loan mời Bộ trưởng quốc phòng Đường Phi làm Thủ tướng. Thưa quí thính giả, đó là những vấn đều sẽ được Phan Dũng trình bầy như sau, trong bài tường thuật gởi về từ Bangkok.Nhân vật cầm đầu chính phủ quân nhân Pakistan là tướng Pervez Musharraf đã đến Singapore ngày hôm, sau khi viếng thăm Malaysia. Musharraf đã gặp gỡ và thảo luận với Thủ tướng Ngô Tác Đống tại dinh quốc khách. Thủ tướng Singapore đã nêu lên quan điểm của ông rằng nếu không có sự ổn định chính trị, Pakistan sẽ phải đối đầu với những khó khăn gây cản trở cho tiến trình phát triển kinh tế. Cũng theo lời ông Ngô Tác Đống, các quốc gia vùng Nam Á cần can đảm vượt qua những trở ngại và san bằng những dị biệt, nếu không thì sẽ khó tránh khỏi bị sa lầy. Nội dung lời phát biểu của Thủ tướng họ Ngô ám chỉ tình trạng căng thẳng hiện nay giữa Pakistan và Ấn Độ, liên quan đến Kashmir, là khu vực mà cả hai bên đều nhận chủ quyền về phần mình.Tướng Musharraf đáp lời Thủ tướng Ngô Tác Đống, rằng Islamabad vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách hòa bình và tự chế trong khu vực Kashmir, và luôn luôn có thiện chí đối thoại với New Delhi nhằm giải quyết tình trạng xung đột giữa hai nước.Singapore là chặng dừng chân thứ hai của ông Musharraf trong chuyến công du 4 nước Đông Nam Á nhằm khuyến khích các nước ASEAN đầu từ vào Pakistan. Sau Malaysia và Singapore là Indonesia và Brunei. Hiện nay, Pakistan đang bị ngập nợ, với số tiền lên tới 32 tỷ Mỹ kim. Trong khi đó, chi phí quốc phòng mỗi năm là 14 tỷ đôla và 60% ngân quĩ quốc gia được dùng vào việc trả các món nợ vay của nước ngoài.Trong lúc tướng Musharraf đi thăm các nước Đông Nam Á, thì tại Islamabad, luật sư biện hộ cho cựu Thủ tướng Nawar Sharrif cho báo chí biết, phía công tố viện của chính phủ đã thất bại vì không đưa ra được bằng chứng cụ thể nhằm kết án ông Nawar Sharrif về các tội danh cáo buộc cho ông là không tặc máy bay, khủng bố, bắt cóc, và giết người. Về phần ông Anwar Sharrif, ông tuyên bố rằng, với tất cả lòng tin vào đấng Allah, ông khẳng định là ông vô tội.Cũng trong phần tin Đông Nam Á. Tổ Chức Lao Động Quốc Tế trực thuộc Liên Hiệp Quốc đã chính thức đặt thành vấn đề về chính sách cưỡng bách lao động của nhà cầm quyền quân phiệt Miến Điện. Hôm thứ Ba vừa qua, tại buổi họp thường niên diễn ra tại Genève, 174 quốc gia hội viên của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế đã nhất trí là sẽ dùng đủ mọi phương cách hành động nhằm bảo đảm là hội viên Miến Điện phải tuân hành những luật lệ lao động do Tổ Chức qui định. Tính kể từ khi thành lập, đây là lần đầu tiên các hội viên đạt được sự đồng thuận cao như thế trong việc đưa vấn đề của một hội viên ra trước phiên họp thường niên của Tổ Chức. Người ta chưa rõ chính quyền Rangoon sẽ phải gánh chịu những hậu quả nào, nhưng các hội viên của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế được khuyến khích là cần xét lại mối quan hệ với Miến Điện nhằm áp lực Miến chấm dứt chính sách cưỡng bách lao động. Tháng 8-1998, một ủy viên do Tổ Chức này bổ nhiệm nhằm theo dõi tình trạng lao động của Miến đã thu thập đầy đủ bằng chứng để kết án chính sách cưỡng bách lao động trên qui toàn diện và có hệ thống của giới cầm quyền Rangoon.Người phát ngôn của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế là ông John Doohan nói với báo chí rằng, giới lãnh đạo Rangoon quả thật đã tự cô lập mình trong sinh hoạt của Tổ Chức khi họ tiếp tục chính sách cưỡng bách lao động đối với dân chúng Miến. Tin liên quan đến sinh hoạt chính trị tại Đài Loan. Tổng thống tân cử Trần Thủy Biển mới đây cho biết, rất có triển vọng là ông sẽ mời đương kim Bộ trưởng quốc phòng là ông Đường Phi giữ chức vụ Thủ tướng chính phủ. Ông Trần Thủy Biển ca ngợi ông Đường Phi là một người dân chủ, không có thành kiến, biểu tượng cho tinh thần cải cách và là người có đầy đủ khả năng cần thiết trong vực an ninh, quốc phòng. Hồi tuần trước, có dư luận cho rằng, ông Đường Phi không ủng hộ ông Trần Thủy Biển và muốn từ chức Bộ trưởng quốc phòng cho dù ông Trần nhiều lần yêu cầu ông ở lại. Những lời đồn đãi này đã được làm sáng tỏ khi ông Đường Phi nói với báo chí ngày hôm qua rằng, quả thật ông muốn nghỉ ngơi, nhưng ai cũng muốn giữ ông lại, nên ông không thể từ chối được.Năm nay 68 tuổi, sinh trưởng tại Hoa Lục, ông Đường Phi từng tốt nghiệp Học Viện Không Quân Đài Loan và bắt đầu cuộc đời binh nghiệp cuối năm 1950 với tính cách là một phi công tác chiến. Năm 1975, ông là tùy viên quân sự Tòa Đại Sứ Đài Loan tại Washington trước khi Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ với Đài Bắc và chính thức công nhận Trung Quốc. Sự nghiệp của ông Đường Phi ngày càng tăng tiến và từ năm 1998 tới nay, ông giữ chức Bộ trưởng quốc phòng của Đài Loan./.Phan Dũng tường trình từ Bangkok.