Lời giới thiệu: Diễn biến được nhiều người xem là quan trọng nhất trong tuần là việc Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam nhóm họp ngày hôm qua ở Hà Nội. Quan trọng vì vấn đề Hiệp ước Thương mại với Hoa Kỳ sẽ được đem ra bàn thảo, để kịp chỉ thị cho bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan trước khi ông này sang Washington đàm phán với phía Hoa Kỳ. Tổng hợp một số tin tức quốc tế liên quan, Lê Dân sẽ lược thuật như sau...Dù các buổi thảo luận của Ban Chấp hành Trung ương đảng luôn luôn được giữ kín, nhưng nhiều nguồn tin từ Hà Nội cho biết các đề tài được đem ra thảo luận ở hội nghị lần này là đánh giá tình hình trong ngoài, xác định lại các thành phần kinh tế trong thị trường Việt Nam hiện nay, xác định phương hướng phát triển kinh tế và chủ động hội nhập, và việc xây dựng đảng.Một nhà ngoại giao hiện đang làm việc ở Hà Nội cho Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do biết là có tin đồn nói rằng Đại hội đảng khóa 9 sẽ được tổ chức vào tháng 3 năm tới. Vấn đề này sẽ được Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam loan báo sau một hội nghị khác, tổ chức vào cuối năm nay. Ngoài ra, còn một trong những đề tài quan trọng sẽ được thảo luận kỳ này là Hiệp ước Thương mại với Hoa Kỳ. Hội nghị ban Chấp hành Trung ương kỳ này được dự đoán sẽ quyết định một số điểm quan trọng, đặt cơ sở cho bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan thương thuyết khi ông đến Washington vào giữa tháng tới.Trước đây có tin cho rằng một số lãnh tụ bảo thủ lo ngại việc tự do hóa thị trường sẽ khiến quyền lực của họ bị suy giảm, nên không chuẩn y bản Hiệp ước đã ký kết với Hoa Kỳ hồi tháng 11 năm ngoái. Câu hỏi đang được nhiều người đặt ra là liệu kỳ này họ có thể thương thuyết lại với Washington để mở cửa thị trường Việt Nam một cách giới hạn hay không ? Việc này xem chừng rất khó có thể xảy ra, vì giới lãnh đạo ngành lập pháp Mỹ cho biết dứt khoát không thương thuyết lại bản Hiệp ước mà các lãnh tụ ở Hà Nội đã từng đồng ý nguyên tắc, rồi lại từ chối ký kết. Ngoài ra, các đặc quyền về thương mại mà Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton vừa đề nghị Quốc hội chấp thuận cho Việt Nam bằng cách bãi miễn tu chính án Jackson-Vanik, vẫn còn gây sôi nổi vì Quốc hội Mỹ đang thảo luận để thông qua. Nhiều dân biểu lên tiếng cho biết sẽ bác bỏ đề nghị của ông Clinton vì Hà Nội vẫn còn vi phạm quyền con người.Hôm qua, một viên chức Hà Nội không muốn tiết lộ danh tánh cho phái viên hãng AFP biết là ban Chấp hành Trung ương vẫn chưa thống nhất về bản dự thảo hiệp ước, đặc biệt đối với điều khoản quy định quy chế tối huệ quốc của Việt Nam phải được Quốc hội Hoa Kỳ duyệt xét hàng năm. Lý do đơn giản là họ không thoải mái về việc mỗi năm lại bị ngành lập pháp Mỹ lên án tội vi phạm nhân quyền, mà Hà Nội cho là chuyện nội bộ của Việt Nam.Một số quan chức cao cấp đảng cộng sản Việt Nam còn tin rằng lãnh vực kỹ nghệ non yếu trong nước có thể lâm nguy khi phải đối đầu với cạnh tranh của hàng hóa Hoa Kỳ, nên họ muốn Washington phải nhân nhượng thêm nữa. Tuy nhiên, một yếu tố ngoại vi cũng tác động khá nhiều đến chính sách của Hà Nội, đó là Hiệp ước Thương mại giữa Trung quốc với Hoa Kỳ đã hoàn tất, khiến họ lo sợ bị tụt hậu. Vì một khi thị trường Hoa Lục đã tự do hóa, thì không một nhà đầu tư nước ngoài nào muốn đem tiền vào Việt Nam phiêu lưu trong hệ thống pháp lý và hành chánh thư lại chằng chịt như hiện nay.Một trong bốn đề tài chính ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam thảo luận kỳ này là xác định phương hướng phát triển kinh tế. Thời gian gần đây, các doanh nhân nước ngoài ở Việt Nam cho biết nhà cầm quyền đang bị áp lực của khóa họp Quốc hội kỳ rồi để đẩy mạnh xuất khẩu và tìm thêm thị trường xuất khẩu mới. Áp lực đó có thể nhận thấy rõ rệt đối với các mặt hàng nông sản, là thành tố chủ yếu của hàng xuất khẩu Việt Nam. Chẳng hạn như gạo và cà phê, vì giá cả trên thị trường quốc tế sút giảm đáng kể từ hồi đầu năm đến nay, khiến thu nhập nhờ xuất khẩu của Việt Nam suy giảm trầm trọng.Trong tình hình đó, nhiều doanh gia nước ngoài ở Việt Nam tỏ ý lạc quan rằng cuối cùng thì bản dự thảo Hiệp ước Thương mại cũng sẽ được hai nước ký kết. Điều đó sẽ mở ra một kỹ nguyên mới cho Việt Nam, phát triển và thịnh vượng. Tuy nhiên, ngành xuất khẩu của Việt Nam cần ít nhất là hai năm để hoàn thiện phẩm chất các mặt hàng, mới mong đạt tiêu chuẩn hầu bán được vào thị trường Hoa Kỳ. Cụ thể là về mẫu mã, bao bì và điều kiện vệ sinh của các loại nông sản. Tuy nhiên, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm xuất khẩu của Trung quốc và của các doanh nghiệp Mỹ sẽ vào Việt Nam làm ăn trong tương lai.