100 quốc gia trên thế giới ký kết Tuyên Ngôn Warsaw

Lời giới thiệu: Một diễn biến lịch sử diễn ra hồi đầu tuần này tại Ba Lan đã nhiều lần chiếm hàng đầu các bản tin quốc tế. Đó là hội nghị toàn cầu với chủ đề: "Tiến tới cộng đồng các nền dân chủ". Sau hai ngày thảo luận, hôm 27-6 vừa qua, Ngoại trưởng và đại diện chính phủ của 100 quốc gia tham dự đã ký kết bản Tuyên Ngôn Warsaw, nhấn mạnh mối liên hệ hỗ tương giữa các yếu tố hòa bình, phát triển, nhân quyền và dân chủ, đồng thời xác nhận rằng các giá trị dân chủ hoàn toàn đồng nhất với nhau trên thế giới. Lê Dân lược thuật diễn biến như sau... Bản tuyên ngôn Warsaw mang ấn ký của ngoại trưởng 100 quốc gia, từ Albania đến Yemen, long trọng cam kết tuân thủ các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.Trong phần mở đầu, cộng đồng 100 nền dân chủ thế giới này tái khẳng định sự tôn trọng các định chế công pháp quốc tế, công nhận rằng các giá trị về dân chủ đều giống nhau trên thế giới, và các yếu tố hòa bình, phát triển, nhân quyền và dân chủ đều liên hệ chặt chẽ với nhau. Điều này có nghĩa là muốn hòa bình, phát triển, thì phải có nhân quyền và dân chủ, và ngược lại.Vì thế bản Tuyên ngôn liệt kê những quyền tự do của con người, và xác định đó là những nguyên tắc cốt lõi của dân chủ cần phải được tôn trọng. Cộng đồng các nền Dân chủ Thế giới nhân dịp này đã đề ra một số phương hướng để đẩy mạnh việc thực hiện và củng cố thể chế dân chủ thực sự trên toàn cầu, vì 100 nước ký kết bản Tuyên ngôn Warsaw này đang ở vào nhiều giai đoạn dân chủ khác nhau, nước đã gần hoàn tất, có nước lại mới bắt đầu. Do đó, các nước sẽ cộng tác, nhưng vẫn tôn trọng chủ quyền, và không can thiệp vào những việc nội bộ của nhau, để trợ giúp nhau đạt được mục tiêu dân chủ đã định.Bản tuyên ngôn cho biết các nước sẽ tìm cách tăng cường các định chế và tiến trình xây dựng dân chủ qua việc trao đổi kinh nghiệm, để tìm phương cách thực hiện hữu hiệu nhất. Các thành viên cũng phối hợp chặt chẽ để ngăn ngừa các hiểm nguy cho nền dân chủ, chẳng hạn như việc đảo chánh các chính phủ dân cử, các tội phạm xuyên biên giới như buôn lậu võ khí và ma túy... Các công tác đó sẽ được thực hiện trong tinh thần tôn trọng nhân quyền và công pháp quốc tế.Cộng đồng các nền dân chủ Thế giới yêu cầu các nhà lãnh đạo nên tiếp tục thái độ khoan hòa và nhân nhượng, cùng với sự tôn trọng tính đa số, vốn là những yếu tố hỗ trợ cho hệ thống dân chủ. Đồng thời, cộng đồng đề cao các định chế xã hội dân sự như các đoàn thể tổ chức phụ nữ, phi chính phủ, các hiệp hội lao động và thương nghiệp, các cơ quan truyền thông độc lập... vì họ thực thi quyền dân chủ hiến định của mình. Mọi công dân, bất kể nam hay nữ, hoặc các nhóm thiểu số, tất cả đều phải được thông tin đầy đủ về đời sống kinh tế và chính trị của quốc gia, vì đây là yếu tố cơ bản cho một nền dân chủ sinh động và bền vững.Bản Tuyên ngôn Warsaw nhấn mạnh việc khuyến khích các mối quan hệ liên chính phủ và giữa con người với con người, cổ võ công tác giáo dục, gồm cả việc giáo dục dân chủ. Nhờ đó mà các định chế dân chủ mới vững chắc và giá trị dân chủ mới được truyền bá rộng rãi. Các nước thành viên đặt sự quan trọng của người dân lên hàng đầu bằng cách cải thiện điều kiện sống của họ, đồng thời công nhận tiến trình dân chủ hóa góp phần rất lớn trong việc tăng trưởng kinh tế.Để đạt được những mục tiêu đó, các nước ký kết bản Tuyên ngôn Warsaw cam kết sẽ trợ giúp nhau trong các chương trình phát triển xã hội và kinh tế, chẳng hạn như việc xóa đói giảm nghèo, vì điều này cũng rất cần thiết nhằm phát triển và duy trì thể chế dân chủ.Đến đây chúng tôi xin được nhắc lại rằng ngoài Ba Lan là nước đăng cai tổ chức, hội nghị với chủ đề "Tiến tới cộng đồng các nền Dân chủ" còn do Hoa Kỳ, Chilê, Ấn Độ, Mali, Nam Hàn và Cộng Hòa Czech đồng bảo trợ. Ngoại trưởng Ba Lan Bronislaw Geremek cho biết dù không chủ trương kỳ thị, nhưng có một số quốc gia không được mời tham dự vì thiếu thật tâm xây dựng dân chủ đích thực, ông khuyên những nước đó nên duyệt lại đường lối, chính sách của họ, để phục vụ lợi ích thật sự cho người dân.Các nước này gồm Trung quốc, Iraq, Iran, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam.