Sự xung khắc giữa Bắc Kinh và Pháp Luân Công

Lời giới thiệu: Từ một năm nay, sau cuộc biểu tình lớn bất ngờ diễn ra quanh cấm thành Bắc-Kinh của 10.000 tín đồ giáo phái Pháp Luân Công, giáo phái này đã trở thành kẻ thù không đội trời chung của chế độ Cộng Sản Trung-Quốc, là một biểu hiệu của sự thách đố đối với chế độ này, và thu hút sự chú tâm của quốc tế, với những lời chỉ trích liên tục về thành tích nhân quyền của Bắc-Kinh. Sau những đợt bị đàn áp dữ dội, hôm qua các tín đồ Pháp Luân Công lại bất ngờ tổ chức biểu tình kỷ niệm một năm ngày cuộc thiền định tập thể của họ ở ngoài cấm thành Bắc-Kinh đã gây nên một cuộc đàn áp lớn trên toàn quốc. Bài của Jeremy Page trong một bản tin của hãng thông tấn Reuters giải thích lý do vì sao Pháp luân công và Bắc-Kinh xung khắc với nhau đến cực độ như vậy. Việt-Long tóm lược...Thế giới bên ngoài ít người biết đến Pháp Luân Công trước khi cuộc biểu tình 10.000 người diễn ra bên ngoài Cấm thành Bắc-Kinh cách đây một năm. Nhưng tại Trung Quốc, Pháp Luân Công khá quen thuộc với người dân trong nước, vì đó là một trong những môn phái khí công mà nhiều người thường tập luyện theo ở các công viên. Nhưng vì sao Pháp Luân Công lại trở thành đối tượng hàng đầu trong các cuộc đàn áp của Nhà nước Bắc Kinh?Bắc Kinh nói rằng môn phái này là một tà đạo nhằm lừa bịp và làm hư hoại con người, để lật đổ chính-quyền. Bắc Kinh xếp hạng Pháp Luân Công với các tà phái khác trên thế giới, nhất là đạo Chân lý tối thượng của ông đạo Shinri Kyo ở Nhật, một giáo phái từng tung hơi độc giết người tại Tokyo. Nhưng tín đồ Pháp Luân Công và những người bênh vực họ nói là giáo lý của họ chỉ là một đường lối tu tập ôn hòa dựa trên quan niệm của Phật giáo và Lão giáo. Giáo lý này chỉ dạy con đường tu luyện để thụ đắc những đức tính lương thiện và sức khỏe thể chất, là những thứ thiếu thốn trong xã hội Trung Quốc ngày nay. Giáo lý của Pháp Luân Công do ông Lý Hồng Chí tạo lập, mang nhiều dấu tích của tôn giáo và phép tu tập cổ xưa ở Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng có những nét đặc trưng của một giáo phái hiện đại. Ông Lý Hồng Chí, một người Hoa năm nay 48 tuổi, cư ngụ tại Hoa-Kỳ, viết sách dẫn giải vì sao Pháp Luân Công chữa được bệnh tật và đảo ngược được ảnh hưởng của tà ma quỷ quái đang đẩy con người đến bờ vực của sự hủy diệt. Pháp Luân Công là từ ngữ lấy theo quan niệm bánh xe Đạo Pháp của nhà Phật. Ông họ Lý đồng hóa Pháp Luân với chân khí theo quan niệm của Lão giáo và võ thuật Trung Quốc, được coi như luồng khí vạn năng tiềm tàng trong con người mà mọi con người đều có thể mở được từ huyệt đan điền, nếu tu tập đúng cách. Nhưng tuy dựa trên hai đạo lớn ấy, giáo chủ Lý Hồng Chí vẫn chê bai mọi tôn giáo. Trong 5 cuốn sách và băng vidéo đã phát hành, ông họ Lý cho đạo Phật ở Đài Loan là tà đạo, các bậc giáo chủ ở Ấn Độ là dơ bẩn, và các bậc sư phụ về khí công ở Trung Quốc là hồ ly, xà vương. Ông nói, y khoa hiện đại chỉ chữa trị triệu chứng, không chữa được những nguyên nhân siêu nhiên của bệnh tật. Cái nhìn của ông về khoa học kỹ thuật lại càng khác lạ hơn. Ông viết, nhờ Pháp Luân Công, con người có thể bay lên không trung từ tư thế ngồi thiền, không cần xe tàu, máy móc nâng đỡ. Ông cũng viết rằng các dĩa bay từ ngoài trái đất có thể đi đi lại lại với vận tốc ngoài sức tưởng tuợng, và tự thay đổi kích thước. Lý thuyết chiết trung của ông Lý Hồng Chí pha trộn các tôn giáo cổ xưa với quan niệm siêu nhiên đã hòa nhập với quan niệm về thể chất của Trung Quốc, và thỏa mãn nhu cầu tâm linh của người Trung Quốc trong thời kỳ xã hội trở mình tiến từ chủ nghĩa xã hội sang nền kinh tế thị trường. Nhưng đối với các lãnh tụ vô thần của Trung Quốc, thì phong trào Pháp Luân Công đã nhắc lại những cuộc bạo loạn tôn giáo đẫm máu trong lịch sử Trung Hoa, gần nhất là phong trào Thái Bình Thiên Quốc, vào khoảng giữa thế kỷ 19. Giới phân tích cho rằng đảng Cộng Sản bắt đầu lo ngại khi con số tín đồ Pháp Luân Công bắt đầu vượt quá con số 60 triệu đảng viên Cộng Sản. Nhà nước nói rằng môn phái này chưa bao giờ có trên 2 triệu tín đồ, và nay 98% đã từ bỏ. Báo Nhà nước phổ biến những bài đả kích, gây nên những cuộc phản đối khắp nơi trong nước, mà Bắc Kinh nói là do chính ông Lý Hồng Chí tổ chức. Sau khi công an bắt người biểu tình tại Thiên Tân, tín đồ bèn tổ chức biểu tình ngay trước Cấm thành Bắc-Kinh, nơi cư ngụ và làm viêỉc của các nhân vật lãnh đạo, đòi nhà cầm quyền phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của họ. Cuộc biểu tình cách nay một năm quy tụ 10 ngàn người, phần đông ở tuổi hồi hưu, nhưng đối với chế độ Bắc Kinh, đó là một mối đe dọa đáng sợ của một tổ chức nói là có từ 70 triệu đến 100 triệu tín đồ, vâng lời một người từ nước ngoài, và không sợ hãi gì khi công khai thách thức Nhà nước. Bắc Kinh phản ứng nhanh và mạnh. Pháp Luân Công bị cấm từ tháng 7, sang tháng 10 bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Nhiều người đứng đầu của Pháp Luân Công trong nước bị kết án đến 18 năm tù, hằng ngàn người khác bị đưa đi lao cải không án, không cần xét xử, theo các tổ chức nhân quyền loan báo. Cuộc biểu tình ngày hôm qua tại Thiên An Môn đưa đến hậu quả hơn 100 người bị bắt đem đi, công an đánh đá, quật ngã cả phụ nữ xuống đất để bắt trói, và tịch thu cả băng hình của phóng viên và du khách nước ngoàiBiến cố hôm qua ở Thiên An Môn chứng tỏ Pháp Luân Công không chịu khuất phục. Một phát ngôn nhân của chính phủ phải nhìn nhận cuộc đấu tranh chống Pháp Luân Công rất phức tạp, nghiêm trọng và chiếm nhiều thời gian. Truyền thông Nhà nước viện dẫn lời ông Tôn Ngọc Tỷ tuyên bố là chính phủ Bắc Kinh đã thắng lợi vẻ vang trong trận chiến chống Pháp Luân Công, nhưng nói thêm rằng giáo phái do ông Lý Hồng Chí cầm đầu vẫn không nhìn nhận thất bại, và tiếp tục gây rối. Quả thực Pháp Luân Công đã gây khó khăn cho Trung Quốc. Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc tuyên bố Hoa-Kỳ đang theo dõi việc Bắc Kinh đàn áp Pháp Luân Công, và kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Một phái đoàn đại biểu quốc hội Hoa Kỳ đến Bắc Kinh để tiêùp xúc với doanh giới và các giới chức Trung Quốc, thảo luận, nghiên cứu và đề nghị với quốc hội về việc thông qua hay không thông qua hiệp ước thương mại với Trung Quốc. Phái đoàn 4 dân biểu Hoa Kỳ do Bộ trưởng nông nghiệp hướng dẫn, đến Bắc Kinh chỉ vài giờ sau cuộc đàn áp. Dân biểu Gregory Meeks, thuộc đảng Dân Chủ, tuyên bố rằng đối với ông, cuộc đàn áp Pháp Luân Công là một lời cảnh báo, và ông cho rằng quốc hội Mỹ không thể bỏ qua tình hình ở một nơi mà nhân quyền và quyền lao động bị xâm phạm.