Tình hình eo biển Đài Loan lại thêm căng thẳng

Lời giới thiệu: tình hình eo biển Đài Loan vốn ít khi hòa dịu, hồi cuối tuần qua lại thêm căng thẳng sau khi Tổng thống Trần Thủy Biển lần đầu tiên mạnh mẽ lên tiếng kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý tại Đài Loan về vấn đề độc lập khỏi Hoa Lục. Lê Dân lược thuật các diễn biến như sau.

Hôm qua, phát ngôn nhân Lý Duy Nhất của Văn phòng Đài Loan Sự vụ tại Bắc Kinh lên tiếng cho rằng bài diễn văn trực diện nhất mà ông Trần Thủy Biển đưa ra kể từ khi ông nhận chức Tổng thống Đài Loan cách nay hai năm, đã chứng tỏ quyết tâm đòi độc lập khỏi Hoa Lục.

Trong cuộc họp báo được triệu tập vội vã vào sáng sớm thứ Hai, người phát ngôn này tuyên bố là Bắc Kinh nghiêm khắc cảnh cáo những thế lực chủ trương ly khai ở Đài Loan chớ nên nhận định tình thế một cách sai lạc, mà nên chận con ngựa ngay bờ vực thẳm và chấm dứt lập tức mọi hoạt động đòi ly khai khỏi Hoa Lục.

Theo các nhà phân tích thì tình thế mà người đại diện Bắc Kinh nhắc đến là thời gian "nhạy cảm" từ nay đến cuối năm, khi Trung Quốc sắp xếp lại thành phần nhân sự lãnh đạo, nên cố tránh mọi va chạm về vấn đề Đài Loan. Thế nhưng Tổng thống Trần Thủy Biển có vẻ như đang cố tình lợi dụng điều đó, nhất là vào lúc nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Washington để tranh tiên đi một nước cờ.

Hôm thứ Bảy từ Đài Bắc phát biểu qua vệ tinh với hội nghị lần thứ 29 của Liên đoàn Thế giới Các Hiệp hội Đài Loan đang nhóm họp tại Tokyo, Tổng thống Trần Thủy Biển đã kêu gọi người Đài Loan gìn giữ đặc tính của mình để vững tin vào tương lai của đảo quốc này. Điều được nhiều người lưu ý là ông sử dụng thổ ngữ Đài Loan để phát biểu, thay vì tiếng Phổ Thông, và được lưu ý hơn nữa khi nhà lãnh đạo này khẳng định rằng Đài Loan không là một phần lãnh thổ của bất cứ nước nào, Đài Loan không thể là một Hồng Kông hay Macao thứ nhì, vì Đài Loan là một quốc gia với đầy đủ chủ quyền.

Tổng thống Trần Thủy Biển cho rằng chỉ có 23 triệu người Đài Loan mới có quyền quyết định về tương lai, vận mệnh và tư cách pháp lý cho đất nước họ, qua phương thức hợp lý nhất là trưng cầu dân ý. Vì trưng cầu dân ý là quyền con người cơ bản nhất và 23 triệu người Đài Loan có đầy đủ quyền tự do này, nên quyết không để nó bị giới hạn hay tiêu hủy đi.

Lời tuyên bố của ông Trần Thủy Biển làm hài lòng đảng Dân chủ Tiến bộ của ông, vốn chủ trương độc lập khỏi Hoa Lục. Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng lời tuyên bố đó có thể khiến Washington phiền lòng, dù từng cam kết giúp Đài Loan tự bảo vệ, nhưng lại không muốn gây căng thẳng với Bắc Kinh.

Có lẽ vì thế mà bà Tề Anh Văn, người đứng đầu Văn phòng Hoa Lục Sự vụ của Đài Bắc, đã được bất thần tháp tùng phái đoàn của Thủ tướng Đài Loan Du Tích Khôn sang viếng thăm Trung Mỹ, với nhiệm vụ trấn an Hoa Kỳ khi phái đoàn ghé New York. Trước khi lên đường, bà nói không nên diễn giải lời tuyên bố của ông Trần Thủy Biển một cách quá đáng, vì Đài Loan không muốn tình trạng thoải mái hiện có bị hủy hoại hoặc thay đổi.

Hôm qua, phát ngôn nhân quân sự Đài Loan cho biết chưa có cuộc chuyển quân bất thường nào bên Hoa Lục, nhưng thị trường chứng khoán Đài Bắc đã rúng động, sụt mất gần 6 phần trăm, tức rơi vào mức kỷ lục thấp nhất từ 8 tháng qua vì giới đầu tư lo ngại xung đột có thể xảy ra ngang qua eo biển.

Doanh giới Đài Loan đã đầu tư vào Hoa Lục cả trăm tỷ đôla kể từ khi quan hệ đôi bên được gián tiếp mở cửa hồi cuối thập niên 80 đến nay, và cho đến giờ, họ vẫn không nghe lời khuyên của Tổng thống Trần Thủy Biển để đầu tư nơi khác.