Lời giới thiệu: Trong tuần này, Bangkok và Bắc Kinh sẽ mừng 25 năm, ngày thiết lập mối quan hệ hữu nghị với nhau, bằng một số sinh hoạt và chương trình liên hoan tại hai thủ đô Bắc Kinh và Bangkok. Mô tả mối quan hệ thân thiện càng ngày càng nồng ấm hơn giữa Bắc Kinh và Bangkok, nhật báo The Nation của Thái Lan đã có bài viết với tựa đề mà chúng tôi xin được tạm dịch là "Trung Quốc, từ kẻ thù tệ hại nhất, thành một thân hữu tốt nhất" trong đó ghi nhận mối quan hệ giữa hai xứ tăng tiến nhanh trong ba năm gần đây. Phạm Điền dựa vào bài báo trên, viết thêm một số chi tiết sau đây...Tháng này 30 năm trước, các viên chức hoạch định chính sách của Thái Lan đã nghiên cứu phương cách nhằm thay đổi quan hệ giữa Bangkok với Bắc Kinh. Họ muốn thấy Trung Quốc ở một tư thế khác, hơn là tư thế của một quốc gia mà thời đó, từng bị gọi là loài quỷ đỏ cộng sản. Vào năm 1970, Bộ Ngoại Giao Thái cho thành lập một ủy ban xem xét các vấn đề liên hệ đến Bắc Kinh, và hiển nhiên, họ đã nghĩ tới việc liệu có thể thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc hay không. Lúc đầu Ủy ban này đối diện với các khó khăn trong việc lượng định tình hình Trung Quốc, vì tin tức trực tiếp từ Hoa Lục khó lọt ra ngoài, và vì thiếu chuyên viên. Sau đó một tiểu ủy ban đã được lập thêm cho mục đích này, và bài báo của tờ The Nation cho hay phần lớn các thành viên của tiểu ban sau này đều giữ chức đại sứ hoặc tổng giám đốc.Một trong những trung tâm cung cấp tin tức liên hệ đến Trung Quốc thời đó chính là trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York. Thời đó, người cầm đầu phái bộ Thái Lan ở Liên Hiệp Quốc là ông Anand Panyarachun sau khi theo dõi sát tất cả mọi diễn tiến, đã phúc trình cho chính phủ Thái biết các liên hệ bắt đầu nồng ấm hơn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, dấu hiệu cho thấy có sự thay đổi của chính sách Mỹ tại Á Châu. Tờ bào viết thêm là lúc đầu, chính phủ Thái không nhận ra được tầm quan trọng của chủ thuyết Nixon, khi Hoa Kỳ kêu gọi các nước trong vùng cùng nhau lo liệu lấy cho nền an ninh của họ, trong khi hầu hết đều tin rằng sẽ được Hoa Kỳ che chở, bảo vệ bằng bất kỳ giá nào. Nhưng việc Washington thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh đã khiến cho chính phủ Thái và nhiều nước khác trong vùng phải duyệt xét lại mối quan hệ giữa họ và Hoa Kỳ, cũng như đánh giá lại thế chiến lược cho toàn vùng, để phù hợp với tình thế mới.Người ta còn nhớ trong thời kỳ từ 1954 đến 1975, Thái Lan từng được xem là quốc gia đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ ở Á Châu, và được ca tụng là bức tường thành kiên cố, ngăn chống âm mưu bành trướng chủ nghĩa cộng sản của Liên Xô và Trung Quốc. Lúc bấy giờ, Thái không có một chính sách nào khác ngoài việc theo chân Hoa Kỳ. Vì thế chính sách mới của Mỹ với Trung Quốc đã khiến cho Thái Lan cũng phải thay đổi chính sách đối với kẻ thù cũ. Chính sách ngoại giao mới của Bangkok dẫn đến việc Hoa Kỳ triệt thoái quân đội ra khỏi các căn cứ trên đất Thái. Thật ra thì vào lúc đó, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trung Cộng là ông Chu Ân Lai không đặt vấn đề sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại Thái Lan ra bàn cãi, tuy nhiên, chính chính phủ Thái lại muốn Mỹ rút quân, để phù hợp với thực tế mới của toàn vùng.Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Thái Lan còn tiến xa hơn nữa. Trong thời gian cuộc chiến xảy ra ở Cambodia, Trung Quốc hổ trợ cho các lượng chống liên minh Việt Nam-Cambodia, và các nỗ lực can thiệp của ASEAN nhằm giải quyết cuộc chiến vừa nói chính là trọng tâm của quan hệ giữa Trung Quốc và tổ chức. Thái Lan lúc đó cũng lo ngại Việt Nam sẽ đưa quân vượt Xứ Chùa Tháp để vào đất của mình, nên chính phủ Bangkok rất biết ơn về sự hậu thuẫn mà Trung Quốc dành cho họ. Trong trận chiến ngắn ở vùng biên giới giữa Thái và Lào năm 1986, Trung Quốc đã nhanh chóng hỗ trợ cho Bangkok đạn dược, giúp Thái tăng cường khả năng phòng thủ, và các nhà lãnh đạo Thái không thể nào quyến được ân nghĩa này. Trong ba năm qua, mối quan hệ giữa Thái và Trung Quốc tăng tiến thật nhanh chóng. Tháng Hai năm 1998, hai nước ký bản hiệp ước lịch sử, cam kết đẩy mạnh hợp tác trong thế kỷ 21, vzà văn kiện ngoại giao này được dùng làm mẫu mực cho mối quan hệ của các nước trong ASEAN với Bắc Kinh. Bằng chứng là trong hai năm qua, hơn phân nửa các nước hội viên ASEAN đã ký hiệp ước tương tự với Trung Quốc, và cũng giống như Thái Lan, họ thừa nhận vai trò quan trọng của Trung quốc đối với ASEAN.Tờ The Nation cho rằng hiện có hai chiều hướng thay đổi đang được nhìn nhận. Trước hết, Trung Quốc không còn là một cường quốc tự cô lập hay bị cô lập như trước nữa, mà là một quốc gia tham dự vào tất cả các sinh hoạt của cộng đồng thế giới, và có ảnh hưởng về kinh tế cũng như chính trị khắp mọi nơi. Vì thế, không ai ngạc nhiên khi thấy Thái Lan đang tiến tới việc hình thành một mối hợp tác chiến lược với Trung Quốc, như các cường quốc khác đã làm, để tăng cường hợp tác song phương với Bắc Kinh, đặc biệt là hai lãnh vực an ninh và quốc phòng.Thứ đến, là giới lãnh đạo Bangkok dự đoán trong vòng 25 năm tới, Trung Quốc sẽ có một nền kinh tế lớn nhất thế giới, vì thế, ưu tiên hàng đầu của Thái Lan là làm sao thuyết phục Hoa Lục trở thành một phần trong các hệ thống kinh tế vùng, như tham dự vào Tổ Chức Hợp Tác Kinh Tế Của Khu Vực Bangladesh-Ấn-Miến-Sri Lanka và Thái, đồng thời thúc đẩy giới lãnh đạo Bắc Kinh tăng cường sự hỗ trợ cho kế hoạch Hợp Tác Sông Mekong, cũng như trong khuôn khổ các chương trình hợp tác của ASEAN.