Kế hoạch cải tổ quân đội Nga gặp nhiều chống đối


2002.01.01

Lời giới thiệu: Mười năm sau khi Liên Sô sụp đổ, quân lực Nga đã rơi vào tình trạng cùng quẫn, nhưng mặc dầu vậy những cố gắng nhằm cải tổ lại các lực lượng quân sự của Nga của tổng thống Putin vẫn gặp những chống đối mạnh mẽ từ chính các cấp chỉ huy quân sự. Mạnh Hùng tường thuật... Việc cải tổ quân lực đứng hàng đầu trong nghị trình làm việc của Tổng thống Vladimir Putin. Nhưng những cố gắng của ông đã gặp phải những chống đối gay gắt từ phía các tướng lãnh quân đội vốn vẫn còn coi phương Tây như là kẻ thù chính của nước Nga. Ngoài ra ông còn gặp một trở ngại nữa, đó là tình trạng thê thảm của các binh sĩ và kho vũ khí của Nga. Khi Liên Bang Sô Viết bị sụp đổ vào năm 1991, các nước Cộng Hòa Sô Viết cũ được hưởng các căn cứ và kho vũ khí của Liên Sô để trên đất nước họ. Tuy rằng quân đội Nga giữ lại được toàn thể các vũ khí hạch tâm, nhưng họ đã bị mất đi một khối lượng lớn các vũ khí quy ước tối tân nhất. Trong khi đó các tướng lãnh Nga cố vật lộn để giữ lại một bộ máy quân sự như cũ với một ngân sách chỉ bằng một phần nhỏ ngân sách quân sự cũ. Kết quả là một tình trạng suy thoái rối bời. Không quân thiếu ngân khoản đến nỗi phi công chỉ có thể bay tập mỗi năm có 25 giờ so với 200 giờ tối thiểu tại phương Tây. Hậu quả là các tai nạn máy bay xảy ra thường xuyên vì phi công thiếu huấn luyện và máy bay thiếu bảo trì. Vụ tầu ngầm Kursk bị đắm vào tháng 8 năm 2000 mới tiết lộ cho dân chúng Nga biết là hải quân Nga đã đóng gói hầu hết các tầu cấp cứu và giải thể đơn vị người nhái biển sâu để tiết kiệm ngân sách. Hải quân Nga cũng than phiền là họ không có đủ tiền để chống lại những vụ xâm nhập vào chính hải phận Nga chứ đừng nói đến việc gởi tầu đi ra ngoài biển xa. Khoảng 70% các chiến hạm của Nga cần phải được đại tu. Còn về tinh thần quân sĩ, vốn đã bị suy thoái mạnh trong cuộc chiến thất bại tại Afghanistan nay còn xuống thấp hơn nữa với tình trạng nghèo đói và túng thiếu. Tham nhũng thì tràn lan, trong khi người ta có thể thấy các binh lính trẻ đi ăn xin đồ ăn và thuốc lá tại trước các cửa hàng. Ông Putin quyết tâm muốn sửa đổi lại tình trạng đó. Kế hoạch của ông bao gồm cắt giảm 1/3 lực lượng quân đội trong vòng ba năm tới, hiện đại hóa kho vũ khí, dần đà hủy bỏ chế độ quân dịch và biến quân đội Nga thành một lực lượng chuyên nghiệp. Nhưng ngoài vấn đề thiếu tiền, kế hoạch này còn gặp những sự chống đối mạnh mẽ từ phía các tướng lãnh. Quyết định đứng về phía Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố của ông Putin đã làm cho các tướng lãnh giận dữ. Một tướng Nga, đại tướng Leonid Ivashov, cựu tổng giám đốc cục hợp tác quốc tế của Bộ Quốc Phòng Nga nói rằng làm như vậy có nghĩa là chính sách ngoại giao của Nga nay trở thành tùy thuộc vào Mỹ và phương Tây. Ông chỉ trích quyét định của Tổng thống Putin đóng cửa một trung tâm tình báo tại Cuba cũng như là căn cứ hải quân của Nga tại Cam Ranh. Đặc biệt là họ chỉ trích quyết định của điện Kremlin cho phép binh sĩ đến vùng Trung Á. Tuy nhiên, trái với tình hình cách đây 5 năm khi Tổng thống Boris Yeltsin ra một sắc lệnh đòi chấm dứt chế độ quân dịch trong vòng 4 năm để rồi phải rút lại vì sự chống đối của các tướng lãnh, lần này các nhà phân tích không cho rằng ông Putin có nguy cơ gì về một cuộc đảo chính khả dĩ. Việc xáp lại gần với Hoa Kỳ đã cho ông Putin một cơ hội chưa từng có để cắt giảm chi phí và cải tổ quân đội. Tuần trước, Tổng thống Bush của Mỹ đề nghị cắt kho vũ khí hạch tâm của Mỹ từ 6.000 xuống còn khoảng 1.700 đến 2.200 đầu đạn. Ông Putin nói Nga còn muốn xuống thấp hơn nữa, khoảng 1.500. Các nhà phân tích cho rằng sở dĩ ông Putin muốn vậy vì các đầu đạn hạch tâm của Nga hầu hết là đã gần hết hạn, và sẽ phải bị phá hủy trong vòng vài năm nữa. Cắt giảm như thế này sẽ giúp Nga đỡ một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém mới với Hoa Kỳ. Việc triển khai loại hỏa tiễn đạn đạo mới Topol M đến nay đã chậm trễ hơn dự trù nhiều. Hiện Nga mới triển khai được 26 hỏa tiễn mới này trong 3 năm qua tuy rằng họ dự tính phải đặt được từ 30 đến 40 hỏa tiễn một năm. Nội các Nga lúc gần đây đã xét đến một dự án của một số nhà kinh tế và dân biểu đề nghị hủy bỏ chế độ quân dịch vào năm 2004. Các tướng lãnh quân đội thì nói rằng họ cần có nhiều thời gian hơn nhưng họ cũng không chống đối. Theo ông Ivan Safranchuk, giám đốc văn phòng Moscow của Trung Tâm Thông Tin Quốc Phòng, một cơ quan nghiên cứu có trụ sở ở Washington thì quân đội Nga sẽ tìm cách để kéo dài và làm loãng đi những cải tổ thay vì chống đối trực tiếp. Theo ông thì quân đội sẽ thi hành lệnh trên, nhưng họ sẽ tìm cách trì hoãn càng lâu càng tốt.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.